Trang chủ

CHIẾN LƯỢC AN NINH NĂNG LƯỢNG CỦA TRUNG QUỐC: TÁC ĐỘNG VÀ ẢNH HƯỞNG

Đăng ngày: 4-02-2015, 04:21 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS.  Đỗ Minh Cao

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, 283 trang

Kí hiệu: Vv2618

 

Bước sang thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự “trỗi dậy” vượt bậc về mọi mặt của Trung Quốc, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là nổi bật nhất. Năng lượng là dưỡng chất nuôi sống nền công nghiệp cũng như mọi hoạt động kinh tế khác. Trong bối cảnh thực hiện hiện đại hóa, đô thị hóa và xây dựng xã hội khá giả hiện nay đòi hỏi Trung Quốc không chỉ tăng cường đáng kể mà phải cải tổ phức hợp năng lượng đất nước phù hợp với khuynh hướng toàn cầu. Thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này Trung Quốc mới có thể đáp ứng những nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thế giới, việc thực hiện chiến lược năng lượng của Trung Quốc ngày càng chịu ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của tình hình năng lượng thế giới.

Chiến lược năng lượng nói chung, trong đó bao gồm chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc đã và đang là đối tượng được nhiều cơ quan nghiên cứu cũng như các nhà chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Việc nhập khẩu nhiều nguồn năng lượng đã làm gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào tình hình an ninh trên thế giới, mối quan hệ của Trung Quốc với các nước sản xuất những nguồn năng lượng này và với các nước là đối thủ cạnh tranh trên thị trường năng lượng quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chính sách năng lượng của Trung Quốc, TS. Đỗ Minh Cao qua quá trình nghiên cứu đã cho ra đời cuốn sách “Chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc: tác động và ảnh hưởng”. Nội dung cuốn sách được chia thành 3 chương như sau:

Chương I: Những vấn đề chung về chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. Ở đây, tác giả đi sâu phân tích vai trò của năng lượng trong phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như thực trạng tiêu thụ nguồn năng lượng ở quốc gia này. Đồng thời tác giả cũng nêu bật quan điểm của Trung Quốc về an ninh năng lượng quốc gia và một số chủ trương, chính sách an ninh năng lượng chính mà nước này đưa ra.

Chương II: Những giải pháp cơ bản thực hiện chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. Từ những luận giải về tình hình tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tác giả đưa ra 5 giải pháp cơ bản trong việc thực hiện chiến lược an ninh năng lượng của nước này đó là: thứ nhất, khai thác những nguồn năng lượng chủ yếu của Trung Quốc như than đá, dầu lửa, điện năng và khí đốt; thứ hai, tiết kiệm năng lượng - vấn đề then chốt của chiến lược an ninh năng lượng; thứ ba, đa dạng hóa nguồn năng lượng; thứ tư, khai thác nguồn năng lượng mới và tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân, năng lượng khí hydro; thứ năm, giải quyết quan hệ năng lượng - môi trường.

Chương III: Tác động của việc thực hiện chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc tới an ninh năng lượng thế giới và Việt Nam. Trong đó tác giả tập trung phân tích tác động của việc thực hiện chiến lược ngoại giao năng lượng của Trung Quốc đối với thị trường năng lượng và môi trường an ninh thế giới cũng như thị trường năng lượng và môi trường an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam, tác động của việc thực thi chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc đối với Việt Nam và kiến nghị những giải pháp nhằm đảm bảo an ninh quốc gia Việt Nam.

Với những nội dung trên, cuốn sách đã khái quát được một số vấn đề lớn trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Đó là sự phát triển tư tưởng chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc và những nội hàm chính của nó; phân tích những biện pháp và hoạt động cụ thể của Trung Quốc nhằm thực hiện chiến lược an ninh năng lượng; đưa ra một số tác động chính và ảnh hưởng của việc thực hiện chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc tới tình hình năng lượng quốc tế và Việt Nam. Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Trung Quốc cũng như chiến lược năng lượng của nước này.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận