Trang chủ

QUAN HỆ TRUNG QUỐC – ASEAN – NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH MỚI VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI VIỆT NAM

Đăng ngày: 6-07-2012, 15:49 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Vũ Văn Hà chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, 477tr

Kí hiệu: Vv1586

Sau Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ quốc tế khu vực có điều kiện mở rộng, các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực  Đông Á đã tăng cường quan hệ hợp tác. Các quan hệ này diễn ra trên nhiều cấp độ và với các hình thức đa dạng khác nhau. Chính điều này ngày càng tạo ra sự gắn kết, tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia khu vực.

Là một nước nằm trong khu vực Đông Á, Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ từ chính quá trình vận động của các mối quan hệ nhiều chiều trong khu vực. Để có thể mở rộng quan hệ với các nước và vùng lãnh thổ, việc nghiên cứu khu vực, trong đó có việc phân tích quan hệ quốc tế khu vực là hướng nghiên cứu thực sự cần thiết. Trước yêu cầu đó, nhóm các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tiến hành nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt Nam”. Nội dung cuốn sách gồm 4 phần như sau:

Phần 1: Các yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản. Ở đây, tác giả tập trung phân tích những biểu hiện của bối cảnh quốc tế mới từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay như toàn cầu hóa, khu vực hóa, cách mạng khoa học công nghệ và tin học hóa; bên cạnh xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển, thế giới vẫn còn các cuộc khủng hoảng, tranh chấp hay xung đột có tính chất khu vực và đặc biệt là chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến chống khủng bố; năng lượng nói chung và dầu mỏ nói riêng đang trở thành một vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu; Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, bá quyền chính trị toàn cầu; các nước lớn khác vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế vừa thúc đẩy lẫn nhau, cố gắng tạo cho mình chỗ đứng mới trên sân khấu chính trị quốc tế. Bối cảnh quốc tế này vừa tác động thuận chiều vừa tác động ngược chiều đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản.

Phần 2: Quan hệ song phương giữa Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản. Tác giả tập trung phân tích về mối quan hệ song phương của 3 cặp quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, Trung Quốc – Nhật Bản trên các lĩnh vực ngoại giao, chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và dự báo triển vọng của các mối quan hệ này.

Về quan hệ ASEAN – Trung Quốc, có điều đáng chú ý là do sự gần gũi về mặt địa lý và cùng chia sẻ những giá trị chung của văn hóa phương Đông, nên từ lâu giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã có mối liên hệ bền chặt trên mọi phương diện, từ kinh tế - thương mại đến chính trị - ngoại giao, văn hóa – xã hội và tộc người. Tuy các mối quan hệ này ở từng thời điểm lịch sử diễn ra thiếu sự tự nguyện hay bình đẳng, nhưng nhìn chung các thực thể này không ngừng tiếp nhận, học hỏi kinh  nghiệm của nhau để cùng tồn tại và phát triển.

Về quan hệ ASEAN – Nhật Bản trong 30 năm qua đã thiết lập được những cơ chế hợp tác từ cấp các hiệp hội, đoàn thể nghề nghiệp cho đến các cuộc gặp cấp cao, quan chức của chính phủ. Quan hệ ASEAN – Nhật Bản hiện tại và trong những năm sắp tới tiến triển theo chiều hướng tích cực trên tất cả các bình diện, nhưng hợp tác kinh tế vẫn là ưu tiên hang đầu và nổi trội nhất.

Về quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, có thể nói trong mối quan hệ tam giác Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản, thì cặp quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản là quan hệ có vai trò quan  trọng trong khu vực, tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, quan hệ này hiện đang diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Trong những năm qua, quan hệ giữa hai quốc gia này có sự phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế, song trong lĩnh vực chính trị lại không ổn định. Hiện tại hai nước vẫn chưa vượt qua được các vấn đề của lịch sử, hơn nữa bản thân hai nước đều có tham vọng là chủ đạo trong tiến trình phát triển của khu vực. Do vậy trong những năm tới vẫn cần tranh thủ nhau, song quan hệ ấm về kinh tế, lạnh về chính trị chưa phải một sớm một chiều khắc phục được trong quan hệ hai nước.

Phần 3: Quan hệ đa phương Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản. Trên phương diện lịch sử quan hệ quốc tế, Đông Á là khu vực phát triển tương đối biệt lập, quan hệ quốc tế trong khu vực hoàn toàn là song phương và bản thân các quan hệ song phương cũng tương đối mỏng, còn thiếu vắng trải nghiệm hợp tác đa phương; trong quan hệ giữa các nước sự hiểu biết lẫn nhau còn ít, sự tin cậy lẫn nhau còn yếu, hơn nữa lịch sử chiến tranh, xung đột và hận thù dường như tác động đến hiện tại nhiều hơn hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Tất cả những điều đó đã và đang gây khó khăn cho sự hình thành và phát triển quan hệ đa phương.

Phần 4: Tác động của quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản đến Việt Nam. Trong phần này, tác giả đề cập đến 3  nội dung chính, thứ nhất là các cơ hội và thách thức từ xu thế hòa dịu và gia tăng quan hệ quốc tế khu vực; thứ hai là ảnh hưởng từ sự gia tăng FTA giữa các quốc gia khu vực; và thứ ba là những cơ hội và thách thức từ tiến trình hợp tác đa phương. Nhìn chung quan hệ giữa Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản tác động rất lớn đến Việt Nam, tạo ra những điều kiện thuận lợi và cũng đặt ra không ít thách thức khó khăn, song thuận lợi là cơ bản. Có lẽ chưa bao giờ các điều kiện cho sự phát triển của Việt nam thuận lợi như ngày nay.

Thông qua 477 trang, cuốn sách đã làm rõ sự tác động của bối cảnh mới đối với quan hệ Trung Quốc – ASEAN – Nhật Bản; làm rõ bản chất, đặc điểm và xu hướng phát triển quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản, quan hệ ASEAN – Trung Quốc, quan hệ ASEAN – Nhật Bản và đánh giá thực trạng, triển vọng của hợp tác đa phương giữa ba thực thể này; làm rõ tác động của sự điều chỉnh chính sách trong quan hệ của ba thực thể này đến khu vực, nhất là đến Việt Nam, đề xuất các giải pháp chính sách nhằm tranh thủ thời cơ phát triển quan hệ của Việt Nam với các thực thể đó. Cuốn sách là tài liệu tham khảo vô cùng bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận