Trang chủ

MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ VIỆT NAM TỪ KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 30-10-2012, 10:13 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 7

Quản lý môi trường đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cần thiết đặt ra đối với tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, X của Đảng đã nhấn mạnh: “Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững; Tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt tiêu chuẩn mức tối thiểu do Nhà nước quy định”.

Mặc dù vậy, việc quản lý môi trường, đặc biệt là quản lý môi trường đô thị còn nhiều hạn chế: hệ thống các biện pháp quản lý chưa được xác lập đầy đủ và  thực hiện đồng bộ; Việc chấp hành các quy định về quản lý ô nhiễm môi trường của người dân ở khu vực đô thị còn thấp.  Đầu tư cho quản lý môi trường tại đô thị nói chung còn thấp hơn so với đầu tư cho các lĩnh vực khác; Cơ chế  chính sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường còn thiếu; Công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ thân môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Từ tất cả những lý do trên đặt ra cho chúng ta bài toán làm sao để nâng cao năng lực quản lý môi trường, nhất là môi trường đô thị Việt Nam? Để giải bài toán này qủa là công việc khó nên việc tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới trong đó có Nhật Bản là rất cần thiết. Trong giới hạn bài viết này, tác giả đề cập tới một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường đô thị Việt Nam từ kinh nghiệm của Nhật Bản.

1. Sử dụng các công cụ kinh tế vào quản lý môi trường một cách hợp lý

Giống với nhiều quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển cao, các công cụ kinh tế mà chính phủ Nhật Bản sử dụng để can thiệp vào hoạt động bảo vệ và giữ gìn môi trường là thuế, các loại lệ phí và phí, các khoản vay, các khoản trợ cấp v.v... ở đây lưu ý tới hai loại công cụ được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản là thuế và trợ cấp tài chính.

Trước hết đề cập tới thuế. Thuế được coi là công cụ bảo vệ ô nhiễm môi trường hiệu quả nhất ở Nhật Bản và chúng được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Điều lưu ý là, cùng với các đạo luật thuế được ban hành trước đây, trong những năm vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã xây dựng và ban hành các Đạo luật thuế mới và sửa đổi các Đạo luật thuế cũ cho phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường của Nhật Bản trong thế kỷ 21. Chẳng hạn, để khuyến khích việc xây dựng các doanh nghiệp tái chế phế thải, nước này đã thông qua đạo luật “Khuyến khích các cơ sở tái chế phế thải” ở đó cho phép giảm thuế tối đa cho các loại tài sản cố định của các doanh nghiệp tái chế phế thải; hay giảm thuế; giảm các giải pháp kiểm soát đặc biệt và gia hạn thời gian ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xử lý nước công nghiệp; hay tăng thuế suất đối với các chủ sở hữu ô tô cũ, hoặc ưu đãi thuế cho các chủ sở hữu ô tô sử dụng công nghệ cao để giảm thiểu ô nhiễm; hay kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp giảm thuế bất động sản và thuế văn phòng cho doanh nghiệp liên quan tới các thể nhân của các hoạt động này sử dụng công cụ và phương tiện xử lý phế thải ...v.v.

Điều nhấn mạnh là, nếu trước đây các sắc thuế chủ yếu hướng tới “Phạt nặng” các thể nhân gây nhiều ô nhiễm thì ngày nay, việc ban hành các sắc thuế mới còn nhằm tới khuyến khích người ta phát triển ngành công nghiệp tái chế phế thải, phát triển các loại nhiên liệu thay thế, bảo vệ và khai thác nước sạch ...v.v.

Đồng thời với công cụ thuế, trợ cấp tài chính (trợ giúp kinh tế) cũng được Chính phủ Nhật Bản quan tâm, sử dụng. Trợ giúp kinh tế bao gồm nhiều khía cạnh như tài trợ từ công ty môi trường Nhật Bản thông qua các chương trình chống ô nhiễm, chuyển giao công nghệ, cho vay vốn ...v.v. Cõ lẽ do trình độ phát triển kinh tế cao nên một khoản ngân sách lớn từ Chính phủ được cung cấp thông qua công ty môi trường Nhật Bản. Như chúng ta biết, công ty môi trường Nhật Bản được thành lập cách đây 40 năm với chức năng kiểm soát và giải quyết ô nhiễm môi trường trên phại vi toàn quốc. Đây là một phương tiện để nhà nước can thiệp vào hoạt động quản lý môi trường. Sau đây là một ví dụ về hoạt động của công ty này; dưới sự chỉ đạo của Chính phủ qua bộ môi trường, công ty này đã thực hiện một loạt các chương trình xử lý và chuyển giao công nghệ ở nhiều đô thị Nhật Bản. Chẳng hạn xây dựng các vùng đệm xanh đô thị (các loại công viên, vườn bách thú), cung cấp các phương tiện xử lý nước thải đô thị; hoặc thực thi các chương trình cho vay vốn với lãi suất thấp cho các đối tượng doanh nghiệp, hộ gia đình .v.v. để xây dựng các cơ sở xử lý phế thải...v.v.

Rõ ràng là những sức ép từ phế thải ngày một gia tăng đã buộc Chính phủ Nhật Bản chú ý hơn tới hai loại công cụ này. Đặc biệt là khí thải từ ô tô và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sạch. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm qúy mà Việt Nam có thể vận dụng vào công việc quản lý ô nhiễm môi trường, bởi ở nước ta, ôtô, xe máy được sử dụng đang ngày càng gia tăng và ô nhiễm nguồn nước sạch đang là vấn đề gây bức xúc của các cộng đồng dân cư đô thị. Đây là hai loại vấn đề đã và đang đặt ra nhiều việc mà nhà quản lý môi trường phải đối mặt, ở đó các công cụ thuế và trợ cấp tài chính cần phải được quan tâm nhất.

Xem xét vấn đề trên góc độ tổng thể cho thấy Việt Nam chúng ta cũng đã vận dụng hai loại công cụ này dựa trên nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục và bồi thường thiệt hại; áp dụng chính sách khuyến khích thuế, trợ cấp cho công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng cơ chế thị trường trong việc chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý(1). Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản chỉ ra rằng, các giải pháp kinh tế trong trường hợp này là thuế và trợ cấp phải được sử dụng kết hợp bởi nó mang tính phòng ngừa và ngăn chặn đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây là điều hết sức quan trọng bởi chi phí cho phòng ngừa thấp hơn chi phí để khắc phục sự cố. Và tính phòng ngừa trong việc sử dụng công cụ kinh tế tạo ra tâm lý thoải mái và tạo ra ý thức bảo vệ môi trường cho người dân tốt hơn.

2. Ưu tiên các chương trình trọng điểm bảo vệ môi trường

Như đã nói ở trên, Nhật Bản là quốc gia đô thị cho nên chính sách quản lý ô nhiễm môi trường của nước này là vừa chú trọng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị vừa xử lý các vấn đề môi trường mang tính khu vực và toàn quốc. Sau đây là một số ví dụ minh họa chính sách này của Nhật Bản.

Thứ nhất là thực thi chương trình chống ô nhiễm môi trường không khí độ thị bằng cách xây dựng các vùng đệm xanh. Các vùng đệm xanh được xây dựng ở hai bên các tuyến đường chính, các khu giải trí đô thị, các vùng cận đô thị...v.v. Mục tiêu của việc xây dựng các vùng đệm xanh này là ngăn ngừa ô nhiễm không khí nhờ đó dân cư sống ở các khu đô thị được sống trong môi trường không khí trong sạch hơn. Chi phí cho chương trình này cho năm tài khóa 2005 xấp xỉ 70.000 tỷ yên gấp khoảng 7 lần so với năm 1996.

Thứ hai là cải tạo môi trường nước, làm sạch các dòng sông và hệ thống cống rãnh đô thị. Đây là một chương trình mang tính xã hội hóa rất cao bởi nó được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với nhiều người tham gia và chi phí được huy động từ nhiều nguồn, cả tư nhân và nhà nước. Chương trình mang tính thường niên và được bắt đầu từ năm 1996. Với mục tiêu là cải thiện môi trường nước, các dòng sông được nạo vét bùn, thay nước, kè chắn bờ và làm sạch nước trực tiếp thông qua các dự án như “dự án cải tạo môi trường sống” (nhất là các sông chảy qua các đô thị); dự án “cải tạo nước hồ ở các đô thị” cũng đã được thực thi liên tục qua nhiều năm, bắt đầu là những hồ lớn ảnh hưởng tới môi trường của các quận, thị sau đó là các hồ nhỏ ở các thị trấn. Các hồ chứa nước, các con đập chắn xói mòn trên các sông cũng được đầu tư cải tạo.

Trong suốt thập kỷ qua, kể từ 1996 đã có khoảng 500 dự án thuộc chương trình này được thực hiện. Hệ thống cống rãnh đô thị cũng được tập trung cải tạo  bởi người Nhật Bản nhận thức rằng, hệ thống này giữ vai trò quan trọng và đa dạng trong việc nâng cao chất lượng sống ở đô thị như xóa bỏ nước bẩn rò rỉ, giữ gìn chất lượng nước của các con sông chảy qua đô thị, cải thiện môi trường sống và góp phần tạo nên ý thức xã hội của cư dân sống đô thị về bảo vệ môi trường. Cho đến nay, chương trình cải tạo và phát triển hệ thống cống rãnh ở Nhật Bản đã bước sang kế hoạch thứ 11 và chi phí bình quân cho mỗi kế hoạch 5 năm  lên tới hơn 20.000 tỉ yên. Đây là một số tiền khổng lồ và kết quả là hệ thống cống rãnh đô thị đã được hoàn thiện trên phạm vi cả nước và góp phần to lớn vào bảo vệ môi trường ở quốc gia này.

Và thứ ba là hỗ trợ tài chính từ ngân sách Trung ương cho các dự án xử lý rác thải rắn, ô nhiễm môi trường liên khu vực vư khu vực Hyogo, Đông Bắc Osaka và Đông Nam Osaka, Đông nam Hokaido...v.v. Các khoản hỗ trợ này bao gồm cả đào tạo nhân viên kỹ thuật, kiểm tra - đánh giá, nghiên cứu và triển khai kỹ thuật xử lý.v.v. Điều lưu ý đối với các loại dự án này là các khoản tài trợ cả gói, chú ý tới đặc thù khu vực hay còn gọi là chú ý tới “tính địa phương” của dự án. Ngoài ra, Chính phủ cũng  hỗ trợ cho dự án xử lý nước thải ở hộ dân cư và phân loại rác thải rắn ngay tại nhà cho các hộ dân sống phân tán tại các đô thị, chỉ tính trong năm tài khóa 2005, đã có 200.000 đơn vị hộ dân loại này được tài trợ.

Kinh nghiệm ở đây chỉ ra rằng, những vấn đề môi trường đô thị bức xúc có tác động xấu tới môi trường và nếu xử lý chúng sẽ trực tiếp góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân ngay tức thì như cống rãnh, nước sạch, rác thải gia đình...v.v. được coi là một trong những tiêu chí cần thiết để xếp vào loại dự án ưu tiên. Thiết nghĩ bài học kinh nghiệm này thực sự có ích cho các nhà quản lý môi trường Việt Nam và chúng ta có thể vận dụng.

Điều cần nhấn mạnh ở đây là, Bộ Tài nguyên Môi trường cần xây dựng một hệ các chương trình trọng điểm với những tiêu chí phù hợp. Theo mô hình Nhật Bản ở đây, các chương trình trọng điểm phải đặt trong chiến lược môi trường quốc gia và các chương trình này phải được chi tiết hóa và tổ chức thực hiện quyết liệt theo kế hoạch, có điều chỉnh theo các kế hoạch 5 năm, kết hợp với kiểm tra, đánh giá. Và nếu cần mời tư vấn quốc tế, trong đó ưu tiên mời các chuyên gia môi trường Nhật Bản. Chúng ta đã có kế hoạch môi trường quốc gia đến năm 2020 song điều quan trọng là cần cụ thể hóa hơn và chú ý  tới tính khả thi của các chương trình này. Với kế hoạch dự kiến đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực này xấp xỉ 1% GDP liệu có đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch dài hạn này không? Đây là chỉ số khá lí thú bởi đương đương với mức của Chính phủ Nhật Bản đầu tư cho môi trường song cần nhớ rằng số tuyệt đối của Nhật Bản là tương đương 50 tỷ đô là còn của Việt Nam là quá nhỏ bé. Điều này cũng cho chúng ta gợi ý rằng, học theo cách thức xây dựng mô hình các công trình trọng điểm của Nhật Bản nhưng quy mô và thực hiện chương trình lại theo thực lực của ta.

3. Tăng cường điều tra nghiên cứu, và xúc tiến công nghệ thân thiện môi trường

Công việc này Chính phủ Nhật Bản giao cho một số đầu mối quan trọng. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIES), Viện này được thành lập năm 1974 tại thành phố Tsukaba và tổ chức lại bộ máy với quy mô khá lớn vào năm 1990. Viện có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn quản lý và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường Nhật Bản và tham gia giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nhằm đáp ứng những đòi hỏi về công tác quản lý và cải thiện môi trường sống. Với một số viên chức 489 người, làm việc trong 50 bộ phận nghiên cứu. Hàng năm, viện này thực hiện hơn 100 đề tài nghiên cứ bao gồm hàng chục vấn đề khác nhau thuộc lĩnh vực môi trường. Chẳng hạn, đánh giá tác động của hợp chất halogen tới sức khỏe con người; ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí ở khu vực đô thị và các giải pháp khắc phục; các phương pháp đánh giá tác động của hóa chất độc hại từ phế thải; cơ chế điều chỉnh nước ngầm và ô nhiễm đất...v.v.

Ngoài ra, để đảm bảo mục đích phát triển bền vững, Chính phủ Nhật Bản khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Sau đây là một số dự án phát triển công nghệ điển hình, chẳng hạn, dự án phát triển công nghệ ngưng kết và sử dụng hiệu quả CO2; phát triển công nghệ sản xuất các chất xúc tác thân thiện với môi trường; các chất làm gia tăng tải trọng phát thải môi trường; phát triển công nghệ sản xuất các chất làm sạch mới; phát triển công nghệ sản xuất hydro thân thiện môi trường; chương trình hỗ trợ nghiên cứu môi trường toàn cầu...v.v

Một số nhà nghiên cứu đánh giá rằng, “Nhật Bản là một trong những quốc gia chú trọng đầu tư nhiều cho nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực môi trường, và nước này còn vượt Hoa Kỳ”(2). Đây là điều rất đáng quan tâm bởi như chúng ta biết, những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản, Nhật Bản thường đi sau Hoa Kỳ nhưng trong lĩnh vực môi trường thì ngược lại. Điều này chỉ có thể lý giải, người Nhật Bản dành sự quan tâm cho bảo vệ môi trường lớn hơn người Mỹ. Bài học kinh nghiệm ở đây là Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn trong nghiên cứu  và triển khai (R & D), bởi các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ có căn cứ thực tiễn và có hiệu quả hơn nếu nó được bắt đầu bằng các công trình nghiên cứu khoa học.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho hoạch định chính sách và chiến lược bảo vệ môi trường đã và đang được chú trọng. Trong hơn một thập kỷ qua nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được giao và thực hiện có hiệu quả.

So với Nhật Bản số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học môi trường của Việt Nam còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của lĩnh vực này. Cần có những cơ chế, chính sách cụ thể hơn trong việc khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, xử lý các sự cố môi trường, phát triển và ứng dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển ngành công nghệ môi trường...v.v. quan tâm nhiều hơn tới việc đào tạo nguồn nhân lực môi trường, đầu tư trang thiết bị mới cho công tác nghiên cứu, đánh giá tác động, kiểm tra, giám sát môi trường...v.v.

4. Kết luận

Từ các giải pháp trên có thể rút ra một số điểm cần lưu ý sau:

Thứ nhất là khi vận dụng bài học kinh nghiệm của Nhật Bản vào Việt Nam, những người làm công tác quản lý môi trường phải nhận thức rằng, giữa Việt Nam và Nhật Bản có không ít điểm tương đồng và cũng có nhiều mặt khác biệt. Trước hết là tương đồng, rõ nét nhất là tương đồng về cội nguồn văn hóa Á Đông; Cả hai nước đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Trung Hoa, của Khổng giáo. Bởi vậy, tâm lý nhìn người lại ngẫm đến ta, nhỏ nhẹ bảo nhau, tôn ti trật tự từ gia đình ra xã hội...v.v. trở thành nét văn hóa truyền thống và phổ biến. Điều này cho ta gợi ý rằng, những giải pháp gắn với truyền thông, giáo dục và hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường mà người Nhật Bản thực thi, Việt Nam có thể áp dụng bởi nó dễ đi vào lòng công chúng.

Một tương đồng nữa là cả Nhật Bản và Việt Nam đều thực thi các nguyên tắc của kinh tế thị trường cho nên các giải pháp kinh tế, chúng ta có thể vận dụng từ người Nhật Bản;

Tuy nhiên, có những khác biệt chúng ta có thể nhìn thấy đó là trình độ phát triển của Nhật Bản cao hơn ta, những khác biệt trong văn hóa và tình cảm của người Nhật Bản ...v.v. Điều này hàm ý rằng, việc vận dụng kinh nghiệm của Nhật Bản trong quản lý ô nhiễm môi trường vào Việt Nam cần phải linh hoạt, xét cả ở cách thức, quy mô và lộ trình thực thi các giải pháp đó.

Thứ hai, công tác quản lý ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, ở đó môi trường sống của người dân đô thị đã được cải thiện. Tuy nhiên những bất cập vẫn còn tồn tại, nhất là nhận thức của một bộ phận công chúng chưa cao, hệ thống luật lệ và các công cụ, chính sách còn thiếu, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Điều này trên thực tế làm suy giảm năng lực quản lý ô nhiễm môi trường đô thị ở nước ta. Và mặc dù chúng ta đã có chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2010 song từ kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực cho thấy, dường như chiến lược này cần được điều chỉnh và sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hướng tới sự bền vững trong điều kiện gia tăng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động quản lý môi trường ở Nhật Bản đã tiến một bước rất xa so với Việt Nam và không gặp những trở ngại, tồn tại như Việt Nam. Vấn đề đặt ra đối với Nhật Bản trong công tác quản lý môi trường là nâng cao tính hiệu quả của các công cụ quản lý, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng công tác này nhằm giải quyết triệt để hơn những thách thức trong hoạt động bảo vệ môi trường và gia tăng hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Thứ ba, các giải pháp nâng cao năng lực quản lý ô nhiễm môi trường cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và với một lộ trình phù hợp. Cần phải lưu ý rằng, Nhật Bản đi trước chúng ta cả một thời đại, họ là nước công nghiệp phát triển còn ta đang trong quá trình công nghiệp hóa song kinh nghiệm của họ trong vấn đề này mang tính tiệm tiến, kế thừa và vượt cả yếu tố thời gian bởi vậy Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác có thể vận dụng. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có một quyết tâm chính trị cao hơn từ các nhà hoạch định chính sách, kết hợp với một chương trình truyền thông sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân, nhất là những người sống ở đô thị về công tác bảo vệ môi trường.

Và thứ tư, cho dù còn nhiều việc phải làm song từ thực tế công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam trong những năm gần đây, cộng với việc thực thi những giải pháp đã đề xuất ở trên, có thể lạc quan dự báo rằng, năng lực quản lý ô nhiễm môi trường đô thị Việt Nam sẽ được gia tăng và môi trường đô thị nhất định sẽ được cải thiện.

 

NGUYỄN THỊ NGỌC

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Môi trường và Trung tâm KTMTĐT và KCN, (1999), Đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường thành phố Hà Nội, Hà Nội.

2. Ngô Xuân Bình (2002), “Điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô của Nhật Bản - khía cạnh khoa học công nghệ và môi trường”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 5 (41), tr. 10–16 .

3. Nguyễn Văn Cư và nnk, (1988), Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên nước địa phận Hà Nội, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Cư và nnk, (1999), Nghiên cứu đề xuất phương hướng khai thác tổng hợp bãi sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội trong mối quan hệ với quá trình biến đổi lòng dẫn, Hà Nội.

5. Phạm Ngọc Đăng và nnk, (1998), Nghiên cứu dự báo diễn biến môi trường do tác động của phát triển đô thị và khu công nghiệp đến năm 2010, 2020, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường đối với thành phố Hà Nội và xây dựng các dự án cải tạo môi trường cho một khu công nghiệp, Báo cáo đề tài KHCN-07-11, Hà Nội.

6. Sở Khoa học và Công nghệ môi trường Hà Nội, Báo cáo hiện trạng môi trường thành phố Hà Nội các năm 2002,2003,2004,2005,2006, Hà Nội.

7. Shuntaro, I and Yasuda, Y. (1995), Nature and Humankind in the Age of Environmental Crisis, International symposium, International Research Center for Japanese Studies, pp. 275 – 280, Tokyo, Japan.

8. Wilfrido Cruz, Kazuhiko Takemoto, Jeremy Warford, (1998) Uban and Industrial Management in Developing Countries Lessons from Japanese Experience, WB.

9. Wilfrido Cruz, Kazuhiko Takemoto, Jeremy Warford (2002), Protecting The Global Environment Initiatives by Japanese Business, WB Insitute, Development Bank in Japan.

10. http://www.nea.gov.vn/html/congnghemt /WEB/documents/HTCNMT.htm

11.http://www.dost.hano.gov.vn

12. http://www.ciren.gov.vn

13. http://www.agenda21.monre.gov.vn

14. http://www.env.go.jp/en/

 



(1) Sở khoa học Cụng nghệ mụi trường, Bỏo cỏo hiện trạng môi trường Việt Nam 2006

(2) Tác giả phỏng vấn GS. TS Hua Ly tại hội thảo quốc tế “Hướng tới cộng đồng Đông Á: Thách thức và triển vọng” đã dẫn.

0thảo luận