Trang chủ

NGHIÊN CỨU HÀN QUỐC Ở VIỆT NAM: MỘT SỐ KINH NGHIỆM TỪ VIỆC XÂY DỰNG NGÀNH NHẬT BẢN HỌC

Đăng ngày: 10-05-2012, 10:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 7

1. Những năm gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là các báo như Lao Động, Thanh Niên, Tiền Phong, Phụ Nữ... thường thấy xuất hiện những bài viết về tình trạng xung đột giữa các chủ doanh nghiệp người nước ngoài, trong đó có những doanh nghiệp Hàn Quốc, với công nhân và những người lao động Việt Nam. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột đó chúng ta thấy, lý do kinh tế chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân cơ bản là “thái độ nóng nảy” của giới chủ doanh nghiệp trước tình trạng thiếu ý thức kỷ luật trong quá trình sản xuất và cả sự cẩu thả, yếu kém về kỹ thuật, tinh thần trách nhiệm của không ít người lao động Việt Nam.*

Theo quan điểm kinh tế, các chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu những người lao động thực hiện theo đúng những điều cam kết trong các bản hợp đồng cũng như những quy định khác của cơ sở sản xuất. Nhưng, điều đáng nói là, hành vi của không ít ông chủ ngoại quốc đã xúc phạm, thậm chí có không ít trường hợp, là sự xâm hại nghiêm trọng đến thân thể và danh dự của người lao động. Những hành động đó không thể mãi biện minh là do “thái độ nóng nảy”, “thiếu kiềm chế” của một số chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Dưới quan điểm tâm lý và văn hoá học, dường như có một bộ phận xã hội, khi đi ra nước ngoài, họ dường như đã lãng quên, đã thoát khỏi môi trường văn hoá, sự cương toả của những định chế luật pháp và quy ước xã hội mà khi sống trên đất nước mình họ luôn phải coi trọng, tuân thủ. Dường như chỉ chú ý đến lợi ích của chính mình, đến nguồn vốn bỏ ra cần phải được thu lời mau chóng, một số ông chủ đã tự trang bị cho mình những quyền năng tự do trong thái độ và cách thức đối xử đối với những người lao động bản địa. Thật tiếc là không phải tất cả những nhà kinh doanh ngoại quốc khi đến Việt Nam đã có những hiểu biết cơ bản, chứ chưa nói đến  nhận thức đầy đủ và sâu sắc, về môi trường xã hội – văn hoá mà ở đó họ sẽ thực hiện những dự định và kế hoạch sản xuất, đầu tư.

Nhưng mặt khác, cũng phải có thái độ thực sự khách quan khi xem xét các hiện tượng xã hội đó và chúng ta đều hiểu rằng, muốn tiến nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì trước hết những người lao động cũng phải sớm khắc phục và từ bỏ một số thói quen cố hữu vốn đã trở thành tập quán tự ngàn xưa. Bên cạnh việc phải không ngừng “nâng mình lên” về trình độ kỹ thuật thì những người lao động và công chức làm việc trong các doanh nghiệp cũng cần phải mau chóng thích ứng với môi trường sản xuất hiện đại đồng thời phải trang bị cho mình vốn kiến thức và cả vốn ngôn ngữ cần thiết để hợp tác hoà hợp với đối tượng kinh doanh. Theo chúng tôi, sự thấu hiểu và chia sẻ những đặc tính tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, đời sống tâm lý thậm chí cả những hành vi, thói quen của cư dân giữa các quốc gia là một trong những nhân tố then chốt bảo đảm sự thành công cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng như tạo dựng nền tảng vững chắc cho việc xây đắp mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc.

Ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế khu vực và là một trong những quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam(1). Chính phủ hai nước, mà trước hết là giữa các đối tác, cần phải coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hoá, xã hội, đời sống tâm lý của cư dân hai nước. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức công dân, tinh thần kỷ luật, tôn trọng luật pháp cũng như năng lực phải thích ứng nhanh với những yêu cầu của một nền sản xuất công nghiệp. Việc làm đó tưởng như cần nhiều thời gian, nguồn đầu tư về tài chính... nhưng trên thực tế đó lại là cách thức cơ bản và tiết kiệm nhất để đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Việc làm đó cũng là nhân tố bảo đảm một môi trường lành mạnh, bền sâu của văn hoá kinh doanh để các bên đối tác luôn có thể đạt đến sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc.

2. Trong không khí ấm lên của các mối quan hệ, như thông lệ chung của quan hệ và bang giao quốc tế, người ta và ngay cả các nhà khoa học, thường có khuynh hướng tôn vinh tức là chỉ nhìn nhận vấn đề một cách đơn tuyến và hay nói đến, viết về những dấu ấn và truyền thống tốt đẹp, những yếu tố thuận lợi và những điểm tương đồng giữa các quốc gia và nền văn hoá. Lịch sử Việt – Hàn cũng có những trang tốt đẹp như vậy.

Theo đó, có thể thấy, về tự nhiên hai dân tộc Việt, Hàn đều nằm ở vị trí bán đảo. Đặc tính bán đảo và đại dương tạo ra nhiều điều kiện địa – văn hoá, địa – chính trị gần gũi giữa hai nước. Trong lịch sử, là những quốc gia nông nghiệp nên từ xưa cư dân hai nước đã quen dùng cơm gạo, các món rau củ và thuỷ sản. Đời sống sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước cũng dần hình thành nên những đặc tính chung về phong tục, tập quán và tâm lý luôn gắn bó với cộng đồng, sống trong cộng đồng và hướng về cộng đồng. Một cá nhân không thể tồn tại nếu không có sự thương yêu, che chở của cộng đồng. Chịu sự chi phối của bối cảnh chính trị Đông Á, những biến đổi lớn về chính trị hai nước cũng có nhiều nét chung(2).

Về văn hoá, do gần kề về biên giới, chịu ảnh hưởng và cả những áp lực của văn minh Trung Hoa nên cả hai nước đều đã tiếp nhận nhiều giá trị của nền văn minh này từ việc lựa chọn mô hình xây dựng thiết chế chính trị trên nền tảng của thiết chế lục bộ đến việc phân lập các giai tầng trong xã hội(3). Trong lịch sử, hai dân tộc cùng sùng Nho, thờ Phật, coi trọng tín ngưỡng bản địa và kính trọng tổ tiên. Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển một nền giáo dục Nho học đồng thời thực thi một chế độ khoa cử nghiêm cẩn để tuyển dụng người hiền tài. Để xây dựng một thiết chế chính trị chặt, củng cố chế độ tập quyền... từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV triều đại Choson (1392-1910) ở Triều Tiên và nhà Lê (1427-1786) Việt Nam đã tôn vinh Nho giáo, coi Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống. Ảnh hưởng của Nho giáo đã dẫn đến những hệ quả nhiều mặt trong tiến trình lịch sử của hai quốc gia.

Về ngoại giao, là những quốc gia tương đối nhỏ trong khu vực nên trong lịch sử sinh tồn và phát triển lâu dài, hai dân tộc đều đã phải tự tôi rèn cho mình một bản lĩnh ngoại giao năng động, sáng tạo trong việc ứng xử với các đế chế lớn đồng thời cũng tự tạo nên những kháng lực cần thiết mỗi khi chủ quyền và những giá trị văn hoá thiêng liêng của dân tộc bị đe doạ. Cũng cần phải nói thêm là, vào thời cuối thời Lý (1010-1225), một số quý tộc của vương triều này đã di cư sang Bán đảo Triều Tiên và từ đó đã dần hình thành nên hai dòng họ Lý Tinh Thiện do Lý Dương Côn sáng lập và Lý Hoa Sơn do Lý Long Tường khai sáng. Hậu duệ nhà Lý sinh sống trên bán đảo Triều Tiên không chỉ đã có cuộc sống hoà hợp với cư dân bản địa mà còn có những đóng góp quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm và xây dựng đất nước Hàn Quốc(4). Đến thời Lê, thế kỷ XV-XVIII, quan hệ truyền thống giữa hai dân tộc còn được viết thêm nhiều trang tốt đẹp thông qua những hoạt động ngoại giao giữa các sứ thần hai nước tại Bắc Kinh(5). Những tương đồng về văn hoá và cả tâm lý của những đại diện dân tộc  luôn tồn tại bên cạnh một đế chế lớn khiến các sứ giả văn hoá - ngoại giao như Phùng Khắc Khoan, Lý Chi Phong; Nguyễn Công Hãng, Du Tập Nhất, Lý Thế Cận; Lê Quý Đôn, Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung... luôn nhận thấy sự cảm thông và giao hoà sâu sắc.

Nhưng, bên cạnh những đặc tính tương đồng và truyền thống quan hệ hữu nghị đó giữa hai nước cũng có nhiều điểm khác biệt. Là một xứ ôn đới, Hàn Quốc gắn liền với khu vực văn hoá Đông Bắc Á về ngôn ngữ và nguồn gốc tộc người(6). Môi trường canh tác của cư dân bán đảo luôn chịu sự chi phối của Hệ sinh thái chuyên biệt (Specialized ecosystem). Trong khi đó, hành trình lịch sử - văn hoá của dân tộc Việt Nam vừa chia sẻ những giá trị và đặc tính chung của môi trường văn hoá, xã hội, chính trị Đông Bắc Á vừa dựa vào tảng nền và kế thừa truyền thống Đông Nam Á. Là quốc gia nhiệt đới, môi trường sống và canh tác của người Việt gắn liền với Hệ sinh thái phổ tạp (General ecosystem). Do vậy, nhìn chung, từ trong chiều sâu của truyền thống lịch sử, cũng như người Nhật Bản, cư dân Hàn Quốc nói riêng và Bán đảo Triều Tiên nói chung đã sớm phát triển kỹ thuật thâm canh và có ý thức tư hữu rất sâu sắc. Trong khi đó, do được thụ hưởng những lợi thế của tự nhiên bởi khí hậu dường như nắng ấm quanh năm, lại thêm môi trường canh tác luôn được mở rộng về phía Đông (phía biển, do sự bồi tụ của các dòng sông) và phía Nam (là kết quả của quá trình khai phá); nên nhìn chung trong lịch sử, cư dân nông nghiệp Việt Nam không phải trải qua những cuộc khủng hoảng lớn, kéo dài về lương thực. Đặc tính đó gây ra tâm lý tự thoả mãn với môi trường và điều kiện sống do vậy mà trong tâm thức của người Việt ý thức tư hữu cũng có phần kém mạnh mẽ (7).

Tuy nhiên, giữa hai miền Nam - Bắc, cư dân nông nghiệp Việt Nam cũng có những khác biệt nhất định. Ở đồng bằng sông Cửu Long, do làm chủ một không gian canh tác rộng lớn, người dân vốn quen và thích ứng với môi trường canh tác theo phổ rộng. Trong khi đó ở đồng bằng Bắc Bộ, do dân số đông, đất canh tác tương đối hẹp nên người ta phải chú trọng phát triển thâm canh và vừa sản xuất nông nghiệp vừa làm nghề thủ công kết hợp với buôn bán nội vùng. Hệ quả là, sản phẩm nông nghiệp Nam Bộ sớm trở thành nguồn hàng hoá trong khi đó ở Miền Bắc các nguồn nông phẩm chủ yếu chỉ là để bảo đảm cuộc sống của con người. Điều kiện lịch sử cùng khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên đó của người Việt đã dần hình thành nên đặc tính tâm lý, ảnh hưởng sâu sắc đến lối sống, ứng xử xã hội và tư duy kinh tế của mỗi vùng miền. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, người miền Bắc ưa cần kiệm, giàu năng lực phân tích, linh hoạt trong ứng xử, giỏi tổ chức nhưng kém phần táo bạo, khoáng đạt, có tinh thần làm ăn lớn so với cư dân phương Nam(8).

Bên cạnh đó, nếu như trên Bán đảo Triều Tiên quá trình thống nhất dân tộc diễn ra tương đối sớm và người ta vẫn hay nói về một dân tộc Cao Ly (Korea) thống nhất, thuần nhất thì tiến trình lịch sử Việt Nam là sự tích hợp của ba miền, ba truyền thống văn hoá: Đông Sơn ở miền Bắc, Sa Huỳnh ở miền Trung và Óc Eo – Phù Nam ở Nam Bộ Việt Nam. Việt Nam là một cộng đồng thống nhất của 54 dân tộc, cùng chia sẻ nhiều đặc tính chung - riêng về văn hoá. Nhìn một cách tổng thể, do nằm ở vị trí bán đảo, cùng tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ nhưng trong lịch sử, văn minh Trung Hoa đã ảnh hưởng và thâm nhập vào phía Bắc sớm, lâu dài và sâu đậm hơn trong khi đó, ở miền Trung và Nam Bộ các tộc người cổ lại chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường văn hoá Ấn Độ và Đông Nam Á. Tuy có những khác biệt đó, nhưng ba dòng chảy văn hoá Bắc – Trung – Nam đã sớm hoà hợp và tích hợp nên một dòng chảy chung nhất của Văn minh Đại Việt, với ý thức thống nhất và tinh thần dân tộc mạnh mẽ.

Cùng với những điều nêu trên thì lịch sử hiện đại Việt Nam đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, với tư cách là đồng minh của Mỹ, quân đội Hàn Quốc đã được đưa sang Việt Nam và những hành động của các đội quân này vẫn còn là những vết đau không dễ phai mờ trong tâm trí của cư dân nhiều tỉnh Nam Trung Bộ. Năm 1975, sau hai thập kỷ đấu tranh bền bỉ, nền thống nhất dân tộc đã được phục hưng trong khi đó quá trình thống nhất đất nước trên Bán đảo Triều Tiên vẫn còn phải đối chọi với những thách thức chính trị gay gắt(9). Và, hiện nay, sau khi quan hệ hai nước đã được bình thường hoá, thì sự cách biệt về điều kiện phát triển kinh tế và khả năng thích ứng của một bộ phận cư dân sống trong một xã hội đang diễn ra cuộc chuyển hoá từ xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá... cũng có thể coi là những nhân tố khác nữa khiến cho các nhà kinh doanh, hợp tác và đầu tư hai nước không phải bao giờ cũng có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

Nhận thức rõ những điểm tương đồng và khác biệt đó sẽ giúp cho chúng ta không chỉ tránh rơi vào vòng xoáy của chủ nghĩa lạc quan mà còn là sự chuẩn bị cho những bước đi vững chắc trên cơ sở hiểu rõ trách nhiệm với các vấn đề lịch sử, tôn trọng lịch sử để cùng nhau không ngừng củng cố và xây đắp các mối quan hệ hợp tác phù hợp với bối cảnh quốc tế mới, với một tinh thần mới nhằm đem lại những kết quả thiết thực.

3. Những năm gần đây, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hoá... Do nhu cầu hiểu biết của xã hội cũng như sự trưởng thành của nhiều ngành khoa học, tại Hàn Quốc, Khoa Việt ngữ đã được mở tại một số trường đại học, bắt đầu từ năm 1966 tại trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Ở Việt Nam, sau khi quan hệ hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc được chính thức thiết lập ngày 22-12-1992, ngành Hàn Quốc học đã chính thức ra đời. Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm về đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc đã và đang là trách nhiệm của một số trường đại học và viện nghiên cứu. Tại Hà Nội đó là các cơ quan: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG HN; Trường Đại học Hà Nội (trước đây là Trường ĐHNN HN); Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Tại Tp Hồ Chí Minh có các trường: Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Tp HCM; Trường ĐH Dân lập Ngoại ngữ và Tin học; Trường ĐH Dân lập Hồng Bàng. Một số trường đại học, trung tâm nghiên cứu khác ở Huế, Đà Nẵng... cũng quan tâm nghiên cứu và giảng dạy Hàn ngữ(10).

Từ trong môi trường đào tạo và nghiên cứu đó đồng thời nhận được sự hỗ trợ của một số quỹ tài trợ và quan hệ hợp tác mà nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, một số công trình nghiên cứu, tra cứu, giới thiệu về Hàn Quốc đã được biên soạn, xuất bản. Điều chắc chắn là, cùng với những nỗ lực của giới Hàn Quốc học trong nước thì việc chọn dịch những tác phẩm tiêu biểu của một số học giả nổi tiếng sẽ góp phần hết sức quan trọng để thúc đẩy sự trưởng thành nhanh chóng của ngành học(11).

Từ trong các chương trình đào tạo và kết quả nghiên cứu chúng ta thấy, ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và có những bước đi khá cơ bản. Quan điểm nghiên cứu, đào tạo một cách toàn diện rõ ràng là một mục tiêu xác định đúng và hướng đi lâu dài mà chúng ta phải hướng tới. Từ những thông tin tiếp nhận được có thể thấy, hiện nay các chuyên gia Hàn Quốc học đặc biệt là những người lãnh đạo ngành học này đã và đang phải giải quyết một bài toán khá nan giải là sự kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm, phấn đấu tập trung một nguồn kinh phí lớn trong một khoảng thời gian tương đối lâu dài để có được một số công trình đỉnh cao, có những đóng góp thực sự về mặt học thuật với việc nghiên cứu và đào tạo (chủ yếu là phổ biến kiến thức và dạy tiếng) nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nhiều tầng lớp trong xã hội. Thực tế xây dựng ngành Nhật Bản học cho thấy, ngay từ đầu những năm 1990, trên cơ sở phát huy vốn nhân lực và thế mạnh của các cơ quan đào tạo, nghiên cứu, dưới sự phân công và điều hành của một hội đồng chung (Hội đồng Liên ngành Nghiên cứu Nhật Bản), ngành Nhật Bản học ở Việt Nam đã có sự phân lập về chức năng, nhiệm vụ của từng trường đại học và trung tâm nghiên cứu(12). Theo chúng tôi, ngành Hàn Quốc học cũng có thể xem xét để tiếp thu kinh nghiệm đó. Một sự phân công sớm về chức năng và nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo cụ thể sẽ tạo nên những cơ sở thiết yếu để phát huy được thế mạnh của đội ngũ chuyên gia, đầu tư tập trung và đúng hướng. Mặt khác, các nội dung và chương trình nghiên cứu cũng sẽ sớm thể hiện tính chuyên ngành, thực tiễn và có chiều sâu.

Bên cạnh đó, để xây dựng và phát triển một ngành nghiên cứu, vấn đề đội ngũ có ý nghĩa quyết định. Từ kinh nghiệm phát triển ngành Nhật Bản học chúng ta thấy, hiện nay ngành học này đã có sự xuất hiện của thế hệ thứ tư. Mỗi thế hệ đều có những đóng góp quan trọng và thành tựu nghiên cứu của họ cũng mang rất rõ dấu ấn của nhận thức thời đại và khuynh hướng học thuật của mỗi thời kỳ. Có thể thấy, khi mới xây dựng một ngành học, khó có thể có ngay một đội ngũ những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp và hùng hậu. Do vậy, điều quan trọng là phải tập hợp và thu hút được một số chuyên gia hàng đầu, từng có kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu trên các lĩnh vực khác tham gia vào các chương trình mới. Vốn kiến thức sâu rộng, tầm nhìn, nhiệt huyết khoa học và quan hệ xã hội của các học giả đó chắc chắn sẽ là những di sản quý để có thể chỉ trong một thời gian tương đối ngắn xây dựng thành công một ngành học(13).

Nhưng, nhìn về lâu dài, sự sống còn của một ngành học vẫn phải dựa vào sự kế thừa và phát triển tiếp nối của các thế hệ. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, để có thể phát triển ổn định, liên tục và mang tính kế tục cần có ít nhất sự tiếp nối của ít nhất 4 thế hệ. Nhìn chung, giữa các thế hệ thường có độ chênh khoảng từ 15 đến 20 tuổi: Thế hệ thứ nhất 70 – 80 tuổi; Thế hệ thứ hai: 50 – 60; Thế hệ thứ ba: 30 – 40 và Thế hệ thứ tư (mà tuyệt đại đa số là các thanh niên – sinh viên trẻ) ở độ tuổi trên dưới 20. Họ là những người được lựa chọn trong số các sinh viên ưu tú học năm cuối hay các học viên cao học và nghiên cứu sinh(14). Một cách tự nhiên, sự tiếp nối các thế hệ này mang cấu trúc hình tháp. Đó là một mô hình lý tưởng và bền vững cho một ngành học. Và, khi nói đến cấu trúc hình tháp, chúng ta thường hay liên tưởng đến mô hình Đàn nhạn bay từng là mô hình rất điển hình tạo nên “Sự phát triển thần kỳ” của Nhật Bản(15) và “Kỳ tích sông Hàn”.

Theo lý thuyết đó, khi một đất nước muốn phát triển, nhất là các nước đang phát triển hay kém phát triển, thì không thể có một sự đầu tư dàn trải để đồng thời đạt được sự tăng trưởng của  tất cả các ngành kinh tế hay giải quyết tất cả các vấn đề mà xã hội đặt ra. Ở đây, tầm nhìn và vai trò tập trung điều hành, quản lý của Nhà nước ở cấp vĩ mô có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhật Bản trong những năm 1950 – 1960 đã làm như thế và Hàn Quốc trong thập kỷ 60 -70 của thế kỷ XX cũng đã thực hiện như vậy. Lịch sử cho thấy, để thực thi một quyết sách mang tính chiến lược, tạo nên bước ngoặt cho một dân tộc, trước những thách thức khắc nghiệt của lịch sử, một số bộ phận xã hội thậm chí cả dân tộc cần phải có sự hy sinh trong một thời gian. Trong những năm 1960-1970, dường như cả đất nước Hàn Quốc đã tập trung tâm lực để phát triển một số ngành công nghiệp then chốt trong đó có công nghiệp luyện thép. Quyết định này được đưa ra trong điều kiện Hàn Quốc chưa có kỹ thuật luyện kim hiện đại và toàn bộ nguồn nguyên liệu phải nhập từ bên ngoài. Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Park Chung Hee (1964-1979) từng coi “Sắt thép là quốc lực”. Nhờ có chiến lược đầu tư và phát triển đúng mà ngành công nghiệp này đã mau chóng trở thành lĩnh vực phát triển hàng đầu của Hàn Quốc, để rồi từ đó giữ vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế khác của Hàn Quốc phát triển theo(16). Ngày nay, thép cao cấp của tập đoàn POSCO đã có thể tham gia vào công nghệ vũ trụ. Công nghiệp sản xuất ô tô của Hàn Quốc từ chỗ thua kém xa Tây Âu, Nhật Bản nay đã có thể cạnh tranh với thị trường ô tô thế giới và đã đủ năng lực xuất khẩu nhiều sản phẩm ưu tú của mình sang các thị trường Châu Âu, Bắc Mỹ.

Từ suy nghĩ đó, chúng tôi cho rằng, cũng giống như con đường phát triển của một đất nước, một nền kinh tế, khoa học luôn và luôn cần những cánh chim đầu đàn để dẫn dắt tất cả cùng bay lên và bay đúng hướng. Do vậy, việc đào tạo được một đội ngũ chuyên gia thực thụ, thông hiểu ngôn ngữ, lịch sử, xã hội, văn hoá, thể chế chính trị và môi trường hợp tác... sẽ là nhân tố sống còn của một ngành học. Chính họ sẽ là những chuyên gia hàng đầu thúc đẩy khoa học phát triển. Họ cũng sẽ là những người tạo ra học phái (School), đứng đầu học phái, đề xuất những định hướng nghiên cứu lớn. Tôi luôn suy nghĩ và cho rằng một khi mỗi ngành học của chúng ta chưa có học phái thì ngành học đó rất khó có thể phát triển sâu sắc về mặt học thuật. Nói cách khác, sự hình thành các học phái là minh chứng sinh động nhất thể hiện sự trưởng thành thực sự cũng như sức sống của một ngành học. Cuộc tranh biện và đối thoại thường xuyên giữa các học phái sẽ thúc đẩy tất cả các lĩnh vực học thuật tiến lên và tiến xa.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong những bước đi ban đầu của một ngành học thì mối quan hệ hợp tác giữa các nhà nghiên cứu bản địa với giới Việt Nam học quốc tế trong đó đặc biệt là những nhà Việt Nam học Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Chính họ là những người hiểu biết cụ thể, sâu sắc về diễn tiến kinh tế - xã hội trong nước và thực trạng của mỗi ngành học thậm chí năng lực, phạm vi chuyên môn, vấn đề chuyên sâu của từng nhà nghiên cứu. Một cách tự nhiên, hầu hết các nhà Việt Nam học đều luôn có quan điểm khu vực và cái nhìn so sánh trong nghiên cứu. Nhờ đó mà hoạt động khoa học có thể rút ra và đi tới những hệ luận thú vị và một trong những kết quả tích cực nhất là nghiên cứu về quốc tế để hiểu đúng hơn, sâu sắc hơn về chính mình. Thực tế cho thấy, các nhà Việt Nam học quốc tế chính là những người góp công gây dựng các mối quan hệ, tình thân hữu và không khí song thoại, đa thoại thường xuyên giữa các nhà khoa học, giữa những người nghiên cứu Hàn Quốc của Việt Nam với những nhà Hàn Quốc học ở Hàn Quốc và thế giới.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, theo quan niệm của một số chuyên gia, ngành Nhật Bản học ở Việt Nam đã và đang trải qua ba giai đoạn: Yêu thích Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật BảnNhật Bản học. Nhìn chung, Nhật Bản học ở Việt Nam đã vượt qua giai đoạn thứ nhất, đang phát triển khá phong phú ở giai đoạn thứ hai và trên thực tế đã có một số công trình đạt trình độ của giai đoạn thứ ba. Đó là kinh nghiệm thực tế mà ngành Nhật Bản học đã trải qua trong suốt một thế kỷ qua đặc biệt là từ khi hai nước Việt - Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến nay. Theo quan điểm của cá nhân tôi, ngành Hàn Quốc học có thể không nhất thiết phải trải qua một cách tuần tự ba giai đoạn phát triển đó. Trong một số lĩnh vực nghiên cứu chúng ta có thể đạt sự phát triển trội vượt trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Về nghiên cứu, chúng ta cần hợp tác để sớm đầu tư cho những công trình nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề căn bản nhất. Và, thứ hai là triển khai một số dự án Nghiên cứu so sánh (Comperative studies) theo quan điểm và cách tiếp cận Liên ngành (Interdispciplinary) và Khu vực học (Area studies). Trong bất cứ trường hợp nào, cũng nên tranh thủ ý kiến tư vấn, nguồn lực trí tuệ và nếu được là sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành về Hàn Quốc học của Hàn Quốc trong các dự án, chương trình nghiên cứu đó.

 

NGUYỄN VĂN KIM

(PGS, TS, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nếu chỉ tính các dự án có hiệu lực đến ngày 30-7-2006 thì Hàn Quốc có 1.183 dự án với tổng số vốn là 5.945.597.259 USD, đứng thứ tư sau Đài Loan có 1.523 dự án/7.943.642.405 USD, Singapore: 425/7.887.422.121 USD, Nhật Bản: 677/6.823.029.738 USD. Hiện nay, dân số Hàn Quốc là 48,4 triệu người, diện tích 99.343 km2, GDP năm 2005 đạt 801,2 tỷ USD trong khi đó dân số Việt Nam là 83 triệu người, diện tích 331,7 nghìn km2, GDP năm 2005 đạt 52,8 tỷ USD.

2. Phan Huy Lê: Lời giới thiệu cho bản dịch cuốn Hàn Quốc - Lịch sử và văn hoá, Nxb Chính trị Quốc gia, H., 1995. Có thể tham khảo thêm: Tương đồng văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, Khoa Ngữ văn - Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG HN, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 1996. Và, Nguyễn Văn Kim: Vương triều Lý trong bối cảnh lịch sử, chính trị khu vực Đông Bắc Á thế kỷ XI-XIII, trong Lý Công Uẩn và vương triều Lý, Nxb ĐHQG HN, 2001.

3. James B. Palais: Politics and Policy in Traditional Korea, The Council on East Asian Studies, Harvard University, 1991.

4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Người Việt Nam ở Triều Tiên và mối giao lưu văn hoá Việt - Triều trong lịch sử, Hà Nội, 1997. Xem thêm Khương Vũ Hạc: Hoàng thúc Lý Long Tường (tiểu thuyết lịch sử), Nxb Chính trị Quốc gia, H.,1996.

5. Cho Jal Hyon: Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam: Quá khứ, hiện tại và tương lai, trong Tương đồng văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc, tr.19-43.

6. Carter J. Eckert – Ki  Baik Lee – Young Ick Lew...: Korea – Old and New, Ilchokak Publishers, Korea Intitute and Harvard University, 1990.

7. Nguyễn Văn Kim: Nhật Bản với Châu Á - Những mối liên hệ lịch sử và chuyển biến kinh tế - xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H., 2003. Có thể tham khảo thêm Đào Thế Tuấn - Trần Quốc Vượng: Song thoại về nông sử Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay, số 8 (09) XI, 1994.

8. Về môi trường sống, điều kiện canh tác và đặc tính của nông dân đồng bằng Bắc Bộ có thể tham khảo Pierre Gourou: Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, Hội Khoa học lịch sử VN - Viện Viễn đông bác cổ Pháp – Nxb Trẻ, Tp HCM, 2003

9. Có thể xem, ví như Don Oberdorfer: The Two Korea – A Contemporary History, Published by Basic Books, USA, 1997.

10. Khoa Đông Phương học - Trường Đ HKHXH & NV, ĐHQGHN: 10 năm đào tạo và nghiên cứu Hàn Quốc ở Việt Nam, Nxb ĐHQG HN, H., 2003. Cũng cần nói thêm là, sự thành lập Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện KHXH VN đã thực sự tạo nên diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu các thế hệ công bố kết quả khảo cứu của mình.

11. Một số công trình đã được dịch sang tiếng Việt như: Hàn Quốc - Đất nước, con người, Trung tâm thông tin hải ngoại Hàn Quốc, Seoul, 1993; Nguyễn Vĩnh Sơn: Tìm hiểu Hàn Quốc, Viện NC và phổ biến tri thức Bách khoa, H., 1996; Chung Yum Kim: Hoạch định chính sách trên chiến tuyến (Hồi ký của một quan chức kinh tế cao cấp Hàn Quốc, 1945-1979), ĐSQ Hàn Quốc phát hành; Lê Đăng Hoan – Kim Ki Te: Hoa Chin – Tal – Le, Nxb Văn học, H., 2004; Andrew C.Nahm: Lịch sử và văn hoá bán đảo Triều Tiên, biên dịch Nguyễn Kim Dân, Nxb Văn hoá Thông tin, H., 2005. Đặc biệt năm 1993 cuốn Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của Kim Woo Choong, Chủ tịch và là người sáng lập tập đoàn công nghiệp DAEWOO đã gây được tiếng vang và thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả Việt Nam đầu những năm 1990, Nxb Văn hoá Thông tin, H., 1993.

12. Dương Phú Hiệp (Cb.): Tìm hiểu kinh nghiệm và phương pháp nghiên cứu Nhật Bản, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1995.

13. Có thể thấy kết quả của khuynh hướng này thể hiện ở những công trình như: Lê Quang Thiêm: Văn hoá - Văn minh & Yếu tố truyền thống văn hoá Hàn, Nxb Văn học, H., 1998; Nguyễn Văn Ánh - Đỗ Đình Hãng – Lê Đình Chỉnh: Hàn Quốc: Lịch sử - Văn hoá, Nxb Văn hoá, H., 1996; Hoàng Văn Hiển: Giáo dục và Đào tạo ở Hàn Quốc, Nxb Lao Động, H., 1998; Ngô Xuân Bình - Phạm Quý Long (Cb): Hàn Quốc trên đường phát triển, Nxb Thống kê, H., 2000; Trần Quang Minh – Ngô Xuân Bình (Cb.): Tái cơ cấu tài chính Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính 1997-1998 - Những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, H., 2004; Hoàng Văn Việt: Hệ thống chính trị Hàn Quốc hiện nay, Nxb ĐHQG Tp HCM, 2006; Trần Thúc Việt: Văn học Korea (Triều Tiên - Hàn Quốc), Nxb ĐHQG HN, H., 2006...

14. Đến nay ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam đã hình thành một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ. Lực lượng này đang tham gia tích cực vào các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Có thể thấy công trình của họ trong các tác phẩm: Những vấn đề văn hoá, xã hội và ngôn ngữ Hàn Quốc, Nxb ĐHQG Tp HCM, 2002; Hwang Gwi Yeon - Trịnh Cẩm Lan: Tra cứu văn hoá Hàn Quốc, Nxb ĐHQG HN. H., 2002 và các bài viết trên một số tạp chí khoa học như Nghiên cứu Đông Bắc Á.

15. Một trong những công trình nổi tiếng luận về con đường phát triển đặc thù của Nhật Bản có thể xem Michio Morishima: Tại sao Nhật Bản “Thành công”? Công nghệ phương Tây và tính cách Nhật Bản, Nxb Khoa học Xã hội, H., 1991

16. Dưới thời cầm quyền của Park Chung Hee, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại nguồn tài nguyên và nhân lực được sử dụng có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 9,2%. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng từ 87 USD năm 1962 lên 1503 năm 1980. Xuất khẩu tăng 32,8% năm, từ 56,7 triệu USD năm 1962 lên 17,5 tỷ năm 1980. Hàn Quốc cũng đã bình thường hoá quan hệ với Nhật Bản tháng 6-1965. Tháng 12-1972 bản Hiến pháp mới (Yuhsin) cũng được ban hành. Để phát triển, ông đã thực hiện nhiều chính sách bất dân chủ. Bản hiến pháp mới cũng bảo vệ chế độ tổng thống suốt đời của ông và luôn bảo đảm cho Đảng dân chủ  chiếm ưu thế. Vì nhiều nguyên nhân, ngày 26-10-1979, Park Chung Hee bị ám sát nhưng những đóng góp của ông cho sự phát triển của Hàn Quốc đã được ghi nhận.

 


 

0thảo luận