Trang chủ

Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa với các quốc gia, các tổ chức quốc tế

Đăng ngày: 31-03-2023, 22:34 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26 tháng 1 năm 2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã trình bày các định hướng lớn của đất nước ta trong giai đoạn 10 năm tới, trong đó nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả… Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân… Xây dựng nền ngoại giao hiện đại, trong đó chú trọng đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Mở rộng và nâng cao hiệu quả ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”[1]. Có thể nói, công tác đối ngoại luôn là một trong những công tác và nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhà nước ta từ xưa đến nay. Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối ngoại thời kỳ đổi mới và được nhận thức ngày càng sâu sắc. Trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại luôn thực hiện nhiệm vụ then chốt là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tốquốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế đất nước.

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện gồm tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và 17 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20)… Từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung và khép kín, đến nay Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có liên kết kinh tế sâu rộng, đã ký và tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, thu hút khoảng 400 tỷ USD vốn FDI đăng ký,…[2]. Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 tác động hết sức nghiêm trọng và để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt của đời sống xã hội, công tác đối ngoại nước ta tuy cũnggặp phải những trở ngại lớn nhưng vẫn tiếp tục khẳng định nguyên tắc đối ngoại nhất quán, duy trì chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa với các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2022, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến một số nước đã đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại song phương và đa phương, đưa các mối quan hệ này ngày càng phát triển đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 30/10 đến 1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; nhận Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Đảng, Chính phủ Trung Quốc trao tặng. Đồng thời, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí, tiếp tục duy trì và tăng cường truyền thống tốt đẹp giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước thông qua các hình thức khác nhau; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước nhằm nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp, góp phần tích cực trong việc phát huy tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Việt Nam-Trung Quốc, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong thời đại mới, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Tiếp theo đó, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới nhiều quốc gia châu Âu vào nửa đầu tháng 12/2022 cũng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng và quan trọng, góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh và vị thế của Việt Nam. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU; đã đến thăm và hội đàm cùng các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia ba nước là Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước khẳng định mong muốn cùng Việt Nam đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.Phải nói rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, giúp gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ba nước trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh - phát triển của Việt Nam và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, thấm nhuấn theo quan điểm chỉ đạo được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ đối ngoại, thông qua những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong những tháng gần đây, đã một lần nữa khẳng định chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh mới hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, trước những biến động khó lường của nhiều khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn tận dụng được thời cơ, hóa giải được thách thức, tiếp tục tạo ra những kết quả toàn diện, với nhiều dấu ấn nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, đối ngoại nước ta càng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Phan Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1]Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứu XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, tr. 38 và tr. 50.

[2] Bùi Thanh Sơn (2021), “Đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII kế thừa, phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới”

https://dangcongsan.vn/thoi-su/duong-loi-doi-ngoai-dai-hoi-dang-xiii-ke-thua-phat-trien-va-hoan-thien-duong-loi-doi-ngoai-thoi-ky-doi-moi-598434.html

0thảo luận