Trang chủ

Chức năng nhiệm vụ theo quy định của cơ quan chủ quản

Email: vass_vinas@viettel.vn

Theo “Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á” do Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam ban hành ngày 30 tháng 08 năm 2021 kèm theo Quyết định số 1190/QĐ-KHXH, vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á được quy định như sau:

 

1. Vị trí và chức năng

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có trụ sở đặt tại số 176 Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: Institute for Northeast Asian Studies, viết tắt là: INAS. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á chịu sự quản lý của Viện Hàn lâm, sự lãnh đạo của Chủ tịch Viện Hàn lâm. Đồng thời, chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng nhà nước về các lĩnh vực công tác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về các quốc gia, vũng lãnh thổ và những vấn đề nổi bật của khu vực Đông Bắc Á; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức tư vấn, phổ biến kiến thức về đất nước học và khu vực học; tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội của đất nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Bắc Á.

 

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1) Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.

2) Nghiên cứu cơ bản về các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc Á và những vấn đề nổi bật của khu vực này trên các lĩnh vực: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hộivà quan hệ của Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực; đánh giá và dự báo những tác động nhiều mặt của khu vực Đông Bắc Á đến sự phát triển của Việt Nam.

3) Kết hợp nghiên cứu với đào tạo đội ngũ chuyên gia chuyên ngành nghiên cứu khu vực Đông Bắc Á. Tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao theo quy định của pháp luật và yêu cầu của Viện Hàn lâm.

4) Tham gia góp ý và phản biện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương và theo sự phân công của Viện Hàn lâm.

5) Tổ chức tư vấn khoa học và thực hiện cung cấp dịch vụ công phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

6) Thực hiện hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng khoa học với các tổ chức, cơ quan, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà khoa học.

7) Trao đổi thông tin khoa học với các cơ quan, tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến và đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học, các kiến thức khoa học về Đông Bắc Á.

8) Quản lý về tổ chức, bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc; tài chính, tài sản của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á theo quy định hiện hành của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm.

9) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm.

 

3. Cơ cấu tổ chức

1) Lãnh đạo Viện: Viện trưởng và các Phó Viện trưởng. Viện trưởng, Phó Viện trưởng do Chủ tịch Viện Hàn lâm bổ nhiệm, miễn nhiệm.

2) Các tổ chức trực thuộc:

- Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản;

- Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Triều Tiên;

- Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan;

- Trung tâm Nghiên cứu những vấn đề chung của khu vực Đông Bắc Á;

- Phòng Hành chính - Tổng hợp;

- Phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế;

3) Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á có các vị trí việc làm, chức danh chuyên môn quản lý gồm Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và Thư ký tòa soạn.

- Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập do Chủ tịch Viện Hàn lâm bổ nhiệm, miễn nhiệm.

- Thư ký tòa soạn do Viện trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Thư ký tòa soạn được thực hiện theo trình tự bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức quản lý cấp phòng.