Trang chủ

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Đăng ngày: 24-04-2012, 11:27 | Danh mục: Ấn Phẩm

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Tác giả: Dương Phú Hiệp chủ biên

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, 439 trang

Kí hiệu: Vv377

Trong những năm gần đây, một số nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có nhiều biến chuyển sôi động, gây nên sự chú ý của nhiều nước trên toàn thế giới. Sự phát triển vững chắc trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước xuất phát từ những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, kết hợp với những lợi thế, sở trường của mỗi nước, với việc tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật của thời đại đã đưa một số nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trở thành những “con rồng” trong phát triển đất nước. Đặc biệt trong gần hai thập kỷ này, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có sự phát triển nhảy vọt, gây nên sự quan tâm, chú ý của nhiều nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

Cùng hòa nhập với sự phát triển chung của các nước Châu Á – Thái Bình Dương, Việt nam trong những năm qua đã có bước phát triển vững chắc trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Để giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Con đường phát triển của một số nước Châu Á – Thái Bình Dương” do PGS. TS. Dương Phú Hiệp chủ biên. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương với nội dung như sau:

Chương 1: Ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế và khu vực đến sự phát triển của các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Trong chương này, tác giả đề cập đến những biến chuyển cơ bản của thế giới hiện nay đồng thời nêu lên tình hình hiện nay ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Chương 2: Con đường phát triển của các NIEs Châu Á: những bài học kinh nghiệm. Ở đây, tác giả phân tích những tiền đề của sự phát triển; kinh nghiệm chung về các vấn đề kinh tế; một số kinh nghiệm phát triển kinh tế đặc thù; kinh nghiệm giải quyết các vấn đề chính trị, pháp luật; kinh nghiệm giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội và giáo dục; những mặt trái của NIEs Châu Á.

Chương 3: Con đường phát triển của các nước ASEAN: những bài học kinh nghiệm. Trong đó, tác giả trình bày khái quát quá trình phát triển của các nước ASEAN từ khi giành được độc lập đến nay; đồng thời đưa ra một số kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của các nước ASEAN.

Chương 4: Con đường phát triển của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: những bài học kinh nghiệm. Trong chương này, tác giả trình bày khái quát về bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước; những nguyên tắc chung của cải cách kinh tế ở Trung Quốc; thực tiễn cải cách kinh tế ở nước này; và những bài học kinh nghiệm của cải cách kinh tế ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã giới thiệu con đường phát triển của một số nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tập trung phân tích những nguyên nhân và những bài học thành công của một số nước trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nghiên cứu con đường phát triển của một số nước ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta tìm thấy những kinh nghiệm bổ ích cho công cuộc phát triển đất nước của mình.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận