Trang chủ

CLIMATE POLICY CHANGES IN GERMANY AND JAPAN

Đăng ngày: 19-02-2014, 11:43 | Danh mục: Giới thiệu sách

Thay đổi chính sách khí hậu ở Đức và Nhật Bản

Tác giả: Rie Watanabe

Nhà xuất bản Routledge, USA, 2011, 226 trang

Kí kiệu: Lv 824

Ngôn ngữ: tiếng Anh

 

Đức và Nhật Bản đại diện cho phạm vi của các kiểu và các mức độ thay đổi trong chính sách kiểm soát khí thải CO2 trong các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng (các biến phụ thuộc), trong khi đó cũng cho thấy điểm tương đồng trong một số biến độc lập: quy mô và cấu trúc nền kinh tế của hai nước; phần đóng góp của họ vào phát thải khí nhà kính toàn cầu, kiểu xây dựng chính sách chung của họ, bao gồm cả hệ thống hành chính mạnh mẽ và mối quan hệ chặt chẽ giữa các Bộ và ngành công nghiệp; và các chính sách chung về môi trường của họ. Do đó, việc so sánh hai nước cung cấp một cơ sở tốt để xác định các nhân tố quyết định trong sự khác biệt về những thay đổi chính sách khí hậu giữa hai quốc gia này, và để nghiên cứu những loại cơ chế nào dẫn đến sự khác biệt trong các kiểu và các mức độ thay đổi chính sách.

Năm 2005, Nhật Bản và Đức lần lượt là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, sau Mỹ. Từ những năm 1970, cả hai nền kinh tế đã trải qua một quá trình chuyển đổi từ sản xuất chế tạo sang chú trọng dịch vụ, một sự thay đổi quan trọng từ năm 1998. Đóng góp của lĩnh vực sản xuất chế tạo trong nền kinh tế Nhật Bản giảm từ 32% năm 1998 xuống 28,6% trong năm 2005, và trong nền kinh tế Đức là từ 31% năm 1998 xuống 29,7% trong năm 2005. Tuy nhiên, chiếm khoảng 30% GDP, lĩnh vực công nghiệp ở cả hai nước vẫn chiếm thị phần lớn hơn ở Vương quốc Anh hay Mỹ, nơi mà trong năm 2005 lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm lần lượt là 24 và 22% GDP. Ngoại trừ lĩnh vực sử dụng đất và lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2005, Nhật Bản và Đức lần lượt là những nhà phát thải khí nhà kính lớn thứ ba và thứ tư trong số các nước công nghiệp hóa, là nhà phát thải khí nhà kính lớn thứ sáu và thứ tám trong số tất cả các quốc gia. Trong năm đó, kết quả của thị phần tương đối lớn của ngành công nghiệp nặng và năng lượng ở cả hai nước, lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng chiếm tương ứng là 62,3% và 54,3% tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Đức và Nhật Bản.

Khí nhà kính cũng được thải ra trong các lĩnh vực giao thông vận tải và hộ gia đình, tất cả các nguồn phát thải phải được kiểm soát để bảo vệ hệ thống khí hậu. Tuy nhiên, do phần lớn việc phát thải CO2 là từ các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng ở các nước công nghiệp, những tranh luận xung quanh các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở các quốc gia này cho đến nay đã tập trung vào việc kiểm soát lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực này. Vì vậy, quy trình xác định các chính sách và biện pháp để kiểm soát lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng đại diện cho các tính năng chủ yếu xác định tổng thể chính sách khí hậu ở hầu hết các nước công nghiệp hóa, bao gồm cả Đức và Nhật Bản.

Cả Đức và Nhật Bản đều đặc trưng bởi phong cách đưa ra chính sách có hợp tác ở mức độ cao giữa chính phủ và ngành công nghiệp nặng, cũng như hệ thống nội các với sự quản lý chặt chẽ. Các Bộ đóng một vai trò quan trọng ở cả hai nước. Mặc dù Hạ viện có trách nhiệm cao nhất về pháp luật, hầu hết các dự thảo luật đều do các bộ soạn thảo. Vì vậy, nếu các bộ không đồng ý về một chính sách do các đại biểu quốc hội đề xuất, họ có thể trì hoãn thủ tục lập pháp bằng cách không dự thảo luật. Nói chung, các bên liên quan trong ngành công nghiệp đóng một vai trò đặc biệt và mạnh mẽ trong việc đưa ra chính sách chung ở bất kỳ quốc gia công nghiệp hóa nào, khi họ sử dụng ảnh hưởng đối với các hoạt động chính trị và hành động của chính phủ thông qua nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực khổng lồ của họ. Cụ thể hơn, do liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động công nghiệp và phát thải khí nhà kính, các bên liên quan trong ngành công nghiệp là một trong các nhóm áp lực lớn nhất gây ảnh hưởng trong  việc đưa ra chính sách khí hậu. Tại Nhật Bản, để đảm bảo rằng lợi ích của họ được phản ánh trong việc đưa ra chính sách, các bên liên quan trong ngành công nghiệp duy trì liên lạc thường xuyên với các Bộ và cũng thường xuyên tham gia trong quá trình tham vấn do các Bộ tổ chức.

Đức và Nhật Bản cũng có những điểm tương đồng trong việc sử dụng các công cụ chính sách để điều chỉnh các lĩnh vực công nghiệp và năng lượng trong khuôn khổ của các chính sách môi trường rộng lớn của họ, đó là nguồn gốc của chính sách khí hậu. Cả hai nước đã có một truyền thống lâu đời dựa trên phương pháp mệnh lệnh và điều khiển. Theo thời gian, họ đã chuyển dịch theo hướng sử dụng nhiều hơn các phương pháp tiếp cận tự nguyện trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Trên đây là những nội dung chính mà cuốn sách “Climate policy changes in germany and japan” (Thay đổi chính sách khí hậu ở Đức và Nhật Bản) của tác giả Rie Watanabe đề cập đến. Cuốn sách đã so sánh hai thập kỷ phát triển chính sách khí hậu ở Đức và Nhật Bản, nghiên cứu sự khác biệt trong kiểu và mức độ thay đổi chính sách ở hai nước và những nhân tố dẫn tới sự khác biệt đó. Bên cạnh đó, cuốn sách so sánh sự thay đổi chính sách khí hậu ở Đức và Nhật trong giai đoạn 1987-2005, đồng thời thảo luận về những hiệu quả và hạn chế của những lý thuyết hiện hành về quá trình thay đổi chính sách; các kiểu và mức độ thay đổi trong các chính sách kiểm soát phát thải CO2 trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng (biến phụ thuộc), đồng thời cũng cho thấy điểm tương đồng trong một số biến độc lập như đã đề cập ở trên.

Thông qua 226 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách mang đến cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện về chính sách khí hậu cũng như quá trình thay đổi chính sách khí hậu ở Nhật Bản và Đức. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về môi trường và chính sách khi hậu mà cụ thể là ở Đức và Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận