Trang chủ

ĐỐI SÁCH CỦA CÁC QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ ĐÔNG BẮC Á VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2001-2020

Đăng ngày: 13-06-2013, 05:39 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Trần Quang Minh chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 287 trang

Kí hiệu: Vv 2462

Trong mấy thập kỷ qua, Đông Bắc Á đã trở thành khu vực phát triển năng động nhất trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng đã để lại những hậu quả nghiệm trọng về môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của của mỗi quốc gia nói riêng và cả khu vực nói chung. Sau sự thần kỳ của Nhật Bản trong những năm 1960 và 1970, của Hàn Quốc trong những năm 1970 và 1980 và sự nổi lên của Trung Quốc trong hai thập kỷ gần đây, với nhu cầu sử dụng năng lượng hóa thạch tăng lên tới mức khổng lồ, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường không chỉ cho bản thân các quốc gia này mà còn ảnh hưởng lớn tới các nước trong khu vực. Trên phạm vi toàn cầu, sự gia tăng nhanh chóng của nồng độ các loại khí nhà kính, đặc biệt là CO2 trong bầu khí quyển do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình công nghiệp hóa của các nước, đặc biệt là trong mấy thập kỷ gần đây, được coi là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Biến đổi khí hậu, một trong những hệ quả nghiêm trọng của quá trình công nghiệp hóa, cùng với hàng loạt các vấn đề về môi trường khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất đã và đang gây ra những tác động tiêu cực hết sức nghiêm trọng đe dọa sự tồn vong của sự sống trên trái đất. Nhân loại đã ý thức được điều này nên đã và đang cố gắng khắc phục những sai lầm của mình nhằm cứu trái đất. Các nước trong khu vực Đông Bắc Á, tùy theo trình độ phát triển của mình cũng đều đã có những chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường, xây dựng cuộc sống xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề về môi trường là những công việc hết sức khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng hiện nay do trình độ phát triển của các nước rất khác nhau, sự phối hợp giữa các nước cũng như việc thực hiện các cam kết của các nước về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Ngay cả với giả định tất cả các quốc gia trên thế giới nghiêm chỉnh thực hiện Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính thì biến đổi khí hậu vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong mấy chục năm tới do hậu quả của việc phát thải quá mức khí nhà kính vào khí quyển trong những thập kỷ vừa qua. Những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường đối với các nước trong khu vực trong những thập niên tới chắc chắn sẽ vẫn hết sức nghiệm trọng. Vì thế, mỗi quốc gia trong khu vực phải có những đối sách của mình đối với những thách thức về biến đổi khí hậu và môi trường, trước hết là để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và cuộc sống tốt đẹp của bản thân nước mình, sau đó là góp phần vào nỗ lực chung của cả khu vực và thế giới để giải quyết vấn đề này.

Việt Nam đang trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những hệ lụy của biến đổi khí hậu không loại trừ Việt Nam. Các vấn đề về môi trường của Việt Nam cũng hết sức nghiêm trọng. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề môi trường cũng như định hướng đối sách của các nước trong khu vực về các vấn đề này trong thập kỷ tới chắc chắn sẽ là những tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong việc hoạch định chiến lược phát triển quốc gia đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững. Xuất phát từ yêu cầu này, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho ra đời cuốn “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á về biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001-2020”. Cuốn sách có kết cấu 3 chương.

Chương 1: Biến đổi khí hậu: biểu hiện, hệ lụy và đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á. Trong chương này, các tác giả trình bày tổng quan về biến đổi khí hậu và hệ lụy của nó ở một số nước Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu lên đối sách của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chương 2: Môi trường - một số vấn đề nổi bật và đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á. Ở đây, các tác giả đã đưa ra khái niệm về ô nhiễm môi trường, đồng thời phân tích quan hệ giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu lên những đối sách của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan về vấn đề chống ô nhiễm môi trường.

Chương 3: Một số vấn đề nổi bật về biến đổi khí hậu và môi trường ở Việt Nam và kiến nghị chính sách. Trong đó, các tác giả phân tích tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ở Việt Nam và một số vấn đề môi trường nổi bật ở Việt Nam, đồng thời đưa ra một số định hướng chính sách và những giải pháp cụ thể.

Như vậy có thể thấy, nội dung chính của cuốn sách hướng vào tổng hợp, phân tích và đánh giá đối sách của một số quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan về biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường giai đoạn 2001-2020. Từ kinh nghiệm của các quốc gia và vùng lãnh thổ này và căn cứ thực trạng các vấn đề nói trên ở Việt Nam, đề xuất các giải pháp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề nổi bật về môi trường của nước ta. Đây là cuốn sách vô cùng bổ ích và lý thú. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận