Trang chủ

Chiến lược thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đài Loan

Đăng ngày: 8-03-2023, 10:42 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Võ Hải Thanh1

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nó đem đến cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Vì vậy, để tiếp cận, bắt nhịp và thúc đẩy cuộc cách mạng này, các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan nói riêng đã hoạch định các chiến lược, chính sách của riêng mình. Bài viết đề cập đến bối cảnh ra đời, tầm nhìn, mục tiêu và định hướng chiến lược, chính sách thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Đài Loan, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm hữu ích cho các nền kinh tế đi sau trong đó có Việt Nam.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, chiến lược, Đài Loan

 

1. Bối cảnh ra đời[1]

Tại Đài Loan, năm 2015, một chương trình hành động gọi là Chương trình Phát triển Năng suất 4.0 (Productivity 4.0 Development Program) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất máy công cụ tham gia sản xuất chi tiết và phụ tùng cho ngành hàng không vũ trụ đã được phê chuẩn. Sự thay đổi nhu cầu về các sản phẩm công nghệ thông tin tiêu dùng, sự thiếu lao động, và sự phục hồi sản xuất ở châu Âu và Mỹ đã tạo áp lực cho các nhà cung cấp Đài Loan, khiến họ phải nhanh chóng cải tiến và nâng cấp công nghiệp. Đài Loan dự định chi 45 tỷ Đài tệ trong 9 năm tới với hai giai đoạn để thực hiện chương trình này. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Máy gia công chính xác (Precision Machinery Research Development Center - PMC) đã kết nối 4 doanh nghiệp hàng đầu sản xuất máy công cụ tại đây để thành lập một phòng thí nghiệm chuyên biệt phát triển những phần mềm thông minh phục vụ cho việc giám sát hệ thống sản xuất trực tuyến. Những phần mềm này được dùng vào những hệ thống giám sát và điều khiển để cải thiện hiệu suất của máy công cụ thêm ít nhất 20% và tăng giá trị thêm tổng cộng ít nhất 10 tỷ Đài tệ.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã từng nói rằng, Đài Loan không thể bỏ lỡ cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0 nếu muốn kiên trì chính sách “sản xuất tại Đài Loan” hoặc muốn giàu mạnh thông qua sự phát triển công nghiệp. Nhu cầu của toàn thế giới về thiết bị sản xuất thông minh và tự động đã được mệnh danh là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và được chính quyền bà Thái Anh Văn xếp vào một trong 5 hạng mục công nghệ sáng tạo cần ưu tiên phát triển. Bốn ngành công nghệ khác cũng được chính quyền Đài Loan đặc biệt coi trọng, đó là năng lượng xanh, công nghệ sinh học, công nghệ quốc phòng và Internet kết nối vạn vật (IoT). Bà Thái An Văn còn cho biết, để đẩy nhanh sự phát triển của 5 mảng công nghệ này, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất bước vào Công nghiệp 4.0, Văn phòng Xúc tiến Cơ khí Thông minh đã được thành lập ở miền Trung Đài Loan với mục tiêu chủ yếu là thiết lập kho nhân tài bản địa, đẩy nhanh công nghiệp sáng tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất mở rộng kênh bán hàng, quảng bá và phân phối sản phẩm. Sáng kiến tự động hóa thông minh được đưa ra vào năm 2011 và gần đây Kế hoạch chuyển đổi công nghiệp 5+2 cũng được đưa ra vào năm 2016.

2. Tầm nhìn, mục tiêu và định hướng chiến lược của chính quyền Đài Loan

Chính quyền Đài Loan đang thúc đẩy chuyển động theo hướng chính sách mà họ gọi là Năng suất 4.0 dựa trên khái niệm quốc tế về Công nghiệp 4.0 được hình thành ở Đức vào năm 2011. Chương trình này nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ để tăng cường chuyển đổi các ngành công nghiệp sang hiện đại như: nông nghiệp, dệt may, 3C (máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng), y tế, giao thông vận tải, hậu cần và quản lý kim loại. Chính quyền trung ương và các lãnh đạo bộ ngành ở Đài Loan nhận ra tầm quan trọng tiềm tàng của Công nghiệp 4.0 trong việc nâng cao năng suất đã đưa tầm nhìn xa hơn nữa trong chính sách công nghiệp mới, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao tính cạnh tranh quốc tế.

Cũng như các nền kinh tế phát triển trên thế giới, Đài Loan hiện đang phải đối mặt với thách thức về tỷ lệ sinh thấp và dân số già. Nhu cầu thay đổi của các sản phẩm công nghệ thông tin tiêu dùng, tình trạng thiếu lao động và thời kỳ phục hưng sản xuất ở châu Âu và Mỹ đều khiến các nhà cung cấp Đài Loan chịu áp lực phải chuyển đổi và nâng cấp. Đài Loan có kế hoạch chi 45 tỷ Đài tệ trong 9 năm tới với hai giai đoạn để giúp các nhà vô địch tiềm năng trong 7 lĩnh vực quan trọng nâng cấp lên Năng suất 4.0.

Kế hoạch của chính quyền Đài Loan về phát triển sản xuất thông minh được thực hiện thông qua “ba kết nối”: kết nối với địa phương, kết nối với tương lai và kết nối với thế giới. “Kết nối với địa phương” có nghĩa là sử dụng đầy đủ các nguồn lực ở Đài Loan, bao gồm cả ngành sản xuất cạnh tranh và cung cấp cơ hội đào tạo ở nước ngoài cho công nhân của Đài Loan. “Kết nối với tương lai” có nghĩa là gia tăng giá trị cho sản phẩm, đặc biệt là công nghệ mới. Ví dụ, thêm GPS và hệ thống định vị thông minh trên ô tô. “Kết nối với thế giới” có nghĩa là hợp tác với các nước khác và giới thiệu các chuyên gia nước ngoài đến Đài Loan.

2.1. Sáu bước trong việc xây dựng kế hoạch Năng suất 4.0[2]

Thứ nhất, tối ưu hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp hàng đầu quan trọng. Chiến lược tập trung vào 8 lĩnh vực hàng đầu là công nghiệp thông tin điện tử, ngành thiết bị vận tải, ngành máy móc thiết bị, ngành sản xuất thực phẩm, ngành dệt may, ngành nông nghiệp, ngành dịch vụ, hậu cần.

Thứ hai, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm mới, ươm tạo và thúc đẩy các dự án mới trong các lĩnh vực liên quan đến Hệ thống không gian mạng thực-ảo (CPS), dịch vụ giải pháp, vật liệu, y tế và sản xuất thông minh có thể tạo điều kiện cho việc xây dựng năng lực bền vững. Hoạch định chiến lược kinh doanh rõ ràng và giới thiệu các công ty quốc tế hoặc các sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan để phát triển các ngành công nghiệp mới nổi tại địa phương.

Thứ ba, nội địa hóa với tính cạnh tranh cao đối với các bộ phận, hệ thống hoặc dịch vụ quan trọng, giúp nâng cao năng lực Năng suất 4.0. Phương thức hành động bao gồm xúc tiến các dự án, các sản phẩm của doanh nghiệp và giới thiệu các sản phẩm đó ra thị trường quốc tế, xây dựng khả năng tự kiểm soát được các sản phẩm dịch vụ của chính doanh nghiệp đó.

Thứ tư, có được khả năng tự chủ, tự phát triển các công nghệ quan trọng và thay đổi trò chơi công nghệ với CPS dựa trên tự động hóa thông minh, tích hợp công nghệ máy tính hóa, số hóa thông minh, với IoT. Sự phát triển công nghệ như máy móc và lượng dữ liệu khổng lồ có khả năng thích ứng với hiệu quả tài nguyên và trí tuệ kỹ thuật của con người.

Thứ năm, nuôi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có tài năng và kinh nghiệm, trao đồi thông qua hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, nghiên cứu liên ngành, liên kết quốc tế để xây dựng năng lực cạnh tranh của Đài Loan.

Bước cuối cùng là hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp và dẫn dắt sự gia tăng doanh nghiệp bằng các công cụ chính sách ngành cần thiết để hoàn thiện toàn bộ hệ sinh thái. Đưa ra các công cụ chính sách công nghiệp, sử dụng đầu tư khuyến khích, sáp nhập và mua lại, cho vay tài trợ, đầu tư mạo hiểm, khấu trừ chi đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có thể thấy, sáu bước chiến lược nêu trên trong chương trình Năng suất 4.0 của Đài Loan cho thấy chính quyền hòn đảo này rất coi trọng phát triển công nghiệp. Chương trình Năng suất 4.0 của Đài Loan cố gắng đưa các kế hoạch và các khái niệm về công nghiệp 4.0 vào cấu trúc công nghiệp hiện có, do đó họ không đặt trọng tâm vào việc lựa chọn ngành công nghiệp khi thực hiện kế hoạch, mà lựa chọn nhiều ngành cùng thực hiện thí điểm. So với Trung Quốc, kế hoạch khôi phục này là một kế hoạch hành động tương đối ngắn hạn, có quy mô hạn chế và tập trung nhiều hơn vào hiệu quả. Ở Đài Loan, cơ quan chức năng hy vọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty mới thành lập tham gia vào các lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 sẽ cân bằng thị trường tiềm năng trong quá trình chuyển đổi này. Việc tăng cường các ngành công nghiệp cạnh tranh hiện có và phát triển các dự án tiềm năng sáng tạo mới đã phản ánh những gợi ý chính sách ở Đài Loan về công nghiệp 4.0[3].

2.2. Các mục tiêu và định hướng chính sách chủ yếu của chương trình Năng suất 4.0

Mục tiêu của Năng suất 4.0 là nâng cao GDP bình quân đầu người của ngành sản xuất lên 10 triệu Đài tệ vào năm 2024, cụ thể là tăng 60% so với năm 2014. Chiến lược chính sẽ là tối ưu hóa hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh của năm ngành hàng đầu là điện tử và thông tin, vận tải kim loại, máy công cụ, thực phẩm và dệt may; tập trung vào việc tận dụng IoT để số hóa việc sản xuất thông tin, mở rộng việc sử dụng máy móc sang Internet of Machines (mạng lưới máy móc kết nối với nhau thông qua internet). Tiếp tục sử dụng quản lý hệ thống, dữ liệu lớn và quản lý tinh gọn, mục tiêu là đạt được một mô hình kinh doanh mới về sản xuất dịch vụ dựa trên internet.

Các định hướng chính của Năng suất 4.0 của Đài Loan bao gồm:

- Tăng cường hợp tác quốc tế: thúc đẩy các đối thủ nặng ký toàn cầu hợp tác với các công ty hàng đầu của Đài Loan. Hợp tác song phương giữa các công ty hàng đầu sẽ khuyến khích Năng suất 4.0 và thúc đẩy nền tảng trao đổi để tổ chức các diễn đàn quốc tế về Công nghiệp 4.0 một cách thường xuyên nhằm hợp tác xuyên khu vực và trao đổi kinh nghiệm.

- Nâng cao năng lực công nghệ: Giới thiệu Công nghiệp 4.0 và các chuyên gia giàu kinh nghiệm để giúp các công ty của Đài Loan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng Năng suất 4.0 và các giải pháp hoặc nền tảng tương ứng để có năng suất cao hơn. Sự hợp tác của một viện công nghiệp - học thuật - nghiên cứu sẽ hỗ trợ thiết lập các tiêu chuẩn giao tiếp chung tuân thủ Năng suất 4.0/Công nghiệp 4.0.

- Hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác chiến lược: các công ty Đài Loan có vị trí hàng đầu trong ngành sản xuất công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu và sẵn sàng trở thành đối tác của các doanh nghiệp toàn cầu trong việc triển khai Công nghiệp 4.0.

Mục tiêu đã nêu của Năng suất 4.0 là tăng cường khả năng cạnh tranh không chỉ trong sản xuất mà còn trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp bằng cách sử dụng các công cụ và khái niệm được cung cấp bởi IoT, dữ liệu lớn (Big Data) và các hệ thống tự động như robot thông minh.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Đài Loan có luật riêng là Quy chế Đổi mới công nghiệp, được sửa đổi vào ngày 24/7/2019 liên quan đến việc thúc đẩy đổi mới công nghiệp, cải thiện môi trường công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp. Thuật ngữ “các ngành công nghiệp” được sử dụng trong quy chế này sẽ đề cập đến các doanh nghiệp nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ở Đài Loan, về cơ bản, khía cạnh chính sách tập trung vào ba điểm: (i) “môi trường”, khía cạnh thu hút sự chú ý nhiều nhất; (ii) chính sách “trọng cầu”; (iii) chính sách “trọng cung”, được coi là ít quan trọng hơn. Đài Loan có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các chính sách về môi trường vì tính ưu việt của cạnh tranh công nghiệp có thể được tăng lên thông qua cải thiện môi trường công nghiệp. Công cụ chính sách này sẽ giúp phát triển đổi mới công nghiệp và môi trường thị trường trong nước bằng cách phân bổ nguồn lực tài chính và phát triển hỗ trợ chính trị cho cơ cấu công nghiệp.

2.3. Chính sách thúc đẩy bốn nhóm ngành thuộc chương trình Năng suất 4.0

Chương trình Năng suất 4.0 của Đài Loan được thực hiện dưới sự kết hợp của bốn nhóm ngành đó là nhóm ứng dụng sản xuất, nhóm ứng dụng ngành dịch vụ kinh doanh, nhóm ứng dụng nông nghiệp và nhóm phát triển môi trường cơ bản, tương ứng với sự phối hợp với nhau giữa các Bộ Kinh tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Điều hành nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Phúc lợi, Bộ Lao động... Trên cơ sở đó, chính quyền Đài Loan đề ra các chính sách thúc đẩy cơ bản cho từng nhóm ngành cụ thể như: (1) Nhóm ứng dụng sản xuất do Cục Công nghiệp của Bộ Kinh tế chỉ đạo; (2) Nhóm ứng dụng công nghiệp dịch vụ kinh doanh do Vụ Thương mại của Bộ Kinh tế chỉ đạo; (3) Nhóm ứng dụng nông nghiệp do Ủy ban Nông nghiệp chỉ đạo; (4) Nhóm phát triển môi trường cơ bản do Vụ Công nghệ của Bộ Kinh tế chủ trì phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế và Phúc lợi, Bộ Lao động, Ủy ban Nông nghiệp.

Về phát triển các công nghệ then chốt, chìa khóa của Năng suất 4.0 chính là công nghệ với các lĩnh vực phát triển chủ yếu dựa vào tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin để hội nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế. Sự kết hợp của máy móc, robot thông minh, IoT và các lĩnh vực công nghệ thông minh như phát hiện và giám sát toàn tuyến, công nghệ kiểm soát, công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu để thúc đẩy quá trình sản xuất theo hướng thông minh của thiết bị và hệ thống thực tế ảo (CPS). Sự phát triển thông minh của công nghệ là cơ sở để đổi mới mô hình hoạt động công nghiệp thông qua đột phá công nghệ.

Về việc bồi dưỡng nhân tài có thực lực, nguồn nhân lực cần thiết cho Năng suất 4.0 bao gồm toàn bộ nhân lực trung cấp và cao cấp có khả năng hiểu biết và trình độ kỹ thuật quan trọng cho việc chuyển đổi công nghệ. Phạm vi lựa chọn nhân tài rất rộng, từ hệ thống giáo dục chính quy, cơ sở công nghiệp, trường đại học, cơ sở nghiên cứu và hệ thống đào tạo tại chỗ. Kế hoạch đào tạo nhân tài bao gồm việc đẩy mạnh đào tạo tại chỗ, giáo dục chính quy tận gốc và mối liên kết công nghiệp - đại học - nghiên cứu cùng với đó là bồi dưỡng tài năng quốc tế và tuyển dụng các chuyên gia kỹ thuật cấp cao. Do đó, chính sách này được các Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế và Phúc lợi, và Bộ Lao động phối hợp với Bộ Công nghiệp cùng thực hiện các công việc liên quan.

Về các công cụ chính sách công nghiệp khác, đối với các ngành thí điểm đã được chọn, ngoài chiến lược thúc đẩy ứng dụng và xây dựng môi trường cơ bản nêu trên, chính quyền Đài Loan cũng lưu ý đến việc sử dụng các công cụ chính sách khác nhau liên quan đến nâng cấp và chuyển đổi công nghiệp, bao gồm trợ cấp R&D, tài chính, đầu tư, các khoản khấu trừ, đầu tư mạo hiểm, các khoản vay ưu đãi đặc biệt… từ đó mở rộng hơn các kết quả của Năng suất 4.0 và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghiệp Đài Loan.

2.4. Định hướng chính sách cho “Sáu ngành công nghiệp chiến lược cốt lõi” trên cơ sở Kế hoạch đổi mới ngành nghề 5+2 có sẵn[4]

Thứ nhất, Đài Loan sẽ tiếp tục tăng cường phát triển các ngành nghề liên quan đến thông tin và số hóa; tranh thủ ưu thế về ngành bán dẫn và công nghệ thông tin, nỗ lực hết sức để chiếm giữ vai trò cốt lõi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm trở thành cơ sở quan trọng về công nghệ và thông tin trong thời đại mới, nỗ lực thúc đẩy việc phát triển IoT và trí tuệ nhân tạo (AI).

Thứ hai, Đài Loan sẽ phát triển các ngành an toàn thông tin có thể kết hợp kỷ nguyên 5G, chuyển đổi kỹ thuật số và an ninh quốc gia; nỗ lực hết sức để xây dựng hệ thống an toàn thông tin và chuỗi ngành nghề có thể bảo vệ bản thân một cách hiệu quả và được thế giới tin tưởng.

Thứ ba, Đài Loan sẽ xây dựng ngành y tế và công nghệ sinh học hội nhập với thế giới. Trong dịch bệnh lần này, cho dù là sản xuất kit xét nghiệm hay nghiên cứu, phát triển vắc xin và thuốc mới, “đội ngũ Đài Loan” đều có đủ khả năng để hội nhập với các công nghệ hàng đầu thế giới. Đài Loan đang nỗ lực để hỗ trợ các ngành nghề liên quan để có thể trở thành lực lượng chủ chốt khắc phục thách thức dịch bệnh trên toàn cầu.

Thứ tư, Đài Loan sẽ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và chiến lược hợp nhất quân sự với dân sự. Ngoài việc đóng tàu nội địa và chế tạo máy bay nội địa vẫn đang được tiến hành, Đài Loan sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc hợp nhất công nghệ quân sự với dân sự, khuyến khích khả năng sản xuất của tư nhân, tiếp tục phát triển các ngành hàng không và vũ trụ.

Thứ năm, Đài Loan sẽ đẩy nhanh sự phát triển các ngành năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Trong 4 năm qua, năng lượng tái tạo đã có bước phát triển nhảy vọt, Đài Loan đã trở thành điểm nóng về đầu tư năng lượng tái tạo quốc tế. Trên cơ sở đó, Đài Loan có thể đạt được mục tiêu năng lượng xanh chiếm 25% tổng năng lượng vào năm 2025 và sẽ trở thành trung tâm năng lượng xanh châu Á - Thái Bình Dương.

Thứ sáu, Đài Loan sẽ xây dựng các ngành sản xuất dân sinh và chuẩn bị đủ để đảm bảo cung cấp vật tư then chốt. Đối mặt với những thay đổi trật tự toàn cầu trong tương lai, từ khẩu trang, vật tư y tế, đồ dùng sinh hoạt, năng lượng cho đến ngành cung ứng lương thực và thực phẩm, phải giữ vững chuỗi ngành nghề quan trọng ở trong nước để duy trì được tỷ lệ tự cung tự cấp nhất định.

2.5. Thực tiễn triển khai Cách mạng công nghiệp 4.0 trên một số lĩnh vực cụ thể

Cục Phát triển công nghiệp Đài Loan đã trợ cấp cho việc triển khai Hộp máy thông minh (Smart Machine Box - SMB) trong dây chuyền sản xuất. Thông qua SMB có thể biết ngay tình trạng của từng trạm làm việc, giảm thời gian thu thập thông tin và tối ưu hóa thiết bị, nâng cao năng suất. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi quy trình sản xuất của họ bằng số hóa, giúp tăng năng suất đáng kể. Thực hiện số hóa thiết bị và mạng, hỗ trợ các công ty Đài Loan nâng cấp lên sản xuất thông minh. Một nhà máy được thành lập để minh họa cho sản xuất thông minh ở thành phố Đài Trung. Chính phủ đã thành lập một nhóm tư vấn sản xuất, mời 67 chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, tự động hóa và quản lý công nghiệp để cung cấp dịch vụ tư vấn và chẩn đoán để hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ giới thiệu sản xuất thông minh trong công ty của họ.

Bộ Kinh tế và chính quyền thành phố Đài Trung đã cùng công bố khai trương "Văn phòng Xúc tiến cơ khí thông minh" vào ngày 7/2/2017, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc Đài Loan chính thức bước vào Công nghiệp 4.0. Nhiệm vụ chính là: xây dựng một mạng lưới phát triển tài năng cơ khí toàn diện hơn dựa trên mối quan hệ hợp tác giữa các ngành và trường đại học hiện có; để sinh viên làm quen với công nghệ số, công nghiệp thông minh và xu hướng thị trường càng sớm càng tốt, mặt khác sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập đội ngũ nhân tài tại địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho nhân viên cấp cao quay lại trường học tiếp, tạo cơ hội để họ tiếp tục học lên cao[5]; nhằm đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghiệp và R&D, từng bước thực hiện mục tiêu thay thế nhập khẩu trong toàn bộ máy móc và các bộ phận ứng dụng, xây dựng thương hiệu máy công cụ và linh kiện của riêng Đài Loan.

Để khuyến khích các công ty đẩy nhanh quá trình chuyển đổi Công nghiệp 4.0 và kích thích các doanh nhân Đài Loan đầu tư vào một nhà máy mới ở nước này, một luật mới đang được xử lý giữa các bộ để khuyến khích đổi mới khu công nghiệp. Các công ty đầu tư vào máy móc và thiết bị thông minh có thể có giá trị quy đổi để khấu trừ thuế trong bốn năm.

Đài Loan rất khuyến khích việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong công tác đào tạo. Đài Loan còn xây dựng một dự án phát triển cơ sở hạ tầng cho phát triển trong tương lai. Dự án kéo dài trong 8 năm từ 2017 đến 2024. Một phần của dự án này là đầu tư 638 triệu USD vào phát triển hạ tầng cho giảng dạy và học tập số hóa bao gồm đầu tư hạ tầng đường truyền interenet, phát triển cơ sở dữ liệu cho các khóa học trực tuyến nhằm giúp mở rộng nhiều nguồn học tập cho nhiều đối tượng khác nhau và có thể cá biệt hóa các chương trình học tập cho từng đối tượng khác nhau, triển khai giáo dục qua các trò game mô phỏng để tăng tính thực tiễn[6].

Để thúc đẩy sự sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp IoT tại Đài Loan, chính quyền Đài Loan đã đề ra Kế hoạch phát triển Thung lũng Silicon châu Á (Asia Silicon Valley Development Plan - ASVDP), Cơ quan ASVDA được thành lập vào tháng 12/2016. Thông qua đó, kỳ vọng có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp bản địa bằng cách hợp nhất các thế mạnh sản xuất phần cứng vào lĩnh vực ứng dụng phần mềm. ASVDP được kỳ vọng sẽ giúp Đài Loan trở thành một trung tâm sáng tạo, kết nối toàn bộ châu Á với Thung lũng Silicon của Mỹ. Để đạt được mục tiêu này, đầu tư vào công nghệ thông tin của Đài Loan sẽ được chuyển thành đầu tư vào IoT, giúp Đài Loan trở thành một hòn đảo thông minh. IoT cũng hứa hẹn tạo ra những cơ hội kinh doanh khổng lồ cho Đài Loan. Theo ước tính của McKinsey & Company, đến năm 2025, giá trị kinh tế của ngành IoT toàn cầu có thể đạt từ 2,7 nghìn tỷ đến 6,2 nghìn tỷ USD[7]. Để biến Đài Loan trở thành trung tâm tài trợ cho các công ty khởi nghiệp châu Á, chính phủ dự định sẽ tăng quy mô gây quỹ lên tới 5 tỷ Đài tệ (160 triệu USD) hàng năm, cho đến năm 2023. ASVDA đang nỗ lực nâng thị phần toàn cầu của Đài Loan trong lĩnh vực IoT từ 3,8% vào năm 2015, lên 4,2% vào năm 2020 và 5% vào năm 2025.

Trong nỗ lực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về AI, Đài Loan đã thành lập “Trung tâm đổi mới AI” giúp phát triển khoảng 100 công ty. Ngoài ra, các khoản tín dụng thuế đang khuyến khích nguồn tài năng nước ngoài. Bằng cách tận dụng sức mạnh của năng lực sản xuất và công nghệ thông tin, Đài Loan đã sẵn sàng cung cấp các tích hợp AI có giá trị trong ngành thiết bị y tế. Nhóm nghiên cứu của giáo sư Liêu Hồng Nguyên thuộc Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Đại học Quốc Lập Đài Loan (AINTU) đã sử dụng công nghệ AI để phát triển hệ thống “giao thông thông minh” đồng bộ toàn cầu, kết hợp với “biện pháp giải quyết lượng xe lưu thông trong thành phố”, nâng cao hiệu suất giao thông công cộng một cách có hiệu quả, giúp Đài Loan phát huy tư duy sản xuất “nước nhỏ, chiến lược lớn”, thực hiện mục tiêu “quốc gia kỹ thuật số, hòn đảo thông minh” [8].

3. Một số bài học kinh nghiệm rút ra

Qua nghiên cứu về chiến lược thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 của Đài Loan chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm từ việc xây dựng và triển khai chiến lược cũng như các chính sách tổng quát thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Trước tiên, cần đánh giá, định vị (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức..) tiềm lực, tiềm năng của quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Làm rõ các lĩnh vực có cơ hội cải tiến lớn nhất, có thế mạnh, tiềm năng. Mặc dù dân số tương đối nhỏ với 23,5 triệu công dân, Đài Loan vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình như một trung tâm công nghệ và kỹ thuật có tư duy tương lai, đang ở giữa một nền kinh tế định hướng đổi mới, xếp thứ tư về năng lực đổi mới sáng tạo, thứ ba về số bằng phát minh, sáng chế, đứng thứ ba trong số 159 quốc gia về tốc độ tải xuống băng thông rộng, sản xuất 70% mạch tích hợp trên thế giới và 90% máy tính xách tay được bán trên toàn cầu… Tuy nhiên, sự xuất hiện của các công nghệ thông minh đã bắt đầu ảnh hưởng đến quỹ đạo công nghiệp của Đài Loan.

- Xây dựng một chiến lược toàn diện cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu của chương trình Năng suất 4.0 của Đài Loan là nâng cao GDP bình quân đầu người của ngành sản xuất lên 10 triệu  Đài tệ vào năm 2024, cụ thể là tăng 60% so với năm 2014. Chiến lược chính sẽ là tối ưu hóa hệ thống sinh thái chuỗi cung ứng thông minh của các ngành công nghiệp hàng đầu là các ngành công nghiệp điện tử và thông tin, vận tải kim loại, máy công cụ, thực phẩm và dệt may.

- Xây dựng tầm nhìn và kế hoạch chi tiết cho một cơ cấu công nghiệp mới gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0. Đài Loan đang thúc đẩy chuyển động theo hướng chính sách mà họ gọi là Năng suất 4.0 dựa trên khái niệm quốc tế về Công nghiệp 4.0, đưa tầm nhìn xa hơn nữa trong chính sách công nghiệp mới, với mục đích thúc đẩy việc áp dụng công nghệ để tăng cường chuyển đổi các ngành công nghiệp sang hiện đại như nông nghiệp, dệt may, 3C (máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng), y tế, giao thông vận tải, hậu cần và quản lý kim loại.

- Xây dựng các chính sách và lộ trình thực hiện (ngắn, trung, dài hạn) đối với từng lĩnh vực cụ thể, tập trung phát triển và làm chủ một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Đài Loan có kế hoạch chi 45 tỷ Đài tệ trong 9 năm tới với hai giai đoạn để giúp các nhà vô địch tiềm năng trong bảy lĩnh vực quan trọng nâng cấp lên “Năng suất 4.0”.

- Xây dựng một hệ thống thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tư nhân, chính phủ và các viện nghiên cứu. Đào tạo nhân tài trong ngành phục vụ, đào tạo nhân tài công nghệ liên lĩnh vực liên kết ngành - trường đại học, công nghiệp - đại học - nghiên cứu. Đào tạo nhân lực có kiến thức thực tiễn phù hợp với môi trường quốc tế liên kết với các đơn vị trong các ngành công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu có tuyển dụng chuyên gia quốc tế.

- Phát triển nguồn nhân lực liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung vào các lĩnh vực như: IoT, AI, Big data, an ninh mạng… Đầu tư mạnh cho R&D, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài. Đài Loan không chỉ gửi nhiều kỹ sư và cán bộ nghiên cứu đến Mỹ học tập mà còn sử dụng nhiều bằng sáng chế của Mỹ và thu hút được nhiều nhà khoa học từ Mỹ trở về. Mặc dù, công nghệ của Mỹ là nguồn chủ yếu để học hỏi, song Đài Loan đã hấp thụ công nghệ, tri thức Mỹ và nội địa hoá để trở thành công nghệ bản địa.

- Tăng cường thúc đẩy hợp tác với các đối tác, tổ chức trong và ngoài nước có uy tín (lĩnh vực hợp tác, tổ chức đại diện…) để hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ, tăng sức cạnh tranh toàn cầu.

- Thiết lập một nền tảng (Platform) để có thể phát triển mạng lưới giữa tất cả các bên liên quan tham gia vào Cách mạng công nghiệp 4.0 (ví dụ như Hiệp hội Internet công nghiệp của Mỹ – USA’s IIC - Industrial Internet Consortium).

- Cải cách các thủ tục pháp lý, hành chính, thể chế, chính sách liên quan. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; sớm hoàn thiện Khung pháp lý phát triển Chính phủ điện tử, quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu số, định danh điện tử và xác thực định danh của cá nhân, tổ chức, Văn phòng Chính phủ không giấy tờ (chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử qua internet), chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng đầy đủ các văn bản pháp lý là nền tảng triển khai chính phủ điện tử và xây dựng Luật Chính phủ điện tử quy định về việc ứng dụng công nghệ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Hướng tới một xã hội phát triển bền vững, hài hòa đảm bảo phát triển kinh tế đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường… lấy con người làm trung tâm, không ai bị bỏ lại phía sau.

Tóm lại, Đài Loan có vị thế tốt để trở thành nền kinh tế đi đầu trong phát triển và triển khai Công nghiệp 4.0. Khi quá trình chuyển đổi sang các công nghệ công nghiệp thông minh vẫn tiếp diễn, hòn đảo này có thể phát huy nhiều thế mạnh của mình. Với các sáng kiến của chính phủ bao gồm AI, IoT và các ngành công nghiệp khác, Đài Loan đang chứng minh rằng họ đã sẵn sàng để đóng vai trò hàng đầu trong đổi mới công nghiệp. Bên cạnh lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, công nghệ cao và môi trường khởi nghiệp mới nổi, Đài Loan còn sở hữu nguồn nhân lực vô cùng quý giá. Khi sự tích hợp của các công nghệ thông minh tiếp tục phát triển trong bối cảnh của Công nghiệp 4.0, hòn đảo này đã sẵn sàng trở thành một nhân tố quan trọng trên toàn cầu. Nhân tài là chìa khóa cho tất cả những điều này. Đài Loan sắp bước vào một xã hội già hóa, nhân khẩu học thay đổi, tuổi thọ tăng trong khi tỷ lệ sinh giảm. Điều này đặt ra gánh nặng cho ngành y tế của hòn đảo này, nhưng cũng chính là động lực để thúc đẩy ngành y tế cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc cải thiện chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, với chương trình năng suất 4.0 của riêng mình, Đài Loan đã đang từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp, tăng chuỗi giá trị sản xuất đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng giá trị sản phẩm và năng suất lao động thông qua một loạt các chiến lược thúc đẩy công nghiệp. Có thể nói, làn sóng công nghiệp 4.0 này sẽ không chỉ thúc đẩy sản xuất thông minh hơn mà còn mở ra một làn sóng cách mạng công nghiệp mới, thúc đẩy cuộc sống của người dân Đài Loan nói riêng và nhân dân thế giới nói chung bước sang một kỷ nguyên mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Albert Chang, Jean-Frederic Kuentz, Bill Wiseman, Jeongmin Seong, Joshua Lan, Charles Tan, Joshua Chang, Emma Chen, Diana Tang (2017), Taiwan's digital imperative: How a digital transformation can re-ignite economic growth, Digital/McKinsey, September.
  2. Douglas B.  Fuller (2002), Globalization for Nation Building: Industrial Policy for High-technology Products in Taiwan, MIT Japan Program, Working Paper 02.02, January 10th.
  3. Hệ thống giao thông thông minh giúp Đài Loan chuyển đổi sang mô hình AI, 17/12/2018, https://www.roc-taiwan.org/vnvi/ post/4397.html.
  4. 行政院生產力4.0發展方案 (Kế hoạch phát triển Năng suất 4.0), Taiwan Economic Forum, Volume 13, Number 3, tr. 51-52.
  5. Kuan Chung Lin, Joseph Z. Shyu và Kun Ding (2017), “A Cross-Strait comparison of innovation policy under Industry 4.0 and sustainability development transition”, Sustainability, Vol. 9, p. 14 – 17.
  6. Sarah O’Meara (2020), Taiwan Time to Transform, the government is betting its manufacturing future on smart machinery and artificial intelligence to improve product quality and flexibility, Spotlight, Nature, Vol 577, 16 January.
  7. 智慧機械推動辦公室成立 蔡英文賦予3任務 (Thành lập Văn phòng xúc tiến cơ khí thông minh, bà Đài Loan Thái Anh Văn đưa ra 3 nhiệm vụ chính), https://news.ltn.com.tw/ news/politics/breakingnews/1967036.
  8. Try Hardyanthi, Falah Al Ghozali, Muhammad Arizka Wahyu (2019), “Facing the Industrial Revolution 4.0: Taiwanese and Indonesian Perspective”, Indonesian Comparative Law Review, Volume 1, No 2, June.

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 行政院生產力4.0發展方案 (Kế hoạch phát triển Năng suất 4.0), Taiwan Economic Forum Volume 13, Number 3, tr. 51-52.

[3] Kuan Chung Lin, Joseph Z. Shyu và Kun Ding (2017), “A Cross-Strait comparison of innovation policy under Industry 4.0 and sustainability development transition”, Sustainability, Vol. 9, tr. 14 – 17.

[4] Bài diễn văn tái nhậm chức của bà Thái Anh Văn, 20/5/2020, https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit= 458,459,461,462&post=177886.

[5] 智慧機械推動辦公室成立 蔡英文賦予3任務 (Thành lập Văn phòng xúc tiến cơ khí thông minh, bà Thái Anh Văn đưa ra ab nhiệm vụ chính, https://news. ltn.com.tw/news/politics/breakingnews/1967036.

[6]http://chuongtrinhkhgd.moet.gov.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/news&ListId=&SiteId=&ItemID=4548&SiteRootID=&isEn=False.

[7] “Đài Loan – vùng đất của những đột phá sáng tạo” http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/dai-loan-vung-dat-cua-nhung-dot-pha-sang-tao-138741.html.

[8] Hệ thống giao thông thông minh giúp Đài Loan chuyển đổi sang mô hình AI, 17/12/2018, https://www.roc-taiwan.org/vn_vi/post/4397.html.

0thảo luận