Trang chủ

ĐỐI SÁCH CỦA CÁC QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ Ở ĐÔNG BẮC Á VỀ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG VÀ THÚC ĐẨY HỘI NHẬP KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2011-2020

Đăng ngày: 13-06-2013, 05:38 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Phạm Quý Long chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2013, 270 trang

Kí hiệu: Vv 2456

 

Không thể phủ nhận rằng, bước sang năm 2013, khu vực Đông Bắc Á tiếp tục chứng tỏ là một khu vực kinh tế năng động và có vai trò rõ rệt đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Nhìn lại hơn một thập niên trôi qua, xét riêng ở góc độ kinh tế thì bức tranh kinh tế của khu vực đã và đang biểu lộ nhiều vấn đề khá đặc biệt và được giới nghiên cứu rất quan tâm. Sự nổi lên và tự khẳng định mình của nền kinh tế Trung Quốc trong vòng 30 năm cải cách như là một thế lực kinh tế mới. Năm 2010, Trung Quốc chính thức soán ngôi vị thứ hai thế giới từ tay Nhật Bản, với tổng quy mô kinh tế GDP đã đạt con số danh nghĩa là 5.878 tỷ USD. Chính vì vậy, với quan điểm lạc quan, đã có một số ý kiến giả thuyết cho rằng nếu những điều kiện quốc tế và khu vực không có những đột biến lớn, xa hơn là tới năm 2030, thì nền kinh tế Trung Quốc có nhiều khả năng trở thành một thế lực kinh tế lớn nhất, có vai trò ảnh hưởng và chi phối nền kinh tế của các thực thể trong khu vực và toàn cầu. Cùng với quan điểm lạc quan đó, khi bàn về tương lai vấn đề hợp tác và liên kết kinh tế giữa các nền kinh tế trong khu vực, chủ chốt là ba nền kinh tế lớn Trung Quốc đại lục, Nhật Bản và Hàn Quốc thì màu hồng có vẻ dường như sẽ được tô thắm cho bức tranh này. Đánh giá từ những động thái của mấy năm gần đây cho thấy, cả ba nước này đã và đang có chương trình hướng tới sự cam kết về gia tăng tính hội nhập và liên kết kinh tế chặt chẽ hơn. Mặc dù trong thời gian qua và hiện tại vẫn còn nhiều điều bất ngờ và gây ra những sự khác biệt không hề nhỏ giữa ba bên trong quá trình hướng tới việc thực thi các cam kết chính trị đó. Vì thế, câu hỏi đặt ra là, liệu tới năm 2020, viễn cảnh ý tưởng khu vực mậu dịch tự do Đông Á EAFTA hay một CJKFTA liệu có thành công trong tương lai không? Những điều nêu trên có thể tiếp tục trở thành các vấn đề kinh tế và được xem là một trong nhiều đặc trưng hình thành xu hướng vận động của bức tranh kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á trong thập niên hiện tại.

Tuy nhiên trái ngược với những dự báo lạc quan đó, cũng đã xuất hiện chính thức những dự báo khá tiêu cực từ các tổ chức nghiên cứu có uy tín như IMF, WB, OECD, EIU, UNDP… Bức tranh kinh tế vẫn còn khá ảm đạm đang dần bao trùm toàn cảnh của nền kinh tế thế giới trong nhiều năm tới với nhiều vấn đề kinh tế nổi cộm như gánh nặng nợ công Châu Âu ngày càng lún sâu, viễn cảnh kinh tế Hoa Kỳ hay cả Nhật Bản cũng không mấy khả quan. Bản thân các nền kinh tế mới nổi được gọi là các đầu tàu kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Brasil cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề mang tính mâu thuẫn cấu trúc dẫn tới kìm hãm sự tăng trưởng và có thể ẩn chứa nhiều rủi ro lớn nếu không thể kiểm soát được.

Việt Nam đang hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước, vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á, vì thế những vấn đề gợi mở nêu trên cũng sẽ rất cần phải được nghiên cứu tổng kết. Trước yêu cầu đó, TS. Phạm Quý Long đã chủ biên cuốn sách “Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thúc đẩy hội nhập kinh tế giai đoạn 2011-2020”. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:

Chương 1: Bối cảnh quốc tế mới và yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á. Trong chương này, các tác giả đã nêu bật đặc điểm môi trường phát triển và hợp tác ở khu vực ĐÔng Bắc Á như môi trường chính trị - an ninh bất ổn và thiếu bền vững, môi trường kinh tế - xã hội hàm chứa nhiều thách thức, môi trường tự nhiên diễn biến bất thường. Bên cạnh đó, tác giả cũng nhấn mạnh yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á trong đó đánh giá yêu cầu dựa trên cơ sở phân tích các mô hình lý thuyết tăng trưởng với đối chứng thực tiễn cũng như đánh giá yêu cầu từ phân tích các yếu tố nội tại của mỗi nền kinh tế trong khu vực.

Chương 2: Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á. Ở đây các tác giả đã nêu, phân tích và đánh giá đối sách của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan về sự thay đổi mô hình tăng trưởng cũng như về sự đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương 3: Đánh giá chung và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Trong đó các tác giả đã đưa ra một số nhận xét và đánh giá chung đối với trường hợp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Bên cạnh đó các tác giả cũng nêu lên một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã giới thiệu và phân tích chính sách của bốn nền kinh tế chủ yếu ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan về sự điều chỉnh chiến lược hướng tới năm 2020 trong xây dựng mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua nghiên cứu các nội dung chính sách của từng quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên, nhóm tác giả đã đưa ra các đánh giá riêng và đề xuất một số vấn đề mang tính gợi mở đối với quá trình hợp tác và phát triển kinh tế của Việt Nam với khu vực này. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các bạn đọc quan tâm tìm hiểu về khu vực Đông Bắc Á.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận