Trang chủ

SỰ HÌNH THÀNH LÀNG Ở SHIZUOKA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 25-05-2012, 15:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 8

1. Nguyên nhân hình thành

Điều kiện địa lý đa dạng là vùng đồi núi, đồng bằng và ven biển như ở Shizuoka cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện, hình thành và phát triển của những loại hình làng tương ứng. Tuy nhiên, sự hình thành làng có nhiều nguyên nhân nên việc tìm thời gian xuất hiện chính xác của đơn vị cư trú cụ thể quả không đơn giản chút nào. Vẫn biết rằng, diện mạo của ngôi làng ở Shizuoka đã xuất hiện vào cuối thời kỳ Jomon (khoảng 3000-4000 năm trước) qua việc phát hiện di chỉ ở bên hồ Sanaru phía Tây ngoại ô thị xã Hamamasu ngày nay. Song, không vì thế mà có thể đưa ra nhận định chung về nguyên nhân ra đời của các loại hình làng ở Shizuoka. Điều dễ nhận thấy nhất là không gian môi trường tự nhiên (thung lũng, bình nguyên, đồng bằng, ven biển) cùng với điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể (chính sách khai hoang của chính quyền, biến động xã hội, gia tăng dân số…) là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự hình thành và cách tổ chức không gian cư trú được gọi là làng. Chính vì lẽ đó mà ở Shizuoka mới có sự đa dạng về các loại hình làng như làng trong núi, làng đầu nguồn sông, làng đồng bằng, làng ven biển…Hiểu theo cách chung nhất, đó là sự tập hợp của các gia đình đã chiếm giữ, định cư một vùng đất trong phạm vi nhất định được xem là làng và thông thường đó cũng là sự nhìn nhận về sự hình thành làng tập trung. Làng được hình thành với tính không gian có chủ quyền của dân làng nên với họ làng chính là lãnh địa nằm trong sự nhận biết rất rõ của mình. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến sự hình thành làng không phải ai cũng nhận biết được như vậy cho nên thay vì đi tìm thời gian cụ thể, người ta phải viện dẫn bằng những truyền thuyết, sự tích hình thành ngôi làng. Đã vậy, việc lý giải về nguyên nhân, nguồn gốc ra đời của các làng theo hình thức như vậy không phải là cá biệt mà trái lại khá phổ biến với nhiều vùng đất ở Shizuoka như một vài minh chứng sau đây. Truyền thuyết khai phá vùng Suruga (một tiểu quốc xưa kia ở Shirumoka) cho rằng làng được hình thành từ những người sống lang thang rồi lưu lạc đến nơi đây và những “lạc nhân” này thuộc dòng họ Takeda. Khởi đầu, họ chỉ định cư ở lưng chừng những đỉnh núi cao và lí do của việc sống tập trung ở nơi có địa hình như vậy được truyền lại là do dòng họ này phải trốn chạy, giấu mình trước sự truy đuổi của những thế lực khác. Ngoài ra, truyền thuyết còn cho rằng đây là vùng đất mà các võ sĩ (Samurai) đã từng qua lại bởi từ thời Chiến quốc (1467-1573), ở đây đã hình thành những con đường huyết mạch quan trọng. Từ đây dòng họ Takeda là những người đầu tiên khai phá và thành lập làng tập trung ở những nơi này. Ngay cả những làng hình thành trên cơ sở khai phá vùng đất thượng lưu một số con sông ở Suruga cũng căn cứ vào truyền thuyết gắn với người khởi dựng làng nơi đây là dòng họ Takeda. Thậm chí, hoàn cảnh lịch sử dẫn tới sự hình thành những con đường cũng được gắn liền với quá trình bắt đầu từ lập làng đến việc vận chuyển, đi lại giữa các vùng của dòng họ Takeda.

Ngoài truyền thuyết về sự hình thành làng gắn với những “lạc nhân” hay dòng họ Takeda, còn có những nguyên nhân khác như: đó là kết quả của quá trình khai khẩn vùng đất mới, sự mở rộng đất đai hay làng mới ra đời từ làng gốc…, thậm chí, còn là truyền thuyết gắn với một thế lực chính trị đương thời, một sự tích được ghi lại qua sử sách. Chẳng hạn, làng ở vùng Shimokawahara có thể đã được hình thành vào giai đoạn đầu của thời Cận thế (1543-1868). Xưa kia, nơi đây có khoảng hơn 10 ngôi nhà và người dân thường tiến hành các nghi lễ cúng tế thần linh. Nhân khi đi săn bắn qua nơi này, Tướng quân (người đứng đầu chính quyền Mạc Phủ) thời đó là Tokugawa Ieyasu (1603-1616) trong lúc nghỉ ngơi có hỏi tên làng và tên miếu thờ thần thì được người dân trả lời tên vùng đất là “10 nóc nhà”, tên miếu là “thờ thần Đất”. Kết quả là Tokuguwa Ieyasu ban tặng cho tên làng là Kawahara đến nay vẫn còn tồn tại.

Có nơi sự hình thành làng gắn với sự tích còn để lại dấu vết tới ngày nay như: không rõ từ khi nào, có 7 người lưu lạc đến và sống lánh mình trong một hang núi. Sau đó, họ bắt đầu khai phá vùng này để từ đó hình thành làng cổ rồi phát triển thành nhiều làng khác. Người dân nơi đây cho rằng, hiện nay hang này bị chôn phủ nhiều nên rất hẹp chỉ rộng khoảng 8 chiếc chiếu và trẻ em vẫn thường đến vui chơi ở đây.

Cùng với thời gian có thể nhận thấy xu hướng khá phổ biến là sự ra đời của làng mới từ làng gốc diễn ra ở hầu khắp các vùng từ đồi núi đến ven biển… Như đã đề cập, làng là kết quả của sự chiếm lĩnh một vùng đất để tồn tại, phát triển song chính điều đó khiến vị trí các gia đình nơi đây, thông thường không thể nói là cố định vì biến đổi của tự nhiên và dân số. Bởi vậy, dân làng vẫn tiếp tục khai khẩn, mở rộng đất đai ở những vùng đất mới, qua đó dẫn tới sự hình thành làng mới nơi đây. Vả lại, làng mới vốn dĩ hình thành từ làng gốc (Honmura) nên nhiều khi đó chỉ là sự tồn tại ở địa điểm khác với tính chất có khoảng cách về không gian với làng cũ mà thôi. Mặc dù vậy, đặc trưng nổi bật của làng mới cũng chính là từ làng gốc mà hình thành trên cơ sở khai mở vùng đất mới. Bên cạnh đó còn xác lập một xu hướng trong mục đích lập làng mới ở nơi cần đi tới đó là từ thượng lưu xuống hạ lưu, từ miền núi xuống đồng bằng. Khuynh hướng như vậy nếu nhìn từ nhiều làng vốn ở vùng đất cao đã phản ánh rõ điều này. Sự di chuyển nơi cư trú từ núi cao xuống vùng thấp hơn có thể hiểu được bởi đó là việc mở rộng đất đai canh tác nhằm phù hợp với cây trồng đặc biệt là cây lúa mì. Thật vậy, với vùng đất trong núi khí hậu rất lạnh cùng với độ cao, rõ ràng không thích hợp với những loại lúa mì khi canh tác vào mùa đông. Thật ra, trước khi xuống vùng thấp người ta đã định cư ở những vùng đất cao nơi rừng núi cùng với việc đốt nương làm rẫy. Hơn nữa còn tồn tại cả cách gọi những nhóm người cư trú nơi đây là “dân Takenohana” hay “nhóm Takenohana” với hàm ý là người sống ở vùng núi cao trong rừng núi. Ngày nay, việc đốt nương không còn nữa nhưng dấu tích của cuộc sống xưa kia vẫn nhận thấy được qua sự thay đổi của thực vật sống và quá trình di trú của người xưa. Chính sự tập trung của những nhóm người như vậy được xem là xuất phát điểm về sự hình thành làng mạc nơi đây. Sự hình thành làng mới diễn ra không chỉ ở vùng núi cao, thung lũng, đồng bằng mà còn ở các làng ven biển. Làng ven biển được hiểu bao gồm cả gò, đồi (Oka) và bãi biển (Hama) trong lãnh địa đó, song từ xa xưa, Oka đã được khai phá trong các ngôi làng mật tập. Oka là các làng cư trú cổ xưa cùng với canh tác ruộng nương, còn Hama hầu như chỉ là nơi định cư gần biển có tính chất tạm thời và như thế, nét đặc trưng dễ nhận thấy là có sự phân biệt nhất định giữa nơi cư trú và canh tác. Tuy nhiên, sự phát triển mở rộng của Oka dẫn tới quá trình phân chia gia đình vốn cư trú lâu đời ở đây. Từ Oka, những gia đình mới di dời đến sinh sống ở Hama và được gọi là Inkyo. Những Inkyo ở Hama ngày càng có nhiều gia đình đã là thế hệ thứ hai và đây được xem là những ngôi làng được hình thành trên vùng đất mới nếu so sánh với làng gốc ở Oka. Qua đó không chỉ thấy được sự khác biệt bởi tính chất “tân, cựu” của Hama Oka và mà còn khẳng định rằng từ những ngôi làng ven biển, chỉ với 2-3 gia đình tách ra lập cư để rồi sau đó dần hình thành làng mới ven biển ở Hama. Làng gốc (Honmura) còn bao hàm ý nghĩa là người định cư ở Oka và họ có câu: “Ở Oka, nếu có con trai phải đến được Hama”. Điều đó cho thấy vị trí của Hama đối với Oka cũng như xu hướng phát triển tất yếu của sự hình thành làng mới ven biển ở Shizuoka.

Trong các nguyên nhân dẫn đến sự hình thành làng mạc thiết nghĩ cần tìm hiểu rõ hơn truyền thuyết gắn với những người sáng lập làng vốn là “lạc nhân”,  võ sĩ đương thời. Như đã đề cập, những ngôi làng ở phía Nam Shizuoka được hình thành từ dòng họ Takeda, nhưng vì sao lại có nhiều truyền thuyết, các  câu chuyện nói về tổ tiên khai phá nhiều vùng đất này thuộc về “lạc nhân” và gia đình dòng họ này đến vậy. Trước hết, điều đó được chi phối từ phía người dân cùng với sự lưu truyền về dòng họ này vốn có nguồn gốc võ sĩ và là những kẻ chiến bại, sa sút trước thời cuộc. Trong “màn sương” của truyền thuyết vẫn “lộ” ra sự thật đó là phải chăng vai trò lịch sử hầu như đã kết thúc cùng với vị thế của tầng lớp võ sĩ đương thời. Vẫn biết rằng, truyền thuyết về khai phá nơi đây cho thấy người vượt qua rừng núi hiểm nguy để lập làng không làm mất đi những phẩm chất, đặc trưng vốn có của tầng lớp võ sĩ. Bởi thế, khi lập ra làng xóm, họ cũng đồng thời củng cố quyền uy, vị trí của mình trên những vùng đất mới định cư. Thật vậy, tổ tiên của những gia đình bị cho là phải trốn chạy và lưu lạc song từ người đầu tiên lập làng và người kế tục sau đó đã chi phối vùng đất hoang sơ rộng lớn với tư cách là chủ lãnh địa mới. Cho dù dấu ấn thất bại vẫn còn tồn tại ở những người đã từng thất thế song họ đã tự đứng lên, đoàn kết nhất trí trong một tập đoàn để cùng khai phá, mở mang lãnh địa. Việc “khai sơn, phá thạch” ở vùng đất hoang vu trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên lại càng nâng cao vị thế cùng trách nhiệm của việc tái hưng thịnh gia thế của những người vốn bị xem là thất bại này. Chính vì lẽ đó, truyền thuyết về những người đầu tiên là “lạc nhân” đến vùng đồi núi khai phá, mở mang lập làng làm nông nghiệp đã mang đậm dấu ấn của một tầng lớp xã hội đương thời là võ sĩ. Việc bị xem là kẻ thất bại đã không ngăn trở mà trái lại giúp cho họ nghị lực và nguồn năng lượng của ý chí trong quá trình khai phá. Sức mạnh đó lại đặt trong sự đoàn kết nhất trí đã giúp họ đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành làng mạc bởi sự tin tưởng vào bản thân và sức mạnh của chính mình. Tuy nhiên, sẽ là không khách quan nếu phủ nhận sự trợ giúp của những người làm nông nghiệp đối với những võ sĩ lưu lạc này. Cũng dễ hiểu bởi tầng lớp xuất thân không cho phép những võ sĩ có thể ngay lập tức nắm bắt phương cách sản xuất cho nên họ phải nhờ cậy tới người làm nông nghiệp. Chính xác là những người dân thường đã truyền thụ kỹ thuật làm nông nghiệp, thậm chí góp phần tiến tới ổn định sự định cư cho những con người này trong quá trình hình thành làng mạc. Sự hình thành làng gắn với người sáng lập cho nên vai trò của họ được đề cao là đương nhiên và họ được gọi là Shibakiri. Xưa kia, sự khởi đầu của ngôi làng chỉ có từ 3-5 ngôi nhà hay theo cách nói số lượng hoá thì thông thường làng trong núi hình thành từ 3-5 ngôi nhà, còn làng nơi thuận lợi hơn là 7 ngôi nhà. Cùng với thời gian, làng còn gắn liền với những gia đình gia thế là những người có công chiếm giữ và mở rộng đất đai và được gọi là Oya. Cùng với đó là thế lực ngày càng lớn và tỷ lệ thuận với qui mô của ngôi làng. Có nơi, nếu có biến cố xảy ra, những gia đình gia thế cùng hợp sức, dựng cờ, đốt lửa tập hợp mọi người để chống lại các thế lực khác. Không ít làng còn xây dựng tường, thành lớn ở những vị trí quan trọng như phía dưới và trên các đèo dốc. Tất cả đều nhằm bảo vệ làng, đường huyết mạch thông qua việc truyền thông tin trực tiếp trong các tình huống xảy ra.

2. Lãnh địa của làng

1. Ranh giới làng.

Như đã đề cập ở phần trước, hơn ai hết người làng hiểu rõ không gian cư trú trong nhận biết của mình mà theo đó, làng được hình thành, tồn tại với tính chất không gian có chủ quyền của dân làng. Không gian cư trú đó được định hình bởi các yếu tố, hình tượng cụ thể tạo ra ranh giới làng như đồi núi, sông suối, ngọn đèo, mương nước, rừng cây, con đường v.v… và ngay cả khái niệm làng cũng có những cách gọi khác nhau. Cách gọi làng, thứ nhất là “Mura”. Theo đó, có thể nói là “Konomuraja” (À, làng này), “Konomuraa Mukashiabinbo muradani”. (Làng này á, ngày xưa là làng nghèo lắm đấy)… Nhìn chung “Mura” là cách gọi phổ biến về làng ở Suruga và khi nhắc đến làng đều biểu hiện thái độ cảm xúc rất rõ qua sự cảm thán của câu nói.

Thứ hai, làng được gọi là “Buraku” có nghĩa là thôn lạc, bộ lạc song nhìn chung thường sử dụng “Mura”. Tuy nhiên, Buraku có điểm khác với Mura bởi Buraku cũng được dùng trong quan hệ với các tổ chức nội bộ làng. Hơn nữa, Buraku không chỉ sử dụng từ xưa mà vẫn còn tồn tại sau khi thực hiện chế độ hành chính: thành phố, thị xã, thị trấn làng từ năm 1890 dưới thời Minh Trị (1868-1912). Đương nhiên, cách gọi Buraku có thể ít được sử dụng nhưng vẫn được biểu hiện dưới hình thức của các tổ, nhóm trong nội bộ của các làng hay các khu vực phụ cận ở các thị xã, thị trấn.

Cách gọi làng thứ ba là “Shima” và tương tự như Buraku cách gọi này cũng được sử dụng trong quan hệ với các tổ chức nội bộ làng, ví dụ: ở thị trấn A có 7 Shima và khi có lễ hội thì các Shima tập trung lại để tổ chức chung. Không ít khu vực khác cũng khá phổ biến cách gọi Shima song rõ nhất là ở những nơi cư trú có địa hình cao. Tuy nhiên, cách gọi Shima cũng được sử dụng ở các địa phương khác như Okinawa và các đảo phía Tây Nam song nơi đây người ta gọi Shima là làng của mình.

Mura, Buraku hay Shima dù sao chăng nữa cũng chỉ là cách gọi còn điểm chung nhất đều nhằm khẳng định làng là lãnh địa, khu vực cư trú, sản xuất của dân làng. Có những làng được bao quanh là sông, núi và do đó tính chất đóng kín như vậy là bởi yếu tố địa hình. Địa hình như thế khiến đất canh tác trở nên ít ỏi nên người làng phải đi đến nơi xa để làm nương (thậm chí mất nửa ngày) bởi lượng lương thực cho cuộc sống là dựa vào đó. Nhìn chung ranh giới của làng được định hình bởi yếu tố tự nhiên hoặc do con người tạo ra thông qua các dấu hiệu cụ thể. Có nơi ranh giới của làng là những ngọn núi có dấu hiệu đặc biệt, chẳng hạn có hình dạng con chó. Có nơi ranh giới làng là những tường hàng rào bằng đá xếp, cọc gỗ hoặc cây trồng (gọi là Kunetki). Có những làng ở vùng Matsuno là nơi sinh sống của một dòng họ, được bao quanh bởi hệ thống tường đá và những ngôi nhà bề thế có từ thời Trung Thế (1192-1542). Đến thời kỳ Muromachi (1338-1573) là nơi chiếm giữ của dòng họ khác và thời Edo (1600-1868) làng này lại thuộc quyền cai quản của họ khác song ranh giới làng không thay đổi chỉ thêm chi tiết gọi những ngôi nhà lớn ở đây là Okamae. Làng ở khu vực núi Phú Sĩ (Fuji) cũng vậy, khoảng thời kỳ đầu thời Minh Trị (1868-1912), bao quanh làng là những hàng rào xếp bằng đá gọi là Kunemichi. Ở Kunemichi có lối ra vào với việc thay nhau canh phòng tuần tra của những người có nhiệm vụ đóng mở gọi là Kuneban. Việc bao quanh làng bằng hàng rào đá, gỗ cũng nhằm sở hữu hoá ruộng đất dựa vào sự mở mang phát triển của làng. Hơn nữa, những hàng rào ở ruộng nương còn nhằm khẳng định ổn định quá trình định cư và canh tác của dân làng. Thời Edo, ranh giới giữa các làng vùng sơn địa với các làng ven biển và phố còn nhằm mục đích cảnh giới, cho nên thực chất đó là sự phân chia giữa nơi sinh sống và nơi canh tác sản xuất. Chính vì vậy mới có các cửa lớn được canh gác đóng mở giữa nơi cư trú và nơi sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp. Nhìn một cách tổng thể, làng theo quan niệm ở Shizuoka được cấu thành bởi các yếu tố, hình tượng cụ thể như Nora, Oki, Okuyama, Waki và Yoso.

Người ta gọi những vùng đất canh tác thông thường như ruộng, nương là Nora và Nora không chỉ được xem là “chu vi” của làng mà còn là nơi vận hành sản xuất dựa vào canh tác nông nghiệp. Phía ngoài của Nora là vùng rừng núi rất rộng và người ta gọi nơi xa trong núi là Oki. Dân ở Oki thường thờ cúng các thần như thần núi (Kamisan), thần núi sấm sét (Kaminarisan).. Nơi núi cao trồng chè, người ta thờ thần núi cao là Takeno yamanokamisan. Trong các lễ hội ngày 17-1 và 17-9 hàng năm, người ta tiến hành lễ cắt cỏ ở các con đường lên núi. Sau đó, ở các vùng phụ cận (Moyori) quanh khu vực nương, vườn chè sẽ tổ chức hội múa gọi là Ofurumai. Phía Đông vùng Suruga người ta không gọi là Oki mà là Okuyama song cả hai cách gọi này đều có ý nghĩa là vùng núi rừng xa xôi. Ngoài ra còn có khái niệm với ý nghĩa chỉ về một thế giới rộng lớn là Waki và đây là cách gọi phổ biến ở miền Đông của Suruga, còn miền Trung gọi là Yoso. Chẳng hạn như khi nói : “Anh A mới từ Waki trở về” hay “Anh B đi đến Waki và đã quay về”. Như thế, Waki không là địa điểm cụ thể mà chỉ là nơi có tính trừu tượng mà thôi. Do đó, biểu hiện của ngoài làng là Waki với không gian mà ở đó cuộc sống của con người đang vận hành, tồn tại. Cùng với Waki, cách dùng của Yoso cũng tương tự như vậy, ví như “Anh A đã phản đối cuộc hôn nhân và lưu lạc đến Yoso”. Với suy nghĩ cụ thể thì Waki còn bao gồm cả phố phường (Machi), cho nên với những người ở vùng sâu, xa (Yamaga) khi nói đi đến Machi còn bao hàm ý nghĩa thật đặc biệt. Machi không đơn giản chỉ là biểu hiện của sự thay đổi, di chuyển địa điểm mà còn bao hàm ý nghĩa bí mật hay cảm giác luyến tiếc hoặc sung sướng đặc biệt để hướng tới một thế giới khác. Đối với việc đi tới Machi, có lẽ luôn tạo ra cảm giác hưng phấn trong tâm trạng nên Machi hay Omachi đều là cách gọi với ý nghĩa như nhau. Chính vì lẽ đó, việc đi đến Omachi ngay cả tâm trạng trẻ con cũng bị ảnh hưởng bởi cảm giác chuẩn bị bước vào một thế giới đặc biệt. Theo quan niệm, ở nơi ấy, y phục vừa mới may cắt chẳng mấy chốc không mặc vừa nữa vì đã đi đến chỗ có dư thừa tất cả. Khi đến Machi (hay Omachi) cả hành lý và trang phục đều có cả do đó phải cởi bỏ trang phục thông thường để thay vào đó là trang phục của nơi được gọi là dư thừa này. Có làm như vậy thì từ đó trở đi mới được cho là đã cảm nhận, hiểu rõ việc đến với Omachi.

2. Đường làng

Đường làng không chỉ được sử dụng như ranh giới của làng mà còn bao hàm ý nghĩa biểu hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong đó. Hơn thế nữa, đường làng còn luôn mở rộng ra phía ngoài làng nên điều đó cho thấy người dân không phải chỉ vận hành, tổ chức cuộc sống trong làng mình. Do đó, sự hình thành phạm vi hoạt động của họ được mở rộng với bên ngoài thông qua giao lưu mà thực tế là muốn ra ngoài làng thì trước hết phải đi qua những con đường làng đã. Đường làng đó là những con đường nối liền với vùng đất canh tác gọi là Nora; nối với vùng núi xa xăm ngoài làng là Oki, Okuyama; nối với thế giới bên ngoài là Waki, Yoso. Hơn hết thảy, người làng mở rộng nhận thức, cải biến cuộc sống của mình với bên ngoài thông qua những con đường ấy. Có thể nói, ranh giới trong và ngoài làng với dấu hiệu nhận thấy là đầu những con đường tiếp xúc với con đường đi đến làng khác, nơi khác. Ở những làng có ngôi nhà lớn (Okamae) cho thấy tất cả những con đường đều tập trung về đây và hình thành nên một nơi như: một ngã tư trung tâm đồng thời trở thành trung tâm của làng đó. Từ đường lớn, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc sẽ kết nối với các tổ, nhóm, gia đình bằng các con đường nhỏ hẹp. Từ nơi đó lại tiếp tục nối các con đường nhỏ hơn đi đến núi rừng ruộng, nương, vườn tược. Từ các nhóm trong làng cũng có những con đường dẫn đến đền thờ và nghĩa địa. Như vậy, đường trong làng được tạo nên nhằm phù hợp, tương ứng với điều kiện địa hình nơi cư trú. Chẳng hạn, vùng hạ lưu một số con sông có nơi thế đất với ba phía tiếp giáp sông nên những làng hình thành tập trung ở nơi đất cao và gọi đó là “đảo” (Shima), do đó, nhiều địa danh như là tên các đảo vậy. Cũng vì vậy, con đường kết nối với các “đảo” này thường phải uốn lượn theo hướng chảy của các dòng sông.

Muốn đến những làng trong núi phải vượt qua nhiều đèo, dốc và địa hình đồi núi khác nhau. Vì vậy, trong rất nhiều con đường thì quan trọng nhất là những con đường dẫn tới ruộng, nương, vườn là nơi canh tác các loại cây lương thực chính: lúa, lúa mì, kê... Đường núi đi đến các nương, vườn gọi là Dashiyama và là những con đường trọng yếu trong cuộc sống ở các sơn thôn. Nơi đây có những con đường được tạo nên bởi công sức của mọi người dưới hình thức lao động công ích đồng thời là con đường duy trì cuộc sống, sinh hoạt và tín ngưỡng cộng đồng. Bởi vậy, có nơi còn dựng những bia đá khắc chữ thờ thần đường rất kỳ lạ và huyền bí. Đương nhiên, có những nương vườn tách biệt với Dashiyama nên phải thông qua đường khác mới tới được nơi canh tác. Ngoài đường bộ, nhiều làng còn sử dụng đường thuỷ để nối các nơi trong làng và rừng núi, thậm chí đến các làng khác và phố phường nơi xa. Ví như để đến phố trung tâm Shizuoka dự lễ hội, các làng trong núi thường phải mất một ngày đi bộ vì qua một con đèo rất dài, dốc. Trước kia, những người hành đạo vượt qua phía Nam dãy Anpe theo các con đường núi và để đến Shizuoka phải mất 4-5 ngày.

Đường làng là sợi dây kết nối không chỉ trong mà còn vươn ra nối các làng với nhau. Làng ven biển còn là nơi sản xuất muối và do phụ nữ đảm nhiệm, họ thường theo các con đường để bán cho những làng trên núi. Ngoài muối, họ còn đi bộ bán các loại cá tuỳ theo từng mùa và người làm công việc này được gọi là Shioridon và tên gọi này hiện vẫn còn tồn tại. Với Shioridon, những người dậy sớm là 3 giờ sáng song thường thì mùa hè là 4 giờ, mùa đông là 5 giờ rồi cho cá vào một dụng cụ như cái thúng gọi là Machizaru để gánh tới nơi tiêu thụ. Đến khoảng thời Taisho (1912-1926) người ta vận chuyển cá bằng một loại xe gọi là Katakata. Đầu thời Showa (1926-1989) cá được chở bằng xe gọi là Riyaka. Từ đường làng cho đến phố ở Shizuoka họ phải đi bộ mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ cho đến khi hoàng hôn xuống lại trở về nhà. Quả thật, đây là công việc hết sức vất vả đối với nữ giới đương thời nên cũng có người phải bỏ nghề để trở lại với nghề nông dù với dân làng ven biển thì đây là phương thức kiếm sống không có nhiều người theo đuổi. Có thể nói những con đường nối làng với làng, với phố, với biển được tạo ra trên cơ sở quan hệ kinh tế, và sinh hoạt tín ngưỡng mà thành. Thật vậy, từ xa xưa đã có những con đường vận chuyển muối, sản vật biển nối liền giữa núi rừng, phố phường và biển cả. Qua đó, những con đường từ các làng nối liền với các phố của Shizuoka thông qua đường thuỷ, bộ, mà những người bán chè, tơ tằm từ làng xa cũng thường đi lại. Từ đường làng ven biển, những người bán cá sống (đựng trong các bao, túi) dù phải mất nhiều thời gian vẫn cần mẫn in dấu chân trên các con đường đến phố và các làng quê xa.

3. Những nghi lễ liên quan

Khi nói tới các ranh giới trong và ngoài làng, thiết nghĩ không thể không đề cập đến ranh giới của ruộng nương, vườn bởi tính chất quan trọng của nó. Trước hết, với ruộng nước, giữa các thửa ruộng có đường đi rất rõ ràng là bờ ruộng (Aze), cho dù có cỏ mọc tự nhiên. Ranh giới của nương, vườn về cơ bản là rõ ràng vì được phân chia bằng các hàng rào đá nếu không sẽ được trồng cây làm ranh giới. Ở những vườn dâu thì dù có cắt tỉa nhưng vì phát triển quá nhanh nên người ta trồng một loài cây gọi là Hachisu để làm ranh giới. Trên núi cũng được mọi người trồng cây để tạo ranh giới rõ ràng. Đương nhiên, cây trồng ở ranh giới thường được cắt tỉa hầu hết cành lá và nói chung khoảng cách với đất đai của người bên cạnh (tính từ đầu cành) với nhau là 3 shaku (1 shaku = 30cm). Trong khi đó, nhà cửa, nhất là ở nông thôn vì để phục vụ cho nghề nghiệp nên thường to, rộng với ranh giới phổ biến là hàng rào cây cối hoặc rừng bao quanh. Nơi tiếp xúc giữa các con đường được xem là ranh giới trong và ngoài làng thường được tổ chức cúng thần linh nơi đây. Thật vậy, phía Đông vùng Suruga nhiều nơi thờ thần đường gọi là Sainokami còn miền Trung bộ có rất nhiều miếu thờ bên đường cho thấy việc thờ thần ở những địa điểm này hầu hết là phía ngoài làng. Ngoài ra, ở những điểm giao cắt nhau như ngã ba, ngã tư đường nhiều khi khi cũng được xem là ranh giới bên ngoài làng. Thậm chí, Sainokami không chỉ là ranh giới của làng mà còn là ranh giới của các nhóm trong nội bộ làng. Do đó, ý thức về ranh giới của làng có khi còn là biểu hiện sự liên quan đến lễ cúng tế thần dòng họ. Nhiều nơi tổ chức cúng thần vào ngày 17/10 hàng năm với việc làm cung tên để đặt tại vị trí ứng với ranh giới của làng. Nhìn chung, ranh giới làng là nơi diễn ra nhiều nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội dân gian liên quan tới thần, phật. Xung quanh các làng thường là các khu vực, vành đai gọi là Kaito gồm các nương, ruộng, vườn canh tác các loại cây trồng như: Awa (tên một loại cao lương), kê (kibi), khoai tây (Jagaimo), Nappa (một loại rau) v.v… phía trong làng có những thửa ruộng, vườn gọi là Hateke, Yamahata canh tác các loại như lúa (Ine), Hie (tên một loại kê), đậu (Mame)… Ở những ruộng nương chủ yếu, người ta dựng một ngôi nhà nhỏ vừa làm nơi sinh sống, canh tác và lễ bái thần. Thật vậy việc thờ thần núi là không thể thiếu nên trong địa vực cư trú của dân làng hay bên cạnh các Kaito, Hatake có những “không gian” liên quan tới thần, Phật được bảo vệ, giữ gìn theo thời gian. Mặt khác, nhằm không cho những rủi ro, tai ương xâm nhập được vào làng, người ta rất coi trọng việc tế lễ ở những nơi được xem là “thiêng” quanh làng, kết hợp với đặt các hình nhân ở một vài địa điểm khác nữa.

Liên quan tới ranh giới làng, nhiều vùng ở Shiruoka tiến hành nghi lễ cúng thần, trong đó tiêu biểu là lễ Okurikami. Nghi lễ này tiến hành vào ngày 8 tháng 12 và ngày 8 tháng 2 hàng năm với ý nghĩa như tên gọi là tiễn thần ra khỏi làng, song mục đích chính là xua đuổi ra khỏi làng những linh hồn xấu có thể hại người dân. Để tiến hành nghi lễ, người ta chuẩn bị hình nhân bện bằng rơm đang cưỡi ngựa (được làm từ rơm) sau đó đặt vào trong Koshi (một loại dụng cụ đan từ cành, lá cây bách hội (Hiroki) là loài thân mộc có gỗ mầu hồng đào). Mọi người cùng với đồ lễ cúng đi vòng quanh các nhà trong làng cho đến ranh giới của làng, họ vừa đi vừa xướng lên những câu như “tống tiễn thần tai ách, thần bần hàn”. Cuối cùng, người ta cho giấy cắt các hình, tiền giả làm từ giấy đặt vào Koshi rồi thả trôi tất cả theo dòng sông.

Có nơi hình thức tiến hành hơi khác bởi lẽ đây còn là nghi lễ của chung nhiều làng. Khi đó, người ta làm một ngôi nhà nhỏ lợp mái bằng các thanh tre tươi gọi là Shuro. Trong nhà đặt hình nhân cưỡi ngựa (tất cả làm từ rơm) và cung tên. Những người đi theo mang cờ giấy nhiều mầu sắc như vàng đỏ, xanh rồi đi vòng qua các ngôi nhà, các con đường làng. Họ vừa đi vừa hô vang “Tiễn thần Keze (thần giông bão)”  rồi tập kết ở vị trí là ranh giới của nhiều làng để tiến hành nghi lễ.

Dù tiến hành nghi lễ với hình thức nào thì điểm kết thúc là để tất cả đồ cúng tế liên quan trôi theo dòng sông với quan niệm những điều xấu, tai ương sẽ đi theo hết. Qua đó đưa đến cho ngôi làng sự bình yên như mong muốn của mọi người.

Một nghi lễ tuy nhỏ song cũng khá phổ biến ở các làng làm nông nghiệp đó là nghi lễ “đuổi sâu”. Mùa hè đến, ở những bông lúa bắt đầu xuất hiện một loại sâu hại lúa gọi là Unka. Người làng vừa đốt cành thông để tiêu diệt vừa đi quanh ruộng và kêu “đuổi sâu Unka”. Cuối cùng, người ta đến ranh giới của làng để đốt loại sâu này cùng với nghi lễ liên quan với mong muốn diệt hết sâu bọ để mùa màng bội thu.

Nghiên cứu, tìm hiểu về địa vực cư trú truyền thống của dân tộc Nhật nói chung, ở Shizuoka nói riêng, chắc chắn không thể phủ nhận sự khởi đầu quan trọng và cần thiết về sự hình thành nơi cư trú. Do vậy, làng chính là đơn vị cư trú đầu tiên cần tiếp cận mà qua đó sẽ có được cái nhìn tổng thể trên tất cả các mặt liên quan đến địa vực cư trú ở Shizuoka. Làng nơi đây hình thành trong điều kiện địa lý tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội riêng có mà dấu ấn dường như không mất đi mà “ẩn hiện” cùng với thời gian và quá trình lịch sử của dân tộc này. Nói như vậy cũng thừa nhận quá trình giao lưu, ảnh hưởng, tiếp thu giữa các cộng đồng dân cư, vùng lãnh thổ trong quá trình hình thành ngôi làng ở Shizuoka. Từ đây có thể thấy được tính đồng nhất và sự khác biệt về đơn vị cư trú cụ thể là làng ở Shizuoka với các địa phương khác. Sự hình thành làng đã mở đầu cho không chỉ sự vận động nội tại của nó mà còn là cả quá trình tồn tại, phát triển, biến đổi tiếp theo trong lịch sử. Chính vì vậy, sự hình thành làng chỉ là bước tiếp cận trước nhất song chính đó là tiền đề để tiếp tục tìm hiểu các vấn đề liên quan đến ngôi làng ở Shizuoka trong các nghiên cứu tiếp theo.

HOÀNG MINH LỢI

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Làng Nhật Bản và cuộc sống quê hương, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1984, tiếng Nhật.

2. Đi tới làng quê, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1986, tiếng Nhật.

3. Tổ chức làng và gia đình gia thế ở làng, Công ty cổ phần Miraisha, năm 1986, tiếng Nhật.

4. Lễ hội, tập quán của Shizuoka, Hội uỷ ban giáo dục tỉnh Shizuoka, Công ty cổ phần Kurofuna, năm 2001, tiếng Nhật.

5. Shizuoka - Cuộc sống và thiên nhiên, Hội Bảo tồn di sản văn hoá Tỉnh Shizuoka, Nxb. Shizuwa, năm 1989, Tiếng Nhật.

6. Lịch sử tỉnh Shizuoka, phần II: Dân tộc, quyển 24, Tỉnh Shizuoka biên soạn và xuất bản, năm 1991, tiếng Nhật.

7. Takeori Naokichi, Shiruoka Dân tộc Nhật Bản, Nxb Dainihon, năm 1972, tiếng Nhật.

8. Shugiyama Motoe, Tỉnh Shizuoka, Nxb Shohei, năm 1982, tiếng Nhật.

0thảo luận