Trang chủ

Sự biến đổi của cộng đồng ở Nhật Bản từ năm 1945 đến nay

Đăng ngày: 3-02-2023, 14:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 9

Ngô Hương Lan1

 

Tóm tắt: Cộng đồng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của một quốc gia. Cộng đồng là nơi mà các cư dân kết nối chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết khó khăn, tạo ra môi trường sống an tâm, an toàn, đồng thời cư dân cùng với chính quyền nỗ lực cải thiện các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp cho cộng đồng đó phát triển, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia. Bài viết tìm hiểu sự biến đổi của cộng đồng ở Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay và phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi này, đồng thời chỉ ra những vấn đề mà cộng đồng đang phải đối mặt.

Từ khóa: Cộng đồng, xã hội, Nhật Bản

 

T

rong những năm gần đây, cộng đồng và phát triển cộng đồng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Vai trò của cộng đồng trong việc duy trì giá trị văn hóa truyền[1]thống, đảm bảo môi trường sống và sự ổn định xã hội của khu vực mà cộng đồng đó cư trú, duy trì nội lực phát triển... đã được khẳng định qua nhiều công trình nghiên cứu và qua thực tiễn của các quốc gia.

Nhật Bản là đất nước nổi tiếng về tính cộng đồng và tinh thần tập thể. Trước chiến tranh, xã hội Nhật Bản là xã hội nông nghiệp, có cấu trúc được tạo nên từ “nhà” (gia đình) và “làng” (làng xã). Chế độ “ie” (nhà) với việc cho phép con trai trưởng là người thừa kế duy nhất, nối nghiệp gia đình và có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ lúc về già, phù hợp tuyệt đối với xã hội nông nghiệp. Sau Chiến tranhThế giới thứ hai, cùng với sự thay đổi nhanh chóng do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa mang lại, nền tảng của cộng đồng truyền thốngở nông thôn sụp đổ, ý thức về quyền lợi cá nhân cao lên, nhưng ý thức liên kết xã hội, ý thức tập thể lại giảm xuống. Vào những thập niên 1980-1990, tương trợ mang tính cộng đồng vốn được tạo nên bởi “nhà” (ie) và “làng” (mura) dần suy yếu, đặc biệt ở những địa phương có dân số giảm mạnh, nền tảng của cộng đồng địa phương sụp đổ.

Nhìn từ hệ thống phúc lợi địa phương, có thể thấy, trước Chiến tranhthế giới thứ hai, tuy nghèo về vật chất nhưng cộng đồng với những liên kết chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau có khả năng đảm bảo cho cư dân có cuộc sống an yên lúc tuổi già. Sau chiến tranh, cộng đồng địa phương đã mất đi chức năng vốn có của nó, tính ổn định cũng biến mất. Chính vì vậy, hiện nay Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề về chăm sóc người già, giáo dục trẻ em, thiếu lao động, xã hội thiếu liên kết, cộng đồng truyền thống tan rã. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để phục hồi cộng đồng ở Nhật Bản?

Bài viết này tìm hiểu về sự biến đổi của cộng đồng ở Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, những khó khăn trong việc duy trì cộng đồng và một số biện pháp ứng phó của Chính phủ Nhật Bản.

1. Một số khái niệm về cộng đồng

Nghiên cứu về cộng đồng hiện nay được tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Tiếp cận về mặt địa lý học có Salli (1996) với “The Natunarilized Knowledge Systems of Indigennous Communities” (Hệ thống kiến thức phong tục của cộng đồng bản địa). Salli cho rằng: “Những cộng đồng về địa lý có thể bao gồm một vùng, thị trấn hoặc một nhóm nông trại trải trên nhiều dặm. Một cộng đồng đồng nhất là là một nhóm người có những mối quan tâm chung dựa trên tính tương tự về nghề nghiệp, văn hóa, hiểu biết, tôn giáo hoặc các hoạt động giải trí”. Cùng tiếp cận từ quan điểm địa lý còn có Keith W.Sproule và Ary S.Suhand (1998), định nghĩa “cộng đồng là một nhóm người, thường sinh sống trên cùng một khu vực địa lý, tự xác định mình thuộc về cùng một nhóm. Những người trong cùng một cộng đồng thường có quan hệ huyết thống hay hôn nhân, và có thể thuộc cùng một nhóm tôn giáo, một tầng lớp chính trị”...

Tiếp cận “cộng đồng” từ phương diện “tổ chức xã hội” có Agrawal và Clack (1999) cho rằng “cộng đồng là một đơn vị quần cư nhỏ, là cấu trúc xã hội đồng nhất, có chung một mục đích và quy tắc”[2].

Tiếp cận từ góc độ kinh tế học, một số nhà nghiên cứu cho rằng “cộng đồng” như một loại “vốn xã hội”. Tiêu biểu cho cách tiếp cận này có Robert D.Putnam (2000) với công trình “Bowling alone: The Colappse and Revival of American Community” (Chơi bowling một mình: Sự sụp đổ và hồi sinh của cộng đồng Mỹ). Theo ông, hai yếu tố tạo nên cộng đồng với tư cách là một nguồn “vốn xã hội” chính là tinh thần gắn kết và sự hình thành mạng lưới xã hội, trong đó, từng người cảm thấy yên tâm, an toàn khi họ ở trong cộng đồng, trong mạng lưới và do đó sẵn sàng đóng góp, hy sinh vì lợi ích cộng đồng, bảo vệ lợi ích của cộng đồng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Nghiên cứu về cộng đồng ở Nhật Bản có một số công trình nghiên cứu về dân số, gia đình và cộng đồng địa phương từ góc độ xã hội học, hoặc nghiên cứu tính cộng đồng từ góc độ tâm lý học. Năm 1969, lần đầu tiên Bộ Nội vụ, Ủy ban Điều tra đời sống quốc dân Nhật Bản đưa ra định nghĩa về cộng đồng như sau: “Cộng đồng là một tập thể mà chủ thể cấu thành là các cá nhân và gia đình có tính tự chủ, tự giác về trách nhiệm trong cuộc sống với tư cách là những công dân của xã hội dân sự, có chung khu vực sinh sống và chung những mục tiêu nhất định, mang tính mở (khai phóng) nhưng có sự tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên”[3]. Cộng đồng được khảo sát trong bài viết này là các tổ chức tự trị cấp cơ sở của khu phố, hay thôn, làng, gần gũi nhất với người dân như: hội tự trị, hội phố, ủy ban cộng đồng khu phố (tương đương với tổ dân phố)… “Những tổ chức này có thành viên là người dân sống trong khu vực, giải quyết vấn đề của khu vực bằng các hoạt động tự chủ, độc lập của mình, nó tồn tại vì lợi ích của cư dân, hay nói cách khác, nó được gọi là cộng đồng (community)”[4].

2. Sự biến đổi cộng đồng ở Nhật Bản

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, cùng với sự phát triển kinh tế cao độ, đô thị hóa và hiện đại hóa, cộng đồng ở nông thôn và đô thị Nhật Bản đã có những biến đổi sâu sắc, mỗi khu vực đều có những khó khăn riêng và đang phải đối mặt với nguy cơ mất cộng đồng theo những cách khác nhau. Để làm rõ sự biến đổi của cộng đồng ở Nhật Bản, bài viết sẽ phân tích những biến đổi này theo ba giai đoạn lịch sử gắn với đặc điểm chính trị - kinh tế - xã hộiở từng giai đoạn, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi này.

2.1. Giai đoạn 1945-1970

Giai đoạn 1945-1970 là giai đoạn cộng đồng truyền thống vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đã dần dần suy yếu chức năng. Lúc này, hình thức cộng đồng chủ yếu vẫn là các hội phố, hội thôn, hội tự trị và một số tổ chức xã hội khác với con số lên đến hàng trăm nghìn, cộng đồng vẫn mang hình thức “cộng đồng truyền thống”. Cộng đồng truyền thống là kiểu cộng đồng địa lý mà mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng chủ yếu là quan hệ hàng xóm láng giềng, sống trong cùng một khu vực, cùng nhau tiến hành các hoạt động với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ và của cả cộng đồng. Cộng đồng “hội phố”, “hội thôn” có một số đặc điểm như: (i)thành viên tham giađược tính theo đơn vị “hộ gia đình” chứ không phải là từng cá nhân; (ii) bán cưỡng chế hoặc tự nguyện gia nhập; (iii) chức năng chưa phân hóa rõ ràng, bao quát nhiều phương diện như: hỗ trợ cho các nghi lễ ma chay, cưới xin, vừa có chức năng hỗ trợ hành chính, vừa giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường sống, duy trì văn hóa truyền thống...; (iv)đảm nhiệm chức năng của một đơn vị hành chính nhỏ nhất; (v)có nền tảng truyền thống tương đối bảo thủ, được chi phối bởi tầng lớp trung lưu cũ. Sau năm 1945, cộng đồng chuyển giao dần vai trò “đảm bảo phúc lợi xã hội” cho các cơ quan hành chính công, vai trò của cộng đồng trong đời sống cư dân dần dần suy yếu… Có những lý do khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng này.

Trước hết, về các nguyên nhân, đầu tiên phải kể đến chính sách đối với sự tồn tại của các cộng đồng truyền thống như hội phố, hội thôn ở Nhật Bản. Hội phố, hội thôn và các tổ chức cộng đồng tương tự phát triển nhanh chóng trước Chiến tranh thế giới thứ hai là do chính sách phát triển cộng đồng năm 1940 của Chính phủ Nhật Bản (Bộ Nội vụ ban hành “Cương lĩnh hoàn thiện các hội phố, thôn, làng”). Nhưng ngay sau chiến tranh, Bộ tư lệnh Liên Hợp Quốc (GHQ) đã yêu cầu giải tán các hội phố vốn “tồn tại trong chiến tranh như những tổ chức cơ sở để truyền đạt và thực hiện và một cách có hệ thống các mệnh lệnh quốc gia”[5]. Tiếp nhận yêu cầu này, tháng 1/1947, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Chỉ thị số 4 của Bộ Nội vụ, vô hiệu hóa chỉ thị số 17 về “Cương lĩnh hoàn thiện các hội phố thôn làng” được ban hành vào năm 1940.Tuy nhiên, chỉ thị này lại cho phép người dân được thành lập các “tổ chức tự trị” mới, hoạt động dựa trên nguyện vọng và ý chí của họ, vì vậy hàng loạt tổ chức cư dân được thành lập mới, nhưng thực chất không khác gì so với các hội phố, hội thôn trước đây ở nhiều địa phương. Trước tình hình này, GHQ lại yêu cầu Chính phủ Nhật Bản ban hành luật mới nhằm diệt tận gốc, “giải tán các hội phố, hội thôn hoặc các hội liên hiệp tương đương, cấm mọi hoạt động và mọi hành vi liên quan đến việc vận hành các tổ chức này”. Tháng 5/1947, Chính phủ Nhật Bản ban hành Chính lệnh số 15 về “Yêu cầu ngừng hoạt động của các tổ chức hội phố, hội thôn, làng”.Cũng theo chính lệnh này, các hội phố, hội thôn, làng, ban hỗ trợ và các tổ chức tương đương phải giải tán trước ngày 31/05/1947. Có thể nói, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc các tổ chức “hội phố” hoàn toàn biến mất ở Nhật Bản trong một khoảng thời gian. Năm 1952, Nhật Bản khôi phục chủ quyền, theo đó các mệnh lệnh được ban hành theo tuyên bốPotsdam được bãi bỏ, Chính lệnh số 15 năm 1947 về đình chỉ hoạt động của các hội phố, thôn, làng cũng đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, mặc dù hủy Chính lệnh số 15, nhưng lúc đó Chính phủ Nhật Bản cũng không khuyến khích các hội phố, thôn, làng hoạt động trở lại, mà sự phục hồi của các tổ chức này trong những năm 1950-1960 là nhờ vào sự thúc đẩy một cách tích cực của các chính quyền địa phương (地方自治体) ở quốc gia này.

Nhìn vào biểu đồ 1, có thể thấy con số hội tự trị (cộng đồng địa lý truyền thống) tăng mạnh từ đầu thập niên 1950 do chính sách bãi bỏ Chính lệnh số 15 về “Đình chỉ hoạt động của các tổ chức hội phố, thôn, làng”. Tuy nhiên, vào thời gian này, các “đoàn thể xã hội” mang tính hiện đại như hội phụ nữ, câu lạc bộ người cao tuổi, hội thanh niên,  hội liên hiệp các phố bán hàng, câu lạc bộ thể thao, sở thích... lại phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự suy yếu của các tổ chức cộng đồng truyền thống là do sự phát triển kinh tế, đô thị hóa và cơ giới hóa nông thôn. Cộng đồng truyền thống mà vai trò lớn nhất của nó là cung cấp nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống cũng như tự tạo ra một hệ thống phúc lợi địa phương (cộng đồng cùng nhau lo việc hiếu hỷ, chăm sóc người già, trẻ em, tổ chức các nghi lễ, lễ hội truyền thống…) đã không còn thích hợp với xã hội hiện đại nữa. Chức năng đảm bảo phúc lợi cho cư dân được chuyển giao cho hệ thống hành chính địa phương, các cộng đồng truyền thống như hội phố, hội thôn dần dần đánh mất vai trò chính của nó trong đời sống cư dân, dẫn đến suy yếu.

Nguyên nhân khách quan thứ hai, đó là sự di dân từ nông thôn ra thành phố tăng cao vào thời kỳ kinh tế phát triển nhanh những năm 1950-1960 (dân số đô thị chiếm tới 80% dân số Nhật Bản), nông thôn chỉ còn lại người già và phụ nữ, cộng đồng không còn nam giới để gánh vác các công việc lớn, cũng không còn người trẻ để kế nghiệp, xảy ra tình trạng “rỗng hóa” dẫn đến sự đổ vỡ cộng đồng nông thôn trong các giai đoạn sau. Còn ở thành phố, do sự quá tải dân số,hình thành luồng di dân từ nội đô ra ngoại thành cùng với việc xây dựng hàng loạt khu chung cư mới “new town”, cộng đồng mất đi sự liên kết giữa các cư dân, bởi những người không quen biết, không cùng xuất thân, không cùng nơi làm việc, không có điểm chung nào để kết nối với nhau lại sống cùng trong những khu chung cư rộng lớn. Hệ quả là sự liên kết trong cộng đồng suy giảm, tính cộng đồng trở nên yếu ở khu vực đô thị.


Biểu đồ 1: Quá trình ra đời và phát triển của các tổ chức cộng đồng ở Nhật Bản

NPO

Đoànthể XH

Hộitựtrị

Nămthànhlậpcáctổchứccộngđồng ở NhậtBản

Nguồn: “Điều tra toàn quốc về các tổ chức tự trị 2006-2007”, Hiệp hội nghiên cứu cộng đồng mới Nhật Bản, 2008, tr.11.

 

Về nguyên nhân chủ quan, đó là sự thay đổi trong lối sống và quan niệm của người Nhật Bản về cộng đồng. Hiện đại hóa và đô thị hóa kéo theo xu hướng kết hôn muộn, tỉ lệ sinh đẻ thấp, gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ sống cùng 1 đến 2 người con) dần dần thay thế cho kiểu gia đình trực hệ (tam đại đồng đường). Gia đình quy mô nhỏ và lối sống ưu tiên sự riêng tư, tiện dụng khiến cho người ta ngại giao tiếp với hàng xóm, một tầng lớp “cư dân vô cảm” hình thành trong cộng đồng đô thị, liên kết cộng đồng suy yếu.

Đó là những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến đặc điểm của cộng đồng xã hội ở Nhật Bản trong các thập niên từ 1945-1970 như đã nêu ở phần trên.

2.2. Giai đoạn 1970- cuối những năm 1990

Trong giai đoạn 1970 đến 1999, cộng đồng xã hội Nhật Bản chuyển dần từ kiểu “cộng đồng truyền thống” sang mô hình “cộng đồng kế hoạch”. Đặc điểm lớn nhất của cộng đồng ở nông thôn và đô thị Nhật Bản lúc này là cộng đồng địa lý truyền thống như hội phố, hội thôn vẫn tiếp tục suy yếu chức năng. Cư dân đô thị thì tập trung vào các mối quan hệ xã hội ở công sở chứ không quan tâm đến sự tồn tại của “cộng đồng địa lý” nơi cư trú, mặt khác, ở vùng nông thôn, tình trạng giảm dân số bắt đầu diễn ra trên diện rộng dẫn đến mất cộng đồng, đặc biệt ở một số địa phương miền núi và đảo xa. Cuối những năm 1960, nhận thấy “mất cộng đồng” đã trở thành nguy cơ hiện hữu, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã thành lập Ban điều tra đời sống quốc dân, và tháng 9/1969 ban này đưa ra một báo cáo chấn động mang tên “Cộng đồng - Phục hồi tình người trong cuộc sống”, trong đó cho rằng sự phát triển kinh tế cao độ đã làm mất đi những giá trị truyền thống, trong đó có tính cộng đồng, đòi hỏi “phải sáng tạo ra những cộng đồng mới”. Bản báo cáo nhấn mạnh việc xây dựng những “cộng đồng kiểu mẫu”, được quy hoạch bởi hệ thống chính trị - hành chính, người dân tham gia lên kế hoạch cho các hoạt động cộng đồng, nhà nước hỗ trợ kinh phí.Năm 1971, Bộ Nội vụ mô phỏng cộng đồng kiểu mới như sau[6]:

1. Mỗi địa phương đều phải thử nghiệm xây dựng “cộng đồng kiểu mẫu”.

2. Bản đồ, đồ thị về cộng đồng kiểu mẫu được tuyển chọn bởi sự tham vấn và quyết định của lãnh đạo tỉnh, thành phố và trưởng các phố, thôn, xóm.

3. Bản đồ của cộng đồng kiểu mẫu dựa trên quy mô của khu vực có các trường tiểu học (lấy trường tiểu học làm trung tâm cộng đồng mới).

4. Trưởng các khu phố, thôn, làng xác định kế hoạch xây dựng và phát triển cộng đồng, trên cơ sở có sự tham gia của người dân.

5. Người dân (cư dân) trong khu vực quyết định kế hoạch liên quan đến các hoạt động của cộng đồng.

6. Nhà nước ủng hộ bằng cách hỗ trợ về mặt kinh phí, nhưng đề cao trách nhiệm của địa phương trong việc xây dựng cộng đồng mới dựa trên kế hoạch được địa phương đó đưa ra.

7. Nhà nước thành lập Hiệp hội nghiên cứu nhằm tổ chức nghiên cứu, điều tra, đánh giá về cộng đồng và chỉ đạo việc thực hiện các chính sách liên quan đến kế hoạch cộng đồng kiểu mẫu.

Tuy nhiên, thực trạng cộng đồng những năm 1970-1990 tuy có được cải thiện về số lượng các tổ chức cộng đồng, nhưng sự suy giảm tính cộng đồng thì vẫn không có gì thay đổi. Người dân không hào hứng tham gia công việc của cộng đồng, tầng lớp “cư dân vô cảm” và “xã hội thiếu liên kết” vẫn tiếp tục là những vấn đề nổi cộm của cộng đồng xã hội ở Nhật Bản. Chúng ta có thể nghĩ đến một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, từ những năm 1970, ti vi, mạng internet, và sau này là điện thoại di động được phổ cập đã phá vỡ sự bó hẹp của không gian “làng” hay “phố”, người dân có điều kiện giao lưu ra ngoài “biên giới” của làng, thậm chí vượt cả biên giới quốc gia. Cuộc sống hiện đại và các mối quan hệ phong phú đã lấy đi cái cảm giác cần phải dựa vào những người xung quanh, hàng xóm, láng giềng để sinh sống, tính cộng đồng từ đó suy giảm. Trong khi đó, lối sống độc thân tiếp tục tăng cao, vào cuối những năm 1990, tỉ lệ hộ độc thân đã chiếm tới 25% hộ gia đình ở Nhật Bản, việc ưu tiên sự riêng tư, cá nhân, ngại giao tiếp với hàng xóm tiếp tục tăng. Lối sống độc thân, nhà ở cách xa nơi làm việc cũng làm hình thành những “cư dân bóng đêm” - những người đi làm cả ngày và chỉ trở về nhà vào buổi tối, họ không quan tâm đến cộng đồng nơi cư trú, và tất nhiên, không đóng góp gì cho cộng đồng. Chính vì vậy, cộng đồng địa lý truyền thống, với đặc điểm chủ yếu là sự liên kết chặt chẽ giữa những cư dân sống trong cùng một khu vực địa lý (hàng xóm, láng giềng) do mất dần sự liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng, tất yếu dẫn tới tan rã.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác, đó là sự can thiệp vội vàng và có phần thô bạo của nhà nước vào sự tồn tại của cộng đồng. Các “Kế hoạch phát triển cộng đồng mới” dựa trên lý thuyết về tính giai đoạn, trong đó cho rằng kiểu cộng đồng truyền thống đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của nó, cần phải xây dựng cộng đồng kiểu mới và kế hoạch xây dựng cộng đồng do nhà nước chỉ đạo đã bỏ qua sự tồn tại lâu dài, bền bỉ của cộng đồng truyền thống như hội phố, hội thôn… Kết quả là kiểu “cộng đồng kế hoạch”, hay nói cách khác là mô hình “top-down” - từ trên xuống này lại càng phá vỡ cộng đồng truyền thống. “Cộng đồng kế hoạch” cũng cho thấy sự bất cập khi “các cư dân như những người lạ trong chính ngôi nhà của mình”, bởi cộng đồng không lập ra theo ý chí hay nguyện vọng của họ, mà do sự quy hoạch của chính quyền, bên cạnh đó là gánh nặng tài chính mà chính phủ phải chi trả cho các quy hoạch cộng đồng và cuối cùng, kiểu cộng đồng này cũng không thực sự phát huy được vai trò của nó.

2.3. Giai đoạn từ năm 2000 đếnnay

Đặc điểm của cộng đồng xã hội Nhật Bản giai đoạn từ những năm 2000 đến nay là từ kiểu“cộng đồng truyền thống”, “cộng đồng kế hoạch” chuyển sang “cộng đồng xã hội dân sự”, giai đoạn này có sự phát triển cả về lượng và về chất của các tổ chức dân sự NPO[7], các tổ chức tình nguyện, các nhóm xã hội… Theo thống kê, có tới 91.201 đoàn thể xã hội và 23.403 tổ chức dân sự như NPO, hội, nhóm từ thiện được thành lập mới trong giai đoạn đầu những năm 2000, chiếm khoảng 1/3 tổng số các tổ chức cộng đồng ở Nhật Bản. Bảng 1thể hiện con số tổ chức cộng đồng hiện nay ở Nhật Bản. Có thể thấy các tổ chức cộng đồng truyền thống như hội tự trị, hội phố vẫn chiếm đại đa số, ngoài ra có thêm các đoàn thể xã hội và các tổ chức phi lợi nhuận NPO… Mặc dù chính phủ đã thực hiện một số chính sách phát triển cộng đồng trong suốt những thập kỷ 1980-1990, nhưng dường như không có cuộc “cách mạng” nào đáng kể đối với sự phát triển của các tổ chức cộng đồng, ngoại trừ sự ra đời của hàng loạt tổ chức NPO cuối những năm 1990, đầu những năm 2000.

Sự kiện quan trọng, tác động đến sự ra đời của hàng loạt NPO trong giai đoạn đầu những năm 2000 là trận động đất Hanshin-Awaji mà trung tâm là thành phố Kobe vào ngày 17/1/1995, gây ra thương vong lớn với hơn 6.000 người chết và 40.000 người bị thương, thành phố Kobe gần như bị phá hủy hoàn toàn. Sau trận động đất, bộ máy hành chính công (cảnh sát, cứu hỏa…) gần như tê liệt, trong khi các hoạt động tình nguyện diễn ra sôi nổi, việc cứu trợ chủ yếu dựa vào đội quân tình nguyện và cộng đồng dân cư như hội phố, hội thôn, xóm… Sau sự kiện này, các hoạt động cống hiến cho xã hội như hoạt động thiện nguyện của tổ chức phi lợi nhuận NPO đã trở nên phổ biến. Hoạt động của các NPO trải khắp mọi lĩnh vực từ phúc lợi xã hội, văn hóa - giáo dục đến xây dựng thành phố, bảo vệ môi trường... Năm 1998,  Chính phủ Nhật Bản đã ban hành “Luật Xúc tiến các hoạt động phi lợi nhuận đặc biệt” (gọi tắt là Luật NPO), nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của các hoạt động cống hiến cho xã hội, khuyến khích người dân được tự do tiến hành các hoạt động này, và cung cấp tư cách pháp nhân cho các tổ chức thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến năm 2015 đã có 32.350 tổ chức NPO đăng ký tư cách pháp nhân, ngoài ra, các đoàn thể được Nội các công nhận là 2.813 đoàn thể, tổng cộng có 35.163 tổ chức NPO. Tất nhiên, ngoài các tổ chức được công nhận, vẫn còn tồn tại rất nhiều tổ chức NPO chưa có tư cách pháp nhân.


Bảng 1: Thống kê chung về các tổ chức cộng đồng – Bức tranh xã hội dân sự Nhật Bản

 

Số tổ chức

Đoàn thể xã hội đang tồn tại (thống kê theo danh bạ điện thoại toàn quốc năm 2008)

91.101

Các tổ chức mới xuất hiện (toàn bộ tổ chức NPO có đăng ký pháp nhân)

23.403

Các tổ chức cộng đồng truyền thống (hội tự trị, hội phố)

296.770

Nguồn: “Điều tra toàn quốc về các tổ chức tự trị 2006-2007”, Hiệp hội nghiên cứu cộng đồng mới Nhật Bản, 2008, tr.5.

 

Tuy nhiên, giai đoạn này Nhật Bản vẫn tiếp tục đối mặt với những vấn đề liên quan mật thiết đến sự tồn vong của cộng đồng, đó là sự suy giảm dân số nghiêm trọng bắt đầu từ năm 2008, hoang hóa và biếnmất một số ngôi làng do già hóa và giảm dân số. Cộng đồng tại các đô thị vừa và nhỏ cũng đối mặt với vấn đề giảm chức năng cộng đồng, dẫn đến mất cộng đồng do sự thay đổi lối sống, thói quen tiêu dùng của người dân, các phố bán hàng truyền thống phải giải thể, không gian chung của cộng đồng không còn nữa, tính cộng đồng suy yếu… Hiện nay, tình trạng giảm dân số đang diễn ra trên toàn nước Nhật. Rõ nhất là tỉnh Hokkaido, hòn đảo phía Bắc Nhật Bản, nếu như năm 2005 hòn đảo này bước vào thời kỳ giảm dân số trên 1%/năm, thì từ 2015 giảm  trên 2%/năm. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Nhật Bản năm 2015, các vùng đất ít người, nếu tính theo tỉ lệ dân số thì chỉ chiếm chưa đầy 8% dân số, nhưng xét về mặt diện tích thì chiếm tới 50% diện tích lãnh thổ Nhật Bản, chiếm ¼ cộng đồng thôn, làng, phố[8].

Tình trạng dân cư thưa thớt kéo theo sự tan rã của sản xuất, hủy hoại môi trường sống, điều này lại càng làm cho tình trạng hoang hóa thêm trầm trọng, và cuối cùng, cộng đồng ở những khu vực này dần mất đi chức năng của mình, tính cộng đồng biến mất, làng cũng tiêu biến. Theo Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, có khoảng 15% cộng đồng (8.859 cộng đồng) ở Nhật Bản hiện đang mất dần chức năng, hoạt động kém, rất khó để duy trì sự tồn tại của chúng. Quy mô cộng đồng thu hẹp và tình trạng già hóa trọng cộng đồng ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, những cộng đồng có quy mô nhỏ và tỉ lệ người già cao, xu hướng tan rã là khó tránh khỏi. Hiện nay, có gần ½ số làng dưới 10 hộ dân và có khoảng 40% làng có tỉ lệ người già trên 50% rơi vào tình trạng chức năng cộng đồng giảm sút, khó có khả năng duy trì sự tồn tại của cộng đồng. Dự báo trong 10 năm tới, có 423 ngôi làng sẽ biến mất, chiếm 4,2% trên tổng số các ngôi làng ở Nhật Bản (2.634 thôn, làng)[9]. Sự đổ vỡ cộng đồng khu vực sẽ kéo theo hệ lụy là những cư dân còn lại trong cộng đồng rất khó duy trì cuộc sống do thiếu vắng các dịch vụ đời sống thiết yếu như dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…, cuối cùng, những người già còn lại cũng phải bỏ làng mà ra đi, dẫn tới nhiều ngôi làng thực sự bị xóa sổ.

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, cộng đồng ở Nhật Bản đã chuyển từ mô hình truyền thống sang xã hội dân sự với sự ra đời của hàng loạt NPO. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với vấn đề giảm dân số dẫn tới mất làng, mất cộng đồng.Cộng đồng truyền thống mất đi nhưng các tổ chức dân sự mới lại phát triển mạnh mẽ. Có thể nói, sự phát triển của xã hội dân sự chính là đặc điểm chủ yếu của giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức dân sự mới có ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn tại của cộng đồng truyền thống (hội phố, hội thôn và các hội tự trị...)? Làm thế nào để tất cả các tổ chức cộng đồng đều phát huy được vai trò, cống hiến cho sự phát triển của địa phương, đó là bài toán mà chính phủ và người dân Nhật Bản vẫn đang tìm lời giải đáp.

3. Kết luận

Cộng đồng ở Nhật Bản đã có những thay đổi mạnh mẽ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Cộng đồng địa lý truyền thống mà trung tâm là “hội phố”, “hội thôn”, làng, dưới ảnh hưởng của đô thị hóa, hiện đại hóa và sau này là già hóa dân số, đã mất dần chức năng trọng tâm là kết nối cư dân địa phương, đảm bảo cho họ “phúc lợi xã hội” và đời sống an tâm, an toàn. Vào những năm 1970, Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng, xây dựng cộng đồng theo quy hoạch hiện đại, tuy nhiên, những cố gắng này không đem lại hiệu quả cao, khi cộng đồng bị “áp đặt” từ trên xuống, không phù hợp với mong muốn của cư dân, khiến cho cư dân trở thành “những người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình”. Bước vào những năm 1990, các tổ chức dân sự mà tiêu biểu là NPO phát triển mạnh mẽ, cộng đồng kiểu “bottom-up” nàydường như vừa bù lấp được khoảng trống của việc thiếu vắng sự liên kết và “tình người” trong xã hội hiện đại, lại vừa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và sở thích của người dân bởi những tổ chức này do người dân tự thành lập và vận hành, đồng thờicũng giảm thiểu gánh nặng cho bộ máy hành chính công địa phương. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa duy trì những cộng đồng truyền thống bám rễ lâu đời ở nông thôn, vừa tạo điều kiện cho các tổ chức cộng đồng mới phát triển, tổng hợp và phát huy sức mạnh của tất cả các tổ chức cộng đồng nhằm mục tiêu phát triển địa phương, đó là bài toán cho thập niên tiếp theo ở Nhật Bản.

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cộng đồng truyền thống ở nông thôn và đô thị Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề mà xã hội Nhật Bản đã trải qua trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao, đó là việc làm thế nào để cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo lưu những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, làm thế nào để người dân phát huy sức mạnh cộng đồng, cùng với chính quyền cải tạo các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội,thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, một quốc gia châu Á phát triển lại có những điểm tương đồng về văn hóa, xã hội với Việt Nam là việc làm cần thiết./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Lương Hồng Quang (2018), Phát triển văn hóa dựa vào cộng đồng: các tranh luận lý thuyết và thực tiễn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Ngô Hương Lan, “Tình hình dân số và gia đình Nhật Bản giai đoạn trước thập niên 1990”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2020 (229).

3. Phạm Hồng Tung, “Cộng đồng: khái niệm, cách tiếp cận và phân loại trong nghiên cứu”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội,số 12/2009.

4. 今西一、『近代日本の地域社会』、日本経済評論社出版、2009年(Imanishi Hajime, Cộng đồng địa phương Nhật Bản hiện đại, NxbNihon keizai Hyoronsha, 2009).

5.山内一宏、「少子高齢化時代におけるコミュニティの役割-地域コミュニティの再生-」『法律調査誌』288号、2009年(Yamauchi Kazuhiro, “Vai trò của cộng đồng trong thời đại già hóa dân số, ít trẻ em: Phục hồi cộng đồng địa phương”, Tạp chí Pháp luật và Điều tra số 288, năm 2009).

6. 横道清孝、「日本における最近のコミュニティー政策」、自治体国際化協会政策研究大学院大学、自治体関係の動きに関する資料3.2009 (Yokomichi Kyotaka, “Chính sách cộng đồng hiện nay”, Tư liệu về sự chuyển biến của các tổ chức tự trị, Hiệp hội Quốc tế hóa tổ chức tự trị, Trung tâm Nghiên cứu so sánh tự trị địa phương, 3/2009).

7. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年(Dân số Nhật Bản - Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988).

8. 『現代日本人の意識構造』、NHK Books, 東京、2010 (Ý thức người Nhật Bản hiện đại,NxbNHK Books, Tokyo, 2010).

9.  『平成27年版厚生労働白書ー人口減少社会を考えるー』、厚生労働省、2015 (Sách trắng về Y tế Phúc lợi, Bộ Y tế Phúc lợi Nhật Bản, 2015).

10. Website Văn phòng Nội các Nhật Bản:https://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/senkoudo.html.


 



[1]TS.,Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[2] Dẫn theo Lương Hồng Quang (2018) Phát triển văn hóa dựa vào cộng đồng: các tranh luận lý thuyết và thực tiễn, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.6.

[3]国民生活審議会調査部会編「コミュニティ-生活の場における人間性の回復-」(コミュニティ問題小委員会報告、1969年9月29日)(Ủy ban điều tra đời sống quốc dân Nhật Bản, Bộ Nội vụ, Báo cáo của tiểu ban những vấn đề cộng đồng, “Cộng đồng – Phục hồi tình người trong cuộc sống”, 29/9/1969).

[4]Yokomichi Kyotaka,“Chính sách cộng đồng hiện nay”, Hiệp hội Quốc tế hóa tổ chức tự trị, Trung tâm Nghiên cứu so sánh tự trị địa phương, 3/2009, tr.1.

[5]Yokomichi Kyotaka (2009),Tlđd, tr.2.

[6]自治省(現総務省)「コミュニティー(近隣社会)に関する対策要綱」、1971年4月3日 (Bộ Tự trị (nay là Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản), “Yếu lĩnh về cộng đồng”, ngày 3/4/1971).

[7]Non-profit Organization – tổ chức phi lợi nhuận.

[8]Nguồn: Website Văn phòng Nội các Nhật Bản, truy cập ngày 26/8/2021, https://warp.da.ndl.go.jp/info:ndljp/pid/10361265/www5.cao.go.jp/seikatsu/senkoudo/senkoudo.html.

[9]Yamauchi Kazuhiro, “Vai trò của cộng đồng trong thời đại già hóa dân số, ít trẻ em: Phục hồi cộng đồng địa phương”, Tạp chí Pháp luật và Điều tra số 288, năm 2009, tr.191.

0thảo luận