Trang chủ

Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc và một số gợi ý cho Việt Nam

Đăng ngày: 18-11-2022, 03:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 4

Tóm tắt: Những năm 1970, khi Hàn Quốc và Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội đặc biệt là tại vùng nông thôn,Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những chính sách xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào sự phát triển thần kỳ của đất nước. Trong quá trình thực hiện phong trào nông thôn mới tại các nước này cũng nảy sinh nhiều vấn đề, nhưng bằng sự chỉ đạo rõ ràng của các cấp lãnh đạo, sự đồng lòng của nhân dân, phong trào nông thôn mới tại hai nước đã đạt được thành công vang dội. Từ những điểm tương đồng, Việt Nam đã kế thừa, nghiên cứu, ứng dụng vào phát triển nông thôn mới và đã thu được những kết quả nhất định.

Từ khóa:mô hình nông thôn mới, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam

 

L

ịch sử hàng nghìn năm đã chứng minh[1]nông nghiệp chiếm vai trò đặc biệt trong đời sống người dân châu Á. Tập trungphát triển nông nghiệp[2]nông thôn để hướng tới phát triển kinh tế toàn diện là con đường sáng suốt mà các bậc hiền vương, minh chủ chủ trị vì lựa chọn trong suốt chiều dài lịch sử Á Đông. Trong những năm 1960 Hàn Quốc gặp khó khăn về nhiều mặt:kinh tế kém phát triển, sản xuất trì trệ, người dân nông thôn chủ yếu sống trong những ngôi nhà tranh vách đất… Đứng trước tình hình đó, Chính phủ Hàn Quốc đã phát động phong trào Làng mới (Saemaul Undong)và được người dân cả nước ủng hộ. Tới năm 1970, kinh tế Hàn Quốc đã bắt đầu phát triển, xuất khẩu tăng mạnh so với đầu thập niên1960, người dân nông thôn đã tự chủ được về lương thực, môi trường nông thôn được cải thiện tích cực. Năm 1979 phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) được khởi phát tại làng Oyama, tỉnh Oita, Nhật Bản, là cách thức đưa nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của đất nước. Sau 20 năm (1979-1999), phong trào OVOP đã tạo ra được 329 sản phẩm cấp quốc gia với tổng doanh thu 141 tỷ yên/năm (1,1 tỷ USD)[3]. Phong trào này đã góp phần tích cực vào phát triển khu vực nông nghiệp nông thôn và hình ảnh của tỉnh Oita, phong trào đã được nhân rộng ra cả nước và bạn bè quốc tế học tập ứng dụng. Có thể thấy Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc đưa ra quyết định cải cách nông thôn kịp thời mà hướng chủ yếu tập trung xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Nhờ những quyết định đúng đắn đó mà nông thôn Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát triển tích cực về nhiều mặt, mang lại cuộc sống đầy đủ và thịnh vượng cho người dân. Nghiên cứu và học tập những thành công đó, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và xây dựng mô hình nông thôn mới ở một số địa phương của Việt Nam. Thành tựu đạt được từ mô hình nông thôn mới đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững của đất nước.

1. Phong trào Làng mới tại Hàn Quốc

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong lịch sử, Hàn Quốc trở nên nghèo đói và lạc hậu, cuộc thôn tính của người Nhật vào thế kỷ XIX và chiến tranh với Triều Tiên đã giáng một đòn mạnh vào Hàn Quốc, làm nền kinh tế nước này khó khăn hơn bao giờ hết. Những năm 1960, lũ lụt, hạn hán liên tiếp hoành hành, nạn đói, dịch bệnh khắp nơi. GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc lúc đó 93,83USD/người[4]. Trận lụt năm 1969 tại Hàn Quốc làm cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn, sau lụt người dân sửa sang lại nhà cửa mà không có sự trợ giúp nào của chính phủ. Ý tưởng người dân phải tự giúp lấy mình và người dân hợp tác với nhau cùng phát triển nông thôn là mấu chốt, chính những ý tưởng này là nền tảng cho phong trào Làng mới (Saemaul Undong).

Phong trào Làng mới được đích thân Tổng thống Hàn Quốc phát động vào ngày 22/4/1970, với cốt lõi chính của phong trào mới là: thay đổi tư duy, phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng. Ban đầu phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc đưa ra 10 nội dung sau: mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; mở rộng, làm mới đường trong thôn; làm vệ sinh thôn xóm; xây dựng khu giặt giũ chung; đào giếng nước chung; cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; sửa cầu; sửa hệ thống đập sông ngòi và xây dựng điểm gom phân bắc[5]. Các quy hoạch nông thôn mới nhấn mạnh ba yếu tố chính là tổ chức không gian, phát triển sản xuất nông nghiệp về nghề phụ – quy hoạch cải tạo hạ tầng nông thôn được thực hiện đồng bộ và cuốn chiếu ở từng địa phương với nguồn lực nhà nước và người dân cùng làm. Phong trào không chỉ đem lại thay đổi về hình thức bên ngoài mà còn thay đổi về ý thức của người dân với những lời bài hát cổ động như: “Cùng xây dựng cuộc sống tươi đẹp bằng sức mạnh của chúng ta”, “Ta cùng làm việc cùng đổ mồ hôi, giúp đỡ lẫn nhau”... Với những kết quả đạt được, người dân lấy lại được sự tự tin vốn có, tin vào nhà nước, tin vào thành công của phong trào, tin vào tương lai tươi đẹp. Họ tích cực hưởng ứng phong trào để có được những gì mình mong muốn. Trong năm đầu tiên phát động phong trào, chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 xã trong cả nước, mỗi xã 355 bao xi măng (loại 40 kg). Sang năm thứ hai, chỉ 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng và tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép cho mỗi xã. Vào năm thứ ba của phong trào, chính phủ đã tiến hành phân loại các thôn theo tiêu chuẩn phát triển và sự tham gia của người dân (vốn, công lao động) thành ba nhóm, mỗi nhóm sẽ nhận được sự hỗ trợ khác nhau. “Thôn cơ sở” hầu như chưa có sự tham gia đáng kể của người dân, sẽ nhận được sự hỗ trợ các dự án cải thiện môi trường và cần phải nâng cao ý thức người dân. “Thôn tự lực” đã có tỷ lệ người dân tham gia khoảng 50%, sẽ được hỗ trợ các dự án môi trường, dự án nâng cao thu nhập. “Thôn tự lập” là các thôn có 100% người dân tham gia phong trào được ưu tiên hỗ trợ các dự án nâng cao thu nhập, dự án phúc lợi văn hóa. Đến cuối năm 1978 gần như 100% đạt số “thôn tự lập”[6]. Song song với đó chính phủ đề cao công tác lãnh đạo ở tỉnh, thành phố đến cấp quận, huyện có cơ quan chuyên trách đảm nhận phong trào. Ở cấp phường, xã thành lập ủy ban điều hành phong trào thường do chủ tịch hành chính đứng đầu. Ở thôn, xóm thành lập Ban phát triển tự quản mà người lãnh đạo là do dân bầu. Đồng thời chính phủ đã thành lập Viện đào tạo lãnh đạo Saemaul và sau này trở thành Học viện trung ương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo đổi mới nông thôn. Khóa học nhấn mạnh vào sự cống hiến quên mình và nêu gương cho quần chúng của người lãnh đạo. Chính những học viên này sẽ là người lãnh đạo và hướng dẫn cho dân làng, đóng vai trò quan trọng trong thành công của các dự án đem lại nhiều kết quả tích cực.

- Phong trào Saemaul Undong đã cải thiện toàn quốc về cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường vệ sinh.

Khắp các làng xã, đường sá được mở rộng, đê điều được tu bổ và cầu cống được xây dựng. Làng xã phát triển chóng mặt, người dân nông thôn lấy lại được sự tự tin vốn có, những người trước đây sống rất thờ ơ giờ cũng bắt tay xây dựng lại ngôi làng của chính mình. Nông thôn Hàn Quốc hiển hiện những dấu hiệu của sự phát triển và đô thị hóa. Đường ống nước và các phương tiện công cộng khác cũng được tái thiết để phù hợp với nông thôn đổi mới. Người ta cho xây dựng các khu bếp và nhà tắm hiện đại cùng với đường nước mới. Ngoài ra, còn có khu trung tâm xã, trung tâm giải trí đa chức năng, nhà tắm công cộng, cửa hàng và các dịch vụ công cộng khác. Thành công của các dự án môi trường mở đường cho các dự án tăng sản lượng. Đường sá được mở rộng đồng nghĩa với việc xe cơ giới có thể đi đến tận đồng ruộng. Năm 1974, sản lượng lúa tăng đến mức độ có thể tự cấp tự túc[7].

- Phong trào Saemaul Undong đặt nền tảng cho nhiều hoạt động xã hội vì cộng đồng lan tỏa cho đến ngày nay.

Năm 1993, phong trào Làng mới đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của Hàn Quốc, những điều tích cực từ phong trào vẫn ảnh hưởng tới người dân Hàn Quốc cho đến ngày nay. Năm 2018, phong trào cộng đồng xã hội, phong trào cộng đồng kinh tế, phong trào cộng đồng văn hóa, phong trào cộng đồng vì môi trường, phong trào cộng đồng toàn cầu đang được đẩy mạnh. Các tổ chức liên quan đến Saemaul Undong vẫn đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau mang lại nhiều giá trị cho đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Hàn Quốc. TổngthốngMoon Jae-in tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Saemaul quốc gia vào ngày 29 tháng 10 năm 2019, nói rằng, “thế giới đang chú ý đến những thành tựu kỳ diệu của Saemaul Undong”[8].

- Phong trào đã góp phần thay đổi đáng kể phương thức canh tác và sản lượng.

Tập quán trồng lúa và lúa mạch xưa kia đã được thay thế triệt để bằng các phương pháp canh tác tổng hợp. Còn có các khu liên hiệp nông nghiệp trồng các sản phẩm đem lại lợi nhuận cao như nấm, thuốc lá để gia tăng tổng thu nhập. Với các khu nhà kính, nông dân giờ đây có thể thu hoạch rau sạch ngay giữa mùa đông. Khi làm việc tập thể, người nông dân cũng giảm được các chi phí không cần thiết so với làm việc đơn lẻ. Nuôi lợn, bò, gà cũng đem lại lợi nhuận đáng kể. Các làng chài cũng chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản. Thêm vào đó, phát triển hệ thống thủy lợi, làm sạch sông ngòi, đồng ruộng cũng là các nhân tố quan trọng để tăng sản lượng nông nghiệp. Năm 1977, sản lượng lúa gạo của Hàn Quốc đã đạt kỷ lục 6,4 triệu tấn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói kém, tới năm 2018 sản lượng lúa gạo giảm xuống 3,86 triệu tấn[9] do tỷ lệ lớn đất trồng lúa được sử dụng để trồng cây ăn quả và rau vì nó đem lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Tỷ lệ trái cây và rau quả, sữa thịt và trứng trong tổng sản lượng tăng nhanh hơn so với ngũ cốc và đậu nành, như trước đây đòi hỏi ít đất hơn, có nhiều lao động hơn và đang có nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh gắn với tăng thu nhập. Các loại trái cây chính tại Hàn Quốc là táo, lê, quýt, tỏi, ớt, dưa hấu và dâu tây. Trong khi đó, sâm là sản phẩm nông nghiệp đặc biệt quan trọng của Hàn Quốc và chiếm 1,6% tổng giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, người dân còn tập trung phát triển kỹ thuật chăn nuôi (sữa, thịt bò, thịt bê, lợn...) làm sản lượng tăng mạnh trong giai đoạn 1980-2005. Theo đó, sản lượng thịt lợn tăng gấp 3 lần, còn giá trị của thịt bò, sữa, sản lượng trứng cũng tăng gấp đôi, gà tăng  40%[10].

- Xây dựng nguyên tắc chung hướng tới quốc gia thịnh vượng.

Để có sự thành công của phong trào Saemaul Undong, chính phủ đềraba phẩm chất mấu chốt để hướng tới một quốc gia hòa bình thịnh vượng.Cần cù mang lại tính chân thật, không cho phép sự giả tạo và thói kiêu căng ngạo mạn. Tính tự lực giúp cho con người biết tự lực cánh sinh, nếu không sẽ phải chịu thiệt thòi “trâu chậm uống nước đục”. Ai cũng có thể làm chủ được số phận của mình một khi họ hoàn toàn độc lập, không phải nhờ cậy đến bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Hợp tác phải dựa trên mong muốn phát triển chung cả cộng đồng, và sự phát triển đó có được là nhờ nỗ lực tập thể. Chính ba nguyên tắc hạt nhân này đã giúp cho phong trào Saemaul Undong được hưởng ứng mạnh mẽ, giúp cho Hàn Quốc tiến tới một quốc gia tiến bộ, đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Saemaul Undong vẫn được lan tỏa qua các thế hệ cho đến ngày nay, góp phần lớn vào sự phát triển của quốc gia Hàn Quốc. Bên cạnh đó, phong trào Làng mới cũng phát sinh một số vấn đề có thể kể đến như:

- Chưa thể giải quyết triệt để vấn đề mang tính cấu trúc ở nông thôn.

Đó là những vấn đề như giá nông sản thấp, nhập siêu nông sản nước ngoài, phát triển mất cân bằng không gian nông nghiệp và công nghiệp, nợ nông gia tăng, quản lý nông trường thiếu dân chủ. Bên cạnh đó, phong trào Làng mới bị chỉ trích là chỉ triển khai chủ yếu đến các dự án kinh tế mà chưa quan tâm nhiều đến các dự án phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tại các làng xã. Điều này đã làm tăng thêm sự chênh lệch giữa nông thôn và đô thị về văn hóa, giáo dục, y tế và làm giảm đáng kể lực lượng lao động trẻ, có năng lực tại các khu vực nông thôn[11].

- Nông dân bị hạn chế sáng tạo và chịu sự áp đặt do lãnh đạo áp đặt họ về ý tưởng và phương thức thực hiện tại nhiều làng xã.

“Nếu các hộ nông dân không thực hiện theo đúng mục tiêu và chỉ thị của phong trào làng mới thì có thể bị cưỡng chế bằng cách cho xe ủi đất đến san phẳng nhà”[12]. Do không chịu đựng nổi những cuộc đàn áp bạo lực của chính quyền, nhiều hộ nông dân đã chấp nhận ly hương ly nông. Đặc biệt, để nhận được điểm số cao khi đánh giá về tiến độ của phong trào tại địa phận thuộc quyền quản lý của mình, một bộ phận cán bộ nhà nước đã huy động nhiều phương tiện cưỡng chế người nông dân. Hơn nữa, tìnhtrạng học sinh buộc phải nghỉ học để tham gia vào các công việc cải tạo làng mới cũng xảy ra tương đối nhiều. Ngay cả các hợp tác xã vốn là cơ quan phải bảo vệ người nông dân cũng đảm nhận chức năng chủ yếu là truyền bá các chỉ thị của chính phủ hơn là truyền tải tiếng nói của người nông dân (Park Jin Do và Han Do Hyun, 1999, tr. 33)[13].

- Nhiều người dân ở nông thôn Hàn Quốc di cư đến thành thị khi phong trào Saemaul Undong phát triển.

Khi Saemaul Undong đang phát triển, nhiều dân làng trên khắp đất nước, đặc biệt là những người trung niên và cao tuổi, những người đang làm việc chăm chỉ đã bỏ nông nghiệp và rời bỏ làng nông nghiệp. Số học sinh tiểu học cũng giảm sút đáng kể. Nó dẫn đến hiện tượng làng trở thành một ngôi làng dành cho người già. Thậm chí, có nhiều tình huống những người ở độ tuổi 60 phải đảm nhận cương vị chủ tịch thanh niên nông thôn. Các trang trại nông thôn không phải là ngôi làng mà họ muốn sống, mà là nơi họ muốn rời đi. Ngoài ra, các dịch vụ tiện ích, chính sách xã hội, phúc lợi tại nông thôn còn nhiều hạn chế, sinh viên tốt nghiệp không muốn trở về và cư dân thành phố lại càng không có ý định đó. Điều này cũng dẫn tới sự quá tải ở đô thị giá thành nhà cửa chi phí sinh hoạt ở đô thị tăng cao, mật độ giao thông lớn, tắc đường thường xuyên diễn ra, tệ nạn xã hội bắt đầu xuất hiện nhiều buộc chính phủ phải chi ngân sách nhiều hơn để giải quyết các dịch vụ công và an sinh xã hội.

2. Phong trào xây dựng nông thôn mới tại Nhật Bản

Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, Nhật Bản phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Định hướng và giải pháp thành công sẽ có tác động lớn không chỉ đến chính phủ quốc gia mà còn đến tương lai của các khu vực. Đó là những vấn đề không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài cần phải giải quyết. Vào những năm cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn, tìm ra sản phẩm phù hợp với mỗi làng từ đó đưa công nghiệp hóa vào phát triển nông nghiệp. Chính nông nghiệp lại cung cấp cho ngành công nghiệp nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào tạo ra mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi giữa nông nghiệp và công nghiệp. Từ đó công nghiệp hóa nông nghiệp từ bước đô thị hóa nông thôn, nâng cao đời sống người dân Nhật Bản.

Bên cạnh phát triển giáo dục, kinh tế công nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã quan tâm đến phát triển nông thôn mới. Nhờ nguồn vốn của chính phủ các chính sách xây dựng nông thôn mới của Nhật Bản đã hoàn thành một cách thuận lợi: đất ruộng với quy mô nhỏ được sắp xếp và điều chỉnh lại, không những nâng cao được sản lượng nông nghiệp, mà còn đặt nền móng cho việc áp dụng cơ giới hóa trên quy mô lớn trong nông nghiệp. Tháng 3/1967, Chính phủ Nhật Bản đã đề ra “Kế hoạch phát triển kinh tế xãhội”, nhấn mạnh thúc đẩy chính sách nông nghiệp tổng hợp, đặt vấn đề thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn vào vị trí then chốt. Về mặt cải thiện môi trường sống, Nhật Bản đã đề ra mục tiêu “xây dựng nông thôn là không gian sống thoải mái có sức thu hút” nhằm đề cao vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên của nông thôn, sửa chữa và xây mới nhà ở cho người nông dân, phổ cập nước máy và đường cống ngầm, xây dựng địa điểm hoạt động vui chơi, giải trí tập thể cho nông dân, tăng cường xây dựng trường học, trung tâm y tế, xây dựng chế độ an sinh xã hội ở nông thôn và tăng cường kinh phí đầu tư. Đến năm 1979, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” do Giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng đánh dấu sự thành công của phong trào nông thôn mới tại Nhật Bản được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và học tập. Có ba nguyên tắc cơ bản để phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, đó là: hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu; tự tin sáng tạo và tập trung phát triển nguồn nhân lực.

Tại Nhật Bản, nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hiểu biết sâu về sản phẩm, ứng dụng thành thạo khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất hàng hóa, họ còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh, về nghệ thuật marketing để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình. Họ còn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp bằng những chính sách hiệu quả. Nhờ đó, họ tạo được những sản phẩm có thương hiệu như: chanh Kobosu; thịt bò Bungo; nấm Oita (nấm shiitake), loại nấm thượng hạng ở Nhật Bản, chiếm 28% thị trường nấm trên toàn quốc; hàng gỗ mỹ nghệ ở thị trấn Yufuin; cam, cá khô ở làng Yosouzu; chè và măng tre ở làng Natkatsu[14]...Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” bắt đầu triển khai trên quy mô rộng từ năm 1980. Mỗi làng tham gia chương trình sẽ chủ động lựa chọn một vài sản phẩm thế mạnh, nhân rộng phát triển đểcó thể cạnh tranh trong nước và quốc tế, thúc đẩy giao thương và xuất khẩu. Chính phủ sẽ căn cứ vào đó để hỗ trợ thêm vốn và các chương trình hướng dẫn về sản phẩm đó để nâng cao hơn về chất và lượng. Phong tràonàyđem đến nhiều giá trị, tạo cho đời sống người dân no đủ, quốc gia phát triển với điểm nhấn là năm 2019 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt 156 nghìn tỷ yên, tăng khoảng 3,3 lần so với năm 1979[15]. Ngoài ra chương trình còn mang lại nhiều thành công đáng kể như:

- Sản phẩm của Nhật Bản thêm đa dạng phong phú.

Ban đầu lãnh đạo thị trấn Oita, ông Harumi Yahata đã khuyến khích người dân trồng mận và hạt dẻ. Chủ trương này của ông khiến chính quyền trung ương rất giận dữ, bởi thời điểm đó Nhật Bản đang khuyến khích trồng lúa. Thực tế cho thấy tại tỉnh này các thửa ruộng đều rất nhỏ, người dân phải ăn từng mùa, trồng lúa ở đây không thể cho năng suất cao và có lợi nhuận như cây dẻ. “Hãy trồng mận và hạt dẻ rồi đi Hawaii” trở thành khẩu hiệu giúp đổi đời người dân thị trấn Oyama, tỉnh Oita. Mận và hạt dẻ cũng là sản phẩm tiêu biểu của thị trấn và trở thành đặc sản có thương hiệu nổi tiếng ở Nhật Bản. Ngày nay, nhiều sản phẩm chất lượng cao tại Nhật Bản đã được cộng đồng quốc tế biết đến như một xa xỉ phẩm, ví dụ như thịt bò Kobe, nấm đông cô được trồng ở Oita; sushi; cá ngừ vây xanh; chanh Kobosu; rượu Shochu; thịt bò Bungo (đoạt giải Quán quân cuộc thi Vô địch sản phẩm thịt bò toàn Nhật Bản năm 2002)… Không dừng lại ở việc sản xuất, một số nơi tại Nhật Bản tận dụng luôn làng nghề, tài nguyên thắng cảnh đẹp để phát triển du lịch, khu sinh thái như núi Phú Sĩ, Kyushu, Fukuoka, Asanoya… Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, năm 2017, có khoảng 28,7 triệu lượt khách nước ngoài đến Nhật Bản du lịch. Số lượng lượt khách du lịch tới Nhật Bản đứng thứ 12 trên thế giới[16].

- Cải thiện đời sống người dân Nhật Bản.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” đã đem lại cho người dân đời sống sung túc hơn, chấm dứt nạn đói nghèo, ăn đong từng bữa. Tại thị trấn Oyama, nơi bắt đầu phong trào, đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Năm 2000, thị trấn đạt doanh thu 1 tỷ yên từ mận và hạt dẻ bán thẳng chưa qua xử lý. Ngoài ra là khoảng 1,2 tỷ yên từ các sản phẩm chế biến của hai loại nông sản đó.  Đáng lưu ý là thị trấn Oyama chỉ có 3.910 dân, trong số đó người già trên 65 tuổi chiếm đến 1.063 người[17]. Thu nhập bình quân đầu người Nhật Bản năm 1979 là 9.105 USD/người, đến năm 2018 là 39.286USD/người[18], cao gấp khoảng 4 lần, đó là mức thu nhập cao mà nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ.

- Chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao.

Từ nguyên tắc “tập trung phát triển nguồn nhân lực”, Nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhân lực đào tạo, xây dựng trường lớp dạy nghề, người dân nâng cao tinh thần học tập. Ở tỉnh Oita, chính quyền cho xây dựng 6 trường học để dạy nông dân cách làm ăn. Việc đào tạo này vừa chútrọngđến phổ biến kiến thức, kỹ năng, vừa nuôi dưỡng sự sáng tạo, cùng với tinh thần, đạo đức kinh doanh, trên cơ sở duy trì giá trị văn hóa truyền thống.

3.Một số gợi ý cho Việt Nam

Từ những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới của Nhật Bản, Hàn Quốc có thể đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam như sau:

Thứnhất, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Cần phải nâng cao nhận thức người dân tại các làng nghề về ô nhiễm môi trường vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thế hệ con cháu, ô nhiễm môi trường làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không có nguyên liệu sản xuất làm kinh tế đi xuống. Nhà nước cần có những hỗ trợ thêm về công nghệ xử lý chất thải, hướng dẫn người dân tái chế, xử lý chất thải. Bên cạnh đó cần bổ sung thêm chế tài xử phạt với những hành vi xả thải, đổ rác bừa bãi, phá hủy môi trường thiên nhiên… Đưa những chương trình bảo vệ môi trường vào tuyên truyền, giảng dạy.

Thứhai, coi trọng công tác giáo dục và đào tạo cho người dân.

Thông qua các lớp tập huấn, đào tạo sẽ hướng dẫn người dân làm ăn quy mô lớn, đẩy mạnh giáo dục, đào tạo thợ lành nghề. Thông qua các bài giảng đưa tinh thần “cần cù, tự lực, hợp tác” đến học sinh, sinh viên và người dân. Đẩy mạnh đầu tư học tập, du học, nghiên cứu, ứng dụng tài liệu nước ngoài về chương trình nông thôn mới, đặc biệt là tài liệu ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Hỗ trợ mở trường, lớp đào tạo nghề cho những người dân vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng 135…

Thứba, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác đầu ra sản phẩm.

Với những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm thì cần lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để tập trung nguồn lực đầu tư, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Công nghệ mới cần được đưa vào quá trình sản xuất, vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm, cải thiện năng suất lao động,vừa bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư. Khâu thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm cũng cần được chú trọng. Đồng thời các bộ, ngành có liên quan cần có những chính sách hỗ trợ để các làng nghề đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tạo chuỗi liên kết trong hoạt động sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách từ các cấp quản lý, cần hỗ trợ giải quyết cho vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, hiện đại hóa công nghệ sản xuất.

Thứ tư, nâng cao khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Các làng nghề cần tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, về sản phẩm. Chủ động tìm kiếm các cách làm hay, độc đáo trong công tác tiếp thị, bán hàng, tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần tăng cường các dịch vụ sau bán hàng như: bảo hành, bảo trì, dịch vụ chăm sóc khách hàng, có các chế độ ưu đãi đối với khách hàng truyền thống, quan tâm phát triển khách hàng tiềm năng. Các làng nghề nói riêng và hiệp hội các làng nghề nói chung cần phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của địa phương và quốc gia để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác để xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Thứ năm, chính phủ và chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh tế giữa người dân trong xã và xã khác. Tôn vinh những nghệ nhân, làng nghề có công thức bí truyền về sản phẩm chất lượng cao mang nhiều giá trị văn hóa tinh thần.

Có thể thấy, sự thành công của phong trào nông thôn mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc  đã đem lại nhiều giá trị cho người dân và quốc gia. Phong trào Làng mới tại Hàn Quốc đã làm cho vùng nông thôn cũ trở nên đẹp hơn và giàu có hơn. Từ một khu vực nghèo nàn và lạc hậu, với mức đầu tư không lớn của chính phủ, khu vực nông thôn đã trở thành khu vực sản xuất nông sản dồi dào, kinh tế thịnh vượng, đem đến cuộc sống sung túc cho người dân Hàn Quốc. Từ những khó khăn khi trồng lúa tại Nhật Bản, người dân đã phát huy thế mạnh tại làng mình để phát triển lên thành phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”mang lại nhiều giá trị về kinh tế và văn hóa. Đời sống người dân Nhật Bản trở nên đầy đủ hơn, cộng đồng quốc tế biết đến Nhật Bản với những đặc sản tại từng làng. Phong trào nông thôn mới thành công tại Nhật Bản và Hàn Quốc là những bài học quý cho Việt Nam, nghiên cứu và ứng dụng từ đó, mô hình làng mới và mỗi xã một sản phẩm là một trong những nội dung của Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bước đầu, Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, nông thôn trở nên tươi đẹp hơn, đường sá, nhà cửa khang trang, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đi rõ rệt… Tuy nhiên, đểứng dụnghiệuquả phong trào nông thôn mới tại Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam cần có những quyết tâm hơn nữa của toàn dân, chỉ thị cụ thể của Nhà nước cho từng vùng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnhcụthể tại vùng đó để phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện, thúc đẩy sản xuất sản phẩm chất lượng cao theo hướng chuyên nghiệp, nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường Việt Nam và thế giới.

 

Nguyễn Văn Tuân1, Trần Mạnh Thắng2

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cao Thị Hải Bắc (2017), “Đánh giá lại phong trào làng mới của Hàn Quốc và một số kinh nghiệm cho phát triển nông thôn mới ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 33, số 1.
  2. Đức Huy (2009), “Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân Nhật Bản: Từ bài học Oita”, https://nongnghiep.vn/nong-nghiep---nong-thon---nong-dan-nhat-ban-tu-bai-hoc-oita-d35775.html.
  3. Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào Saemaul Undong và mô hình làng mới ở Hàn Quốc”, https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-truc-the-gioi/phong-trao-saemaulundong-va-mo-hinh-lang-moi-o-han-quoc.html.
  4. Ngô Thị Phương Liên (2015), “Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1037-phong-trao-%E2%80%9Cmoi-lang-mot-san-pham%E2%80%9D-cua-nhat-ban-kinh-nghiem-voi-viet-nam.html.
  5. Thông tin Hàn Quốc (2020), “Saemaul Undong – Phong trào đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc”, https://thongtinhanquoc.com/saemaul-undong.
  6. Bộ Tài chính Thống kê Nhật Bản (2020), https://www.jftc.or.jp/kids/kids_news/japan/tokucho.html.
  7. Nguyễn Xuân Thanh (2020), “Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp và gợi ý cho Việt Nam”, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-quoc-te-ve-chuyen-doi-co-cau-su-dung-dat-nong-nghiep-va-goi-y-cho-viet-nam-317927.html.
  8. Tất Thắng (2016), “Học tập kinh nghiệm phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" tại Nhật Bản”, http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201611/hoc-tap-kinh-nghiem-phong-trao-moi-lang-mot-san-pham-tai-nhat-ban-2323776/
  9. 김덕련 (2016), 새마을운동때왜그많은농민들은떠나야했나 (Kim Deok-ryeon (2016), Tại sao rất nhiều nông dân bỏ đi khi phong trào Saemaul Undong diễn ra?), https://m.pressian.com/m/pages/articles/136703#0DKW.
  10. 박진도, 한도현 (1999), 새마을운동과유신체제: 박정희정권의농촌새마을운동을중심으로, 역사비평 (Park Jin Do, Han Do Hyeon (1999), phong trào xây dựng nông thôn mới và cải cách: Bàn luận về lịch sử phong trào nông thôn mới dưới thời Tổng thống Park Jeong-hee.
  11. 日本観光局 (2018), 世界各国・地域への外国人訪問者数ランキング (Cục Du lịch Nhật Bản (2018), Bảng xếp hạng số lượng du khách nước ngoài đến các quốc gia và khu vực trên thế giới), https://www.jnto.go.jp/jpn/statistics/visitor_statistics.html.
  12. 野田さえ子 (2010), 一村一品運動」は誰のため?(Saeko Noda (2010), Phong trào Một làng một sản phẩm" dành cho ai?), https://hitonomori.com/archives/10041301.html.
  13. 木村秀生 (2020), ベトナム版 一村一品運動(Hideo Kimura (2020), Phong trào Một làng một sản phẩm tại Việt Nam), https://vac-jp.com/report/ma/3679.

 


New Rural Construction Movement in Japan, South Korea and some Suggestions for Vietnam

Nguyen Van Tuan, Tran Manh Thang

In the 1970s, when Korea and Japan faced many economic, political and social difficulties, especially in the countryside, the government of the two countries have had policies to build a new rural, to improve people’s lives and have contributed to the miraculous national development. During the implementation of the new rural movement, there were many problems, but with the clear direction of the leaders, the consensus of people, the new rural movement in the two countries have achieved resounding success. From the similarities, Vietnam has inherited, researched and applied Japanese and Korean experiences to new rural development and has obtained certain results.



[1]TS., Ban Tổ chức Trung ương

[2]Cử nhân, NgânhàngHànghảiViệt Nam

[3]Tất Thắng (2016), “Học tập kinh nghiệm phong trào "Mỗi làng một sản phẩm" tại Nhật Bản”, http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201611/hoc-tap-kinh-nghiem-phong-trao-moi-lang-mot-san-pham-tai-nhat-ban-2323776/.

[4]“GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc”, https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-han-quoc/.

[5]Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào Saemaulundong và mô hình làng mới ở Hàn Quốc”, https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/kien-truc-the-gioi/phong-trao-saemaulundong-va-mo-hinh-lang-moi-o-han-quoc.html.

[6]Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào Saemaulundong và mô hình làng mới ở Hàn Quốc”, Tlđd.

[7]Thông tin Hàn Quốc (2020), “Saemaul Undong – Phong trào đổi mới nông thôn ở Hàn Quốc”, https://thongtinhanquoc.com/saemaul-undong.

[8]임형섭 (2019), 새마을대회' 첫참석文대통령…"기적의성과"-"전환" 동시언급, (Hyung-seop Lim (2009), LầnđầutiênTổngthống Moon Jae-in thamdự “HộinghịcácnhàlãnhđạoSaemaul”…; đồngthờiđềcậpđến “nhữngthànhtựu”- “sựđổimới”), https://www.yna.co.kr/view/AKR20191029133800001.

[9]Lê Ánh (2018), “Sản lượng gạo Hàn Quốc thấp nhất trong gần 40 năm”, https://bnews.vn/san-luong-gao-han-quoc-thap-nhat-trong-gan-40-nam/101964.html.

[10]Nguyễn Xuân Thanh (2020), “Kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp và gợi ý cho Việt Nam”, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-nghiem-quoc-te-ve-chuyen-doi-co-cau-su-dung-dat-nong-nghiep-va-goi-y-cho-viet-nam-317927.html.

[11]박진도, 한도현 (1999), 새마을운동과유신체제: 박정희정권의농촌새마을운동을중심으로, 역사비평 (Park Jin Do, Han Do Hyeon (1999), Phongtràoxâydựngnôngthônmớivàcảicách: BànluậnvềlịchsửphongtràonôngthôndướithờiTổngthống Park Jeong-hee, tr. 77-78).

[12]박진도, 한도현 (1999), Tlđd, 33.

[13]Dẫn theo Cao Thị Hải Bắc (2017), “Đánh giá lại phong trào Làng mới của Hàn Quốc và một số kinh nghiệm cho phát triển nông thôn mới ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 33, Số 1 (2017), tr. 133-149.

[14]Ngô Thị Phương Liên (2015), “Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và kinh nghiệm đối với Việt Nam”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/1037-phong-trao-%E2%80%9Cmoi-lang-mot-san-pham%E2%80%9D-cua-nhat-ban-kinh-nghiem-voi-viet-nam.html.

[15]Bộ Tài chính Thống kê Nhật bản (2020), https://www.jftc.or.jp/kids/kids_news/japan/tokucho.html.

[16]日本観光局 (2018), 世界各国・地域への外国人訪問者数ランキング (Cục Du lịchNhậtBản (2018), Bảngxếphạngsốlượng du kháchnướcngoàiđếncácquốcgiavàkhuvựctrênthếgiới),https://www.jnto.go.jp/jpn/statistics/visitor_statistics.html.

[17]Đức Huy (2009), “Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân Nhật Bản: Từ bài học Oita”, https://nongnghiep.vn/nong-nghiep---nong-thon---nong-dan-nhat-ban-tu-bai-hoc-oita-d35775.html.

[18]“GDP bình quân đầu người của Nhật Bản”, https://solieukinhte.com/gdp-binh-quan-dau-nguoi-cua-nhat-ban/, ngày 2/01/2020.

 

0thảo luận