Trang chủ

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Đối ngoại Trung Quốc năm 2020: nhiều thách thức và trở ngại

Đăng ngày: 26-09-2022, 07:26

Đại dịch Covid-19 và sự lây lan phức tạp của nó đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng trực tiếp tới đối ngoại Trung Quốc năm 2020. Các cách tiếp cận của đối ngoại nước này đã có những biến đổi linh hoạt nhằm bảo vệ hình ảnh nước lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ với các quốc gia khác không có sự cải thiện đã tạo ra khó khăn cho ngoại giao Trung Quốc. Bước sang năm 2021, một trong những năm quan trọng của quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa, liệu Trung Quốc có thể cải thiện được hình ảnh trên trường quốc tế? Bài viết đi vào phân tích những nét chính trong đối ngoại Trung Quốc năm 2020 và đưa ra xu hướng thời gian tới.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Tiến trình thay đổi chính sách ngoại giao “Hai nước Trung Hoa” của Nhật Bản (1952-1972)

Đăng ngày: 26-09-2022, 03:55

Nhật Bản và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) là hai cường quốc, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc an ninh – chính trị châu Á – Thái Bình Dương. Đặc điểm nổi bật của quan hệ ngoại giao giữa hai nước này là tính không ổn định, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhân tố Mỹ. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, dưới ảnh hưởng của những nhân tố trong nước và đặc điểm của cấu trúc lưỡng cực, quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc có những thay đổi lớn, đặc biệt là những điều chỉnh về chính sách đối ngoại từ phía Nhật Bản. Bài viết phân tích những chuyển biến trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn 1952-1972, tìm hiểu những nhân tố chính tác động đến chính sách đó và làm rõ vai trò của nhân tố Mỹ trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu ở Hàn Quốc trong thập niên 1960 và 1970

Đăng ngày: 23-09-2022, 03:34

Bài viết phân tích quá trình Nhà nước Hàn Quốc nuôi dưỡng sự hình thành của tầng lớp trung lưu trong thập niên 1960 và 1970. Thông qua các chính sách công nghiệp hóa rút gọn, hỗ trợ nhà ở, thiết lập các hệ giá trị và quy tắc xã hội mới, nhà nước đã xây dựng tầng lớp trung lưu thành chủ thể phát triển mới. Trong thập niên 1960, giai tầng này thực hành lối sống chăm chỉ lao động, có kỷ luật và tiết kiệm. Sang thập niên 1970, khi của cải xã hội dồi dào, giới trung lưu được định hướng theo đuổi lối sống tiêu dùng, tiện nghi, hiện đại và có văn hóa. Giới trung lưu ra đời không chỉ là sản phẩm tất yếu của quá trình công nghiệp, hiện đại hóa mà còn là kết quả của những chủ trương chính trị, vừa góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vừa đảm bảo tính chính danh của nhà nước cầm quyền.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Quản lý theo năng lực: Kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc và đề xuất cho Việt Nam

Đăng ngày: 23-09-2022, 03:05

Quản lý theo năng lựclà phương pháp quản lý đặc biệt quan tâm đến năng lực thực thi công việc của nhân lực, được phát triển mạnh mẽ ở Mỹ và nhiều nước Tây Âu từ đầu những năm 1990, giúp các tổ chức chủ động hơn trong quản lý và phát triển năng lực của cá nhân. Quản lý theo năng lực tập trung vào việc xác định các năng lực cần thiết để đạt được hiệu quả thực thi công vụ và đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các năng lực đó trong lực lượng lao động. Quản lý theo năng lực nhằm phát triển kiến thức, kỹ năng, thái độ của tổ chức và các cá nhân thành viên trong tổ chức. Ở Việt Nam, mục tiêu nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ và đổi mới quản lý công chức gắn với cải cách hành chính đòi hỏi phải vận dụng quản lý công chức theo năng lực một cách khoa học và phù hợp. Bài viết này phân tích kinh nghiệm quản lý công chức theo năng lực ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trên cơ sở đó rút ra một số đề xuất cho Việt Nam.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Một số biểu hiện của yếu tố phân tâm học trong tiểu thuyết của Haruki Murakami

Đăng ngày: 6-09-2022, 07:28

Vận dụng những lý thuyết của phân tâm học trong việc giải mã tác phẩm văn học nghệ thuật là một hướng tiếp cận được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thể hiện trong các bài viết và công trình nghiên cứu. Trên cơ sở lý thuyết phân tâm học của S.Freud, chúng tôi tìm hiểu những biểu hiện của vô thức gắn với tình dục, giấc mơ, bản ngã - những khía cạnh của phân tâm học- trong một số tiểu thuyết của H. Murakami. Đây là một trong những vấn đề quan trọng góp phần tạo nên nét đặc sắc trong văn chương của ông.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Vai trò của các Nihonmachi đối với hoạt động thương mại giữa Nhật Bản với Thái Lan và Việt Nam trong thế kỷ XVII

Đăng ngày: 29-08-2022, 09:01

Từ năm 1592-1635, thông qua chính sách Châu ấn thuyền, các thuyền buôn của Nhật Bản đã thâm nhập mạnh mẽ đến các thương cảng Đông Nam Á, buôn bán và cạnh tranh quyết liệt với thương nhân Trung Quốc, cũng như thương nhân phương Tây. Do có kỹ năng buôn bán và tiềm lực kinh tế mạnh, các thương nhân Nhật Bản đã mau chóng xác lập được vị trí ở nhiều thương cảng Đông Nam Á, đặc biệt là ở Siam (Ayutthaya), Hội An (Faifo), Tonkin (Đàng Ngoài), Phnom Penh, Manila... Từ các thương cảng này, người Nhật đã thiết lập nên các Nihonmachi (phố Nhật) để sinh sống, buôn bán lâu dài ở các nước sở tại. Bài viết này làm rõ quá trình hình thành, phát triển của các Nihonmachi tại hai quốc gia điển hình bao gồmViệt Nam, Thái Lan giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những đánh giá về vai trò quan trọng của các Nihonmachi đối với hoạt động giao thương thời trung đại và sức ảnh hưởng, lan tỏa của giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân cư ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Chương mới trong nền chính trị Nhật Bản

Đăng ngày: 29-08-2022, 08:51

Tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Abe Shinzo tuyên bố từ chức vì lý do sức khỏe, kết thúc giai đoạn cầm quyền dài nhất trong lịch sử Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do và trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản. Tân Thủ tướng Suga sẽ kế thừa và phát huy những chính sách của người tiền nhiệm, cũng như đối mặt với những thách thức đang tồn tại. Bài viết phân tích và nhận định tình hình chính trị Nhật Bản năm 2020 và triển vọng tới đây.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Liên minh Anh - Nhật Bản và tranh chấp quyền lực ở Đông Á đầu thế kỷ XX

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:57

Bài viết nhằm cung cấp những thông tin cơ bản nhất về việc hình thành liên minh Anh -Nhật Bản đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn chung về quan hệ quốc tế ở Đông Á trong quá trình cạnh tranh thuộc địa. Nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của liên minh Anh – Nhật là sự cạnh tranh quyền lực ở Đông Á, trong đó kẻ thù chung của hai nước là Nga. Đây là liên minh đầu tiên giữa một cường quốc châu Âu và một cường quốc châu Á vì mục đích cạnh tranh ảnh hưởng đế quốc. Nhờ có liên minh này, Nhật Bản đã có được sự hỗ trợ lớn từ Anh về cả chính trị, quân sự và kinh tế, từng bước chuyển từ một quốc gia mới nổi sau cải cách thành một cường quốc khu vực và hơn nữa được công nhận là một đế quốc quốc tế. Ngược lại, Anh cũng bảo đảm được vị thế và tầm ảnh hưởng tại Đông Á sau khi liên minh với Nhật. Mối liên minh trên do đó đã tạo ra những thay đổi lớn trong tương quan lực lượng ở Đông Á trước Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng của Hàn Quốc và hàm ý cho Việt Nam

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:37

Những năm qua, Chính phủ kiến tạo đã tạo nên những chuyển biến rất mạnh mẽ trong điều hành và đạt được kết quả ấn tượng trên nhiều mặt, đặc biệt có được sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đúng như nhận xét của đại diện Ngân hàng Thế giới rằng: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”. Tuy vậy, những hạn chế về cán bộ, chính sách cán bộ và bộ máy hành chính khiến cho sự vận hành của Chính phủ kiến tạo chưa được trơn tru, thông suốt và bởi vậy, "mặt trời tỏa nắng nhưng không đồng đều". Trên tinh thần tìm kiếm bài học cho Việt Nam, bài viết phân tích các chính sách nổi bật của Hàn Quốc trong phát triển đội ngũ công chức tài năng, từ đó rút ra một số gợi mở cho Việt Nam trong việc thiết kế chính sách phát triển đội ngũ công chức tài năng làm nòng cốt để vận hành hiệu quả bộ máy hành chính thúc đẩy Chính phủ kiến tạo tạo nên “Kỳ tích sông Hồng”, hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030, trở thành nước phát triển vào năm 2045.

Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tổ chức xã hội ở Hàn Quốc và mối quan hệ với nhà nước

Đăng ngày: 28-08-2022, 08:32

Sự phát triển của tổ chức xã hội ở Hàn Quốc có mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình dân chủ hóa chính trị và phát triển kinh tế - xã hội ở nước này. Nếu trước những năm 1980, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc chưa thật sự phát triển, thì thập niên 1980 đến nay, tổ chức xã hội ở Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia. Xu thế chủ yếu trong mối quan hệ giữa tổ chức xã hội với Nhà nước ở Hàn Quốc là chuyển từ mối quan hệ mang tính đối kháng trong thời kỳ trước thập niên 1980 sang quan hệ hợp tác từ sau thập niên 1980 đến nay. Bài viết này khái lược quá trình phát triển của tổ chức xã hội cũng như phân tích mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và Nhà nước ở Hàn Quốc từ năm 1987 đến nay.