Trang chủ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN HIỆN ĐẠI CỦA NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN NHẬT BẢN

Đăng ngày: 27-10-2012, 09:58 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Dương Minh Tuấn chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, 274 trang

Kí hiệu: Vv 2430

Trên thế giới, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, không có một nước nào có thể xem nhẹ sự phát triển nông nghiệp – nông thôn. Các nước Đông Á nơi đất chật người đông, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, song đã biết tập trung các nguồn lực để phát triển khu vực nông nghiệp – nông thôn. Nhờ vậy, không những bản thân khu vực này có được sự thay đổi lớn lao mà còn đóng vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước trước đây cũng như hiện nay. Nhật Bản là một ví dụ khả điển hình về vấn đề này. Là một đất nước nghèo tài nguyên và chủ yếu dựa vào nông nghiệp song Nhật Bản là nước đầu tiên ở Châu Á từ một nước nông nghiệp lạc hậu đã thực hiện quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX và hoàn thành vào nửa cuối thế kỷ XX. Hơn thế nữa, từ một nước hoàn toàn đổ vỡ, kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản đã vươn lên trở thành nước tư bản phát triển hàng đầu thế giới, có cơ cấu công – nông nghiệp hiện đại, thành thị và nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Sự phát triển nông nghiệp – nông thôn Nhật Bản trong quá trình phát triển, hiện đại hóa nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh mới hiện nay được xem là một nội dung khá hấp dẫn thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng như với chính các học giả Nhật Bản. Từ nhiều cách tiếp cận khác nhau, hoặc bàn luận trực tiếp chủ đề này hoặc thông qua nghiên cứu gắn liền sự phát triển nông nghiệp với sự phát triển của các ngành kinh tế khác như một chỉnh thể thống nhất, các tác giả đã khá thành công khi làm rõ được quá trình và nội dung của sự phát triển nông nghiệp – nông thôn ở Nhật Bản.

Bên cạnh các công trình nghiên cứu của nước ngoài, ở Việt Nam, ngoài những sách dịch về kinh tế Nhật Bản, một số công trình nghiên cứu về nông nghiệp – nông thôn Nhật Bản đã được công bố. Tuy nhiên, đây vẫn còn là mảng nghiên cứu chưa được tập trung thích đáng và vẫn chưa có công trình chuyên sâu về vấn đề này. Đặc biệt, nghiên cứu kinh nghiệm của Nhật Bản để rút ra các bài học tham khảo cho Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới hiện nay vẫn còn rất thiếu vắng. Trước yêu cầu đó, nhóm tác giả Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á gồm TS. Dương Minh Tuấn (chủ biên), TS. Phạm Quý Long và Ths. Phạm Thị Xuân Mai đã cho ra đời cuốn “Một số vấn đề cơ bản về con đường phát triển hiện đại của nông nghiệp và nông thôn Nhật Bản”. Nội dung cuốn sách được chia thành 3 chương như sau:

Chương I: Tổng quan về sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn Nhật Bản. Trong chương này, tác giả nêu lên những đặc trưng chủ yếu, có tính đặc thù cũng như vai trò và vị trí của nông nghiệp – nông thôn Nhật Bản đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chương II: Các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn Nhật Bản. Trong đó tác giả trình bày một số giải pháp chủ yếu như giải pháp về đất đai trong nông nghiệp; giải pháp liên quan đến cơ cấu kinh tế nông nghiệp; giải pháp liên quan đến quan hệ giữa đô thị và nông thôn; giải pháp đối với sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp; giải pháp liên quan đến hợp tác quốc tế và bảo hộ nông nghiệp; giải pháp về tổ chức và quản lý nông nghiệp.

Chương III: Khái quát mô hình phát triển nông nghiệp – nông thôn Nhật Bản và một vài liên hệ với Việt Nam. Tác giả đã làm rõ những thành tựu và các vấn đề đặt ra đối với sự phát triển nông nghiệp- nông thôn Nhật Bản cũng như mô hình và những kinh nghiệm phát triển của nông nghiệp, nông thôn Nhật Bản đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa hiện nay.

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể thấy rằng quy mô canh tác nhỏ, manh mún cộng với sự bảo hộ quá mức sẽ làm cho nông nghiệp trở nên kém hiệu quả. Hiện nay, đất đai ở nước ta vẫn thuộc sở hữu của nhà nước, nông dân được quyền sử dụng đất. Quy mô canh tác ở nước ta vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, việc xây dựng ồ ạt các khu công nghiệp cũng như việc chuyển đất nông nghiệp thành đất ở trong những năm qua đã lấy mất nhiều vùng đất màu mỡ. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển nông nghiệp cũng như an ninh lương thực của nước ta trong những năm tới. Cũng giống như Nhật Bản, chúng ta đang thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, khuyến khích việc cho nông dân thuê đất. Nhưng do chưa có một khung pháp lý chặt chẽ nên người nông dân vẫn chưa mạnh dạn trong đầu tư và phát triển sản xuất. Để nông nghiệp khát triển có hiệu quả hơn thì việc mở rộng quy mô canh tác, giữ gìn nguồn tài nguyên đất nông nghiệp là một việc làm cấp thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là cần phải có chính sách phát triển công nghiệp nông thôn thì mới thu hút được lượng lao động dư thừa trong nông nghiệp, tạo điều kiện để nông dân có khả năng mở rộng quy mô sản xuất và nông nghiệp phát triển tốt hơn. Từ những mô hình và kinh nghiệm phát triển nông nghiệp – nông thôn của Nhật Bản được trình bày trong cuốn sách này, Việt Nam sẽ có được những tham khảo hữu ích trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của mình. Đây là tài liệu khá lý thú. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận