Trang chủ

CHÍNH TRỊ KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á TỪ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 6-07-2012, 15:46 | Danh mục: Ấn Phẩm

 

Tác giả: Trần Anh Phương chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, 223tr.

Kí hiệu: Vv1668

Khu vực Đông Bắc Á từ nhiều năm qua do các nguyên nhân khác nhau đã trở thành địa bàn có nhiều diễn biến chính trị phức tạp, nhạy cảm. Chính vì thế việc nghiên cứu, phân tích đúng thực trạng, nhằm làm rõ các nguyên nhân của tình hình trên, từ đó dự báo được xu hướng biến đổi những vấn đề cơ bản của chính trị khu vực Đông Bắc Á trong tương lai là sự cần thiết không chỉ về mặt học thuật nhằm nâng cao thêm kiến thức về khu vực này mà còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng là góp phần cung cấp cho Đảng và Nhà nước ta những luận cứ khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách hợp tác phát triển giữa nước ta với các quốc gia, lãnh thổ ở khu vực này trong các lĩnh vực chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng.

Trước yêu cầu đó, tập thể các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng diễn biến một số vấn đề chính trị cơ bản ở khu vực Đông Bắc Á trong bối cảnh quốc tế mới từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay. Từ đó dự báo xu hướng phát triển đến năm 2015 của tình hình chính trị khu vực này và tác động đến Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả Trần Anh Phương đã chủ biên cuốn sách “Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh Lạnh”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Các thể chế chính trị - xã hội  và quan hệ chính trị cơ bản ở khu vực Đông Bắc Á. Chương này, trước hết, các tác giả nghiên cứu một số khái niệm cơ bản liên quan đến khu vực Đông Bắc Á từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Đó là các khái niệm về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tiếp theo, các tác giả đi sâu phân tích kỹ về các thể chế chính trị - xã hội khác nhau và những quan hệ chính trị cơ bản đang đồng thời tồn tại chi phối sự vận động, phát triển của khu vực Đông Bắc Á. Đó là các mô hình thể chế chính trị - xã hội tư bản chủ nghĩa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và kể cả Hồng Kông. Các mô hình thể chế chính trị - xã hội tuy cùng định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng lại có những điểm khác biệt của Trung Quốc và Triều Tiên. Đó là các mối quan hệ chính trị song phương hoặc đa phương như Nhật – Trung, Nhật – Mỹ, Trung – Mỹ, Nam – Bắc Triều Tiên…

Chương 2: Tranh chấp lãnh thổ và một số mâu thuẫn cơ bản khác ở khu vực  Đông Bắc Á. Các tranh chấp lãnh thổ và một số mâu thuẫn cơ bản khác đang nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á đã được các tác giả nghiên cứu, phân tích dựa trên các căn cứ khách quan khoa học vừa tôn trọng lịch sử vừa nhìn nhận ở quan điểm biện chứng của sự phát triển. Đó là tranh chấp Nhật – Nga về 4 hòn đảo ở phía Nam quần đảo Kurile và ở phía Bắc Nhật Bản; tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan về chủ quyền đảo Điếu Ngư (người Nhật gọi là Senkaku). Đó là một số mâu thuẫn đang nổi cộm như cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bán đảo Triều Tiên; vấn đề Eo biển Đài Loan; vấn đề thống nhất Bán đảo Triều Tiên; vấn đề sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản…

Chương 3: Liên kết Đông Bắc Á – Đông Á: một xu thế mang màu sắc chính trị. Trong hơn một thập niên vừa qua, liên kết khu vực Đông Á, trong đó có Đông Bắc Á đã được các chính khách, học giả đặc biệt quan tâm, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ Đông Á 1997-1998 đến nay. Khi nhiên cứu, nhận diện một số mô hình liên kết cụ thể, các tác giả đã đưa ra nhận định về vai trò hạt nhân của liên kết Đông Bắc Á – Đông Á là trục tam giác Mỹ - Nhật – Trung, trong đó đặc biệt là vai trò  của Mỹ, cho dù đến nay trên thực tế Mỹ mới chỉ trực tiếp tham gia APEC.

Chương 4: Xu hướng biến đổi tình hình chính trị khu vực Đông Bắc Á đến năm 2015. Trong chương này, các tác giả phản ánh hai vấn đề chính, thứ nhất là các nhân tố cơ bản tác động đến xu hướng biến đổi chính trị khu vực Đông Bắc Á, thứ hai là dự báo xu hướng biến đổi chính trị khu vực Đông Bắc Á đến năm 2015 và tác động đến  Việt Nam như thế nào?

Từ kết quả nghiên cứu về thực trạng chính trị Đông Bắc Á nhiều năm qua, đặc biệt từ sau kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, các tác giả đã đưa ra dự báo quan trọng là mặc dù chính trường Đông Bắc Á còn có nhiều vấn đề mâu thuẫn, xung đột nổi cộm, song điều cần thấy là do xu thế khu vực hóa, toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ đòi hỏi các nước và lãnh thổ bên cạnh sự cạnh tranh quyết liệt vẫn cần phải hợp tác cùng phát triển. Xu hướng hợp tác, dân chủ, tự do hóa trong đời sống kinh tế - chính trị khu vực do đó vẫn tiếp tục là xu thế chủ yếu. Chính vì thế, các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, tranh chấp biển Đông… dù có diễn biến phức tạp, nan giải đến đâu, song chắc chắn không thể áp đảo được xu thế hợp tác cùng tồn tại phát triển.

Từ đó cho thấy, Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội này để tiến tới hội nhập khu vực Đông Bắc Á – Đông Á, giải quyết các vấn đề về vốn, công nghệ, đào tạo lao động, mở rộng thị trường, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

Thông qua 223 trang, lỗi trình bày khoa học và dễ hiểu, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về diễn biến và xu hướng chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho mọi đối tượng bạn đọc khi nghiên cứu về lĩnh vực chính trị của khu vực Đông Bắc Á.

Thực hiện: Hà Hậu


0thảo luận