Trang chủ

Chương mới trong nền chính trị Nhật Bản

Đăng ngày: 29-08-2022, 08:51 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tóm tắt: Tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, kết thúc giai đoạn cầm quyền dài nhất trong lịch sử Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Tân Thủ tướng Suga sẽ kế thừa và phát huy những chính sách của người tiền nhiệm, cũng như đối mặt với những thách thức đang tồn tại. Bài viết phân tích và nhận định tình hình chính trị Nhật Bản năm 2020 và triển vọng tới đây.

Từ khóa: Nhật Bản, Abe Shinzo, Suga Yoshihide, chính trị, ngoại giao

1. Thủ tướng Abe Shinzo từ chức [1]

Ngày 28 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố từ chức với lý do sức khỏe, kết thúc sớm nhiệm kỳ đáng nhẽ ra sẽ kéo dài tới tháng 9/2021. Ông đưa ra tuyên bố từ chức chỉ vài ngày sau khi trở thành thủ tướng Nhật Bản tại nhiệm liên tục trong thời gian dài nhất. Ông đã cầm quyền hơn 2.800 ngày liên tục, vượt qua kỷ lục trước đó là 2.798 ngày, thuộc về cố Thủ tướng Sato Eisaku.

Thủ tướng Abe Shinzo bị viêm loét đại tràng mãn tính từ khi còn ở tuổi thiếu niên. Ông Abe lần đầu giữ chức thủ tướng vào năm 2006 ở tuổi 52 và trở thành thủ tướng trẻ nhất thời hậu chiến ở Nhật Bản, nhưng khoảng 1 năm sau phải từ chức do xuất hiện các triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Khi trở lại làm thủ tướng lần thứ hai vào tháng 12/2012, bệnh tình của ông có vẻ ổn định nhờ phương pháp điều trị mới giúp làm giảm viêm. Tuy nhiên, trong năm 2020 tình trạng bệnh của ông chuyển biến xấu. Mặc dù việc sử dụng thuốc chữa có tác dụng nhưng cần liên tục và tình hình sức khỏe khó dự đoán. Ông Abe cho rằng khi làm chính trị, điều quan trọng nhất là thu được hiệu quả. Tình hình ốm đau, chữa bệnh, thể lực kém sẽ không đưa ra các quyết định chính trị quan trọng hoặc không đạt được hiệu quả. Ông không còn có thể tự tin đáp lại sự tin tưởng của người dân thì không nên tiếp tục ở vị trí thủ tướng và xin từ chức thủ tướng[2].

Thực tế, Thủ tướng Abe chú trọng đến việc hạn chế mức tối thiểu tác động tiêu cực nên quyết định từ chức trong khoảng thời gian này. Đây là thời điểm phải ứng phó với dịch Covid-19, được coi là khó khăn quốc gia 100 năm mới xảy ra 1 lần, nếu chính trị bất an sẽ tác động mạnh đến kinh tế xã hội. Nhật Bản đang trong làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhưng từ tháng 7, tình trạng này có xu hướng giảm, nếu tình hình lây lan ở trạng thái cao điểm, có thể khó tuyên bố từ chức.

Về lịch trình ngoại giao, do ảnh hưởng của Covid-19, hội nghị thượng đỉnh G7 đã hoãn dự kiến sau bầu cử Mỹ, chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa thảo luận về sự điều chỉnh lịch trình. Hơn nữa, cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11, tùy theo kết quả, sau đó cần có những hoạt động mới,… nên có thể xem từ chức trong tháng 8 sẽ hạn chế những tác động về mặt ngoại giao tạo dư địa chuẩn bị cho người kế nhiệm[3].

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Abe khi đó đang rất thấp, liên tục giảm từ đầu năm, trong khi tỷ lệ không ủng hộ trên xu hướng tăng vượt xa tỷ lệ ủng hộ. Theo khảo sát của Đài phát thanh truyền hình công cộng Nhật Bản (NHK), trong tháng 8, tỉ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Abe Shinzo là 34%, giảm 2 điểm phần trăm so với tháng 7.

Do cách thức khảo sát có thay đổi nên không thể so sánh một cách đơn giản, nhưng kết quả lần này là mức thấp nhất kể từ khi ông Abe nhậm chức thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào tháng 12/2012. Do đó, có luồng ý kiến cho rằng việc thay đổi thủ tướng có thể sẽ đem lại một luồng gió mới tích cực hơn.

2. Người kế nhiệm Suga Yoshihide

Theo quy định của đảng Dân chủ Tự do (LDP), nếu chủ tịch từ chức trong nhiệm kỳ của mình, chủ tịch mới sẽ được bầu lại với nhiệm kỳ của chức vụ sẽ tiếp tục nhiệm kỳ của người tiền nhiệm. Trong lần này là sẽ đến tháng 9 năm 2021[4]. Do LDP nắm đa số ghế trong Quốc hội, chủ tịch LDP sẽ đảm nhận vị trí thủ tướng.

Đảng Dân chủ Tự do, đảng chính trong liên minh cầm quyền quyết định không để toàn thể các đảng viên thông thường trong đảng bỏ phiếu bầu cử chủ tịch. Phương thức tiến hành chỉ gồm các đảng viên là nghị sĩ quốc hội (394 phiếu) và 3 đại diện của mỗi tỉnh thành (141 phiếu), tổng cộng 535 phiếu bầu. Ba ứng cử viên cạnh tranh chức chủ tịch đảng LDP là ông Suga Yoshihide, Chánh văn phòng Nội các và là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ; ông Kishida Fumio, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP, cùng với cựu Tổng thư ký của đảng, ông Ishiba Shigeru. Thông thường, các phe phái trong LDP sẽ đề bạt người đứng đầu khi tranh cử và đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử chủ tịch đảng. Để trở thành chủ tịch LDP và trở thành thủ tướng, cần phải có sự ủng hộ của liên minh các phe phái của đảng này vốn đang kiểm soát đa số quốc hội. Ông Suga Yoshihide không thuộc phe phái nào nhưng nhận được sự ủng hộ của 5 trên tổng số 7 phe phái của LDP và một số nghị sĩ trung lập.

Hình 1: Tỷ lệ ủng hộ nội các Thủ tướng Abe 8 tháng đầu năm 2020

Đơn vị %

 

Chương mới trong nền chính trị Nhật Bản
Nguồn: NHK

Ngày 14/9/2020, Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu chủ tịch đảng khi giành 377 phiếu trong 534 phiếu bầu (khoảng 70%), đánh bại hai đối thủ Ishiba Shigeru và Kishida Fumio có số phiếu tướng ứng là 68 và 89[5]. Sau đó, chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Suga Yoshihide đã được bầu làm thủ tướng mới vào ngày 16/9/2020.

Thủ tướng Suga có khởi đầu thuận lợi khi kết quả thăm dò dư luận Nhật Bản của NHK cho thấy Nội các mới của Nhật Bản do ông đứng đầu đạt tỉ lệ ủng hộ 62%. Tỉ lệ ủng hộ ban đầu đối với Nội các của ông Suga thấp hơn so với mức 81% của Nội các dưới thời ông Koizumi Junichiro và mức 72% của ông Hatoyama Yukio. Tỉ lệ ủng hộ Nội các của ông Suga tương đương với tỉ lệ ủng hộ của người tiền nhiệm là ông Abe Shinzo khi mới nhậm chức[6].

Nội các mới của Thủ tướng Suga gồm 20 thành viên, trong đó có 15 người là quan chức từ thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo hoặc trước đó, nên có thể coi đây là một bước kéo dài từ chính quyền Abe. Thủ tướng Suga giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của ông Motegi Toshimitsu và bổ nhiệm mới Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tự do Nobuo Kishi, em trai ruột của cựu Thủ tướng Abe làm Bộ trưởng Quốc phòng. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Suga sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Tư tưởng chính sách của tân Thủ tướng Suga Yoshihide có sự tương đồng với cựu Thủ tướng Abe Shinzo là điều dễ hiểu bởi thực tế ông Suga vốn là cánh tay đắc lực của ông Abe. Liên quan đến việc liệu ông Suga có nên tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm hay không, điều tra dư luận của NHK cho thấy 17% khẳng định nên tiếp tục, 36% cho rằng nên tiếp tục sẽ tốt hơn, 20% trả lời không nên tiếp tục sẽ tốt hơn, và 18% khẳng định không nên tiếp tục[7].

3. Định hướng chính sách của tân Thủ tướng Suga Yoshihide

Thời gian chưa đủ dài để khẳng định đường lối chính sách của Thủ tướng Suga Yoshihide, song có thể nhận thấy một số đặc điểm cơ bản sau.

3.1. Trong lĩnh vực đối nội

Ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) bằng việc mở rộng xét nghiệm PCR và đảm bảo đủ vắc-xin cho người dân trong nửa đầu năm 2021.

Vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19, hướng tới bảo vệ các cơ sở kinh doanh và việc làm thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 230.000 tỷ yên (2.200 tỷ USD) mà chính phủ đang triển khai, trong đó có việc trợ cấp cho các cơ sở kinh doanh nhỏ. Nâng cao mức lương tối thiểu, thúc đẩy cải cách nông nghiệp và phát triển du lịch đặc biệt là du lịch nội địa. Ông Suga ủng hộ chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go to travel” với sự tài trợ của chính phủ nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước và hỗ trợ các ngành liên quan.

Giảm tệ quan liêu trong bộ máy chính quyền, xử lý vấn đề tỷ lệ sinh thấp bằng cách tăng cường hỗ trợ các dịch vụ hỗ trợ sinh sản và chăm sóc trẻ[8].

Ông Aso Taro tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Ông đã ở vị trí này hơn 7 năm. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách chính sách đối phó đại dịch Covid-19 cũng tại vị, cùng với đó là việc giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp của ông Hiroshi Kajiyama. Có lẽ chính quyền Suga sẽ tiếp tục duy trì Abenomics với đặc điểm nổi bật là chính sách tiền tệ nới lỏng, tài khóa linh hoạt và tái cơ cấu.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng, ông Kono Taro đảm nhiệm vai trò mới trong Nội các là Bộ trưởng Cải cách hành chính. Ông Taro Kono, một nhân vật được coi là mạnh mẽ, quyết đoán được hy vọng sẽ tạo ra sự thay đổi trong nền hành chính. Trên trang web của mình, ông Kono đã lập một trang để người dân có thể gửi ý kiến về những điểm yếu trong hệ thống hành chính.

Vị trí Bộ trưởng phụ trách cải cách kỹ thuật số được giao cho ông Hirai Takuya. Áp dụng số hóa là không thể thiếu trên khía cạnh kinh tế vĩ mô nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trung và dài hạn. Nhật Bản đến nay áp dụng số hóa chậm được xem là một nguyên nhân khiến sức sản xuất thấp. Cuộc khủng hoảng Covid-19 lần này thúc đẩy quá trình số hóa, tăng sức sản xuất, giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực.

Trong khi kế thừa chính quyền Abe, tân Thủ tướng Suga đang đẩy nhanh nghiên cứu với ý định tạo ra một màu sắc riêng trong các lĩnh vực này. Thủ tướng Suga khi kế nhiệm chính quyền Abe muốn mang lại một màu sắc riêng thông qua cải cách hành chính và số hóa[9].

3.2. Trong lĩnh vực đối ngoại

Ưu tiên quan hệ Nhật-Mỹ hướng tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Tân Thủ tướng Suga coi quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chiến lược ngoại giao quốc gia. Nhật Bản và Mỹ là đồng minh chia sẻ các giá trị cơ bản và lợi ích chiến lược. Hai nước ngày càng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực và hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Liên minh Nhật – Mỹ đóng vai trò là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tăng cường các thỏa thuận an ninh Nhật Bản - Mỹ và nâng cao khả năng răn đe và phản ứng của liên minh này là không thể thiếu đối với hòa bình và ổn định của Nhật Bản và khu vực. Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 60 năm Hiệp ước An ninh Nhật Bản – Mỹ được ký kết và có hiệu lực. Cả Nhật Bản và Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phản ứng của Liên minh Nhật Bản- Mỹ, theo Hướng dẫn về Hợp tác quốc phòng Nhật Bản - Mỹ và Pháp luật vì Hòa bình và An ninh khu vực.

Hợp tác Nhật Bản-Mỹ nhằm đạt được một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng đang đạt được những tiến bộ ổn định. Trong thời điểm tranh cử, Thủ tướng Suga đã khẳng định sẽ tiếp nối đường lối đối ngoại của ông Abe, trong đó có tư tưởng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đầu tháng 10/2020, ngoại trưởng 4 nước Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Australia khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Tokyo, Nhật Bản[10]. Mặt khác, Mỹ với chính quyền tổng thống đắc cử Joe Biden được kỳ vọng sẽ lôi kéo, thắt chặt các quan hệ với Nhật Bản hướng tới chiến lược khu vực theo chuẩn mực và quy tắc quốc tế.

Chú trọng vai trò của ASEAN

Vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vô cùng quan trọng khi nằm trên các tuyến đường biển thiết yếu của Nhật Bản, nằm ở một điểm chiến lược quan trọng nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nhật Bản tin rằng điều quan trọng là phải thúc đẩy hội nhập hơn nữa của ASEAN, một trung tâm hợp tác khu vực, với tư cách là một đối tác chia sẻ các giá trị cơ bản như pháp quyền và dân chủ, nhằm thực hiện sự ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực. Dựa trên quan điểm như vậy, Nhật Bản tiếp tục hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm làm sâu sắc thêm sự hội nhập. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã và đang hỗ trợ nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường kết nối và giảm khoảng cách nội khối nhằm hội nhập sâu hơn thông qua ODA và Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF),…

Tháng 1 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi đã có bài phát biểu về chính sách ASEAN tại Jakarta đề xuất ba lộ trình hành động chung giữa Nhật Bản và ASEAN: “cùng nhau tạo dựng con người”, “cùng nhau xây dựng thể chế” và “cùng nhau tích lũy trí tuệ”. Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về Covid-19 được tổ chức thông qua hình thức hội nghị từ xa vào tháng 4 năm 2020. Thủ tướng Abe khi đó tuyên bố hỗ trợ các nước ASEAN dựa trên ba trụ cột, bao gồm việc thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và bệnh dịch mới.

ASEAN đã thông qua “Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)” vào tháng 6 năm 2019. Nhật Bản hoan nghênh việc thông qua và tán thành AOIP - phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Thực tế, từ ngày 18 đến 21 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam và Indonesia. Việc ông Suga chọn Đông Nam Á cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên thể hiện tầm quan trọng của khu vực này đối với Nhật Bản.

Ổn định quan hệ với Trung Quốc

Mối quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Nhật Bản. Sự ổn định là điều cần thiết không chỉ đối với công dân của cả hai nước mà còn đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế, đồng thời là yếu tố rất quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Suga và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc cấp cao, trong đó có liên lạc giữa các nhà lãnh đạo. Hai bên cũng nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong các vấn đề liên quan. Nhật Bản quan ngại về tình hình hiện nay trên Biển Đông và Hoa Đông khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động trên biển. Tàu của Chính phủ Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật Bản đang kiểm soát và khẳng định các đảo này là một phần cố hữu của lãnh thổ quốc gia, trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trước mắt, Nhật Bản cần thu xếp lại chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bị hoãn lại do Covid-19 và coi đây là dịp ổn định quan hệ song phương.

Cải thiện quan hệ Nhật - Hàn

Tình trạng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang từ tháng 10 năm 2018 khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Nhật Bản đáp lại bằng cách áp đặt các hạn chế xuất khẩu ba nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc vào tháng 7/2019 và quyết định loại nước này khỏi danh sách trắng các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại. Hàn Quốc đã trả đũa bằng cách thiết lập các hạn chế thương mại riêng. Chính phủ Hàn Quốc đã xếp Nhật Bản vào danh sách thị trường không đủ tin cậy vì lý do an ninh quốc gia và Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong danh sách này. Mâu thuẫn sau đó lan sang cả việc ký kết Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Nhật - Hàn.

Nhật Bản và Hàn Quốc là láng giềng quan trọng của nhau, quan hệ đối tác giữa hai nước là cực kỳ quan trọng. Hai nước cũng có mối quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Thủ tướng Suga cho rằng không thể để quan hệ hai nước nguội lạnh như hiện nay, song ông vẫn duy trì lập trường của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan và đề nghị Hàn Quốc có hành động phù hợp.

Hiện tại, Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Suga Yoshihide đều đang phải đối mặt với những tình huống khó khăn trong và ngoài nước, điều này có thể làm tăng nhu cầu chính trị để tạo ra một số loại đột phá, cho dù là kinh tế hay ngoại giao.

Tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Nga

Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc trao đổi qua điện thoại. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mong muốn giải quyết vấn đề lãnh thổ song phương với Nga, không để vấn đề này lại sang thế hệ sau. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với 4 đảo và gọi là Lãnh thổ phương Bắc, duy trì lập trường rằng các đảo này là phần cố hữu của lãnh thổ Nhật Bản và bị Nga chiếm giữ trái phép sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Phía Nhật Bản cho rằng năm 2018, Tổng thống Putin và Thủ tướng Abe khi đó đã nhất trí đẩy nhanh đàm phán song phương để tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình dựa trên tuyên bố chung năm 1956. Theo tuyên bố, sau khi ký kết hiệp ước hòa bình, 2 trong số 4 đảo Nga đang kiểm soát sẽ được giao cho Nhật Bản.

Tuy nhiên, thông báo của Văn phòng Tổng thống Nga sau cuộc điện đàm có ý ưu tiên cho quan hệ kinh tế và chăm sóc y tế, không đề cập cụ thể đến đàm phán hiệp ước hòa bình song phương, vốn bao gồm vấn đề lãnh thổ liên quan đến 4 đảo Nga đang kiểm soát còn Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.

Giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc

Tân Thủ tướng Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này và bắt đầu tham gia vào các hoạt động liên quan từ năm 2002, cũng là thời điểm ông bắt đầu quen ông Abe. Ông Suga nhiều lần cam kết sẽ thực hiện các chính sách của chính quyền Abe, nên được cho là sẽ nỗ lực nhất quán đối với vấn đề bắt cóc.

Những năm 1970, 1980 một số người Nhật Bản đã bị Triều Tiên bắt cóc. Nhật Bản xác định được có 17 người bị bắt nhưng Triều Tiên sau đó chỉ thừa nhận 13 trường hợp. Sau đó 5 người đã được trở về Nhật Bản. Đây là vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội Nhật Bản nên Thủ tướng Suga muốn đưa những người bị bắt cóc trở về.

4. Một số nhận định

Chính quyền của tân Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ ít thay đổi đường lối chính sách của cựu Thủ tướng Abe Shinzo. Ông Suga làm Chánh văn phòng nội các trong giai đoạn ông Abe làm thủ tướng lần 2 từ cuối năm 2012 đến nay, hỗ trợ đắc lực cho ông Abe, nên ông sẽ có sự nối tiếp về mặt chính sách. Bản thân ông Suga là người không những ủng hộ nhiệt tình và bảo vệ các chính sách của ông Abe mà còn bày tỏ cam kết rõ ràng về việc tiếp nối các chính sách này.

Song có những điểm mới trong tư tưởng chính sách của ông Suga so với chính quyền tiền nhiệm là chú trọng cải cách hành chính và áp dụng số hóa. Việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng, ông Kono Taro, một con người mạnh mẽ, quyết đoán làm Bộ trưởng cải cách hành chính, tạo hy vọng sẽ có sự thay đổi trong nền hành chính. Bộ trưởng Kỹ thuật số là ông Hirai Takuya, một chuyên gia về công nghệ thông tin. Áp dụng kỹ thuật số là không thể thiếu trên khía cạnh kinh tế vĩ mô nhằm đẩy mạnh tăng trưởng trung và dài hạn. Việc Nhật Bản áp dụng số hóa chậm đến nay được xem là một nguyên nhân khiến sức sản xuất thấp. Chính quyền Suga muốn đẩy nhanh quá trình thảo luận về việc thành lập “Cơ quan kỹ thuật số”.

Điểm đáng lưu ý là vào tháng 9 năm 2021, bầu cử chủ tịch LDP sẽ diễn ra nên thời gian cho ông Suga chắc chắn cầm quyền chưa  nhiều. Điều quan trọng với ông Suga là giữ ổn định trong đảng, nếu xảy ra sai lầm rất dễ bị đánh đổi chiếc ghế quyền lực. Ông Suga là người làm chính trị lâu năm nên chú ý đến các phe phái trong nội các nhằm vận hành chính quyền thuận lợi, cân bằng các phe phái. Tất cả 5 phái đã ủng hộ ông Suga đều có mặt trong ban lãnh đạo mới của LDP, cũng như trong nội các. Có lẽ ông Suga muốn thu hút sự ủng hộ của 5 phái này nhằm tạo nên sự đoàn kết trong chính quyền. Mặt khác, ông cũng coi trọng sự ổn định khi bổ nhiệm 3 vị trí bộ trưởng là thành viên của 2 phái không ủng hộ là phái Kishida và Ishiba. Hai đối thủ đã thất bại trước ông Suga là Ishiba Shigeru và Fumio Kishida dường như coi cuộc bỏ phiếu lần này là sự tập dượt cho cuộc chạy đua chức chủ tịch đảng vào tháng 9 năm 2021 với quy mô lớn hơn. Có thể thấy ông Suga coi trọng các phái đã ủng hộ, nhưng muốn hàn gắn, kết nối với những phái còn lại để hạn chế tối thiểu mâu thuẫn cạnh tranh trong nội bộ LDP với mục tiêu tạo dựng sự đồng thuận trước sự cạnh tranh ngày càng lớn mạnh giữa các đảng đối lập. Thực tế hiện nay, các đảng đối lập ở Nhật Bản đã có sự sáp nhập thành đảng mới nhằm tạo sự đối trọng với LDP.

Thủ tướng Abe Shinzo từ chức, ông Suga Yoshihide kế nhiệm và LDP vẫn lãnh đạo, nên dự đoán những đường lối, chính sách đã được định hình trong nhiều năm qua sẽ ít thay đổi. Việc ông Suga có kế thừa và phát huy hơn nữa những thành quả của Thủ tướng Abe Shinzo thì cần có thời gian. Trách nhiệm của ông Suga sẽ rất nặng nề trước cái bóng quá lớn của cựu cựu Thủ tướng Abe. Trong thời gian tới đây, quan trọng là ông Suga phải tạo dựng được chính phủ ổn định, xây dựng uy tín tạo lợi thế trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP năm 2021.

 

Phan Cao Nhật Anh1

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thông tấn xã Việt Nam, “Cương lĩnh tranh cử của 3 ứng viên chức chủ tịch LDP”, Tin tham khảo thế giới 9/9/2020.
  2. 自民、後継首相を15日にも選出へ 両院議員総会の方向 石破氏は31日に出馬表明へ (Ngày 15 bầu thủ tướng kế nhiệm, phương hướng hội nghị lưỡng viện, ngày 31 ông Ishiba tuyên bố tranh cử), https://www.sankei. com/politics/news/200828/plt2008280124-n1. html.
  3. 安倍内閣総理大臣記者会見 (Thủ tướng Abe họp báo), https://www.kantei.go.jp /jp/98_abe/statement/2020/0828kaiken.html.
  4. 安倍首相辞任へその影響と今後の焦点 (Ảnh hưởng của việc thủ tướng Abe từ chức, tiêu điểm tới đây), https://www.nhk.or.jp /kaisetsu-blog/100/434958.html.
  5. 自民党総裁選結果 菅氏377票 岸田氏89票 石破氏68票 (Kết quả bầu chủ tịch đảng Dân chủ Tự do, ông Suga 377 phiếu, ông Kishida 89 phiếu, ông Ishiba 68 phiếu), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200914/k10012617291000.html?utm_int=word_contents_list-items_009&word_result=%E5%AE%89% E5%80%8D%E9%A6%96%E7%9B%B8%20%E8%BE%9E%E4%BB%BB%E3%81%B8.
  6. 菅内閣「支持する」62% 発足時で小泉・鳩山内閣に次ぐ水準 (Tỷ lệ ủng hộ Nội các Suga thời điểm thành lập 62% đứng sau nội các Hatoyama và Koizumi), https://www3.nhk. or.jp/news/html/20200923/k10012630591000.html?utm_int=word_contents_list-items_077& word_result=%E8%8F%85%E5%86%85%E9%96%A3%E7%99%BA%E8%B6%B3.
  7. 菅首相 規制改革やデジタル化などで独自色発揮へ検討加速 (Thủ tướng Suga thúc đẩy thảo luận phát huy đặc trưng như số hóa, cải cách quy định), https://www3.nhk.or.jp/ news/html/20200918/k10012624141000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_039.
  8. “日米豪印外相会合 10月6日に東京で開催” 茂木外相 (Tổ chức Hội nghị ngoại trưởng Nhật, Mỹ, Ấn, Úc ngày 6/10 tại Tokyo), https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200929/k10012639621000.html.

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2]安倍内閣総理大臣記者会見, https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement/2020/0828 kaiken.html.

[3] 安倍首相辞任へその影響と今後の焦点,https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/ 434958.html.

[4]自民、後継首相を15日にも選出へ 両院議員総会の方向 石破氏は31日に出馬表明へ, https://www.sankei.com/politics/news/200828/plt20082 80124-n1.html.

[5]自民党総裁選結果 菅氏377票 岸田氏89票 石破氏68票, https://www3. nhk.or.jp/news/html/202009 14/k10012617291000.html?utm_int=word_contents_list-items_009&word_result=% E5%AE%89%E5%80% 8D% E9%A6%96%E7%9B%B8%20%E8%BE%9E%E4%BB%BB%E3%81%B8.

[6]菅内閣「支持する」62% 発足時で小泉・鳩山内閣に次ぐ水準, https://www3.nhk.or.jp/news/html/ 20200923/k10012630591000.html?utm_int=word_contents_list-items_077& word_result=%E8%8F%85%E5% 86% 85%E9%96%A3%E7%99%BA%E8%B6%B3.

[7]菅内閣「支持する」62% 発足時で小泉・鳩山内閣に次ぐ水準, https://www3.nhk.or.jp/news/html/ 20200923/k10012630591000.html?utm_int=word_contents_list-items_077& word_result=%E8%8F%85%E5% 86% 85%E9%96%A3%E7%99%BA%E8%B6%B3.

[8] Thông tấn xã Việt Nam, “Cương lĩnh tranh cử của 3 ứng viên chức chủ tịch LDP”, Tin tham khảo thế giới 9/9/2020, tr. 15.

[9] 菅首相 規制改革やデジタル化などで独自色発揮へ検討加速, https://www3.nhk.or.jp/news/html/ 20200918/ k10012624141000.html?utm_int=news-politics_contents_ list-items_039.

[10] “日米豪印外相会合 10月6日に東京で開催” 茂木外相, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20200929/k1001 2639621000.html.

0thảo luận