Trang chủ

35 NĂM QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM-NHẬT BẢN: MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

Đăng ngày: 21-11-2012, 10:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 8

Năm 2008, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (21/9/1973-21/9/2008) trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước bước sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh của mỗi nước và của Châu Á. Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là thị trường ưu tiên trong chính sách của các nhà đầu tư Nhật Bản.

1. Về quan hệ thương mại:

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc năm 1999. Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu các sản phẩm thuỷ sản, dệt may, dầu thô, cáp điện, đồ gỗ,...và nhập về từ Nhật Bản các mặt hàng cơ khí, sắt thép, điện tử, xe gắn máy, nguyên liệu dệt và da,...Trong nhiều năm liền, Nhật Bản luôn là bạn hàng số một của Việt Nam, và chỉ đến vài năm gần đây mới tụt xuống vị trí thứ hai hoặc thứ ba sau Trung Quốc và Mỹ. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản đạt hơn 11,7 tỉ USD. Riêng tháng 1 năm 2008, Nhật Bản xuất khẩu sang Việt Nam đạt hơn 525 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2007; nhập khẩu đạt 645 triệu USD, tăng 33%. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỉ USD vào năm 2010. Về tiến trình hợp tác kinh tế, Việt Nam và Nhật Bản đã kết thúc giai đoạn nghiên cứu khả thi về Hiệp định đối tác kinh tế song phương (EPA) vào cuối tháng 4 năm 2006 và từ tháng 1 năm 2007, hai nước đã tiến hành đàm phán chính thức. Kết quả là, sau 6 phiên đàm phán đã đạt được thoả thuận về một số nội dung cơ bản liên quan thương mại hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ,...và đang đẩy mạnh đàm phán nhằm sớm ký Hiệp định này. Nhật Bản cam kết xem xét sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.


Bảng 1: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản

(Đơn vị: Tỉ USD)

Năm

2003

2004

2005

2006

2007

Xuất khẩu (sang Nhật Bản)

2,90

3,50

4,41

5,29

6,11

Nhập khẩu (từ Nhật Bản)

2,99

3,55

4,10

4,14

5,66

Tổng kim ngạch

5,90

7,05

8,51

9,43

11,79


2. Về đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Việt Nam

Tính đến hết năm 2007, Nhật Bản đã có 928 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam (chiếm 10,8% so với cả nước), với tổng vốn đăng ký hơn 9 tỉ USD, đứng thứ tư trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại nước ta (sau Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan), nhưng lại đứng đầu trong thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư (hiện đạt gần 5 tỉ USD, chiếm 17% so với cả nước). Vốn đầu tư đăng ký của Nhật Bản tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, chiếm gần 70% về số dự án và 79% về số vốn đăng ký; số vốn đầu tư còn lại thuộc các lĩnh vực dịch vụ (19%) và nông, lâm, ngư nghiệp (2%). Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng công nghệ cao, trong đó có nhiều sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tham gia tích cực vào xuất khẩu. Tiêu biểu trong đó, phải kể đến các Tập đoàn NTT, Tập đoàn Canon, Fujitsu, Sony, Toyota, Mitsubishi, Sumitomo, Honda,... Trong các dự án đầu tư của Nhật Bản còn hiệu lực, đến nay có khoảng 400 dự án đã đi vào hoạt động, với doanh thu hàng năm đạt hơn 3 tỉ USD, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp khác. Các dự án đầu tư của Nhật Bản có mặt ở 40 tỉnh, thành trên cả nước, nhưng tập trung chủ yếu ở 5 địa phương chính là Hà Nội, thành phố HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Thanh Hoá.


Bảng 2: FDI của Nhật Bản ở Việt Nam tính đến ngày 31/12/2007

TT

Địa phương

Dự án

Vốn đăng ký

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Số vốn (Triệu USD)

Tỉ lệ (%)

Bình quân một dự án (Triệu USD)

1

Hà Nội

217

23,1

2.437,2

26,7

11,23

2

TP. Hồ Chí Minh

278

29,26

1.477,0

16,2

5,37

3

Đồng Nai

69

7,4

1.141,4

12,5

16,54

4

Bình Dương

92

9,8

660,3

7,2

7,18

5

Thanh Hoá

4

0,4

628,0

6,9

157,0

6

Còn lại

278

29,6

2.772,8

23,7

9,97

Cả nước

938

100,0

9.116,7

100,0

9,72


Nguồn: Bộ Kế hoạch đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài.

 

 

Từ việc xem xét thực trạng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản thời gian qua, chúng ta có thể rút ra một số nhận định chính sau:

- Đã có nhiều dự án của các TNC Nhật Bản với số vốn lên đến hàng trăm triệu thậm chí hàng tỉ USD và ngày càng tăng mạnh. Chất lượng các dự án đã có chuyển biến tích cực và tỉ lệ giải ngân của các dự án đầu tư của Nhật Bản thường đạt mức cao nhất trong số các quốc gia và lãnh thổ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

- Về cơ cấu đầu tư theo lĩnh vực, có xu hướng ngày càng thiên về các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và công nghệ thông tin, và về địa bàn đầu tư, Nhật Bản đang có sự chuyển dần đầu tư của các tập đoàn lớn từ các tỉnh phía Nam ra các tỉnh miền Bắc.

- Nhật Bản là một trong số ít nước có công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ-con có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy vậy, việc thu hút và sử dụng FDI của Nhật Bản ở nước ta còn gặp một số khó khăn cần giải quyết. Một là, nguồn vốn FDI của Nhật Bản vẫn còn tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn có những lợi thế về cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu thụ, mà ít đầu tư vào các tỉnh miền núi xa xôi và hẻo lánh cũng như vào các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Tình trạng này, thứ nhất, là do cơ chế chính sách của ta chưa thật phù hợp đủ để có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài và Nhật Bản vào các địa bàn và lĩnh vực này; thứ hai, là do hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực các vùng trung du, miền núi phía bắc còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu của các nhà đầu tư Nhật Bản, nên đã hạn chế việc hấp thu vốn FDI của Nhật Bản. Hai là, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản với các doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, mức độ liên kết trong sản xuất và kinh doanh giữa chúng không cao. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như vẫn duy trì phong cách làm ăn “tự cung tự cấp” và có xu hướng khép kín trong sản xuất. Vấn đề thứ ba và đặc biệt quan trọng là, trước làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư Nhật Bản, các ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương ứng, nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu về cung cấp nguyên liệu và phụ tùng cho các doanh nghiệp này. Ở Việt Nam, cho đến nay, sản phẩm công nghiệp phụ trợ chủ yếu do các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất, phần lớn cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ khu vực kinh tế Nhà nước. Một bộ phận khác, phần lớn là những sản phẩm công nghiệp phụ trợ cấp thấp, do các hộ kinh doanh cá thể sản xuất cũng gặp khó khăn về vốn, công nghệ. Theo Báo cáo tháng 6/2006 của Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), các nhà sản xuất Nhật Bản cho rằng, do công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam còn chậm phát triển, nên tỉ lệ nội địa hoá của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam mới chỉ đạt 22,3% năm 2003, thấp xa so với mức trên 45% của Malaysia và Thái Lan. Chính vì thế, nên theo Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đầu năm 2006, ngay cả ở những địa bàn tập trung các doanh nghiệp FDI Nhật Bản với các dự án lớn của các TNC Nhật Bản hàng đầu như Toyota, Honda, Suzuki, Canon, Fujitsu,..., do tình trạng kém phát triển của các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa, nên các doanh nghiệp FDI này muốn tăng tỉ lệ nội địa hoá để giảm giá thành sản phẩm nhưng cũng rất khó tìm được nguồn cung cấp sản phẩm phụ trợ đáng tin cậy([1]). Do đó, thiết nghĩ để tăng cường thu hút đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam cần giải quyết sớm bài toán phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc khác đang tồn tại trong ngành này – có thể nói, đây chính là chìa khoá để Việt Nam có thể đón bắt và duy trì được làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản, mà người ta đang đồn đoán và kỳ vọng.

Hiện hai bên đang bắt đầu thực hiện giai đoạn 3 “Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản về cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam”: Nhật Bản cũng đẩy mạnh hỗ trợ thúc đẩy tam giác phát triển, Hành lang kinh tế Đông-Tây, hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS),...Về phía Việt Nam, đến nay đã có 5 dự án đầu tư sang Nhật Bản, với tổng số vốn đạt 2,1 triệu USD; con số này mặc dù còn nhỏ, nhưng là tín hiệu cho thấy sự hội nhập tích cực của hai nền kinh tế vào nhau.

3. Trong lĩnh vực viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Nhật Bản là nước tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, từ năm 1992 đến năm 2007, đạt khoảng 13 tỉ USD, chiếm 30% tổng khối lượng ODA mà cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam; riêng viện trợ không hoàn lại đạt 1,5 tỉ USD. Tại Hội nghị nhóm các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam (CG) tháng 7 năm 2007, Nhật Bản tuyên bố viện trợ ODA tài khoá 2007 mức kỷ lục 123 tỉ yên (khoảng 1,1 tỉ USD), tăng 19% so với năm 2006, trong đó viện trợ không hoàn lại 7,4 tỉ yên. Các chương trình viện trợ của Nhật Bản nhằm vào 5 lĩnh vực: phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế; xây dựng và cải tạo công trình giao thông và điện lực; nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; giáo dục, đào tạo, y tế; và bảo vệ môi trường. Chính phủ Nhật Bản duy trì ODA cho Việt Nam ở mức cao, đánh giá cao Việt Nam trong việc sử dụng có hiệu quả ODA của Nhật Bản.

Qua Bảng 3 ta thấy, vốn ODA của Nhật Bản cho Việt Nam dù có lúc lên lúc xuống, nhưng cho đến nay, về cơ bản, là theo chiều hướng ngày càng gia tăng, cả về chất lẫn quy mô, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong chính sách viện trợ cho Việt Nam, chính phủ Nhật Bản luôn dựa trên quan điểm đề cao tính nhân đạo, và theo chiều hướng gắn chặt giữa việc cung cấp ODA với việc gia tăng FDI của Nhật Bản vào Việt Nam hoặc ODA với thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng đến việc cải thiện môi trường và hỗ trợ tinh thần tự lực của phía Việt Nam trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhờ đó, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản ở Việt Nam.

Tháng 6 năm 2006, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã công bố chính sách ODA mới của Nhật Bản được áp dụng cho Việt Nam trong thời gian từ năm 2007 trở đi. Điểm khác biệt chủ yếu so với chính sách ODA cũ là các dự án nhận hỗ trợ sẽ được lựa chọn thông qua đối thoại, chứ không phải theo yêu cầu như trước đây nữa và khoản hỗ trợ được hoạch định ngay tại nước nhận ODA nhằm sử dụng nguồn vốn một cách có có hiệu quả. Do vậy, chính sách ODA mới của Nhật Bản ưu tiên hỗ trợ hàng đầu vào 3 lĩnh vực sau([2]): (1) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản sẽ tập trung hỗ trợ vào lĩnh vực cải cách kinh tế như hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, điện lực, công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách doanh nghiệp Nhà nước. (2) Cải thiện đời sống và các lĩnh vực xã hội. (3) Hoàn thiện thể chế pháp luật. Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Việt Nam cải cách hành chính, trong đó có cải cách chế độ công chức thông qua việc sử dụng kinh nghiệm và các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Ba lĩnh vực này cũng là những mục tiêu chính mà chính phủ Việt Nam đang đặt ra trong kế hoạch phát triển và xoá đói giảm nghèo. Chính sách ODA mới này một lần nữa được ghi nhận và xem xét nghiêm túc trong cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhật Bản ngày 19/10/2006.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, chính sách ODA của Nhật Bản ít nhiều mang tính điều kiện cho Việt Nam và nhằm phục vụ cho những lợi ích lâu dài của Nhật Bản hơn là những thiện ý như phía Nhật Bản công bố. Song, dù chính sách ODA của Nhật Bản được nhìn nhận như thế nào chăng nữa, ví như tấm huân chương luôn có hai mặt thì hiện tại nguồn vốn ODA của Nhật Bản vẫn được coi là nguồn vốn có ý nghĩa hết sức quan trọng cho tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới của Việt Nam, đã đóng góp không nhỏ trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua.


Bảng 3: ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam

(Đơn vị: Tỉ yên)

Năm

1992-2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

1992-2007

Viện trợ không hoàn lại

108,9

13,1

12,4

12,6

12,5

8,8

7,4

175,7

Khoản vay

726,3

79,3

79,3

82,0

88,3

95,1

115,8

1.266,1

Tổng cộng

835,2

92,4

91,7

92,6

100,9

103,9

123,2

1.441,8

 

 

4. Các vấn đề hợp tác cụ thể

Cùng với thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển không ngừng được đẩy mạnh các vấn đề hợp tác cụ thể, giữa hai nước trong cải

 

thiện môi trường đầu tư, công nghệ thông tin, xoá đói, giảm nghèo,...đã đạt được những bước tiến rõ rệt. Hợp tác trong các lĩnh vực

 

giáo dục và đào tạo, giao lưu văn hoá, du lịch,..cũng phát triển nhanh chóng. Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đi qua chặng đường 35 năm đã khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước cùng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, thúc đẩy hợp tác phù hợp tiềm năng của hai bên trong mọi lĩnh vực trên tinh thần hữu nghị và vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Tóm lại, có thể khẳng định chắc chắn rằng, những thành tựu đã đạt được trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 35 năm qua là rất to lớn và ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Những năm tiếp theo đây thực sự sẽ là một bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự vươn lên tầm cao mới của quan hệ giữa hai nước và triển vọng tương lai là rất sáng sủa. Trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực và toàn cầu hoá hiện nay, với tiềm năng phát triển của hai nước, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản nhất định sẽ phát triển hơn nữa về mọi mặt. Đồng thời, hiện nay, vấn đề hoà bình, ổn định và hợp tác để phát triển đang là xu thế chủ đạo ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây chính là môi trường rất thuận lợi để Việt Nam và Nhật Bản tích cực tham gia vào ngày càng sâu rộng vào quá trình liên kết kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Những bài học kinh nghiệm trong quan hệ trước đây giữa hai nước và đặc biệt là sự ổn định trong mỗi nước đang là những tiền đề quan trọng cho sự hợp tác lâu dài của hai nước trong tương lai./.

 

NGỌC TRỊNH

(PGS, TS, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Quang Minh, Ngô Xuân Bình (chbiên), 2005, Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: Quá khứ hiện tại và tương lai, Nxb. KHXH, Hà Nội;

2. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (84), 2/2008, tr. 11-16; số 3 (85), 3/2008, tr. 52-61; số 4 (86), 4/2008, tr. 33-39.

3. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, “Hợp tác kinh tế của Nhật Bản”, http://www.vn.emb-japan.go.jp/html/voda_jp.html

4. Báo Hà Nội Mới điện tử, Nhật Bản luôn ưu tiên viện trợ ODA cho Việt Nam, http://www.beta.baomoi.com/Home/Kinhte/1356536.epi.

5. TTXVN, “ODA là câu chuyện thành công trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản”, http://www.vnagency.com.vn/pPrint.aspx?itemid=233244.

6. Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư, 2008, Số liệu đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2007 (Chỉ tính các dự án còn hiệu lực).

7. Kenichi Ohno, 2007, Building Supporting Industries in Vietnam, Vol.1.

8. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài,

Nhật Bản sẽ tiếp tục chính sách ưu tiên viện trợ cho Việt Nam, http://www.vnconsultate-hongkong.org.vnemb.vn/tin_hddn/ns060529092802?b_strrả:int=90

 

 


 


 

 



([1]) Phan Trung Dũng, Thu hút đầu tư của Nhật Bản vào nước ta và giải pháp phát triển công nghiệp phụ tr, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 4 (86), tháng 4, 2008, tr. 36-37.

([2]) Đại sứ quán Nhật bản tại Việt Nam, “Hợp tác kinh tế của Nhật Bản”, http://www.vn.emb-japan.go.jp/html/voda _jp.html

0thảo luận