Trang chủ

TÍNH GIÁO DỤC CỦA KAMISHIBAI

Đăng ngày: 3-06-2013, 04:18 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 4

Kamishibai là một tài sản văn hóa độc đáo của người Nhật Bản. Khác với truyện tranh - vốn được cấu tạo bằng tranh vẽ và ngôn từ, trên thế giới nước nào cũng có, Kamishibai của người Nhật khá đặc biệt. Ở Kamishibai, thông qua lời nói và động tác của người dẫn truyện, hiệu quả của “vở kịch một người diễn” được phát huy, làm cho câu chuyện trở nên vô cùng sống động. Khác với chỉ đơn thuần nghe kể một câu chuyện, trẻ em thấy dễ hiểu hơn, dễ dàng cảm thụ được niềm vui và tri thức từ những vở kịch Kamishibai. Tai và mắt đều phải cùng làm việc, trẻ em bước chân vào những thế giới hãy còn bí ẩn, cảm nhận niềm vui được khám phá câu chuyện.

Giáo sư Horio Seishi(1), trong cuốn “Kamishibai - sáng tạo và tính giáo dục” đã viết về bản chất của Kamishibai như sau: “Một vở kịch thực sự là nơi giao lưu với khán giả, thông qua sân khấu và diễn viên, thông qua những lời thoại trong kịch bản để biểu thị mối quan hệ giữa con người và con người.  Kamishibai là vở kịch mà cả diễn viên và sân khấu được hội họa hóa bằng những bức tranh, người biểu diễn chỉ thay cho vai trò của diễn viên ở giọng nói”...

Trong Kamishibai có sự gặp gỡ của tâm hồn con trẻ với người kể chuyện - cô giáo. Để phát triển khả năng nhận thức của trẻ thơ, sự giao tiếp và những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống hàng ngày là hết sức quan trọng, nhưng đồng thời việc xây dựng khả năng nhận thức một cách khách quan những thể nghiệm, suy nghĩ, trạng thái tình cảm của chính mình thông qua những câu chuyện kể hay những vở kịch Kamishibai cũng quan trọng không kém. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sự kích thích não bộ phát triển bằng các hoạt động hàng ngày hoặc bằng những câu chuyện kể là rất cần thiết. Cái hay của Kamishibai là ở chỗ nó không chỉ tăng cường khả năng quan sát sự vật mà còn phát triển khả năng nhận thức vấn đề. Ví dụ như, thông qua những câu chuyện kể trong Kamishibai mà những khái niệm trừu tượng như “thiện” và “ác”, một cách rất dễ hiểu, rất thú vị, có thể thấm nhuần vào tâm hồn các em, nuôi dưỡng những trái tim nhân hậu. Có thể nói, để nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, cần phải có những tài sản văn hóa tốt, và Kamishibai chính là một tài sản văn hóa như vậy.

1. Tính giáo dục của Kamishibai

Yếu tố đầu tiên của tính giáo dục ở Kamishibai, đó là giúp phát triển khả năng biết đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người.

Khán giả của Kamishibai thường là trẻ em. Vở kịch Kamishibai có thể được diễn trong gia đình chỉ để cho một khán giả nhỏ xem, nhưng thực chất Kamishibai vốn là một bộ môn nghệ thuật được tạo ra cho đối tượng khán giả là số đông người.

Kamishibai phần lớn được diễn trong nhà trẻ, môi trường sống tập thể đầu tiên của trẻ em. Tất nhiên, các em sẽ cùng bạn bè thưởng thức. Một nhu cầu thường thấy của con người là mong muốn được người khác chia sẻ những cảm xúc, suy tư của mình. Khi vui sướng, có người khác vui chung thì niềm vui sẽ được nhân lên gấp bội, và khi đau khổ, nếu có người bên cạnh cùng chia sẻ thì nỗi buồn ắt sẽ vơi đi, đó là sự “đồng cảm”. Và vở kịch Kamishibai, nơi có khả năng tạo ra sự đồng cảm giữa các em nhỏ với nhau, có thể nói là một thể loại văn hóa có sức “cộng cảm” cao.

Trong giáo dục mầm non, nuôi dưỡng khả năng “đồng cảm” là một yếu tố hết sức quan trọng. Có thể thấy ở những vở kịch Kamishibai gần gũi với các em khả năng kích thích, nuôi dưỡng yếu tố đồng cảm của trẻ nhỏ.

Vở kịch Kamishibai luôn có cấu trúc rõ ràng, nhất là những vở kịch Kamishibai giáo dục. Ở đây, những chủ đề dễ hiểu đối với trẻ em thường được lựa chọn. Khi cùng nắm tay nhau hồi hộp, lúc lại thở phào nhẹ nhõm, tất cả những tâm trạng đó đều diễn ra cùng nhau.Và, nếu như trẻ thông qua người khác để cùng trải nghiệm những trạng thái tình cảm của mình, thì chính chúng cũng ý thức được cảm giác đó, cái cảm giác được sống, được tồn tại. Đó chính là những hạt giống sẽ vun trồng nên tính tự lập của trẻ sau này, đồng thời phát triển tính xã hội ở trẻ nhỏ.

Kamishibai vốn là một bộ môn nghệ thuật để cho nhiều người xem - mọi người cùng nhau thưởng thức. Và đặc biệt, tính năng này của nó càng được phát huy trong môi trường giáo dục mầm non. Đôi khi, cô giáo trở thành khán giả, cùng với trẻ em xem Kamishibai, hiểu được niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng của con trẻ, chia sẻ cảm xúc với trẻ.

Đặc trưng thứ hai của tính giáo dục ở Kamishibai là tạo ra môi trường có sự giao lưu giữa người diễn viên và khán giả. Từ đó phát triển khả năng giao tiếp xã hội ở trẻ.

Kamishibai không chỉ tạo ra sự đồng cảm giữa các khán giả, mà nó còn là nơi để khán giả giao lưu với người diễn, đây là một ý nghĩa rất sâu sắc, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển khả năng giao tiếp xã hội ở trẻ nhỏ.

Đến bây giờ, ở Nhật Bản vẫn còn có nhiều người tiếc nhớ Kamishibai đường phố, nhớ khuôn mặt thân quen của ông lão có gánh hàng Kamishibai rong, có lẽ đó chính là nhờ có sự giao lưu với người biểu diễn.

Trong cuộc sống hiện nay, Kamishibai được sử dụng chủ yếu tại các nhà trẻ. Ở đây, các em được cô giáo thân thiết, tin cậy biểu diễn cho xem,  tâm hồn càng thư thái, càng thưởng thức được trọn vẹn vở kịch Kamishibai.

Bên cạnh đó, người diễn viên, tức là cô giáo, có thể theo dõi phản ứng của trẻ nhỏ để thay đổi cách diễn, sao cho thu hút được khán giả nhất. Đồng thời, có thể thúc đẩy sự phát triển tư duy của từng cháu.

Khi những ánh mắt ngời sáng hướng lên sân khấu, sự hưng phấn lan rộng, khi hơi thở của người biểu diễn và các em bé hòa làm một thì cả hai phía - diễn viên và khán giả đều đạt được cảm xúc đỉnh cao, vòng tròn cộng cảm lan rộng.

Khi cảm nhận được những cảm xúc của những khán giả nhỏ tuổi, người diễn cũng có thể thay đổi họa cảnh sao cho phù hợp với những cảm xúc của các em, cũng có thể đem đến một không gian riêng biệt. Nếu chỉ đơn thuần là thay đổi cảnh trên màn hình, thì tivi hay điện ảnh có thể làm tốt hơn, tốc độ chuyển cảnh nhanh hơn, hoành tráng hơn và cũng cuốn hút người xem hơn. Thế nhưng, những cảm xúc của mỗi người xem, vẫn chỉ là như thế, màn ảnh vẫn chuyển cảnh một cách vô tình. Đối với Kamishibai lại khác, nếu hỏi: “các em có khoẻ không”, các em trả lời: “khỏe lắm”, lại đáp: “Khoẻ thì tốt rồi. Cậu bé Gon trong vở kịch này là một cậu bé khỏe lắm đấy”...(2) - có thể tiếp tục như vậy. Hoặc cũng có thể vào đề bằng câu nói “Trời mưa mà vẫn khỏe thì thật là tuyệt. Thế nhưng cậu Gon trong vở kịch này cứ trời mưa là cậu lại ốm”…

Nếu giữa chừng có em nào đó nói “Tớ cũng đã từng bơi ở bể bơi rồi đấy”, người diễn viên - cô giáo cũng có thể đáp lại “Thật thế ư? Còn em nào muốn nói gì khác không?”… Ngoài ra, khả năng tập trung sự chú ý cao độ của trẻ em vào sân khấu biểu diễn tạo cho trẻ em có được cảm giác mình không bị bỏ rơi, mình cũng đang tham gia vào vở kịch.

Trong một xã hội mà mối quan hệ giữa người với người ngày càng mờ nhạt như xã hội Nhật Bản hiện nay, thì điều cần thiết là phải xây dựng khả năng biết đồng cảm, biết quan tâm đến người khác ngay từ giai đoạn giáo dục mầm non. Vở kịch Kamishibai, một cách rất tự nhiên, tạo ra sự nối kết giữa người kể chuyện (cô giáo) và khán giả (các em bé) cũng như mối liên quan giữa những khán giả nhỏ với nhau. Đó chính là loại hình giáo dục mà các nhà giáo dục mầm non ở Nhật Bản hiện nay đang muốn nhân rộng, muốn đặt cho chúng một chỗ đứng nhất định trong các loại hình giải trí, giáo dục hiện nay.

Đặc trưng thứ ba thể hiện tính giáo dục của Kamishibai, đó là vở kịch Kamishibai có thể phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

Trong giai đoạn nhỏ tuổi - giai đoạn mẫu giáo, khi mà vốn từ của trẻ nhỏ được hình thành một cách nhanh chóng và ấn tượng - sự ghi nhớ về nó phát triển một cách phong phú, thì rất cần thiết phải cho trẻ em tiếp xúc càng nhiều càng tốt với “ngôn ngữ sống” - tức là ngôn ngữ giao tiếp thực tế.

Thứ ngôn ngữ được phát thanh trên vô tuyến hay đài phát thanh, băng đĩa… suy cho cùng chỉ là những âm thanh của máy móc, những vật chất mang tính vô cơ. Đối với trẻ nhỏ, dù cho đó là bài giảng đầy nhiệt huyết của một vị giáo sư nổi tiếng đi chăng nữa, thì chúng cũng không thể hình dung ra ý nghĩa của ngôn từ đó, không thể cảm thụ hết được ý nghĩa của chúng, bởi vì đó không phải là “ngôn ngữ sống”. Trẻ nhỏ đang ở giai đoạn học ngôn ngữ và cảm thụ ý nghĩa của ngôn từ và sắc thái biểu cảm của nó thông qua những vật chất hết sức cụ thể, ví dụ như người nói chuyện trước mặt. Trong Kamishibai thì đó là trạng thái biểu cảm và ngữ khí, khẩu khí của người diễn, sự điều chỉnh các cách nói… tóm lại đó được gọi là “ngôn ngữ sống”.

Chính vì vậy, việc trao đổi, chuyện trò với từng em, việc đọc truyện tranh, nghe kể chuyện… sự tích luỹ càng nhiều kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ như vậy càng hết sức cần thiết cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Trong Kamishibai, lời thoại chứa đựng sự tinh lọc các cảm xúc về sự vật, hiện tượng hoàn toàn phù hợp với tư duy tình cảm của trẻ nhỏ, vì vậy, nó đem đến những cơ hội quan trọng để trẻ nhỏ ghi nhớ ngày càng nhiều ngôn từ.

Trẻ nhỏ có khả năng tập nói những từ dễ phát âm, hoặc có vần điệu. Ví dụ như trong vở kịch Kamishibai “Bác sĩ Aibôlít”, chúng rất thích cái tên Aibôlít, những địa danh như Rinpôpô ở Gíppôpô… Chúng dễ dàng đọc lên những từ như vậy. Thậm chí, chúng dễ dàng phát hiện ra những từ mới không có trong kịch bản, nếu cô giáo kể cùng một câu chuyện đến lần thứ ba(3).

Thứ ngôn ngữ đẹp, tinh túy mà các tác giả sử dụng trong những câu chuyện ở Kamishibai, có sức vang vọng rất lớn trong tâm hồn trẻ nhỏ. Điều này cũng có thể thấy ở truyện tranh. Trẻ nhỏ có thể ghi nhớ với một khả năng đáng kinh ngạc đối với những từ ngữ mà chúng thích hoặc gây ấn tượng đối với chúng. Những từ hay, có vần điệu sẽ lắng đọng tận đáy sâu trong tâm hồn con trẻ. Chính vì vậy, ở các trường mầm non, những vở kịch Kamishibai được trẻ em yêu thích thường được diễn đi diễn lại nhiều lần.

Đặc trưng thứ tư, đó là sự phù hợp hoàn toàn với diễn tiến phát triển tư duy, tình cảm ở trẻ nhỏ.

Như đã phân tích ở phần trên, nếu chỉ dùng một từ duy nhất để nói về bản chất của Kamishibai thì đó chính là “sự đồng nhất, sự phù hợp hoàn toàn với tiến trình phát triển tư duy tình cảm ở trẻ nhỏ”.

Khi chúng ta đọc một cuốn sách, nghe kể một câu chuyện, lẽ tất nhiên là chúng ta luôn muốn biết diễn biến tiếp theo sẽ ra sao. Khi xem kịch cũng vậy, chúng ta cũng thường nghĩ “đúng như mình dự đoán”, hoặc “không, nếu là mình, mình sẽ không làm thế”…

Trẻ em cũng như vậy, tùy từng lứa tuổi, trong não bộ, thế giới tư duy, tình cảm cũng có những diễn tiến theo một quy tắc riêng của chúng. Nhưng, do còn ít kinh nghiệm sống, vốn từ vựng cũng hạn chế nên thế giới tư duy tình cảm của trẻ ấu thơ không có những diễn tiến nhanh như người lớn. Vì vậy, diễn biến câu chuyện trong Kamishibai, cụ thể là, một phông họa cảnh này được hiểu hết thì mới chuyển sang một phông họa cảnh khác, tốc độ chuyển cảnh như vậy, có thể nói là hoàn toàn phù hợp với diễn tiến phát triển tư duy, tình cảm của trẻ nhỏ.

Thêm vào đó, người dẫn chuyện, trong khi kể chuyện, có thể thay đổi, điều chỉnh, triển khai cốt chuyện cho phù hợp với hoạt động tư duy của trẻ nhỏ.

Hiện nay, đáp ứng sự biến chuyển nhanh chóng của Thế giới bên ngoài, các loại hình văn hóa giải trí dành cho trẻ em cũng không ngừng thay đổi, ra đời nhiều loại hình cảm giác mạnh, kích thích mạnh. Tuy nhiên trong số đó, Kamishibai vẫn tiếp tục tồn tại như một loại hình có khả năng kích thích phong phú trí tưởng tượng, phát triển tư duy chứ không chỉ là cảm giác bên ngoài, nó cho trẻ em cơ hội để phát triển tính bình tĩnh và sự chủ động.

Giáo sư  Sugo Hiroshi (1907 – 1980), trong cuốn “Vô cùng yêu thích Kamishibai”(4) viết: “Trong cái thế giới ồn ào và vội vã ngày hôm nay, Kamishibai dường như là “vị cứu tinh” của trẻ nhỏ. Phải chăng Kamishibai đang dần bị lãng quên ngày nay lại chính là bộ môn văn hóa có kết cấu, diễn biến phù hợp với nhịp điệu trái tim và tâm hồn con trẻ. Nó giống như là loài hoa bách hợp, có sức sống mãnh liệt không thể nào dập tắt”.

Đặc điểm cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến, đó là “tính định hướng” và “tính thực tế” của Kamishibai.

Có thể nói, trong môi trường sống tập thể tại các nhà trẻ, Kamishibai được sử dụng như một môn học về cuộc sống thường ngày, xây dựng những kinh nghiệm sống cho trẻ nhỏ với tư cách là những “trải nghiệm thực tiễn”.  Đồng thời, Kamishibai đem đến sự thay đổi về mặt thời gian và không gian cho các em.

Cố giáo sư Yamashita Toshio rất coi trọng “tính định hướng” và “tính thực tiễn” của các bộ môn văn hóa thiếu nhi. Ông viết: “Những bộ môn văn hóa giải trí dành cho trẻ em rất cần thiết phải là những bộ môn có khả năng phát huy “tính người”, đồng thời lại có khả năng thâm nhập vào cuộc sống của trẻ nhỏ, có nghĩa chúng phải được trẻ em say mê, phải đem đến cho trẻ em sự cuốn hút bay bổng mà gần gũi…(5)”. Kamishibai với những thuộc tính như tính nghệ thuật cao, tranh vẽ sống động, hấp dẫn đối với trẻ em, ngôn từ, lời thoại đẹp, có khả năng thấm sâu vào trái tim và tâm hồn trẻ nhỏ, phải chăng đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản đó.

Mượn lời giáo sư Yamashita Toshio trong cuốn “Kamishibai - Sáng tạo và tính giáo dục”(6): “Một thế giới lung linh màu sắc được thể hiện qua những bức tranh, một thế giới ngọt ngào trong sáng được tạo ra bằng lời kể chuyện của người biểu diễn, cái thế giới chỉ có thể hiển hiện và phát triển trong sự giao lưu giữa người diễn viên (cô giáo) và các khán giả nhỏ tuổi - đó chính là bản chất của Kamishibai”. Có thể nói, dù là thể loại Kamishibai giáo dục về lối sống, Kamishibai hướng dẫn tìm hiểu thế giới tự nhiên hay những giai thoại về cuộc sống hàng ngày…, trong tất cả những thể loại ấy, cái thế giới trong câu chuyện có hấp dẫn được trẻ em hay không, “tính định hướng” và “tính thực tế” có được phát huy hay không, vai trò quan trọng nằm ở chính người biểu diễn. Vì vậy, trong giáo dục mầm non, để phát triển những tiềm năng giáo dục vốn vô cùng phong phú ở Kamishibai đòi hỏi người giáo viên-người dẫn chuyện phải có tình yêu thương vô hạn đối với các em nhỏ và sự quan tâm, hiểu biết đầy đủ về bộ môn nghệ thuật này.

2. Sử dụng Kamishibai trong giáo dục mầm non ở Việt Nam

Kamishibai - kịch giấy là một bộ môn nghệ thuật độc đáo của Nhật Bản. Chỉ với một sân khấu nhỏ bằng gỗ và lời kể chuyện thật hấp dẫn đã có thể biến những bức tranh vẽ tĩnh lặng thành vở kịch hết sức sống động, lôi cuốn người xem. Có thể nói, đây là sự sáng tạo đặc sắc - Nhật Bản hóa nghệ thuật truyện tranh mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng có.

Kamishibai đặc biệt phù hợp với các em nhỏ lứa tuổi nhi đồng. Chính vì vậy, nó được xếp vào bộ môn nghệ thuật dành cho trẻ em và được sử dụng phổ biến trong giáo dục mầm non ở Nhật Bản. Với những thuộc tính đặc biệt như: là một vở bằng tranh kết hợp với lời kể chuyện, nội dung đơn giản, dễ hiểu, tốc độ chuyển cảnh vừa phải, phù hợp với diễn tiến nhận thức, tư duy của trẻ nhỏ, trong quá trình diễn kịch có sự giao lưu mật thiết giữa người biểu diễn (cô giáo) với khán giả, tức là các em nhỏ, để các em hiểu thấu đáo nội dung tranh vẽ trong họa cảnh này rồi mới chuyển sang họa cảnh khác, thông qua lời kể chuyện và sự giao lưu này để phát triển khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp xã hội của trẻ… có thể đánh giá Kamishibai là bộ môn nghệ thuật có tính giáo dục cao. Tuy có một thời kỳ Kamishibai bị sử dụng như một phương tiện tuyên truyền phục vụ cho chiến tranh của Nhật Bản (1930-1945), nhưng hiện nay giá trị của Kamishibai đã được nhìn nhận, đánh giá lại và Kamishibai được khuyến khích sử dụng trong các trường mầm non.

Ở Việt Nam ta, điều kiện dạy học tại các nhà trẻ, các trường mẫu giáo đặc biệt còn nhiều thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thiết nghĩ, Kamishibai, với tính linh động, thao tác đơn giản, nghệ thuật biểu diễn không cầu kỳ nhưng lại có sức cuốn hút mạnh, tính đại chúng cao, tính giáo dục cao - là bộ môn nghệ thuật và giải trí rất phù hợp để áp dụng trong giáo dục mầm non ở nước ta. Từ đó, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1- Nên sử dụng Kaimishibai trong các giờ dạy kể chuyện tại các nhà trẻ, các trường mẫu giáo ở Việt Nam. Trong Kamishibai có nghệ thuật kể chuyện với đầy đủ các yếu tố mà các nhà giáo dục đòi hỏi như: phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ, nâng cao nhận thức thực tế về sự vật, hiện tượng và nhận thức trừu tượng về các khái niệm, phát triển tính tự lập, khả năng giao tiếp xã hội ở trẻ…, nhưng Kamishibai còn giá trị hơn ở chỗ nó có hiệu quả của một vở kịch bằng tranh. Nếu nghệ thuật kể chuyện được kết hợp với cho xem tranh thì rõ ràng là câu chuyện sẽ trở nên sống động, hấp dẫn hơn rất nhiều. Thông qua tranh vẽ, những khái niệm về sự vật, hiện tượng sẽ trở nên dễ hiểu hơn đối với các em bé. Bên cạnh đó, sau khi nghe cô giáo diễn kịch, các em sẽ có thể tự trình diễn lại vở kịch đó. Trình tự này cũng giống như ở môn kể chuyện mà các em đã học. Tuy nhiên, khi diễn Kamishibai, các em có thể không cần ghi nhớ lời kể chuyện theo kiểu học thuộc lòng, mà vừa nhìn vào tranh, vừa có thể sáng tạo ra lời dẫn chuyện, lời thoại cho phù hợp với họa cảnh. Như vậy, ở đây, tính sáng tạo được phát huy. Mặt khác, khi trình diễn Kamishibai, các em cũng có thể đưa vào lời thoại khẩu khí, hoặc bộc lộ tâm trạng, cảm xúc của mình. Đây chính là yếu tố giúp các em tự trưởng thành về ý thức độc lập cá nhân, một điều rất quan trọng trong phát triển nhân cách ở trẻ nhỏ.

2- Vở kịch Kamishibai chỉ cần những dụng cụ biểu diễn hết sức đơn giản:  Một bộ tranh vẽ khoảng 15-20 tờ tranh theo cốt truyện đã định. Một cái hộp gỗ có cửa mở ra khép vào giống như sân khấu nhỏ, có khe để luồn những tờ tranh minh họa theo chiều ngang. Lời kể chuyện và lời thoại của nhân vật đã được ghi ở mặt sau của tờ tranh để người biểu diễn có thể dễ dàng đọc lên. Với những đạo cụ đơn giản như vậy, có thể nói, Kamishibai có thể dễ dàng đặt chân đến những miền đất xa xôi, những vùng nông thôn, hải đảo còn nghèo nàn lạc hậu ở Việt Nam, đem đến một chút niềm vui và không khí tưng bừng của đêm hội biểu diễn cho con trẻ. Khi mà những hoạt động giải trí, sinh hoạt văn hóa còn rất ít, rất xa lạ với các em bé ở đây, thì phải chăng các nhà hoạt động văn hóa, các nhà giáo dục nên thử áp dụng mô hình sử dụng Kamishibai như một phương tiện tuyên truyền văn hóa, giáo dục và giải trí giống như ở Nhật Bản những thập kỷ đầu thế kỷ 20. Có thể nói, điều kiện vật chất xã hội của Nhật Bản thời đó khá gần với điều kiện của các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay. Kamishibai với tính lưu động, tính đại chúng cao, sức truyền cảm lớn, khả năng giáo dục sâu sắc đã được các nhà văn hóa, giáo dục, thậm chí cả các chính trị gia Nhật Bản sử dụng trong một thời gian dài. Khoan bàn đến quá khứ lịch sử của bộ môn nghệ thuật này vì nó gắn với những mục tiêu chính trị đáng lên án trong một giai đoạn nhất định, ở đây chúng tôi chỉ muốn kiến nghị những yếu tố tích cực đáng nhân rộng của loại hình văn hoá này. Nếu Kamishibai với nội dung giáo dục tốt được biểu diễn định kỳ ở các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng nông thôn Việt Nam thì nó sẽ là một phương tiện tích cực tuyên truyền văn hóa, giáo dục cho người dân nói chung và đặc biệt là trẻ em.

3- Để phổ biến loại hình Kamishibai, theo kiến nghị của chúng tôi, cần phải xây dựng một đội ngũ những người tâm huyết với nghề sáng tác và biểu diễn Kamishibai. Thực ra, việc vẽ tranh Kamishibai không khó, ngay cả người giáo viên mẫu giáo bình thường, hoặc thậm chí là các em học sinh mẫu giáo lớn đều có thể làm được. Tranh vẽ Kamishibai không câu nệ, cầu kỳ về đường nét, chi tiết tỉ mỉ, cũng không có một quy tắc bắt buộc trong nghệ thuật vẽ. Mỗi người có thể tùy theo sức tưởng tượng của mình để vẽ nên một bộ tranh theo cốt truyện có sẵn, hoặc tự sáng tác ra một câu chuyện cũng được. Cốt sao màu sắc trong tranh rõ ràng, nổi bật để các em bé ngồi xa cũng có thể nhìn rõ. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, bên cạnh đội ngũ sáng tác nghiệp dư như trên cũng có những người họa sĩ thực sự gắn bó với nghề vẽ tranh Kamishibai. Họ vẽ tranh, tự sáng tác lời kể chuyện, lời thoại hoặc hợp tác với một số nhà văn viết truyện thiếu nhi để sử dụng kịch bản của họ. Tác phẩm sáng tác ra được những nhà xuất bản chuyên xuất bản ấn phẩm Kamishibai, ví dụ như nhà xuất bản Doshinsha mua bản quyền sáng tác và phát hành với số lượng lớn. Những tác phẩm như vậy có sức hấp dẫn lớn, được sử dụng phổ biến ở các trường mầm non.

4- Vì vậy, trước hết các nhà xuất bản ấn phẩm dành cho thiếu nhi ở Việt Nam  nếu có thể đầu tư đặt hàng các nhà văn và họa sĩ sáng tác một số tranh truyện  Kamishibai thì đó chính là xây những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn nghệ thuật này. Sân khấu Kamishibai làm bằng gỗ, khá đơn giản đối với trình độ tay nghề của các nghệ nhân thủ công truyền thống làm đồ gỗ ở Việt Nam hiện nay. Những bộ tranh Kamishibai cùng với kịch bản được in sẵn sau mỗi bức tranh, sân khấu nhỏ bằng gỗ… nếu được các nhà trẻ, các trường mẫu giáo đặt hàng để phục vụ cho việc dạy học ở đây thì sẽ có tác dụng kích thích rất lớn việc sáng tác thêm những tác phẩm Kamishibai mới. Vì thực chất, đây sẽ là nguồn “cầu” rất lớn trong một xã hội có dân số trẻ như Việt Nam hiện nay.

5- Bước tiếp theo là đại chúng hóa Kamishibai bằng cách tổ chức các cuộc thi sáng tác Kamishibai ở các trường mầm non. Cô giáo và các em học sinh sẽ trở thành những họa sĩ không chuyên nhưng lại có hiểu biết thực tiễn về nhu cầu dạy và học ở đây. Nếu tổ chức được các giờ làm Kamishibai (vẽ tranh, biểu diễn…) ở các lớp mẫu giáo lớn thì đây cũng là những giờ học có thể thay cho giờ học vẽ và học văn (đọc thơ, kể chuyện…), làm đổi mới không khí học tập tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo.

6- Và điều cuối cùng mà chúng tôi kiến nghị, đó là cần có những công trình nghiên cứu đầy đủ về Kamishibai, giới thiệu cho nhân dân Việt Nam nói chung và các nhà giáo dục nói riêng về bộ môn nghệ thuật, văn hóa có tính giáo dục cao này./.

 

NGÔ HƯƠNG LAN

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Akashi Abe, Chizuko Kamichi, Seishi Horio (đồng chủ biên), Kamishibai nối những trái tim. Nxb. Doshinsha, Tokyo, 1991, (tiếng Nhật)

2. Matsui Noriko, Kamishibai - niềm vui “cộng cảm”. Nxb. Doshinsha, Tokyo, 1998, (tiếng Nhật)

3. Asai Seiichi, Đâu rồi những người diễn Kamishibai – Kamishibai đường phố sau chiến tranh - những dấu chân quen”, Nxb. Shikahan, 1989.

4. Sugo Hiroshi, Vô cùng yêu thích Kamishibai, Nxb. Doshinsha, 1971.

5. Yamashita Toshio, Kamishibai - Sáng tạo và tính giáo dục, Viện Nghiên cứu Văn hóa thiếu nhi, Nxb.Doshinsha, 1972.

6. Tạp chí “Hội văn hóa Kamishibai IKAJA” các số năm 2004, 2005, 2006.

7. Hồ Hoàng Hoa, “Kamishibai: Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 3/1997.

8. Trang web. http://www.geocities.jp/ ka mishibai/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) Giáo sư Horio Seishi, sinh năm 1938, hoạt động trong Hiệp hội Kamishibai giáo dục Nhật Bản, là tác giả của hai tác phẩm Kamishibai nổi tiếng “Udura” và “Nhất trà”. Hiện nay, ông có nhiều công trình nghiên cứu về Kamishibai.

(2) Akashi Abe, Chizuko Kamichi, Seishi Horio (đồng chủ biên), Kamishibai nối những trái tim. Nxb. Doshinsha, Tokyo, 1991, (tiếng Nhật), tr.30.

(3) “Kinh nghiệm của tôi” Kouno Tsugiko, giáo viên mẫu giáo. Hiện đang làm việc tại Khoa giáo dục mầm non, trường Đại học nữ sinh Soubo. Nguồn:Akashi Abe, Chizuko Kamichi, Seishi Horio (đồng chủ biên), Kamishibai nối những trái tim. Nxb. Doshinsha, Tokyo, 1991, (tiếng Nhật).

(4) Sugo Hiroshi (1907 – 1980), “Vô cùng yêu thích Kamishibai”, Nxb. Doshinsha, 1971.

 

(5) Yamashita Toshio (1930-1982). Nhà lý luận giáo dục, Giáo sư đại học Hành chính quốc gia Tokyo, giám đốc Trường Mầm non Midori ke hei. Nguồn: “Kamishibai nối những trái tim”, tr.36, đã dẫn.

(6) Yamashita Toshio, “Kamishibai - Sáng tạo và tính giáo dục”, Viện Nghiên cứu Văn hóa thiếu nhi, Nxb.Doshinsha, 1972.

0thảo luận