Trang chủ

GIÁO DỤC VIỆT NAM HỌC GÌ TỪ NHẬT BẢN: GIÁO DỤC VÀ GIÁO DỤC LỊCH SỬ TRONG CÁI NHÌN SO SÁNH VIỆT NAM – NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-09-2017, 03:19 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Quốc Vương

Nhà xuất bản Phụ nữ, 2017,323 trang

Kí hiệu: Vv2832

Giáo dục đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân cả nước. Người dân ở mọi tầng lớp thông qua truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các diễn đàn khác đang hàng ngày thể hiện sự lo lắng trước hiện trạng giáo dục và kỳ vọng vào cải cách. Nỗi lo lắng và niềm hi vọng ấy của người dân cũng là điều dễ hiểu. Bởi giáo dục có tác động trực tiếp đến mọi gia đình trong xã hội và quyết định đến sự hưng vong của dân tộc. Cải cách thực sự và triệt để là phương thức hữu hiệu để giải quyết các vấn đề đang ngày một trở nên trầm trọng trong nền giáo dục của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để đi đến thành công cải cách giáo dục phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân và phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Giáo dục Việt Nam chỉ có thể được nhận thức một cách khách quan, toàn diện và sâu sắc khi được tham chiếu, so sánh với giáo dục ở các nước khác. Trước yêu cầu cầu đó, từ năm 2009 đến nay tác giả Nguyễn Quốc Vương đã tiến hành so sánh giáo dục Việt Nam và Nhật Bản và cho ra đời cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản: giáo dục và giáo dục lịch sử trong cái nhìn so sánh Việt Nam - Nhật Bản”. Nội dung của cuốn sách được chia thành hai phần như sau:

Phần 1: Giáo dục Việt Nam và giáo dục Nhật Bản. Trong phần này, tác giả tập hợp những bài viết xoay quanh nền giáo dục của hai nước như: giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản?; cải cách giáo dục từ dưới lên; dự thảo chương trình giáo dục phổ thông như bài thơ viết vội; ý nghĩa của cơ chế “một chương trình - nhiều sách giáo khoa”; khi người thầy nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy”; lớp trưởng là chủ tịch: đừng chế Mercedes thành công nông!”; tại sao không dạy nghề mà chỉ định hướng nghề nghiệp; Nhật Bản cải cách giáo dục như thế nào?; chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản - bước ngoặt về tư duy giáo dục; chương trình giáo dục phổ thông Nhật Bản được tạo ra như thế nào?; sử dụng chuyên gia nước ngoài - yếu tố tạo ra thành công trong cải cách giáo dục Nhật Bản; đánh giá học sinh ở Nhật khác gì ở Việt Nam?; du học Nhật Bản: không có chỗ cho người mơ mộng; sau 1945, học sinh Nhật Bản đã học những “kĩ năng sống nào?; tính “địa phương” trong giáo dục phổ thông - một bài học sâu sắc.

Phần 2: Giáo dục lịch sử ở Việt Nam và Nhật Bản. Phần này, tác giả đưa vào các bài viết về chủ đề giáo dục lịch sử ở hai nước, cụ thể là hướng đi nào cho giáo dục lịch sử ở Việt Nam?; học tập nước ngoài cẩn thận không mắc “bệnh hình thức”; khám phá, giải mã quá khứ qua lịch sử; cải cách giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản thời hật chiến (1945-1950) và những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam; tìm hiểu ba hình thái giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản từ sau 1945; tìm hiểu về “tư duy lịch sử” và “phát triển tư duy lịch sử” cho học sinh ở Nhật Bản từ sau 1945 đến nay; học tập tổng hợp trong môn “Nghiên cứu xã hội” và “thời gian học tập tổng hợp” ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai; sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản: nơi học sinh lớp 6 có thể là nhà sử học.

Ngoài hai phần chính với nội dung nêu trên, trong phần phụ lục tác giả đã đưa vào Luật Giáo dục cơ bản được Quốc hội Nhật Bản ban hành lần đầu năm 1947 và sửa đổi năm 2006 và bài viết về thực tiễn giáo dục hòa bình thông qua phong trào “Lập hồ sơ về trận không kích Fukuyama”, tỉnh Hiroshima.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nền giáo dục Việt Nam trong đó có sự so sánh với nền giáo dục của Nhật Bản. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục nhằm rút ra những bài học để góp phần thúc đẩy cải cách giáo dục ở nước ta sớm thành công.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận