Trang chủ

VỀ QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC HIỆN NAY

Đăng ngày: 10-08-2014, 22:38 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 1

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia  láng giềng có nhiều điểm tương đồng trong cơ chế chính trị cũng như cùng sở hữu các giá trị cơ bản trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội…

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong những năm gần đây, mặc dù quan hệ hai nước đang được làm nóng lên bởi các cuộc  viếng thăm của các nhà lãnh đạo hai bên và việc chung tay giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng chiều sâu quan hệ hai nước vẫn còn những lỗ hổng lớn không dễ gì xóa bỏ. Đó là những yếu tố lịch sử như cuộc chiếm đóng của Nhật tại Bán đảo Triều Tiên trong 35 năm từ 1910 và những dấu ấn chiến tranh nặng nề để lại trong lòng người dân Hàn Quốc… và gần đây là vấn đề viết lại sách giáo khoa lịch sử ở Nhật Bản, vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Tokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima...

Bài viết chia sẻ đôi điều tìm hiểu về quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn ngắn 2008-2009 vừa qua.

1. Điểm lại tình hình chính trị, kinh tế xã hội Hàn Quốc từ năm 2008-2009

Ngày 25-2-2008, Tổng thống thứ 17 của Hàn Quốc, ông Lee Myung - bak lên nhậm chức. Được sự kỳ vọng của nhân dân Hàn Quốc trong việc thay đổi chính quyền và tái thiết nền kinh tế, tháng 12-2007, ông Lee Myung - bak đã trở thành vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử đắc cử với số phiếu chênh cao nhất so với đối thủ, là 5.310.000 phiếu. Ngay sau khi nhậm chức, tỉ lệ ủng hộ ông vẫn ở mức cao 57,3%. Tuy nhiên, do quyết định của chính phủ trong việc mở lại nhập khẩu thịt bò từ Mỹ vào tháng 4-2008, từ sau tháng 5, đã có các cuộc biểu tình phản đối quy mô lớn với hàng chục ngàn người tham gia khiến cho trong tháng 6, tỉ lệ ủng hộ ông Lee đã tụt xuống chỉ còn 15%. Sau đó, chỉ số này có hồi phục nhưng chỉ ở mức 25% vào cuối năm 2008. Hiện nay, ông Lee đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề nan giải như: việc chính quyền Bình Nhưỡng bác bỏ đề nghị hòa đàm liên Triều, công dân Hàn Quốc bị lính CHDCND Triều Tiên bắn chết tại khu du lịch Kim Cương, vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Tokdo (Takeshima) giữa Hàn Quốc và Nhật Bản… Uy tín của ông có thể sẽ bị xói mòn nghiêm trọng, nếu ông không giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên.

Về quốc hội, ngày 9-4-2008, cuộc bầu cử nghị sĩ quốc hội lần thứ 18 đã diễn ra. Đảng Đại dân tộc (GNP) chiếm được 153 trên tổng số 299 ghế, trở thành Đảng đối lập nắm được số ghế cao quá bán. Nhiệm kỳ của Quốc hội thứ 18 bắt đầu vào ngày 30-5-2008, tuy nhiên xoay quanh vụ nhập khẩu thịt bò Mỹ, quốc hội nảy sinh những bất ổn do sự phản đối mạnh từ các đảng đối lập, việc bầu chủ tịch quốc hội và ủy viên thường trực bị chậm lại hơn một tháng. Ngoài ra, trong cuộc họp định kỳ của quốc hội diễn ra từ ngày 1-9, có nhiều phản đối xung quanh vấn đề dự toán ngân sách 2009, các đảng đối lập phản đối tại cuộc họp lâm thời tháng 12, lấy cớ xem xét lại FTA Hàn - Mỹ, đảng đối lập đã chiếm trụ sở quốc hội. Tháng 1-2009, chính quyền buộc phải đồng ý với những đề xuất sửa đổi luật của đảng đối lập, quốc hội được bình thường hóa.

Về kinh tế, tăng trưởng năm 2008 đạt mức 2,5% (theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc về tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP)), đây là chỉ số tăng thấp nhất kể từ năm 1998 - thời kỳ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á.

Thu chi năm 2008 của Hàn Quốc thâm hụt 6,41 tỉ USD, dự báo tái diễn lại tình hình ảm đạm trước đây vốn đã kết thúc từ năm 1997. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,3% so với năm 2007, tức là gần 433,4 tỉ USD, đồng thời  kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 21,8%, tức gần 427,4 tỉ USD; chỉ số ngoại thương đạt lãi 5,99 tỉ USD (theo thống kê của Ngân hàng Hàn Quốc)([1]).

Dưới ảnh hưởng bất ổn của thị trường tiền tệ thế giới, tình trạng đồng won giảm giá mạnh và thị trường cổ phiếu tụt dốc vẫn tiếp diễn. Tháng 11-2008, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các đối sách như, đưa ra gói cứu trợ kinh tế trị giá 11 nghìn tỉ won, và 3 nghìn tỉ won cắt giảm thuế. Ngoài ra, tháng 1-2009, chính phủ cũng công bố “Kế hoạch ngày mới xanh”, trong đó sẽ tạo ra việc làm mới, giải quyết nạn thất nghiệp cho 960.000 người, và tung ra 50 nghìn tỉ won trong vòng 4 năm.

Tháng 10-2008, Ngân hàng Hàn Quốc phát biểu về hiệp định hợp tác với FRB về việc hoán đổi tiền tệ Hàn - Mỹ sẽ tăng lên mức tối đa là 30 tỉ USD. Ngoài ra, trong tháng 12 cùng năm, Ngân hàng Hàn Quốc cũng nhất trí với ngân hàng Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa về giới hạn hoán đổi tiền tệ với các nước này sẽ đạt mức 30 tỉ USD.

Mức dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc vẫn duy trì ở vị trí thứ 6 trên thế giới, tuy nhiên, so với thời điểm cao nhất là năm 2007, đã tụt từ 260 tỉ USD xuống còn 201,74 tỉ USD vào tháng 1-2009.

Thị trường cổ phiếu Hàn Quốc vào mùa thu năm 2007 đạt mức 2000 điểm, nhưng từ sau tháng 10-2008, do ảnh hưởng giảm mạnh của các thị trường lớn trên thế giới, thị trường này cũng giảm sâu, chỉ còn khoảng 1000 điểm. Lãi suất cơ bản của Ngân hàng Hàn Quốc cũng đã bị cắt giảm 5 lần từ sau mùa thu năm 2008, đến tháng 2-2009 còn ở mức 2%.

Tuy chưa có số liệu cụ thể, nhưng trong năm 2009, chỉ số tăng trưởng lạc quan 3,3% mà Viện Phát triển Hàn Quốc đưa ra hồi đầu năm đã thay đổi. Tháng 4 vừa qua Viện này đã hạ con số dự báo xuống chỉ còn 0,7%. Ngân hàng Hàn Quốc đưa ra con số lạc quan hơn là 2%. Tuy nhiên, chỉ số này còn phụ thuộc vào sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, mà mức dự báo tăng trưởng chỉ là 1%, thấp hơn nhiều so với mức 3% của năm 2008. Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu, do đó sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

2. Quan hệ ngoại giao và giao lưu nhân dân Hàn - Nhật

Ngày 25-2-2008, trong cuộc hội đàm cấp cao Hàn - Nhật nhân dịp tổng thống Lee Myung - bak nhậm chức, lãnh đạo hai bên đã nhất trí cùng  thực hiện chương trình “Viếng thăm ngoại giao cấp cao định kỳ”, nói cách khác, “ngoại giao con thoi” đã được khôi phục giữa hai nước. Cuộc viếng thăm lần thứ nhất được thực hiện khi thủ tướng Lee Myung - bak đến thăm Nhật Bản vào tháng 4-2008. Hai bên cũng thống nhất quan điểm sẽ đẩy mạnh, làm khăng khít hơn nữa mối quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản với mục tiêu hai nước cùng hợp tác cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng thế giới, và trong tương lai gần, hai nước sẽ xây dựng mối quan hệ “đối tác trưởng thành”. Tháng 1-2009, chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã thêm khẳng định chương trình “Viếng thăm ngoại giao cấp cao định kỳ” giữa hai nước đang tiến triển hết sức tốt đẹp.

Tháng 6/2009, trong cuộc viếng thăm Nhật Bản của ông Lee Myung - bak, Seoul và Tokyo đã thiết lập một “mặt trận chung” chống lại tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Hai nước cũng kêu gọi thúc đẩy “Vòng đàm phán 5 bên” không có Triều Tiên, với mục đích “tạo ra tiến triển cho việc nối lại đàm phán 6 bên” về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Kể từ khi hai nước nối lại các chuyến thăm ngoại giao con thoi năm ngoái, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thường xuyên gặp nhau trong khuôn khổ ngoại giao song phương cũng như đa phương tại các hội nghị quốc tế.

Tháng 11-2008, cuộc hội đàm cấp cao ba nước Hàn - Mỹ - Nhật được tổ chức tại Lima, Peru, trong đó các bên tham gia đều nhất trí về tầm quan trọng của việc hợp tác giữa ba nước trong vấn đề Bắc Triều Tiên và vấn đề kinh tế toàn cầu.

Tháng 12-2008, tại Fukuoka Nhật Bản, lần đầu tiên “bộ ba Đông Á” Nhật - Trung - Hàn thiết lập quan hệ đối tác ba bên và cơ chế hội nghị thượng đỉnh thường niên không nằm trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN + 3 như trước đây([2]).

Một sự kiện quan trọng khác trong quan hệ Hàn - Nhật, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 9 năm nay, ông này đã có những nỗ lực trong việc tìm kiếm sự hợp tác ngay tại khu vực láng giềng. Tháng 10-2009, vị Tân Thủ tướng Nhật Bản thực hiện chuyến công du Châu Á đầu tiên. Ngay sau khi thăm chính thức Hàn Quốc vào ngày 9-10-2009, ngày 10-10, cuộc gặp ba bên lần thứ hai của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã khai mạc tại Bắc Kinh. Cuộc gặp nhằm đánh giá lại sự hợp tác ba bên kể từ khi được khởi đầu vào năm 1999 và vạch ra các kế hoạch hợp tác trong tương lai. Một kế hoạch về việc thành lập cộng đồng Đông Á theo mô hình của Liên minh Châu Âu, với sự tham gia của 3 nước Đông Bắc Á, ASEAN, Ấn Độ, Australia và New Zealand cũng được bàn đến.

Về quan hệ giao lưu nhân dân, việc giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Hàn - Nhật cũng được mở rộng không ngừng trong những năm gần đây. Chính phủ hai bên đã nỗ lực xây dựng các chính sách thúc đẩy và tạo môi trường giao lưu giữa nhân dân hai nước. So với thời kỳ mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, số người Hàn Quốc sang du lịch Nhật Bản và ngược lại lúc đó mới chỉ có 10.000 người/năm, thì con số này đã tăng lên đến 4.670.000 người vào năm 2008.

Năm 2008 là năm thứ tư thực hiện “Lễ hội giao lưu Hàn-Nhật”. Tháng 9 cùng năm, lễ hội Hàn - Nhật đã diễn ra tưng bừng tại  quảng trường thuộc các thành phố, quận, huyện trực thuộc Seoul. Cùng với các lễ hội này, chương trình “Lễ hội giao lưu Nhật - Hàn giữa học sinh THCS và THPT” cũng được thực hiện. Ngoài ra, trong khuôn khổ hành động của “Chương trình giao lưu thanh, thiếu niên Châu Á thế kỷ 21” được tiến hành trong 5 năm liền tính từ năm 2007, trong năm 2008 đã có 1.400 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, sinh viên đại học và giáo viên Hàn Quốc được mời sang thăm Nhật Bản. Ngoài ra, trong cuộc hội đàm cấp cao Hàn - Nhật tháng 4-2008, lãnh đạo cấp cao hai bên đã công nhận vai trò quan trọng của Chế độ Working holiday Nhật - Hàn (chương trình áp dụng cho thanh niên Hàn Quốc đến làm việc, trải nghiệm tại Nhật Bản và ngược lại) được áp dụng từ năm 1999 trong việc tăng cường và phát triển tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa thế hệ trẻ hai nước. Tính từ thời điểm ban đầu với 3.600 người tham gia ở mỗi nước, đến năm 2009 đã tăng lên gấp đôi, lên đến 7.200 người và dự tính chương trình này sẽ còn được mở rộng với số thanh niên tham gia ở mỗi nước sẽ lên đến 10.000 người vào năm 2012.

Năm 2006, Vòng đàm phán xác định biên giới Khu kinh tế độc quyền (EEZ) bắt đầu được tiến hành giữa hai nước Hàn - Nhật; đến tháng 5-2008 đã tiến hành vòng đàm phán thứ 9 và hiện nay việc đàm phán vẫn còn tiếp tục. Tất nhiên, xác định khu vực EEZ là một vấn đề cần có thời gian nhất định, tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ trong các cuộc điều tra một cách khoa học về vùng biển.

Tháng 6-2007, Dự án hợp tác nghiên cứu lịch sử Nhật - Hàn giai đoạn hai bắt đầu được triển khai, tới nay đã bước sang vòng đàm phán thứ tư. Bên cạnh đó, về vấn đề hài cốt của những người gốc Triều Tiên, tháng 1-2008, 101 hài cốt của quân nhân và các cựu quân nhân gốc Triều Tiên vốn được mai táng tại chùa Yu-den-ji đã được trao trả lại cho phía Hàn Quốc, tháng 11 cùng năm, 59 bộ hài cốt tiếp tục được trả lại. Ngoài ra, việc giúp đỡ “người Hàn Quốc tại Sakharin”,  giải quyết chế độ trợ cấp cho những nạn nhân bị thiệt hại do bom nguyên tử hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc, trợ cấp cho người bị bệnh phong đang điều trị tại các trại điều dưỡng ở Hàn Quốc… cũng được phía Nhật Bản từng bước tiến hành.

Tuy nhiên, giữa hai nước Nhật - Hàn vẫn còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Tokdo - theo tiếng Hàn (phía Nhật Bản gọi là đảo Takeshima). Ngày 14-7-2008, trong bản yếu lĩnh chỉ đạo học tập bậc trung học cơ sở tại Nhật Bản, lần đầu tiên có phần viết về đảo Takeshima, và vấn đề này bị phía Hàn Quốc phản đối gay gắt. Phía Nhật Bản khẳng định dựa trên các cứ liệu lịch sử và về mặt luật pháp quốc tế, đảo Takeshima thuộc sở hữu của Nhật Bản, và để khẳng định lập trường này, chính phủ Nhật Bản đã cho in các loại tờ rơi với mục đích công bố cho cộng đồng quốc tế, một mặt yêu cầu phía Hàn Quốc chấp nhận. Tuy nhiên, chính quyền Seoul phản ứng bằng việc ngay lập tức triệu hồi đại sứ tại Tokyo về nước. Đảo Tokdo cách đảo Ullleungdo của Hàn Quốc 90 km, trong khi cách đảo Oki của Nhật Bản tới 160 km. Chính vì vậy, phía Hàn Quốc cũng không khoan nhượng trong việc khẳng định chủ quyền của họ tại quần đảo nhỏ giàu tiềm năng khoáng sản này. Hiện nay, hai bên đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao hòa bình.

3. Quan hệ kinh tế Hàn - Nhật

Mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục được tăng cường trong những năm gần đây. Theo thống kê của phía Hàn Quốc, xét về tổng kim ngạch ngoại thương, không kể Mỹ, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc. Theo thống kê từ phía Nhật Bản, do ảnh hưởng của tình trạng đồng Yên tăng giá, đồng Won giảm giá, tổng kim ngạch ngoại thương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc giảm 4% so với năm trước, là 9,2 nghìn tỉ yên (920 triệu USD) (theo báo cáo thống kê nhanh của Bộ Tài chính và Ngoại thương Nhật Bản). Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3. Tuy nhiên, đối với Hàn Quốc, Nhật Bản trở thành đối tác ngoại thương gây thâm hụt lớn nhất trong năm 2008, với tổng số lỗ ước tính lên đến 3,1 nghìn tỉ yên (310 triệu USD).

Trong năm 2008, các hoạt động giao lưu kinh tế giữa hai nước Hàn Quốc - Nhật Bản vẫn tiếp tục tiến triển tốt đẹp. Ở cấp chính phủ, tháng 10-2008, Hội nghị Kinh tế cấp cao Hàn - Nhật lần thứ 7 được tổ chức. Hai bên đã cùng bàn bạc, trao đổi ý kiến về các vấn đề như: quan hệ đối tác kinh tế EPA Hàn - Nhật, Tổ chức Tiền tệ Thế giới WTO, Hiệp định Đối tác Kinh tế EPA/ Hiệp định Tự do Thương mại FTA…, và chiến lược để đối phó với các vấn đề kinh tế mang tính toàn cầu. Bên cạnh đó, ở cấp tư nhân, các cuộc đối thoại, các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước được tăng cường. Trên cơ sở nhất trí về việc tăng cường các hoạt động đối thoại và giao lưu trong giới doanh nghiệp giữa hai nước được khẳng định tại cuộc hội đàm cấp cao Hàn - Nhật diễn ra vào tháng 2-2008, tháng 4 và tháng 10 cùng năm, Hội nghị bàn tròn kinh tế Nhật - Hàn đã được tổ chức với sự có mặt của lãnh đạo giới doanh nghiệp hai nước. Tại Hội nghị tháng 4-2008, hai bên đã hội đàm, trao đổi về các vấn đề đối thoại, giao lưu, hợp tác kinh tế trong giới doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất phụ kiện và nguyên liệu công nghiệp.

Việc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Hàn - Nhật bị dừng từ tháng 11-2004, tuy nhiên đến tháng 4-2008 trong cuộc Hội đàm cấp cao hai nước, hai bên đã nhìn nhận lại vai trò quan trọng của Hiệp định Đối tác Kinh tế trong việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước. Các vòng đàm phán dự định sẽ được tiếp tục mở lại, trên cơ sở các điều khoản được thống nhất giữa hai bên tại hội nghị trù bị tháng 6 và tháng 12-2008. Ngoài ra, trong cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo chính phủ hai nước vào tháng 1-2009, hai bên đã nhất trí khẳng định sẽ mở lại vòng đàm phán EPA.

Trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như: đối phó với cuộc khủng hoảng tiền tệ và sự suy giảm kinh tế toàn cầu, từ mùa thu năm 2008, hai bên đã có những động thái liên kết chặt chẽ. Phía Nhật Bản đã hai lần cử đại sứ đặc biệt của thủ tướng chính phủ sang Hàn Quốc họp bàn. Một sự kiện quan trọng khác là, ngày 12-12-2008, tổng kim ngạch hoán đổi tiền tệ mức tối đa giữa hai nước đã được tăng từ 130 triệu USD lên mức 300 triệu USD cho đến cuối tháng 4-2009.

Vấn đề hợp tác trong lĩnh vực môi trường giữa hai nước cũng được chú trọng. Trong cuộc Hội đàm cấp cao vào tháng 4-2008, thủ tướng hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước để cùng bảo vệ “bầu khí quyển trong sạch và vùng biển sạch giàu tài nguyên”. Tháng 1-2009, trong cuộc hội đàm cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Aso và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Mieng Park, Thủ tướng Aso đã đề xuất việc giảm thiểu và tiêu hủy rác thải nổi  trên biển. Được sự đồng thuận của hai bên, tháng 2-2009, cuộc họp bàn phương hướng giải quyết cụ thể đã được tiến hành. Ngoài ra, tháng 6-2008, Ủy ban Hợp tác Bảo vệ Môi trường Hàn-Nhật đã tiến hành kỳ họp thứ 11, hai bên cũng đã nhất trí một số điểm trong việc bảo vệ môi trường ở cấp độ hợp tác giữa hai quốc gia và cấp quốc tế. Tháng 10-2009 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên được tổ chức tại Trung Quốc, “ba đầu tàu” của nền kinh tế Châu Á đã đi đến cam kết “cùng nhau đóng góp cho kết quả thành công chung của Hội nghị Copenhagen” về việc bảo vệ môi trường và chống lại những biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tháng 1-2009, hai bên Nhật - Hàn chính thức ký kết hợp tác trong việc bắn tên lửa H-IIA của Nhật Bản và vệ tinh quan trắc đa mục đích của Hàn Quốc, việc hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ cũng tiến triển thuận lợi. Đây cũng là mốc đánh dấu cho sự hợp tác về khoa học kỹ thuật giữa hai nước ngày càng phát triển.

Kết luận

Như vậy là, trong hơn một năm qua, quan hệ Hàn - Nhật đã liên tục được làm ấm lên bởi các chuyến công du “ngoại giao con thoi” cấp thượng đỉnh. Thông qua các cuộc viếng thăm này, hai nước đã tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề cùng quan tâm. Vì mục tiêu xóa bỏ nguy cơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng nhìn thấy lợi ích kinh tế và chính trị của việc liên kết giữa hai nền kinh tế hùng mạnh bậc nhất khu vực này, hai bên tạm thời gác lại những bất đồng tranh chấp lãnh thổ… để bắt tay hợp tác. Trong câu chuyện tốt đẹp này, không kể không kể đến vai trò của các vị lãnh đạo cao nhất: Tổng thống Lee Myung-  bak của Hàn Quốc, cựu Thủ tướng Taro Aso và mới đây, Tân Thủ tướng Yukio Hatoyama của Nhật Bản. Nỗ lực nhằm xóa đi thù hận và nghi ngờ lẫn trong quan hệ giữa Tokyo và các nước láng giềng dưới thời các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, ông Hatoyama đã phát biểu: “quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn rất quan trọng, nhưng, là một nước Châu Á, tôi muốn phát triển các chính sách tập trung hơn vào Châu Á”.

Tuy vậy, không thể không nhận thấy rằng, sự hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn này mới chỉ là “các biện pháp tạm thời lấp chỗ trống”, như lời một giáo sư Nhật Bản nhận định([3]). Hai nước sẽ làm gì nếu như Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và chuyển giao lãnh đạo trong dài hạn? Bên cạnh đó, câu chuyện tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ nay cùng những yếu tố lịch sử từ thời Nhật Bản chiếm đóng Triều tiên vẫn tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, tham vọng trở thành một quốc gia môi giới quyền lực trong khu vực của Hàn Quốc, nguy cơ về sự mạnh lên của Trung Quốc có thể thế chỗ Nhật Bản trong vị thế kinh tế và chính trị, cùng những toan tính của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trong việc xây dựng một cộng đồng Đông Á lấy mình làm nòng cốt cũng khiến cho mối quan hệ mới được làm ấm lên giữa hai nước này không khỏi bị nghi ngờ về bước tiến triển thực sự của nó./.

 

NGÔ HƯƠNG LAN

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách xanh ngoại giao Nhật Bản 2009, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tài liệu tiếng Nhật. (2009年外交青書、外務省)

2. Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên), Kinh tế chính trị thế giới năm 2008 và triển vọng năm 2009.

3. TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, các số năm 2009.

4. Báo Nhân dân điện tử, Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo lao động các số năm 2008, 2009.

5. Trang web Bộ ngoại giao Nhật Bản: http://www.mofa.go.jp/mofaj/area/korea/index.html



 

([1]) Nguồn: Sách xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2009, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tr.28. (2009年外交青書、外務省)

([2]) Lưu Ngọc Trịnh, Kinh tế chính trị thế giới năm 2008 và triển vọng năm 2009, tr.98,99, Nxb Từ điển Bách khoa, 2009.

([3]) Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc: Cái bắt tay có chặt.

0thảo luận