Trang chủ

KINH TẾ, CHÍNH TRỊ ĐÔNG BẮC Á GIAI ĐOẠN 2001-2020

Đăng ngày: 16-09-2013, 17:35 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, TS. Đặng Xuân Thanh đồng chủ biên

Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, 350 trang

Kí hiệu: Vv 2475

Đông Bắc Á nói chung, các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực này nói riêng, có vai trò và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với an ninh và phát triển của Việt Nam. Thứ nhất, an ninh Đông Bắc Á và Đông Nam Á không tách rời, mà gắn kết, tương quan chặt chẽ với nhau. Đặc biệt là các tuyến đường biển Tây Thái Bình Dương nối liền hai khu vực này trong một không gian địa chiến lược thống nhất. Thứ hai, các nền kinh tế thuộc hai khu vực này trong đó có Việt Nam nằm trong một mạng lưới sản xuất kết nối chằng chịt, có mức độ tùy thuộc lẫn nhau ngày càng cao. Thứ ba, đây là địa bàn cạnh tranh và hợp tác chiến lược then chốt bậc nhất của hầu hết các đối tác chiến lược lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga, cũng như các đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của nước ta bao gồm cả vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và các nước bạn truyền thống như Mông Cổ, Triều Tiên, do đó có ảnh hưởng quan trọng đến chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam.

Cuốn sách “Kinh tế, chính trị Đông Bắc Á giai đoạn 2001-2020” ra đời trong khuôn khổ thực hiện chương trình khoa học cấp bộ “Những vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật của khu vực Đông Bắc Á thập niên 2011-2020” của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, có mục đích phân tích, đánh giá những vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật trong thập niên 2001-2010 của Đông Bắc Á nói chung, cũng như từng quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực này nói riêng, trên cơ sở đó đưa ra dự báo về những vấn đề và xu hướng kinh tế, chính trị nổi bật trong thập niên 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Công trình cũng sẽ dự báo tác động của những vấn đề nổi bật của khu vực Đông Bắc Á đối với Việt Nam, từ đó rút ra một số gợi ý cho việc xây dựng các chính sách đối nội và đối ngoại của nước ta trong giai đoạn tới. Nội dung của cuốn sách gồm 3 phần chính. Chương I – phân tích quá khứ, Chương II – dự báo tương lai và Chương III – đánh giá tác động và gợi ý chính sách.

Chương I: Kinh tế, chính trị của khu vực Đông Bắc Á thập niên 2001-2010. Chương này đặt trọng tâm vào phân tích đất nước học, đi sâu phân tích các vấn đề kinh tế, chính trị nổi bật của từng quốc gia và vùng lãnh thổ trong thập niên 2001-2010 cụ thể là những vấn đề kinh tế và chính trị nổi bật của Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Mông Cổ. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích về cục diện Đông Bắc Á trong trật tự thế giới. Các phân tích này cho phép phát hiện các vấn đề, xu thế chung của khu vực, làm điểm xuất phát cho các dự báo trong phần sau.

Chương II: Dự báo những chuyển dịch kinh tế và chính trị của khu vực Đông Bắc Á thập niên 2011-2020. Chương này đặt trọng tâm vào khu vực học, đưa ra dự báo về các vấn đề, xu thế của toàn khu vực, sau đó mới đi sâu dự báo các xu hướng biểu hiện đặc thù ở từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể chương này đã phân tích về trật tự kinh tế, chính trị thế giới và cục diện Đông Bắc Á; các điểm nóng tiềm tàng; chủ nghĩa khu vực và tiến trình hội nhập kinh tế Đông Bắc Á; tái cấu trúc các nền kinh tế; an ninh năng lượng; vấn đề dân số; và chủ nghĩa dân tộc.

Chương III: Tác động đối với Việt Nam và một số gợi ý chính sách. Chương này tổng hợp các kết quả phân tích của các phần trước, rút ra những nhận định then chốt nhất về kinh tế và chính trị khu vực, từ đó dự báo tác động có thể của các vấn đề, xu thế nổi bật của khu vực Đông Bắc Á đối với Việt Nam, đồng thời đề xuất một số đối sách cho Việt Nam nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia trước các biến động của khu vực này, cũng như một số bài học rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á.

Mỗi chương đều trình bày theo thứ tự từ khái quát đến cụ thể: trước hết đề cập đến cục diện chung của khu vực Đông Bắc Á với tư cách là một thực thể địa kinh tế và địa chính trị lớn trong trật tự thế giới, trong đó các tác giả đã cố gắng trình bày những nhận định, đánh giá khái quát về trạng thái và động thái của khu vực, làm cơ sở cho các phân tích chuyên sâu sau đó về từng quốc gia cũng như về từng vấn đề cụ thể.

Với 350 trang, lối trình bày khoa học, cuốn sách đã nêu bật và phân tích được về những thách thức to lớn phải xử lý, những cản trở phức tạp phải vượt qua, những đe dọa nghiêm trọng phải ứng phó, những xu thế chủ yếu có khả năng chi phối hay những sự kiện quan trọng gây chấn động mạnh và có tác động lâu dài về chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế đối với các quốc gia Đông Bắc Á nói riêng, cũng như toàn khu vực nói chung. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận