Trang chủ

ĐỐI SÁCH CỦA CÁC QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ Ở ĐÔNG BẮC Á VỀ NHỮNG BIẾN ĐỔI XÃ HỘI

Đăng ngày: 26-11-2013, 09:10 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Trần Thị Nhung chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 231 trang

Kí hiệu: Vv 2471

 

Từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu tiến hành cải cách, mở cửa, đặc biệt từ những năm 1990, xã hội Việt Nam có những biến đổi sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, cùng với chủ trương đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn coi trọng vấn đề tìm ra các giải pháp hữu hiệu, đề ra các chính sách nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ, tránh những nguy cơ đổ vỡ.

Trong quá trình phát triển kinh tế, các nước Đông Bắc Á đã gặt hái được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những biến đổi mạnh mẽ của xã hội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức trong đó có những vấn đề xã hội như biến đổi cơ cấu dân số, gia tăng bất bình đẳng xã hội, biến đổi gia đình, tôn giáo. Do sự gần gũi về địa lý, sự tương đồng về văn hóa và sự phát triển các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Bắc Á nên đối sách của các quốc gia này trong bối cảnh mới sẽ có những tác động tới Việt Nam. Vì vậy, việc tìm hiểu những đối sách mà chính phủ các nước Đông Bắc Á thực thi trước những biến đổi xã hội để gợi mở những vấn đề về kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội là một việc làm cần thiết.

Với ý nghĩa và tính cấp thiết như vậy, tập thể tác giả do TS. Trần Thị Nhung làm chủ biên đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội”. Nội dung cuốn sách được thể hiện trong ba chương.

Chương 1: Những biến đổi xã hội chủ yếu ở các nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á. Mục đích chính của chương này là tìm hiểu những biến đổi cơ bản về xã hội ở các nước Đông Bắc Á như biến đổi dân số; gia tăng bất bình đẳng xã hội; sự chuyển đổi gia đình truyền thống sang hiện đại; xung đột tôn giáo. Tuy nhiên, để bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân tạo nên sự thay đổi, các tác giả còn phân tích những nhân tố tác động cả trong và ngoài nước trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực. Bên cạnh đí, việc dự báo xu hướng biến đổi xã hội của các nước và vùng lãnh thổ cũng được đề cập đến.

Chương 2: Đối sách của một số nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về những biến đổi xã hội. Chương này tập trung phân tích những đối sách của các nước Đông Bắc Á trước những biến đổi xã hội để hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực, phát huy vai trò tích cực của các thành tố, các mối quan hệ trong đời sống xã hội. Những biến đổi xã hội theo chiều hướng xấu như phân hóa giàu nghèo, cơ cấu dân số bất hợp lý (tỷ lệ người già cao, tỉ lệ sinh giảm mạnh, mất cân bằng giới tính), bất công bằng về điều kiện sống, chăm sóc y tế, giáo dục, xung đột tôn giáo… được tập trung phân tích khá chi tiết.

Chương 3: Những kinh nghiệm có thể tham khảo và vận dụng vào Việt Nam. Chương này phân tích một số biến đổi của xã hội Việt Nam như biến đổi về cơ cấu dân số, phân hóa giàu nghèo, gia đình và các mối quan hệ xã hội, đánh giá những đối sách của các nước Đông Bắc Á trước những biến đổi xã hội. Từ đó gợi mở một số chính sách, biện pháp cho Việt Nam trong việc giải quyết một số vấn đề xã hội để hạn chế những tác động tiêu cực và phát huy những tác động tích cực của sự biến đổi xã hội trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay.

Có thể thấy, cuốn sách đã phân tích và luận giải những đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan) trước những biến đổi xã hội của các nước này để từ đó rút ra một số kinh nghiệm đối với Việt Nam. Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á được phân tích trong cuốn sách là những chính sách, biện pháp ứng phó với một số vấn đề xã hội nổi bật của khu vực hiện nay, không phải là những biến đổi mang tính nhất thời, mà  là những thách thức lớn lao cản trở sự phát triển bền vững của xã hội cần được giải quyết.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận