Trang chủ

NGHIÊN CỨU MỞ CỬA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 17-07-2013, 11:35 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 5

Phân tích tiến trình hiện đại hoá của Nhật Bản cũng như những đóng góp của Khoa học xã hội (KHXH) nước này cho thấy: vấn đề không phải là có cần thiết phải mở cửa hội nhập quốc tế hay không mà điều quan trọng làm thế nào để đạt được mục đích đó một cách hiệu quả nhất. Đây cũng là những nội dung chủ yếu mà giới KHXH Nhật Bản tập trung nghiên cứu. Trên thực tế khi đề cập đến nội dung này không chỉ đi sâu vào tìm kiếm những cơ hội trong mở cửa và hội nhập nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước mà nó đụng đến rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết: từ cách thức tiếp thu tinh hoa nhân loại, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, mô hình tổ chức quản lý…đến ý thức hệ, đặc điểm xã hội, quốc tế hoá, vai trò của Nhật Bản trong khu vực và trên thế giới… Để làm sáng tỏ những vấn đề trên, KHXH ở Nhật Bản không chỉ được quan tâm tạo điều kiện về mặt vật chất, con người mà họ được tự do trao đổi ý kiến trong môi trường học thuật dân chủ và công khai. Trên thực tế đã từng tồn tại những cuộc tranh luận khá quyết liệt và cũng không thiếu các quan điểm khá khác biệt, thậm chí trái ngược nhau được bàn luận rộng rãi. Điều quan trọng nhất là, dù tồn tại các cách tiếp cận và cách nhìn nhận khác nhau, song đều tập trung cho một mục tiêu làm sáng rõ bản chất các vấn đề của khoa học và thực tiễn, từ đó có các kiến nghị cho nhà nước và các cơ quan có liên quan. Thông qua các nghiên cứu cá nhân, tập thể, hoạt động của các hội đồng khoa học… hàng loạt các vấn đề đặt ra của đất nước đã được đưa ra thảo luận sôi nổi. Trong bài viết này xin được nêu lên  một số nội dung liên quan đến mở cửa, hội nhập quốc tế mà giới KHXH Nhật Bản đã đã tập trung bàn luận.

1. Tập trung làm rõ nội dung hiện đại hoá và quốc tế hoá của Nhật Bản

Về thời điểm hiện đại hoá (HĐH), quốc tế hoá (QTH) phần lớn các kết quả nghiên cứu của giới KHXH đều cho rằng: nội dung này đã được bắt đầu từ năm 1868, thời kỳ Minh Trị Duy tân. Tuy nhiên, không ít ý kiến lại coi cuối thời Eđo đã có sự chuẩn bị cho vấn đề HĐH và QTH. Dù được bàn luận từ lâu, song ngay cả khái niệm quốc tế hoá là gì vẫn còn nhiều kiến giải khác nhau. Vấn đề QTH lại được rộ lên từ năm 1980 đến nay khi mà Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế và mong muốn có địa vị chính trị trên trường quốc tế. Trong khi đó nhiều lĩnh vực kinh tế của Nhật Bản vẫn còn bị phê phán là bảo hộ quá nhiều và không mở cửa hội nhập đầy đủ. Điều đó cũng có nghĩa là Nhật Bản chưa thực sự hoà nhập và vẫn còn chậm trễ trong các vấn đề quốc tế, nhất là khi môi trường xung quanh đã thay đổi khá nhanh chóng. Xung quanh quan niệm về QTH nổi lên hai loại ý kiến khác nhau:

Một là, coi các quan hệ ảnh hưởng tác dụng lẫn nhau mang tính quốc tế, các giá trị và phương thức quốc tế mang tính phổ biến được hấp thụ, tiêu hoá chuyển hoá thành nhân tố văn hoá của dân tộc mình. Đây là hiện tượng và khuynh hướng khách quan. (Giáo sư Sigiyama Kyo, Giáo sư  Kikuy Reiji). Vì thế, quốc tế hoá là khái niệm mang “ý nghĩa và sâu sắc lâu dài” và “ tất cả các quốc gia thường xuyên phải đối diện trong lịch sử”.([1])

Hai là, quốc tế hoá chính là chỉ ra sự “chuyển hướng mở cửa ra bên ngoài, khiến người Nhật Bản nỗ lực tự đổi mới để có năng lực hoạt động, làm việc ở nước ngoài”, “ khoan dung với các nền văn hoá khác, tích cực cống hiến cho thế giới”.([2])

Dù “hàm nghĩa quốc tế hoá vô cùng mơ hồ, mỗi người đều có cách giải thích khác nhau”([3]), song điểm chung họ đều thừa nhận là QTH gắn liền với mở của và hội nhập, hết sức cần thiết với Nhật Bản và “không phải nguyên nhân bên trong mà chính là kết quả tác dụng của áp lực bên ngoài đã thức tỉnh ý thức quốc tế hoá của người Nhật”.([4]) Quốc tế hoá gồm cả quốc tế hoá hướng nội (quốc tế hoá bị động) và quốc tế hoá hướng ngoại (quốc tế hoá chủ động). Dĩ nhiên, ở mỗi giai đoạn hoàn cảnh điều kiện và nội dung QTH có sự khác biệt và mức độ cách thức ứng xử, đối phó có khác nhau. Thời gian gần đây, giới KHXH Nhật Bản đang tranh luận nhiều về các lĩnh vực quốc tế hoá, trong đó nhấn mạnh đến “Quốc tế hoá văn hoá” và chú ý đến vai trò “quốc gia quốc tế” của Nhật Bản. Những kết quả nghiên cứu về HĐH và QTH mà các nhà khoa học Nhật Bản rút ra là: hai nội dung này có quan hệ chặt chẽ với nhau và thực tế vận động và phát triển của xã hội Nhật Bản đã minh chứng rất rõ điều đó.

2. Nghiên cứu đặc điểm xã hội và con người Nhật Bản trong quá trình mở cửa và hội nhập.

Phân tích và làm rõ những đặc điểm xã hội và con người của dân tộc mình là điều hết sức cần thiết và cũng là nhiệm vụ của KHXH của bất cứ nước nào. Với Nhật Bản nội dung này càng trở nên quan trọng hơn, khi mà quốc gia này gặt hái được nhiều thành công, song cũng phải chịu đựng không ít những hậu quả cay đắng, nhất là sự huỷ hoại đất nước sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Lý giải nguyên nhân chính dẫn tới thảm hoạ trên, các nhà KHXH Nhật Bản cho rằng: dù đã là nước đế quốc, song “xã hội Nhật Bản vẫn mang nặng tính lạc hậu bởi các quan hệ xã hội phong kiến”([5]), hoặc học giả Yamada Moritaro đã gọi là “chủ nghĩa đế quốc mang nặng tính chất quân sự và phong kiến”. Hơn thế nữa, như Giáo sư Otsuka Hisao coi “đây là một xã hội lạc hậu có tính chất “Châu Á” và nhiệm vụ của giới khoa học xã hội là góp phần vào việc xoá bỏ tính lạc hậu hoặc tính Châu Á của xã hội Nhật Bản”. Trong xã hội đó, bản thân  cơ cấu và nguyên lý gia đình cũng có sự khác biệt, như nhà xã hội học Kawashima Kakenobu khẳng định “hoàn toàn đối lập nguyên lý của xã hội hiện đại”.([6]) Dĩ nhiên, không ít ý kiến không đồng tình với quan điểm trên, trong đó có hai học giả nổi tiếng Takeuchi Yoshimi và Eguchi Bukuro, thậm chí ý kiến của Takeuchi hoàn toàn ngược hẳn với cách nhìn chung của giới KHXH lúc bấy giờ khi đề xuất thuyết “Châu Á tiên tiến”.

Sau thời kỳ tái thiết thành công Nhật Bản bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và trở thành quốc gia đầu tiên của Châu Á được coi là “siêu cường kinh tế”. Cũng chính trong thời kỳ này các nước Châu Á cũng đã vươn lên không chỉ về kinh tế mà cả chính trị và trở thành khu vực năng động của thế giới. Vào thời điểm đó, trong giới KHXH Nhật Bản đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi và không kém phần gay gắt về con đường phát triển của Nhật Bản và Châu Á. Dù cách tiếp cận và lý lẽ khác nhau, song về cơ bản có hai xu hướng chính: Một là, “ nhấn mạnh tiềm năng phát triển của xã hội Nhật Bản và coi Nhật Bản là một xã hội giống như “Châu Âu” trong địa bàn Châu Á”. Hai là, chú ý đến “Châu Á tiên tiến” và đề xuất khái niệm “ khu vực” để giải thích quá trình lịch sử cận đại Đông Á.”([7]). Rõ ràng, giới KHXH đã nhấn mạnh đến đặc điểm, bản sắc riêng của xã hội Châu Á và rất coi trọng yếu tố quốc tế và khu vực, nhất là khi nhật Bản gắn bó chặt chẽ hơn với Châu Á.

Từ cuối những năm 1970 đến nay, tình hình khu vực cũng như của Nhật Bản đã thay đổi khá mạnh mẽ. Điều đó đã tác động đến Nhật Bản, trong đó có giới KHXH. Vì thế, trong bối cảnh mới cần thiết phải nhìn nhận xem xét lại đặc điểm con người, xã hội Nhật Bản và con đường phát triển của quốc gia này. Khác với các giai đoạn trước, ở thời kỳ này giới học giả Nhật Bản cố gắng chứng minh con đường phát triển của Nhật Bản là con đường riêng, hoàn toàn khác với phương Tây. Vì thế, quan niệm về hiện đại hoá, về vai trò của Châu Á (công nghệ, thương mại…) trước đây và hiện nay đều có sự khác biệt và trong đó mô hình Nhật Bản được coi là điển hình của “Châu Á tiên tiến”. Quan điểm trên đã được thể hiện rất rõ trong các công trình của Murakami Tairyo, Kumon Shunpei và Sato Sezaburo,  Kawakatsu Heita, Hayami you…Không chỉ bàn về mô hình Nhật Bản gắn liền với Châu Á, mà “bản chất người Nhật Bản” cũng là chủ đề được bàn luận khá sôi nổi. Theo thống kê của Viện Nomura thì từ 1946-1978 ở Nhật Bản có hơn 700 công trình viết về vấn đề này và khoảng 60% là những năm 1970 và đỉnh cao là 1976-1978. Rõ ràng, sự phát triển kinh tế và biến đổi xã hội trong bối cảnh mới đòi hỏi giới KHXH phải xem xét lại nhiều vấn đề và điều không thể phủ nhận là yếu tố mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng đã là nhân tố quan trọng tác động đến xu hướng, nhu cầu nghiên cứu những vấn đề cơ bản, thời sự của đất nước.

3. Tiếp tục nghiên cứu mô hình phát triển của đất nước và vai trò của Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới.

Hiện đại hoá, mở cửa hội nhập quốc tế cũng chính là quá trình người Nhật đi tìm kiếm mô hình phát triển của mình nói chung, kinh tế xã hội nói riêng. Điều mà người Nhật đã thừa nhận là Nhật Bản đã không có chủ thuyết phát triển và điều đó càng bộc lộ rõ khi bước vào thế kỷ mới, khi mà mô hình cũ đã không còn sức sống. Quả vậy, người ta nói khá nhiều về điều kỳ diệu của kinh tế Nhật Bản thời kỳ tăng trưởng cao với mô hình phát triển và quản lý đầy hiệu quả. Đó là mô hình quản lý mang sắc thái riêng của Nhật Bản là sự kết hợp, pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Ở mô hình đó 3 trụ cột chính: chế độ làm việc suốt đời, lương theo thâm niên và công đoàn trong nhà, thực sự đã tạo nên sự độc đáo và là nguyên nhân làm nên sự thần kỳ Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ qua. Thậm chí, mô hình trên đã lan toả và ở các mức độ cách thức khác nhau mà không ít các quốc gia lãnh thổ trong khu vực đã vận dụng học tập thành công. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập mới, mô hình phát triển của Nhật Bản, phong cách quản lý ... đã bộc lộ nhiều bất cập và ngày càng tỏ ra không phù hợp. Vì thế, người Nhật và giới KHXH đang cố gắng tìm tòi để tìm kiếm những triết lý phát triển mới, làm rõ diện mạo trong nước và quốc tế để tiếp tục lựa chọn con đường phù hợp cho dân tộc. Đặc biệt phân tích làm rõ vị thế của nước Nhật hiện nay, vai trò của Nhật Bản trong khu vực và trên thế giới đang đòi hỏi các nhà nghiên cứu KHXH nước này đầu tư nhiều công nghiên cứu. Nước Nhật sẽ làm gì trong tương lai? Câu trả lời này theo Nakasone: “Đối với chúng ta thì điều chủ yếu là sắp xếp lại diện mạo và linh hồn tổ quốc” hay sắp xếp lại hệ thống các giá trị và làm cho hệ thống ấy trở thành cơ sở cuộc sống của chúng ta, hoạt động của chúng trong thế kỷ XXI”.([8])

Kết luận

Có thể khẳng định rằng: KHXH Nhật Bản đã đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc và có nhiều đóng vào sự phồn vinh của quốc gia này. Tính thực tế, làm việc có  hiệu quả  cao của người Nhật nói chung, KHXH nói riêng đã thể hiện rất rõ trong hoạt động nghiên cứu KHXH, nhất là trong tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, KHXH không chỉ tập trung làm rõ những nội dung thời sự cần thiết của đất nước nói chung, mở cửa và hội nhập nói riêng, mà còn chú trọng nghiên cứu những vấn đề truyền thống và tương lai. Hơn thế nữa, đó cũng chính là cơ hội để KHXH  tự đổi mới mở cửa, hội nhập và nâng cao năng lực của chính mình.

Những kinh nghiệm của KHXH Nhật Bản về nghiên cứu mở cửa hội nhập trước đây và hiện nay như đã trình bày trên đây, thiết nghĩ sẽ là những kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo, nhất là trong bối cảnh mới khi Việt Nam ( trong đó có KHXH) mở cửa và hội nhập quốc tế  ngày càng sâu rộng hơn.

 

NGUYỄN DUY DŨNG

(PGS.TS, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Báo Asahi Shimbun ngày 1-1-1987.

2. Furuta Motoo, Giới Khoa học xã hội Nhật Bản với đặc điểm xã hội Nhật Bản, T/C NCNB số 4 tháng 12 năm 1997.

3. Hoàng Đại Tuệ, Khảo sát lịch sử quốc tế hoá của Nhật Bản, T/C NCNB số 4-1996

4. Iaxuhico Nakasone, Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ 21, Nxb Thống tấn, trang 346.

5. Japan Almanac 2004.

6. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà Nội năm 2007.

7. Lưu ngọc Trịnh, Trước thềm thế kỷ XXI nhìn lại mô hình phát triển kinh tế Nhật Bản, Nxb Thống Kê, Hà Nội năm 2001.

8. Yano Chosoku, Ý nghĩa của quốc tế hoá, Hiệp hội xuất bản quảng bá, Nhật Bản, 1996.

9. Nhật Bản ( tiếng Nga). M. 1992.

10. Http://www.ialh.org/news/i0503_1.php: Social Sciences in Japan

11. Social Science Japan 14, November 1998.

12. Social Science Japan 30, December 2004

 

 



([1]) Yano Chosoku: Ý nghĩa của quốc tế hoá: Hiệp hội xuất bản quảng bá, Nhật Bản, 1996, trang 160.

([2]) Báo Asahi Shimbun ngày 1-1-1987.

([3]) Hoàng Đại Tuệ: Khảo sát lịch sử quốc tế hoá của Nhật Bản, T/C NCNB số 4-1996 trang 28.

([4]) Như trích dẫn (3), Tr. 28

([5]) Furuta Motoo: Giới Khoa học xã hội Nhật Bản với đặc điểm xã hội Nhật Bản, T/C NCNB số 4 tháng 12 năm 1997, Tr.3.

([6]) Như trích dẫn (5), Tr.4

([7]) Xem thêm:  Furuta Motoo: Giới Khoa học xã hội Nhật Bản với đặc điểm xã hội Nhật Bản, T/C NCNB số 4 tháng 12 năm 1997, Tr.5-7.

 

([8]) axuhico Nakasone: Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ 21, Nxb Thống tấn, trang 431.

 

0thảo luận