Trang chủ

Huawei - bước mở đầu cho cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung

Đăng ngày: 17-10-2022, 15:35 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 3

Tóm tắt: Những năm cuối thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc đã mở ra cuộc đối đầu trực tiếp và toàn diện với Mỹ - quốc gia có vị thế hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Trong cuộc xung đột giữa hai nước, sự kiện không thể không nói đến chính là cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc với tâm điểm là công ty công nghệ Huawei. Nhìn rộng ra, cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc chỉ là một phần của cuộc chiến tranh giành quyền lực lãnh đạo thế giới. Cuộc chiến giữa cường quốc theo chủ nghĩa đơn cực và cường quốc theo chủ nghĩa đa phương này đã mở ra một sự đối đầu toàn diện, không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế thông thường, mà còn bắt nguồn từ việc làm ai chủ công nghệ hiện đại 5G. Tận cùng thì đó là biểu hiện của sự cạnh tranh chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa hai siêu cường.

Từ khóa: Huawei, cuộc chiến công nghệ, 5G, Mỹ, Trung Quốc

 

1. Xung đột[1][2]

Công ty công nghệ Huawei, tên chính xác là Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi được Nhậm Chính Phi thành lập năm 1987. Huawei tự tuyên bố là một doanh nghiệp tư nhân 100% sở hữu bởi nhân viên. Qua công đoàn, Huawei thực hiện kế hoạch sở hữu cổ phiếu nhân viên, số lượng người tham gia là 96.768 người. Những người tham gia chỉ là nhân viên của công ty, không có các cơ quan, bộ phận của chính phủ nào sở hữu cổ phiếu công ty. Huawei hiện có  hơn 194.000 nhân viên, hoạt động tại trên 170 quốc gia và khu vực, phục vụ hơn 3 tỉ người dân trên khắp thế giới[3]. Đặc biệt, Huawei được đánh giá là công ty mang hình ảnh quốc gia giữ vị thế dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ 5G.Đó là vì Huawei chiếm 19% bằng sáng chế cốt lõi (thực sự được sử dụng trong tiêu chuẩn 5G), tiếp theo là hai gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc là Samsung chiếm 15% và LG chiếm 14%[4].

Thế giới đang phụ thuộc quá lớn vào khoa học công nghệ và việc nắm bắt chúng trở thành cơ sở để đánh giá sức mạnh trí tuệ của mỗi con người, mỗi quốc gia. Công nghệ 5G sẽ chuyển đổi bối cảnh của tất cả các thiết bị và ứng dụng thông minh cũng như toàn bộ hoạt động của các xã hội kỹ thuật số, rất có thể theo những cách vượt xa sự tưởng tượng của con người[5]. Vì vậy, công nghệ 5G mà công ty Huawei nắm giữ sẽ gây nguy hại rất lớn tới vị thế quyền lực bá chủ của Mỹ.

Ngày nay với sự lên ngôi của IoT (Internet of Things), quốc gia nào nắm vững những kĩ thuật công nghệ mới sẽ khiến vị thế làm chủ thế giới của họ rõ ràng hơn. Mỹ và Trung Quốc đều muốn sở hữu công nghệ 5G độc quyền sớm nhất và tìm cách chèn ép đối thủ.Tuy nhiên, Mỹ đã đi chậm một bước trong việc xây dựng tầm nhìn công nghệ 5G so với Trung Quốc. Trung Quốc đã vạch ra đường lối phát triển công nghệ mang tên “Made in China 2025”, nhờ vậy mà 5G đã sớm được vẽ ra trong chủ trương của họ. Việc sở hữu 5G sẽ giúp cho việc thâu tóm các nước nhỏ và mở ra con đường phát triển mới cho Trung Quốc. Với ý nghĩa như vậy, cuộc chiến công nghệ không chỉ là mâu thuẫn đơn thuần về phát triển công nghệ của quốc gia. Đó còn là nhân tố quyết định trong việc định hình lại sự thống trị quyền lãnh đạo thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự kiện đánh dấu cuộc xung đột công nghệ là việc phát lệnh bắt Giám đốc tài chính Huawei - bà Mạnh Vãn Chu. Tòa án tối cao British Columbia, Canada cho biết bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, bị cáo buộc "âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính" và có thể phải ngồi tù trên 30 năm nếu bị kết tội và dẫn độ về Mỹ. Bà Mạnh bị giam tới ngày 10/12/2018, thời điểm phiên điều trần xem xét quyền bảo lãnh tại ngoại cho bà được nối lại[6].Hồ sơ tòa án sau đó cho thấy Mỹ đã phát lệnh bắt giữ bà Mạnh vài tháng trước đó với cáo buộc bà bao che cho các công ty có liên việc quan tới Huawei bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với quốc gia này[7]. Có thể thấy rằng, Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ để chứng minh sự bền chặt trong quan hệ lợi ích đôi bên. Còn đối với Mỹ, sự kiện này là động thái đầu tiên của họ trong việc đánh giá lại yếu tố công nghệ và quyền lực vàtriển khai những chính sách ngăn chặn sự phát triển của Huawei. Vô hình trung nó đã thúc đẩy Trung Quốc, quốc gia “bảo lãnh” cho Huawei cũng phải đưa ra những chiến lược đối đầu toàn diện xung khắc với Mỹ.

2. Những nguyên nhân

Theo từ điển Oxford, “chiến tranh là một trường hợp mà hai hoặc nhiều quốc gia, hoặc cộng đồng người chống lại nhau trong một giai đoạn nhất định”. Quan điểm của C. Mác cho rằng chiến tranh với tư cách là một hiện tượng chính trị - xã hội xuất hiện khi mà lực lượng sản xuất phát triển đến mức có khả năng tạo ra sản phẩm thặng dư[8]. Luật Khoa học và Công nghệ tại điều 3 khoản 2 giải thích công nghệ rằng: “công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Từ đó, có thể khái quát sơ lược cuộc chiến công nghệ hiện nay là một hiện tượng chính trị - xã hội mà các chủ thể (cá nhân, nhóm, tổ chức, nhà nước) sử dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của loài người gây xung đột nhằm giải quyết vấn đề lợi ích.

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung mà chúng ta đề cập ở đây có nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan.

Thứ nhất, về khách quan, Huawei là một công ty công nghệ toàn cầu lớn nhưng không được nổi tiếng ở Mỹ, bởi vì hầu hết sản phẩm của Huawei không được bán ở Mỹ do người Mỹ cho rằng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế chính trị của Mỹ,cũng như ở các nước phương Tây. Mỹ cho rằng, Trung Quốc muốn làm bá chủ về mảng công nghệ kĩ thuật trên thế giới qua việc những sản phẩm của Trung Quốc được sử dụng ở các nước châu Âu[9]. Mặt khác, sự phát triển khoa học công nghệ trên toàn cầu mở ra một cơ hội phát triển cho tất cả quốc gia. Chủ nghĩa đơn cực đã không còn được đề cao và vị thế bá chủ của siêu cường Mỹ đang bị lấn át bởi chủ nghĩa đa phương. Đối với Trung Quốc, “không quốc gia nào có thể chi phối các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của người khác hoặc giữ lợi thế phát triển cho riêng mình. Các quốc gia không nên làm bất cứ điều gì họ thích và trở thành một kẻ bắt nạt. Chủ nghĩa đơn phương chỉ là một ngõ cụt mà thôi”[10].

Thứ hai, về chủ quan, nguyên nhân làm nảy sinh xung đột của Mỹ - Trunglà cạnh tranh quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, đặc biệt khi đối chiếu vào cuộc chiến tranh công nghệ này. Về quyền lực chính trị, thời kỳ nào cũng vậy, do có sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới mà một số nước đã phát triển vượt trội trở thành cường quốc hùng mạnh, và càng hùng mạnh, càng dễ nảy sinh “tham vọng” quyền lực. Để hùng mạnh hơn, các thế lực cầm quyền đã đế quốc hóa, dùng quân sự xâm chiếm, áp đặt các nước khác, đặc biệt là nô dịch các nước yếu hơn đãhình thành nên chế độ bảo hộ trên khắp thế giới. Vì vậy, cuộc chiến công nghệ nhằm giải quyết mâu thuẫn vị trí bá chủ thế giới đểthiết lập hệ thống địa chính trị mới.Tiếp theo, là quyền lực về kinh tế thể hiện trong mối quan hệ lợi ích là nhân tố quan trọng trong mọi toan tính chính trị của các nhà lãnh đạo. Theo C.Mác, các cuộc chiến tranh diễn ra trên thế giới suy cho cùng đều là giải quyết vấn đề kinh tế, kinh tế quyết định chính trị. Phải thừa nhận rằng, các cuộc chiến tranh dù là chính nghĩa hay phi nghĩa đều là chiến tranh nói chung nhằm giải quyết các vấn đề lợi ích. Lợi ích ở đây bao gồm nhiều vấn đề, bao gồm về tư tưởng- chính kiến, sắc tộc,… nhưng đặc biệt hơn cả đó là kinh tế[11]. Như vậy, có thể nói rằng cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung không chỉ giải quyết về lợi ích kinh tế quốc gia, mà trọng tâm của vấn đề là nhằm giải quyết quyền lực chính trị với mục đích cuối cùng là trở thành quốc gia thống trị, lãnh đạo toàn cầu.

Rõ ràng, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung là hệ quả của những mâu thuẫn lợi ích chính trị trong quan hệ chính trị quốc tế dưới góc độ chính trị cường quyền, tập trung vào cạnh tranh, mâu thuẫn quyền lực giữa các nước lớn.

3. Huawei và hành độngcủa Mỹ

Công ty công nghệ Huawei là tâm điểm trong cuộc xung đột giữa Mỹ - Trung, là một trong những khởi nguồn nảy sinh cuộc chiến thương mại làm đảo lộn cả thế giới. Phía Mỹ xem Huawei như một yếu tố chính trị đặc biệt làm nguy hại tới sự phát triển quyền bá chủ thế giới của Mỹ. Sự lớn mạnh của Huawei đang làm giới nghiên cứu chính trị lo ngại và họ cho rằng, nếu không kiểm soát được Huawei thì sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai sẽ vượt qua Mỹ. Bởi vì, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu với quy mô lớn cùng mạng lưới 5G nhanh nhất thế giới cũng có thể giúp quốc gia đó tiến gần hơn tới tham vọng thống trị các ngành công nghiệp tự động như robot và phát triển xe tự lái[12].Huawei như một yếu tố địa chính trị quan trọng đối với Mỹ, nếu đánh mất sự kiểm soát thì coi như vị thế đơn cực của Mỹ sẽ trở nên thất thế trên chính trường quốc tế.

Huawei bắt đầu tham gia thị trường Mỹ từ việc mở văn phòng đại diện đầu tiên vào năm 2001. Qua gần một thập kỉ ở thị trường Mỹ và giành được uy tín đối với các bên cung cấp phần mềm nền tảng, năm 2010 Huawei thu hút sự chúý của Chính phủ Mỹ khi nỗ lực giành được hợp đồng nâng cấp mạng lưới di động cho công ty viễn thông Sprint của Mỹ. Năm 2015, Huawei dính vào bê bối với cáo buộc có "quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc", đồng thờiđược cho là có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Huawei không ngừng bác bỏ những cáo buộc này: “Nếu Nhậm Chính Phi bị gây áp lực phải tham gia hoạt động gián điệp, ông ấy sẵn sàng đóng cửa công ty”, John Suffolk- Phó chủ tịch cao cấp phụ trách an ninh mạng của Huawei nói về nhà sáng lập của hãng. Năm 2019, Nhậm Chính Phi cũng tuyên bố không bao giờ chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của khách hàng với Chính phủ Trung Quốc[13].

Kinh tế thị trường tự do ở Mỹ khiến các doanh nghiệp độc lập hơn và ít bị sự kiểm soát bởi chính phủ, điều này dường như lại là hạn chế lớn trong việc tập trung phát triển công nghệ của đất nước. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ như Qualcomm, Intel... cung cấp phần lớn linh kiện và thiết bị cho nền tảng công nghệ.Nhưng các công ty này luôn đặt mục tiêu “ăn chắc mặc bền” là phải có lợi nhuận mới tham gia hành động phát triển và họ cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp tương xứng. Vì vậy, họ cũng ít mạo hiểm đầu tư cho công nghệ 5G với chi phí vô cùng khổng lồ trong việc nghiên cứu và mua bằng sáng chế để cung cấp cho kế hoạch phát triển. Các công ty ở Mỹ vẫn kiên định lợi nhuận với công nghệ 4G và cải thiện hiệu quả của nó về tính năng và hệ thống. Tuy nhiên, các cuộc buôn bán bằng sáng chế và thu mua linh kiện cực lớn của Huawei ở Mỹ đặt ra dấu hỏi lớn cho Chính phủ Mỹ về kế hoạch phát triển 5G, khi đó sự can thiệpcủa Chính phủ Mỹ là hơi chậm trễ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết họ sẽ theo đuổi việc dẫn độ Giám đốc Tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu, bị bắt tại Canada vào tháng 12 với cáo buộc tham gia vào một âm mưu lừa đảo các ngân hàng[14].Tiếp đó, Tổng thống D.Trump triển khai rất nhiều chính sách trong và ngoài nước nhằm cô lập Huawei trên thị trường quốc tế. Năm 2019, Mỹ thể hiện quyết tâm gây ảnh hưởng ở châu Âu về vấn đề Huawei. Tháng 2/2019, Phó Tổng thống Mike Pence xuất hiện tại Hội nghị An ninh Munich và lên tiếng cảnh báo. Việc nghỉ chơi với Huawei theo dự báo của các chuyên gia kinh tế sẽ khiến châu Âu mất khoảng 62 tỷ USD[15]. Theo lẽ tự nhiên, chẳng có lí do gì mà bỏ đi nguồn lợi nhuận như vậy, vì vậy các nước châu Âu chỉ đồng ý yêu cầu của Mỹ trên danh nghĩa và vẫn ngấm ngầm mở cửa với công nghệ của Huawei để xây dựng quốc gia. Huawei phải chấp nhận những luật chơi mới khi muốn tiếp tục phát triển tại châu Âu. Do vậy, Tổng thống D.Trump phải đưa ra những chiến lược nhằm hạ gục Huawei ngay lập tức.Đó chính là phải cắt đứt nguồn cung ứng nền tảng, linh kiện chất lượng từ các công ty Mỹ. Ngày 15/5/2019, ông Trump ký sắc lệnh đặc biệt, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi những công ty đưa ra mối đe dọa an ninhMỹ;  đồng thời chặn những công ty này mua thiết bị thiết yếu từ Mỹ[16]. Chỉ trong vòng một tuần, những tin xấu liên tiếp đến với công ty Trung Quốc. Các công tyGoogle, Intel, Qualcomm, Xilinx, Micron đồng loạt lên tiếng ngừng hợp tác với Huawei. Không chỉ có vậy, ARM Holdings, công ty có trụ sở tại Anh cũng thông báo nội bộ về việc đình chỉ kinh doanh với Huawei. Mất Google, Qualcomm và ARM, Huawei gần như không còn khả năng tiếp tục kinh doanh smartphone. Không có các linh kiện bán dẫn từ Mỹ, Huawei cũng khó có thể duy trì mảng kinh doanh thiết bị viễn thông.

Rõ ràng, Huawei đã trở thành tiêu điểm cho những chính sách của Tổng thống Trump nhằm ngăn chặn đánh cắp bản quyền hay bán dữ liệu thông tin cho Chính phủ Trung Quốc, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Thực tế Huawei đang trở thành công ty lớn mạnh nhất trong công cuộc phát triển công nghệ 5G. Vì vậy, những đòn đánh vào Huawei chỉ là toan tính mà Chính phủ Mỹ nhằm kìm hãm, giảm khả năng phát triển mạng 5G của Huawei. Sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đang trên đà mở rộng tầm ảnh hưởng, có khả năng đe dọa đến sự phát triển của Mỹ, và nhìn chung, Mỹ đang chậm chân trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc. Trong bối cảnh địa vị của siêu cường có sự suy giảm tương đối, Mỹ đã thông qua các áp đặt thuế quan để ngăn chặn Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, đặc biệt là trên địa hạt kinh tế, điều này đã gia tăng sức nóng cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài.

4. Huawei đối với Trung Quốc

Những sách lược, chiến lược của Trung Quốc đang đẩy họ đến vị trí đối đầu với siêu cường đơn cực Mỹ. Sự phát triển của Trung Quốc đang là nguy cơ đe dọa tới quyền lực của Mỹ.Bắc Kinh đang trở thành một đối thủ xứng tầm trong việc thiết lập một “trật tự thế giới mới”. Trật tự thế giới là một phạm trù mang ý nghĩa lý luận – thực tiễn quan trọng trong nghiên cứu quốc tế, phản ánh sự  sắp xếpmột cách chặt chẽ và tổng thể vị trí của các chủ thể chính trị quốc tế có liên hệ và tương tác với nhau dựa trên sự phân bổ quyền lực[17]. Tuy nhiên, “cho đến nay vẫn chưa tồn tại một trật tự thế giới nào thực sự mang tính toàn cầu” mà chủ yếu dưới dạng một trật tự quốc tế mang tính thống trị ở một giai đoạn nhất định[18].Rõ ràng, hiện nay Trung Quốc với tư cách cường quốc về kinh tế, cóquyền lực tổng hợp của quốc gia ngày càng tăng và có vai trò ngày càng quan trọng trong “trật tự thế giới mới”đangdần hình thành, đủ cơ sở và tiềm lực để cạnh tranh trực tiếp “vị trí số 1” của Mỹ. Một trong những chiến lược Trung Quốc xuất chiêu trên bàn cờ chính trị là Huawei – một công ty công nghệ. Huawei được ủy thác nhiều tham vọng về tương lai công nghệ và số phận cho quyền lực điện tử của Trung Quốc.

Huawei được thành lập ở Trung Quốc trên cơ sở các chính sách phát triển kinh tế của Đặng Tiểu Bìnhvào cuối thập niên 70 của thế kỉ XX. Đặc khu đầu tiênthành lập ở Thâm Quyến dành cho các công ty công nghệ nhằm tái thiết cuộc cách mạng công nghệ mang màu sắc Trung Quốc. Từ những thành công trong công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế, Trung Quốc đặt mục tiêu tham vọng mang tên “Made in China 2025” nhằm giảm sự phục thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng tốc đầu tư trong lĩnh vực viễn thông công nghệ, mạng 5G, vi xử lý và robot. Tham vọng này là một trong những mục đích được đề ra cho con đường phát triển mới của Trung Quốc, hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường Trung Quốc buộcphải chia sẻ công nghệ và chịu sự kiểm soát chặt chẽ trong mọi hoạt động mang tính chính trị cao với Chính phủ Trung Quốc.Việc doanh nghiệp nước ngoài không tuân theo luật chia sẻ công nghệ của Trung Quốc sẽ buộc phải rút khỏi “thị trường tỷ dân” như Google năm 2010[19]. Do vậy, theo luật quốc tế thì Chính phủ Trung Quốc có thể toàn quyền sở hữu những tài sản trí tuệ công nghệ không phải bỏ tiền muanhư một lợi thế cho sự phát triển công nghệ của mình. Không những đẩy nhanh phát triển công nghệ mới do được thừa hưởng những lợi thế nền tảng công nghệ được chia sẻ có sẵn,chính quyềnTrung Quốc còn tiếp tục ủy nhiệm công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Trong việc ủy nhiệm công nghệ này phải kể đến công ty được ưu ái và nắm nhiều lợi thế trong phát triển công nghệ 5G, đó là Huawei. Chính Huawei đang được thừa hưởng những lợi thế không chi phí từ những công nghệ có sẵn ở Trung Quốc nên tiết kiệm được thời gian và giá thành sản phẩm. Huawei như một quân cờ được Trung Quốc vun đắp đầy đủ với mục tiêu là sở hữu trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Hơn nữa, xu hướng toàn cầu hóa – xuyên quốc gia đã tạo ra một “thế giới phẳng” không biên giới, và Trung Quốc đang tận dụng từ chính đối thủ của mình để phát triển công nghệ ngay trên lãnh thổ của Mỹ. Vì để thiết kế được một con chip trong thiết bị của Huawei thì công nghệ, vật tư Mỹ vẫn không thể thiếu trong chu trình sản xuất. Trong ngành phần mềm thiết kế và mô phỏng chip, các công ty dẫn đầu đều là công ty Mỹ: Cadence Design Systems, Synopsys và Ansys[20].

Từ những lợi thế, Huawei đã vươn lên dẫn đầu trong cuộc chạy đua nắm công nghệ 5G trước các công ty công nghệ khác trên thế giới. Dường như, đối với Trung Quốc, quân cờ Huawei là một đòn quyết định trước Mỹ nhằm đánh bại hoàn toàn vị trí siêu cường thế giới của Mỹ. Tình thế đó buộc Mỹ phải tìm cách ngăn chặn mọi hoạt động phát triển 5G của công ty Huawei.Mỹ buộc Google Play không cho phép Huawei sử dụng công nghệ hỗ trợ phần mềm Android. Mỹ còn gây áp lực mạnh lên các nhà khai thác di động châu Âu, đòi họ phải từ bỏ Huawei trong phát triển mạng 5G của mình. Washington cho rằng, các công ty cung cấp thiết bị viễn thông của Trung Quốc có thể làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. Trong khi đó, Samsung khẳng định rằng họ có một mạng lưới và các cơ sở nghiên cứu ở châu Âu và thực sự có thể thúc đẩy các mối quan hệ cần thiết để lấp đầy khoảng trống của Huawei khi cơ hội đến[21]. Do đó việc phát triển công nghệ của Huawei bị đình trệ về mọi mặt. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới toan tính ban đầu của Trung Quốc trong cuộc đua làm chủ công nghệ 5G.

Hành động của Mỹ làm Trung Quốc “phẫn nộ” và “lên án mạnh mẽ”. Điều này được thể hiện rõ qua phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh. Bà Oánh khẳng định giám đốc Huawei không vi phạm bất cứ pháp luật nào của Canada. Bà nói: “Quyết tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân nước mình của Chính phủ Trung Quốc là không thay đổi. Vì điều này chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng mọi biện pháp cần thiết”[22].Những mâu thuẫn trong công nghệ đẩy Mỹ và Trung Quốc đến xung đột mạnh trong các luật thuế quan mới trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong thương mại.

Tuy nhiên, những bất lợi mà Mỹ gây ra cho Huawei không vì thế làm cho doanh thu từ việc bán thiết bị của họ bị thiệt hại nặng nề mà ngược lại vẫn tăng trưởng một cách tự nhiên. Chính ở quê nhà, Huawei đang trở thành một thế lực đáng gờm. Được sự ủng hộ đáng kinh ngạc từ người dùng Trung Quốc, vốn đang cho rằng Huawei bị Mỹ chèn ép, doanh số điện thoại trong quý 3/2019 của Huawei tăng 66% khi so sánh với cùng thời điểm của 2018. Thị phần của họtừ chỗtrong cùng quý năm 2018 chỉ là 24,9%, đã lên đến 42,4% trong 2019. Nói đơn giản, 4 trong 10 điện thoại được bán ra ở Trung Quốc là do Huawei sản xuất. Doanh số trong quý 3 năm 2018 là 25 triệu máy và con số đó trong 2019 là 41,5 triệu[23].

Có thể thấy, Trung Quốc đang coi Mỹ là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với sự phục hưng quốc gia và nhận thấy họ buộc phải hành động quyết đoán trong cuộc chiến với Mỹ. Trong bối cảnh mới, chiến tranh công nghệ là một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của Trung Quốc. Ở một tầng nấc sâu hơn, cuộc chiến công nghệ đã phơi bày lỗ hổng chiến lược khi Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật công nghệ nền của Mỹ.

5. Hậu quả và tầm nhìn

Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, với Mỹ thì Trung Quốc cũng đứng thứ ba trong vị trí xuất khẩu quốc gia[24]. Về lĩnh vực công nghệ,với các lệnh cấm và đáp trả giữa hai bên, cả Mỹ và Trung Quốc được dự báo đều phải chịu tổn thất. Phía Mỹ từ cuộc chiến công nghệ này cũng đã nhận ra yếu điểm của các doanh nghiệp trong nước là quá độc lập. Vì vậy, Mỹ đã thiết lập những chương trình kiểm soát, chống độc quyền. Đơn cử vào ngày 31/5/2020, SpaceX đã đi vào lịch sử khi là công ty tư nhân đầu tiên đưa người lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Đây là thành quả sự hợp tác giữa công ty tư nhân với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), mở ra hướng đi mới cho ngành khai thác vũ trụ Mỹ[25]. Còn phía ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc cần phải nỗ lực để tồn tại dưới sự đe dọa của các lệnh phong tỏa và xây dựng mô hình tự lực công nghệ trong tương lai. Quyết định trừng phạt của Mỹ cũng sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ lại trước khi đặt quan hệ đối tác với các công ty Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư đáng kể về chính trị cũng như kinh tế để nuôi dưỡng các nhà “vô địch” công nghệ thế giới của họ, nhưng Mỹ giờ đây đang dùng uy thế của mình trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng internet và hệ thống điều hành để ngăn chặn toan tính của Trung Quốc[26].

Công ty Huawei là tâm điểm cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã tác động cực kì lớn tới cục diện chính trị hai nước và toàn thế giới. Sự tác động biểu hiện qua các cuộc đối đầu từ không công khai đến công khai, từ gián tiếp sang trực tiếp, trên mọi phương diện. Cuộc chiến này là biểu hiện của việc tranh giành quyền lực chính trị và lợi ích kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốcvà nó sẽ kéo dài khiến cả hai nước và toàn cầu bị ảnh hưởng không nhỏ.Sự kiện Huawei bắt nguồn từ sự xung khắc trong tầm nhìn chiến lượcgiữa Mỹ và Trung Quốcđã dẫn tới những hành động trừng phạt và đáp trả mạnh mẽ của cả hai bên. Mâu thuẫn tích lũy, dồn nén giữa hai cường quốc đã được giải tỏa trực tiếp, toàn diện,nổi bật thông qua sự kiện Huawei. Công nghệ 5G mà Huawei nắm giữ, ban đầuchỉ là cái cớ chính cho cuộc chiến công nghệ, nhưng quan trọng hơnvà lâu dài hơn là cuộc chiến giành vị thế dẫn đầu công nghệ thế giới.Những cuộc tranh chấp kéo dài kiểu như Huawei đang đưa thế giới vào tình trạng không cân bằng và dễ bị tổn thương nhiều hơn.Tương lai công nghệ không chỉ ở 5G mà sẽ là những thế hệ 6G, 7G và … nG. Tương tự thế, cuộc chiến công nghệ vẫn sẽ tiếp nối, nhưng công nghệ không phải là bản chất của cuộc chiến, mà bản chất của nó là cuộc chiến của cạnh tranh quyền lực quốc gia.Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung vì thế còn diễn ra lâu dài, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam ít nhiều cũng bị ảnh hưởng trong dài hạn. Do đó, về phần mình, Việt Nam cần sớm đoán định chính xác tình hình, và chủ động có những phương án, chính sách thích hợp cho việc củng cố sức mạnh và lợi ích dân tộc, đảm bảo chủ quyền quốc gia. Đồng thời cần kết hợp với sức mạnh thời đại,tăng cường hợp tác chặt chẽ với tất cả các đối tác nhưng không bị lôi kéo vào những toan tính đầy chính trị của họ.

 

Nguyễn Anh Cường1, Trần Quang Khải2

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cẩm Anh, “Lần đầu vượt Mỹ, Trung Quốc chính thức phát mạng 5G”, https://enternews.vn/lan-dau-vuot-my-trung-quoc-chinh-thuc-phat-mang-5g-160744.html.
  2. Vũ Anh,“Giám đốc Huawei bị cáo buộc lừa đảo, đối mặt án tù 30 năm”, https://vnexpress.net/giam-doc-huawei-bi-cao-buoc-lua-dao-doi-mat-an-tu-30-nam-3851082.html.
  3. Anna Mehler Paperny, “Explainer: What happens next in Huawei CFO Meng’s case?”, https://www.reuters.com/article/us-usa-china-huawei-tech-canada-explaine/explainer-what-happens-next-in-huawei-cfo-mengs-case-idUSKCN1PG2Q1, January 23, 2019.
  4. Khôi Chương, “Ông Tập: Các nước không nên theo chủ nghĩa đơn cực”, https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-tap-cac-nuoc-khong-nen-theo-chu-nghia-don-cuc-939744.html.
  5. Hương Giang, “Châu Âu có thể tốn thêm 62 tỷ USD để phát triển 5G vì lệnh cấm Huawei”, https://zingnews.vn/chau-au-co-the-ton-them-62-ty-usd-de-phat-trien-5g-vi-lenh-cam-huawei-post954811.html.
  6. Nguyễn Phan Quỳnh Giao – Đỗ Thị Thủy (2019), “Những vấn đề nảy sinh trong trật tự thế giới kiểu Mỹ dưới thời tổng thống Donal Trump”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 4 (119).
  7. Minh Hà, “Huawei là một công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, hãng này làm những gì và tại sao Mỹ lại quan ngại?”, https://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2684236/huawei-la-mot-cong-ty-cong-nghe-quan-trong-nhat-cua-trung-quoc-hang-nay-lam-nhung-gi-va-tai-sao-my-lai-lo-ngai.
  8. Vũ Văn Hiền, “Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế”, Tạp chí Cộng sản,  https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/815791/xung-dot-va-thoa-hiep-trong-quan-he-quoc-te.aspx.
  9. Henry Kissinger (2014), World Order, Penguin Press, New York.
  10. Phan Văn Hòa, “Samsung có thể thay thế  Huawei trong cuộc chạy đua 5G ở Châu Âu”, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/samsung-co-the-thay-the-huawei-trong-cuoc-dua-5g-o-chau-au-698747.html.
  11. An Huy, “Ông Trump ký sắc lệnh nhằm “cấm cửa” Huawei tại Mỹ, https://vneconomy.vn/ong-trump-ky-sac-lenh-nham-cam-cua-huawei-tai-my-2019051607243678.htm.
  12. Ánh Huyền, “Cuộc chiến công nghệ Mỹ- Trung ngày càng nghiêm trọng”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/cuoc-chien-cong-nghe-mytrung-ngay-cang-nghiem-trong-891801.vov.
  13. Joseph S.Nye (2018), Tương lai của quyền lực, Nxb Lao động, Hà Nội.
  14. Kadri Kaska – Henrik Beckvard and Tomás Minárik (2019), Huawei, 5G and China as a Security Threat, CCDCOD Nato Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence, Tallinn.
  15. Hải Lâm, “SpaceX nhận thêm trái ngọt từ Lầu Năm Góc”, https://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/spacex-nhan-them-trai-ngot-tu-lau-nam-goc-3420405/.
  16. Giang Hoàng Linh – Thức Nguyễn, “Huawei đã rơi vào cuộc chiến công nghệ Mỹ như thế nào?”, https://zingnews.vn/huawei-da-roi-vao-cuoc-chien-cong-nghe-cua-my-nhu-the-nao-post1141228.html.
  17. Nhật Minh, “Vì sao Huawei không thể làm chip nếu thiếu công nghệ Mỹ”, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vi-sao-huawei-khong-the-lam-chip-neu-thieu-cong-nghe-my-668063.html.
  18. Scott Bicheno, “Huawei leads the 5G patent race”, https://telecoms.com/505169/huawei-leads-the-5g-patent-race/, 24 June 2020.
  19. Nguyễn Vĩnh Thắng, “Quan điểm của Mác về chiến tranh”, http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-ngay-ky-niem-lon/quan-diem-cua-c-mac-ve-chien-tranh/11643.html.
  20. Bích Thuận, “Trung Quốc khẳng định quyết tâm bảo vệ bà Mạnh Vãn Chu”, https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-khang-dinh-quyet-tam-bao-ve-ba-manh-van-chu-821294.vov.
  21. Ngọc Trang, “Nhìn lại một năm sau khi “công chúa” Huawei bị bắt”, https://vneconomy.vn/nhin-lai-mot-nam-sau-khi-cong-chua-huawei-bi-bat 20191201205804353.htm.
  22. Trang chủ công ty Huawei, https://www.huawei.com/vn/corporate-information.
  23. Phú Uy, “Huawei dẫn đầu thị trường di động Trung Quốc”, https://thanhnien.vn/cong-nghe/huawei-dan-dau-thi-truong-di-dong-trung-quoc-1143179.html.
  24. Hồng Vân, “Những hệ lụy khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/nhung-he-luy-khi-quan-he-my-trung-cang-thang-885855.vov.

 

Huawei – the Prelude of the US – China Technology War

Nguyen Anh Cuong, Tran Quang Khai

In the late 2010s, the forceful rise of China opened up a direct and comprehensive confrontation with the US, a leading country in many fields in the world. In the conflict between the two countries, the one that cannot be ignored is the US – China technology war with the focus on Huawei technology company. Broadly speaking, the technology war between the two great powers is only part of the war for world leadership. The battle between the two countries has opened up a full-blown confrontation, not only limited to ordinary economic interests, but also stemming from ownership of 5G modern technology. Ultimately, it is the manifestation of comprehensive strategic competition in all areas between the two superpowers.

 

Email: nguyenanhcuong@ussh.edu.vn, ĐT: 0912593419



[1] PGS., TS, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[3] Trang chủ công ty Huawei, https://www.huawei.com/vn/corporate-information.

[4] Scott Bicheno, “Huawei leads the 5G patent race”, https://telecoms.com/505169/huawei-leads-the-5g-patent-race/, 24 June 2020.

[5] Kadri Kaska – Henrik Beckvard and Tomás Minárik (2019), Huawei, 5G and China as a Security Threat, CCDCOD Nato Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence, Tallinn, tr.6.

[6] Vũ Anh, “Giám đốc Huawei bị cáo buộc lừa đảo, đối mặt án tù 30 năm”, https://vnexpress.net/giam-doc-huawei-bi-cao-buoc-lua-dao-doi-mat-an-tu-30-nam-3851082.html.

[7] Ngọc Trang, “Nhìn lại một năm sau khi “công chúa” Huawei bị bắt”, https://vneconomy.vn/nhin-lai-mot-nam-sau-khi-cong-chua-huawei-bi-bat-20191201205804353.htm.

[8] Nguyễn Vĩnh Thắng, “Quan điểm của Mác về chiến tranh”, http://tapchiqptd.vn/vi/nhung-ngay-ky-niem-lon/quan-diem-cua-c-mac-ve-chien-tranh/11643.html.

[9] Minh Hà, “Huawei là một công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc, hãng này làm những gì và tại sao Mỹ lại quan ngại?”, https://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2684236/huawei-la-mot-cong-ty-cong-nghe-quan-trong-nhat-cua-trung-quoc-hang-nay-lam-nhung-gi-va-tai-sao-my-lai-lo-ngai.

[10] Khôi Chương, “Ông Tập: Các nước không nên theo chủ nghĩa đơn cực”, https://plo.vn/quoc-te/su-kien/ong-tap-cac-nuoc-khong-nen-theo-chu-nghia-don-cuc-939744.html.

[11] Vũ Văn Hiền, “Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế”,Tạp chí Cộng sản,https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/815791/xung-dot-va-thoa-hiep-trong-quan-he-quoc-te.aspx.

[12] Cẩm Anh, “Lần đầu vượt Mỹ, Trung Quốc chính thức phát mạng 5G”, https://enternews.vn/lan-dau-vuot-my-trung-quoc-chinh-thuc-phat-mang-5g-160744.html.

[13] Giang Hoàng Linh – Thức Nguyễn, “Huawei đã rơi vào cuộc chiến công nghệ Mỹ như thế nào”, https://zingnews.vn/huawei-da-roi-vao-cuoc-chien-cong-nghe-cua-my-nhu-the-nao-post1141228.html.

[14] Anna Mehler Paperny, “Explainer: What happens next in Huawei CFO Meng’s case?”, Reuters, https://www.reuters.com/article/us-usa-china-huawei-tech-canada-explaine/explainer-what-happens-next-in-huawei-cfo-mengs-case-idUSKCN1PG2Q1, January 23, 2019.

[15] Hương Giang, “Châu Âu có thể tốn thêm 62 tỷ USD để phát triển 5G vì lệnh cấm Huawei”, https://zingnews.vn/chau-au-co-the-ton-them-62-ty-usd-de-phat-trien-5g-vi-lenh-cam-huawei-post954811.html.

[16] An Huy, “Ông Trump ký sắc lệnh nhằm “cấm cửa” Huawei tại Mỹ”,Vneconomy, https://vneconomy.vn/ong-trump-ky-sac-lenh-nham-cam-cua-huawei-tai-my-2019051607243678.htm.

[17] Nguyễn Phan Quỳnh Giao – Đỗ Thị Thủy (2019), “Những vấn đề nảy sinh trong trật tự thế giới kiểu Mỹ dưới thời tổng thống  Donal Trump”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 4 (119), tr. 147-148.

[18]Henry Kissinger (2014), World Order, Penguin Press, New York, tr.9.

[19] Joshep S.Nye (2018), Tương lai của quyền lực, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.237-238.

[20] Nhật Minh, “Vì sao Huawei không thể làm chip nếu thiếu công nghệ Mỹ”,Vietnamnet,https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vi-sao-huawei-khong-the-lam-chip-neu-thieu-cong-nghe-my-668063.html.

[21] Phan Văn Hòa, “Samsung có thể thay thế Huawei trong cuộc chạy đua 5G ở Châu Âu”, Vietnamnet, https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/samsung-co-the-thay-the-huawei-trong-cuoc-dua-5g-o-chau-au-698747.html.

[22] Bích Thuận, “Trung Quốc khẳng định quyết tâm bảo vệ bà Mạnh Vãn Chu”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-khang-dinh-quyet-tam-bao-ve-ba-manh-van-chu-821294.vov.

[23] Phú Uy, “Huawei dẫn đầu thị trường di động Trung Quốc”,Thanh Niên, https://thanhnien.vn/cong-nghe/huawei-dan-dau-thi-truong-di-dong-trung-quoc-1143179.html.

[24] Hồng Vân, “Những hệ lụy khi quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/nhung-he-luy-khi-quan-he-my-trung-cang-thang-885855.vov.

[25] Hải Lâm, “SpaceX nhận thêm trái ngọt từ Lầu Năm Góc”, https://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/spacex-nhan-them-trai-ngot-tu-lau-nam-goc-3420405/.

[26] Ánh Huyền, “Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung ngày càng nghiêm trọng”, https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/cuoc-chien-cong-nghe-mytrung-ngay-cang-nghiem-trong-891801.vov.

0thảo luận