Trang chủ

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN TỪ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI ĐẾN NAY

Đăng ngày: 10-08-2012, 15:35 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Trần Thị Nhung

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, 319 trang

Kí hiệu: Vv 2429

Tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội là những vấn đề rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Thực tiễn đã chứng tỏ rằng, có thể có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phúc lợi xã hội thì yếu kém hoặc ngược lại. Do vậy, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội là vấn đề kinh tế - xã hội có tính chiến lược đối với mỗi quốc gia.

Vấn đề phúc lợi xã hội không thể giải quyết một cách duy ý chí mà phải đặt nó trong quan hệ với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế là cơ sở để tăng phúc lợi xã hội. Trong điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật còn quá thấp cần coi trọng tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó từng nước tăng cường phúc lợi xã hội. Song thực tế xã hội thường không đơn giản, một chiều như lý thuyết. Có không ít trường hợp, trước sức ép xã hội, nếu không đáp ứng ngay được những đòi hỏi nóng bỏng tăng cường phúc lợi xã hội ở một mặt nào đó, rất có thể dẫn đến mất ổn định xã hội. Một khi không có ổn định xã hội thì không thể có tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp này phúc lợi xã hội lại trở thành yếu tố gần như quyết định đối với tăng trưởng kinh tế.

Xử lý nhịp nhàng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội là vấn đề rất khó đối với mọi quốc gia. Và trong mỗi quốc gia, điều kiện lịch sử và truyền thống xã hội ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phúc lợi xã hội. Cũng vì vậy chế độ phúc lợi xã hội ở các nước là rất khác nhau và Nhật Bản đã giải quyết khá thành công mối quan hệ này. Cả Nhật Bản và Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nặng nề của những cuộc chiến tranh tàn khốc và mang nặng các yếu tố truyền thống phương Đông nên việc tìm hiểu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản là hết sức cần thiết. Điều đó không chỉ bổ sung sự hiểu biết sâu sắc hơn về Nhật Bản mà còn rút ra được những kinh nghiệm quý báu phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Quan hệ tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản là một vấn đề còn khá mới mẻ, phức tạp nhưng hấp dẫn. Trên thế giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề trên. Ở Việt Nam, phúc lợi xã hội và mối quan hệ của nó với tăng trưởng kinh tế là vấn đề ít được quan tâm nghiên cứu. Cho đến nay chưa thấy có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, tập trung và có hệ thống về sự tác động qua lại giữa tăng trưởng kinh tế với việc giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội. Do vậy, trước yêu cầu đó,  TS. Trần Thị Nhung đã cho ra đời cuốn sách “Tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”. Nội dung của cuốn sách được chia thành 3 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và phương pháp luận về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Trong đó, tác giả trình bày khái niệm và các nhân tố tăng trưởng kinh tế; khái niệm và tiêu chí, nguyên tắc phát triển kinh tế; quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế; khái niệm và các nhân tố ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội; lý luận về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Tác giả nêu bật quan hệ khách quan giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội cũng như các quan điểm xung quanh vấn đề này.

Chương 2: Quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản. Ở đây, tác giả nêu lên tình hình kinh tế và phúc lợi xã hội của Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ hai; các giai đoạn phát triển kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh  và việc giải quyết phúc lợi xã hội; đặc điểm tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản; những thành công và tồn tại chủ yếu của Nhật Bản trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội.

Chương 3: Những kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội của Nhật Bản có thể vận dụng vào Việt Nam. Trong phần này, tác giải trình bày khái quát tình hình tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Việt Nam thời kỳ trước và sau đổi mới; những tương đồng và khác biệt về kinh tế và xã hội giữa Nhật Bản và Việt Nam; đồng thời nêu lên một số kiến nghị về việc vận dụng kinh nghiệm của Nhật Bản vào Việt Nam.

Phúc lợi xã hội là một phạm trù rộng lớn, trong đó có cả vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Trong khuôn khổ nội dung của cuốn sách này chỉ đề cập đến vấn đề phúc lợi xã hội với tinh thần là trợ cấp, giúp đỡ của xã hội cho những người khó khăn, bất lợi trong cuộc sống. Hơn nữa, cũng giống như các nước khác, phúc lợi xã hội Nhật Bản chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố.

Thông qua 319 trang, lối trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn trong vấn đề lý luận và phương pháp luận về tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội cũng như việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong vấn đề này. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích đối với mọi đối tượng bạn đọc khi nghiên cứu về Nhật Bản nói chung và nghiên cứu mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội ở Nhật Bản nói riêng.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận