Trang chủ

Đối ngoại Trung Quốc năm 2020: nhiều thách thức và trở ngại

Đăng ngày: 26-09-2022, 07:26 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 2

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 và sự lây lan phức tạp của nó đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng gây ảnh hưởng trực tiếp tới đối ngoại Trung Quốc năm 2020. Các cách tiếp cận của đối ngoại nước này đã có những biến đổi linh hoạt nhằm bảo vệ hình ảnh nước lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ với các quốc gia khác không có sự cải thiện đã tạo ra khó khăn cho ngoại giao Trung Quốc. Bước sang năm 2021, một trong những năm quan trọng của quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa, liệu Trung Quốc có thể cải thiện được hình ảnh trên trường quốc tế? Bài viết đi vào phân tích những nét chính trong đối ngoại Trung Quốc năm 2020 và đưa ra xu hướng thời gian tới.

Từ khóa: đối ngoại, Trung Quốc, chiến lược ngoại giao

 

N

ăm 2020 mở đầu bằng đại dịch Covid-19 tại thành phố Vũ Hán - Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn thế giới, trở thành một[1]trong những đại dịch gây ra những ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế vàchính trị toàn cầu. Đối ngoại Trung Quốc vì thế cũng đứng trước những khó khăn và thách thức, khi nhận nhiều chỉ trích về nguồn gốc đại dịch cũng như sự thiếu minh bạch trong quá trình công bố. Điều này khiến Trung Quốc liên tục điều chỉnh các chiến lược ngoại giao của mình như một sự thích ứng với những biến chuyển của cục diện thế giới và tình hình trong nước.

1. Những nét chính của đối ngoại Trung Quốc năm 2020

Trong một bối cảnh nhiều khó khăn, vừa chịu những tác động từ đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội, vừa nhận sự phản ứng tiêu cực của dư luận quốc tế, đối ngoại Trung Quốc năm 2020 có thể được nhìn nhận ở một số điểm sau:

1.1. Trung Quốc đưa ra nhiều chiến lược ngoại giao mới nhưng không có hiệu quả tích cực

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, Trung Quốc những tháng đầu năm 2020 rơi vào thế bịcô lập trên trường quốc tế. Dịch Covid-19 đã thổi bùng lên những mối quan ngại ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát. Trong giai đoạn này, các nhà quan sát đã chỉ trích Tổ chứcY tế thế giới(WHO) vì sự chậm trễ trong việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng - một quyết định mà một số nhà ngoại giao cho rằng là do sức ép từ phía Bắc Kinh. Từ những tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “ngoại giao khẩu trang” nhằm chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế sang việc hỗ trợ các quốc gia khác thông qua việc cung cấp vật tư y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật. Theo phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ cho hơn 150 quốc gia và chín tổ chức quốc tế và cử 36 đội y tế đến 34 quốc gia có nhu cầu nhằm chống lại dịch Covid-19. Trung Quốc cũng đã cung cấp cho các quốc gia trên thế giới hơn 200 tỷ khẩu trang, 2 tỷ bộ quần áo bảo hộ và 800 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm[2]. Với một chiến lược có quy mô lớn như vậy, Trung Quốc hy vọng sẽ gây dựng được thiện chí với các nước nhận hỗ trợ và thu hút được sự chú ý tích cực từ truyền thông quốc tế. Tuy vậy, ngoại giao y tế của Trung Quốc lại không có được thành công như mong đợi. Cách tuyên truyền của Trung Quốc bị học giả quốc tế đánh giá là “vụng về, dối trá và có phần ngạo mạn” và khiến nước này rơi vào thế cục bao vây mới khi nhiều nước từ Mỹ cho đến Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều lần lượt “quay lưng” với Trung Quốc. Tiêu biểu như Mỹ muốn xây dựng một chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc, EU tìm cách giảm lệ thuộc thương mại vào Trung Quốc; Nhật Bản, Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Trong bối cảnh ấy, “ngoại giao chiến lang” lại được Trung Quốc áp dụng nhằm phản ứng với sự quay lưng và chỉ trích của quốc tế. Trên thực tế, chiến lược ngoại giao này đã được Trung Quốc sử dụng từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, khi hình ảnh của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch bùng phát, chiến lược này lại càng được sử dụng tích cực hơn. Một thế hệ ngoại giao trẻ của Trung Quốc nổi lên nhờ thái độ không kiêng dè, hoặc thậm chí hơi hung hăng, trong các phát ngôn bảo vệ hình ảnh Trung Quốc. Đó là những nhà ngoại giao, những người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục đăng tải trên Twitter và Facebook - hai mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc - để bảo vệ hình ảnh của nước này và phản bác các ý kiến của phương Tây nhằm vào Trung Quốc liên quan dịch bệnh Covid-19. “Tinh thần chiến đấu” của Bắc Kinh đã thổi bùng lên một lối diễn giải mang tính dân tộc rằng “đã đến lúc Trung Quốc đứng dậy đương đầu với sự thù địch từ phương Tây”.

Một ví dụ cụ thể cho thấy, đại sứ Trung Quốc tại Canada - Tùng Bồi Vũ đã đưa ra những tuyên bố được coi là mang tính đe dọa tới chính quyền của Thủ tướng Trudeau. Đại sứ Trung Quốc đã cáo buộc Canada khuyến khích “tội phạm bạo lực” bằng cách cấp quyền tị nạn cho người biểu tình ở đặc khu Hong Kong và đe dọa rằng “sức khỏe và an toàn” của người Canada ở Hong Kong có thể gặp rủi ro nếu Ottawa không ủng hộ những nỗ lực chống tội phạm bạo lực của Bắc Kinh[3]. Trái ngược với những mong muốn có được của Trung Quốc khi sử dụng ngoại giao chiến lang, nước này nhận thêm những làn sóng phản đối đến từ Canada. Chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã công khai đáp trả cứng rắn về bình luận của đại sứ Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc sử dụng “ngoại giao cưỡng ép” và khẳng định Canada sẽ lên tiếng bảo vệ nhân quyền, trong đó có “tình hình đáng lo ngại” ở Hong Kong. Dư luận Canada cũng chỉ trích mạnh mẽ những tuyên bố của đại sứ Trung Quốc và ngày càng có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc. Con số khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew đưa ra tại 14 quốc gia - chủ yếu là các quốc gia phương Tây cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc - đã chỉ ra những quan điểm không thuận lợi về Trung Quốc, với nhận thức tiêu cực đạt mức cao kỷ lục ở 9 quốc gia trong số đó. Mỹ cũng đã đạt được tiến bộ trong việc tăng cường các diễn đàn nhằm đẩy lùi Trung Quốc, bao gồm nhóm G7; nhóm Quad và liên minh tình báo Five Eyes[4].

Một chiến lược ngoại giao khác là “ngoại giao vaccine” cũng được Trung Quốc đưa ra để thể hiện vai trò và trách nhiệm của một “cường quốc hào phóng”. Nước này đã chính thức tuyên bố về việc sẽ cung cấp quyền tiếp cận ưu tiên cho các nước đối với loại vaccine mà họ đang phát triển. Trung Quốc cũng tuyên bố cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quốc tế trong vòng hai năm để hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế và xã hội ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển[5]. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ chính phủ, các công ty dược phẩm của Trung Quốc đã chuẩn bị công suất sản xuất hàng năm từ 100 đến 200 triệu liều vaccine Covid-19[6]. Nước này coi đây là công cụ để thực hiện các hoạt động mang tính chất ngoại giao có tính toán, là động lực quan trọng góp phần gia tăng vị thế quốc tế của Trung Quốc. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng ngoại giao vaccine dễ dàng làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn chất lượng cũng như khả năng quốc gia này sẽ sử dụng vaccine như một công cụ làm gia tăng ảnh hưởng, ràng buộc các quốc gia yếu thế và đặc biệt là tạo ra những sức mạnh kiềm chế mới trong quá trình giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp trong các mối quan hệ quốc tế.

1.2. Quan hệ với Mỹ chạm mức xấu nhất từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ

2020 đánh dấu một năm chứng kiến mối quan hệ giữa hai cường quốc đạt mức xấu nhất trong nhiều thập kỉ. Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp lớn nhất đẩy quan hệ Trung- Mỹ đi vào những căng thẳng chồng chất và trở thành cuộc đối đầu trên nhiều mặt trận.

Thứ nhất, cuộc chiến thương mại giữa hai nước không có chuyển biến tích cực. Những nỗ lực cho việc ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ tháng 1 tưởng chừng sẽ làm giảm nhiệt căng thẳng giữa hai nước, đã không thể phát huy tác dụng bởi sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trọng tâm của thỏa thuận là Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến năng lực sản xuất và xuất khẩu của Mỹ bị ngưng trệ, cam kết của Trung Quốc cũng chưa thể thực hiện.

Thứ hai, cuộc chiến công nghệ ngày càng trở nên gay gắt. Với kế hoạch tham vọng “Made in China 2025”, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng tốc đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, mạng 5G, vi xử lý và robot. Điều này đã khiến Mỹ buộc phải đưa ra các hành động ngăn chặn bao gồm cáo buộc đánh cắp công nghệ, cấm vận doanh nghiệp…Đầu tháng 5/2020, Tổng thống Donald Trump đã gia hạn lệnh cấm các công ty Mỹ làm việc hoặc mua thiết bị viễn thông từ các công ty được coi là rủi ro an ninh quốc gia cho đến tháng 5/2021[7]. Tháng 8/2020, Mỹ đã cấm công dân và doanh nghiệp Mỹ sau ngày 20/9 tiến hành các hoạt động giao dịch với 2 công ty của Trung Quốc là ByteDance và Tencent. Chương trình “Mạng lưới sạch” được giới chức Mỹ đẩy mạnh nhằm loại bỏ doanh nghiệp kỹ thuật số và khoa học công nghệ của Trung Quốc ra khỏi hệ thống toàn cầu. Thực chất, thiệt hại trực tiếp Mỹ gây cho các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc là không quá lớn. Thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 2% nguồn thu của Tencent[8]. Tuy nhiên, sức ép về tâm lý đối với các doanh nghiệp này là vô cùng lớn, bởi khi các nước phương Tây và Ấn Độ cùng liên kết tẩy chay công nghệ của doanh nghiệp Trung Quốc thì sẽ tạo ra khó khăn lớn hơn.

Thứ ba, cuộc chiến ngoại giao diễn ra khá mạnh mẽ và cứng rắn. Năm 2020 nổi bật với sự cứng rắn của hai nước trên mặt trận ngoại giao. Hành động yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã mở đầu cho một chuỗi các động thái đáp trả lẫn nhau của cả hai nước. Tồn tại rất nhiều những nghi vấn về lí do thực chất cho việc thực hiện các hành động cứng rắn này của hai nước. Đối với Mỹ, đó có thể là áp lực để Trung Quốc cho phép mở lãnh sự quán tại Tây Tạng, cũng có thể là áp lực khi Trung Quốc không tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ngoại giao Mỹ quay lại Trung Quốc sau khi ổn định dịch Covid-19. Còn đối với Trung Quốc, đây là sự đáp trả thể hiện “sự tự tin” của Trung Quốc trước Mỹ.

Thứ tư, cuộc chiến truyền thông diễn ra gay gắt. Trên thực tế, căng thẳng liên quan đến vấn đề này bắt đầu từ tháng 2/2020 khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 5 cơ quan thông tấn, báo chí của Trung Quốc vào danh mục “các phái bộ nước ngoài”, đồng thời yêu cầu 5 cơ quan này giảm số lượng phóng viên thường trú tại Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người. Đến đầu tháng 5, Mỹ tiếp tục ban hành quy định mới nhằm thắt chặt điều kiện cấp thị thực đối với các nhà báo Trung Quốc. Trung Quốc cũng tuyên bố từ ngày 18/3 trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, đồng thời yêu cầu kê khai thông tin về nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc[9]. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tiến hành các biện pháp đối đẳng đối với các phóng viên Mỹ trong các vấn đề thủ tục xin visa, thủ tục hành chính, hoạt động tác nghiệp… Những hành động của cả hai nước trong lĩnh vực truyền thông càng làm rộng hơn khoảng cách cũng như mâu thuẫn giữa hai nước.

Thứ năm, vấn đề Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong trở nên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung. Năm 2020 có thể là năm chứng kiến sự quyết liệt của Mỹ trong vấn đề Biển Đông với các động thái như: đệ trình công thư lên Liên Hợp Quốc bác yêu sách của Trung Quốc, ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trên thực địa, Mỹ cũng triển khai các cuộc tập trận cũng như tuần tra tự do hàng hải thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký duyệt thông qua luật Sáng kiến bảo vệ và tăng cường quốc tế đồng minh Đài Loan (TAIPEI Act), nhằm hỗ trợ sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế[10]. Hai chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ tới Đài Loan cũng là thông điệp rõ ràng của Mỹ đối với Bắc Kinh, khẳng định nước này sẵn sàng gây sức ép đối với Trung Quốc, thông qua vấn đề Đài Loan. Về phản ứng của Trung Quốc, nước này đã tiến hành các cuộc tập trận ngay gần eo biển Đài Loan, như một sự nhắc nhở về lằn ranh đỏ của Trung Quốc.

Đối với vấn đề Hong Kong, sau kì họp Lưỡng hội của Trung Quốc, nước này đã chính thức thông qua Luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong, trong đó cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc âm mưu với các thế lực bên ngoài can thiệp vào Hong Kong và đặc biệt cấm các hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia[11]. Việc thông qua Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đã tạo ra một loạt các hiệu ứng đối với mối quan hệ Trung – Mỹ. Phản ứng thực tế nhất của Mỹ là đưa ra các điều chỉnh chính sách để bắt đầu đối xử với Hong Kong giống như bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Luật an ninh quốc gia và tiếp tục thực hiện chỉ thị của Tổng thống Trump để kết thúc các quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong, trong đó có việc ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự và hạn chế việc tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao đối với đặc khu hành chính này của Trung Quốc[12]. Ở cấp độ rộng hơn, việc Bắc Kinh siết chặt kiểm soát Hong Kong sẽ làm sắc nét hơn các khía cạnh tư tưởng của cạnh tranh Mỹ-Trung. Ngày 14/7/2020, Tổng thống Donald Trump đã thông báo chấm dứt những ưu tiên thương mại cho Hong Kong và ký một dự luật cho phép tiến hành các lệnh trừng phạt nhằm vào đặc khu hành chính này của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cũng đã ký sắc lệnh hành pháp, trong đó điều khoản 4 nhấn mạnh việc phong tỏa tài sản tại Mỹ của những người bị cáo buộc làm suy yếu các thể chế dân chủ ở Hong Kong sau khi Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đặc khu này[13]. Có thể thấy, năm 2020 đã chứng kiến cuộc đối đầu trải rộng trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc và dẫn tới những rạn nứt ngày càng sâu sắc trong quan hệ Mỹ - Trung. Nó thực sự phản ánh bản chất khốc liệt của cuộc cạnh tranh chiến lược toàn cầu chưa có kết quả giữa hai cường quốc.

1.3. Quan hệ giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ không có sự phát triển

Năm 2020 đánh dấu sự tiếp tục đi xuống trong quan hệ Trung – Mỹ, cùng với đó là sự đi xuống của quan hệ Trung Quốc – EU, Trung Quốc – Australia, Trung Quốc – Canada… Trong quan hệ với EU, Trung Quốc cũng rơi vào “thế khó” khi EU đã chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ hệ thống” và “đối thủ cạnh tranh kinh tế”, đồng thời có thái độ cứng rắn đối với Bắc Kinh. Thực tế, quan hệ Trung Quốc – EU hiện nay tồn tại 5 vấn đề lớn, bao gồm: công nghệ 5G, đầu tư, Covid-19, vấn đề Hong Kong và thực tế về một EU đang bị chia rẽ. Việc Trung Quốc hạn chế tiếp cận thị trường đối với các công ty nước ngoài, đối xử ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước đã khiến các nước EU như Đức và Pháp chủ động ưu tiên phát triển doanh nghiệpcủa mình. Những nghi ngờ về việc sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia đã khiến EU công bố một chiến lược khuyến nghị các quốc gia thành viên trong việc ngăn chặn Bắc Kinh thống trị các thị trường 5G và khai thác các lỗ hổng bảo mật. Mỗi vấn đề này đều mang đến một thách thức cho quá trình cải thiện quan hệ Trung Quốc – EU. Chuyến công du của Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 nước châu Âu vào tháng 8 được coi là một trong những nỗ lực không để EU phải lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề Trung – Mỹ, đồng thời không tham gia một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới nhằm cô lập Trung Quốc. Trái với kỳ vọng về kết quả mong muốn, Trung Quốc đã không nhận được những hồi đáp tích cực từ EU trong chuyến công du lần này. Sự tiếp đón “lạnh nhạt” của lãnh đạo EU đối với ngoại trưởng Vương Nghị được thể hiện qua việc không có cuộc gặp mặt nào giữa Vương Nghị và Thủ tướng Đức. Ngoài ra, triển vọng cho các công ty Trung Quốc tham gia vào thị trường 5G của các nước EU chủ chốt cũng không có nhiều điểm sáng, mặc dù các quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Bên cạnh đó, các thành viên EU hiện nay cũng sẵn sàng chỉ trích các động thái gây tranh cãi của Bắc Kinh như vấn đề Tân Cương, Hong Kong… Điểm đáng chú ý là Trung Quốc tiếp tục sử dụng “ngoại giao chiến lang” trong các phát ngôn của mình lần này. Ngoại trưởng Vương Nghị đã công kích Chủ tịch Thượng viện Séc “sẽ phải trả giá đắt vì hành vi thiển cận của mình” sau chuyến thăm của nhân vật này tới Đài Loan một tuần trước đó, đồng thời “đe dọa” Na Uy nếu nước này trao giải Nobel hòa bình cho các nhà hoạt động nhân quyền của Trung Quốc[14]. Cách tiếp cận này đã nhận lại sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà ngoại giao EU, làm xấu hơn hình ảnh của Trung Quốc.

Năm 2020 cũng là thời điểm chứng kiến một loạt diễn biến gây leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Australia. Chính sách ngoại giao “chiến lang” cùng quyết định của Bắc Kinh trong việc áp đặt các hạn chế đối với hàng hóa xuất khẩu của Úc trị giá 15,2 tỷ USD đã khiến chính quyền Thủ tướng Scott Morrison và Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc -Australia (ACBC) bác bỏ mọi sự thỏa hiệp trong đàm phán, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác chống lại sự “cưỡng ép” về kinh tế từ phía Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc luôn khẳng định Australia cần thực hiện những hành động cụ thể để cải thiện quan hệ giữa hai nước, sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch Covid-19, ban hành lệnh cấm Huawei, cho đăng tải các bản tin truyền thông “đối kháng” về Trung Quốc - loạt động thái mà Trung Quốc cho rằng đã làm xấu đi quan hệ hai nước.

Đặc biệt, việc thông qua Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc tại Hong Kong đã tạo ra tác động tiêu cực đối với hình ảnh của nước này. Thực chất, trước khi Luật an ninh được thông qua, một nhóm gồm 27 quốc gia trong đó có Australia, Pháp, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đức, Nhật Bản và Anh, đã cùng ra một tuyên bố chung. Tuyên bố này nhấn mạnh Luật an ninh mới tạo ra những tác động rõ ràng đối với các quyền con người ở Hong Kong, và lên án động thái này của Trung Quốc. EU thậm chí đã cấm xuất khẩu sang Hong Kong những thiết bị, linh kiện và công nghệ mà EU lo ngại  phía Trung Quốc có thể sử dụng để giám sát nhằm thực thi Luật an ninh mới ở Hong Kong, đồng thời kêu gọi các biện pháp ở cả cấp quốc gia và EU để hạn chế thương mại, xem xét các quy tắc dẫn độ và tạm dừng bất kỳ cuộc đàm phán mới nào với đặc khu này[15]. Đối với Anh, quốc gia này cũng đã chính thức đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong nhằm phản ứng với Luật an ninh mới, đồng thời mở rộng tới Hong Kong lệnh cấm vận vũ khí, vốn đã được đưa ra đối với Trung Quốc từ năm 1989[16]. Quyết định này được thực thi trước chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Anh. Có thể thấy, Trung Quốc đã nhận nhiều những phản ứng tiêu cực đến từ các nước trên thế giới. Điều này làm tăng hình ảnh về một Trung Quốc đang ngày càng trở nên “độc đoán” với những quyết định bất chấp dư luận quốc tế.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, ngoại giao Trung Quốc cũng ghi nhận những điểm sáng như sự thắt chặt quan hệ trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải(SCO) và nổi bật hơn cả là chiến thắng của Trung Quốc trong việc hình thành.Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP ký kết sau 8 năm đàm phán được coi là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt.  Sự hình thành RCEP củng cố sự phụ thuộc giữa các quốc gia về kinh tế. Trung Quốc vì thế cũng sẽ tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để gây ảnh hưởng đối với các quy định và tiêu chuẩn đặt ra trong khối. Đồng thời với chiến thắng này, Trung Quốc cũng có thể sẽ tận dụng thời cơ của mình để đạt được những thỏa thuận thương mại lớn hơn như Hiệpđịnh Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nó sẽ giúp Trung Quốc có thể lấp đầy những khoảng trống mà Mỹ để lại.  Với 30% thương mại toàn cầu và một thị trường gồm 2,3 tỷ người, RCEP được coi là chiến thắng vô cùng lớn của Trung Quốc cả trong kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Quốc gia này nhiều khả năng sử dụng ảnh hưởng kinh tế thông qua những hợp tác đa phương như RCEP để đưa các nước thành viên đi vào quỹ đạo của mình.

2. Xu hướng đối ngoại Trung Quốc thời gian tới

Năm 2021 là năm đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và khởi động Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Đây được đánh giá là năm quan trọng để quốc gia này đưa ra những định hướng cụ thể hơn cho quá trình thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Đối ngoại Trung Quốc trong năm này tiếp tục được thực hiện dựa trên 3 trụ cột: ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc, quan hệ quốc tế kiểu mới và cộng đồng chung vận mệnh. Với con số tăng trưởng dương của nền kinh tế Trung Quốc năm 2020, quốc gia này có đủ tự tin để thực hiện tiếp tục chiến lược “ngoại giao y tế” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có sự thuyên giảm. Điều này cũng mở ra cơ hội cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trước dư luận quốc tế nếu Trung Quốc thực hiện với một thái độ chân thành và thân thiện hơn.

Nhìn một cách tổng thể, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, một đường lối đối ngoại quyết đoán, mạnh mẽ, đồng thời vô cùng cứng rắn trước những cái mà Trung Quốc gọi là “lợi ích cốt lõi” vẫn sẽ là xu hướng chung của ngoại giao Trung Quốc thời gian tới. Cũng cần nhận thức rằng, quan hệ Trung – Mỹ vẫn sẽ là xương sống định hướng cho ngoại giao Trung Quốc. Thực tế, đã có một sự thay đổi lớn trong thái độ của người Mỹ đối với Trung Quốc trong vài năm qua. Tỷ lệ người Mỹ có cái nhìn không tích cực về Trung Quốc là 12% vào khoảng năm 2012, 47% vào năm 2017 và 66% vào năm 2020[17]. Đặc biệt, chính sách cứng rắn với Trung Quốc có được sự thống nhất giữa hai đảng, cũng như trong Quốc hội của Mỹ. Quan hệ Mỹ - Trung giai đoạn tới vẫn sẽ là sự cạnh tranh sâu sắc. Chính sách Trung Quốc của Mỹ dưới thời chính quyền Biden sẽ trở lại bài bản hơn, có nhiều khả năng sẽ khởi động lại các cuộc đối thoại chiến lược cấp cao ngoài các lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ví dụ, trong lĩnh vực nhân văn, giao lưu nhân dân và văn hóa với Trung Quốc sẽ được khôi phục ở một mức độ nào đó, và các hành vi như đóng cửa lãnh sự và từ chối cấp thị thực cho sinh viên và nhà báo nước ngoài sẽ bị giảm bớt. Về mặt quản trị toàn cầu, Mỹ có thể sẽ bắt tay đối với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu và Covid-19. Hai bên có thể có thêm dư địa hợp tác. Cách tiếp cận này xuất phát từ triết lý ngoại giao của Đảng Dân chủ khi chú trọng nhiều hơn tới chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu. Cách tiếp cận này có thể tạo ra sự “thoải mái” trong quan hệ Mỹ - Trung thời gian đầu, nhưng sẽ là khó khăn đối với Trung Quốc ở giai đoạn sau. Lý do là bởi đằng sau chủ nghĩa đa phương của ông Biden là chống lại Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, quốc gia này sẽ cố gắng ổn định lại mối quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, mở rộng nhiều hợp tác hơn và đưa ra các lộ trình đàm phán cần thiết. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ không có những nhượng bộ trong các vấn đề mà nước này coi là “lằn ranh đỏ”.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục tận dụng những thuận lợi trong quan hệ với Nga, tăng cường phối hợp chiến lược song phương nhằm tạo ra một lực lượng mạnh mẽ hơn để có thể phá vỡ thế bao vây của Mỹ và phương Tây cũng như duy trì và mở rộng ảnh hưởng ở cấp độ toàn cầu. Trung Quốc cũng sẽ tận dụng những lĩnh vực hợp tác tiềm năng với EU như kinh tế số, phát triển xanh, biến đổi khí hậu nhằm cải thiện quan hệ với EU. Trong quan hệ đa phương với các tổ chức, SCO, RCEP, Hội nghị hợp tác Lan Thương- Mekong (LMC) hay sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) sẽ trở thành những công cụ đắc lực của Trung Quốc để thúc đẩy sự ổn định, hợp tác, cũng như ảnh hưởng của quốc gia này trong trật tự khu vực.

Trong vấn đề quản trị toàn cầu, năm 2021 đánh dấu 50 năm Trung Quốc khôi phục lại vị trí tại Liên Hợp Quốc và 20 năm gia nhập WTO. Do vậy, Trung Quốc sẽ tích cực thể hiện tiếng nói và vai trò của mình nhiều hơn nữa trong các vấn đề quốc tế, tham gia mạnh mẽ hơn vào các vấn đề quản trị toàn cầu. Nước này sẽ nỗ lực phát huy vị trí của mình tại Liên Hợp Quốc cũng như tham gia vào việc xây dựng các quy tắc cho quá trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu. Nhìn chung, dấu ấn Trung Quốc sẽ được quốc gia này thể hiện nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế. Đối với quá trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh, Trung Quốc sẽ nỗ lực tạo ảnh hưởng nhằm đưa các quốc gia vào vòng đồng thuận Bắc Kinh, xuất phát trước tiên từ những nước nhỏ, đang phát triển và cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc về kinh tế dẫn đến ràng buộc về chính trị vẫn sẽ là phương thức được Trung Quốc sử dụng tích cực.

Có thể thấy, năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với ngoại giao Trung Quốc khi nước này liên tục nhận những phản ứng không tích cực trước những chiến lược ngoại giao của mình. Các mối quan hệ được coi là chủ chốt của Trung Quốc đều đang gặp khó khăn. Mặc dù vậy, cách tiếp cận của ngoại giao Trung Quốc trong năm này lại làm dấy lên cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc yêu nước” của người dân Trung Quốc. Những người phát ngôn trở thành nổi tiếng với các tuyên bố bảo vệ hình ảnh Trung Quốc của mình. Những lời phản bác gay gắt trong chiến lược ngoại giao chiến lang đã tạo ra sức hút lớn với người dân trong nước. Bên cạnh đó, với mức tăng trưởng dương của nền kinh tế trong năm 2020 và khả năng đối phó với dịch bệnh trong bối cảnh Mỹ và phương Tây vẫn phải vật lộn với sự lây lan của Covid-19, Trung Quốc hoàn toàn có sự tự tin về một “hình ảnh nước lớn có trách nhiệm” trong việc giải quyết đại dịch trong thời gian tới. Ngoại giao Trung Quốc vì thế cũng có thêm những cơ sở để cải thiện vị thế của mình./.

 

Trần Thị Hải Yến1

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bloomberg (2020), “Why China’s Diplomats Snarl at ‘Wolf Warrior’ Label”, https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-12-09/why-china-s-diplomats-snarl-at-wolf-warrior-label-quicktake.
  2. Giorgio Leali (2020), “EU to limit export of ‘sensitive’ tech in response to Hong Kong security law”, Politico, https://www.politico. com/news/2020/07/28/eu-to-limit-export-of-sensitive-tech-in-response-to-hong-kong-security-law-384978.
  3. Ian Young (2020), “China unleashed ‘wolf warrior’ diplomacy on Canada. It may have backfired”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3106359/china-unleashed-some-wolf-warrior-diplomacy-canada-it-may-have.
  4. Juan Zhang, Shannon Tiezzi (2020), “Harry Harding on the Rapidly Changing US-China Relationship”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2020/10/harry-harding-on-the-rapidly-changing-us-china-relationship/.
  5. Ministry of Foreign Affairs (2020), “Serving the Country and Contributing to the World: China's Diplomacy in a Time of Unprecedented Global Changes and a Once-in-a-Century Pandemic”, https://www.fmprc.gov. cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1839532. shtml.
  6. Nikki Sun, CK Tan (2020), “China approves Hong Kong national security law in face of US warning”, Nikkei Asian Review, https://asia.nikkei.com/Politics/China-People-s-Congress/China-approves-Hong-Kong-national-security-law-in-face-of-US-warning.
  7. Noriyuki Takada (2020), “China's lead in coronavirus vaccines raises concern as well as hope”, Nikkei Asian Review, https://asia.nikkei. com/Spotlight/Coronavirus/China-s-lead-in-coronavirus-vaccines-raises-concern-as-well-as-hope.
  8. Patrick Wintour (2020), “European tour tests Chinese foreign minister's pulling power”, The Guardian, https://www.theguardian. com/world/2020/sep/02/european-tour-tests-chinese-foreign-ministers-pulling-power.
  9. Raymond Zhong (2020), “China Announces New Retaliation Against U.S. News Outlets”, New York Times, https://www.ny times.com/2020/07/01/business/media/china-journalists-crackdown.html.
  10. Reuters (2020), “Trump extends U.S. telecom supply chain order aimed at Huawei, ZTE”, https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-trump/trump-extends-order-on-u-s-telecom-supply-chain-security-until-2021-idUSKBN22P2KG.
  11. The New York Time (2020), “U.K. Suspends Extradition Treaty With Hong Kong Over Security Law”, https://www.nytimes. com/2020/07/20/world/asia/extradition-treaty-hong-kong.html.
  12. The Telegraph (2020), “Mike Pompeo slams China's 'Orwellian' censorship moves in HongKong”, https://www.telegraph.co.uk/ne ws/2020/07/07/mike-pompeo-slams-chinas-orwellian-censorship-moves-hong-kong/.
  13. The White House (2020), “The President’s Executive Order on Hong Kong Normalization”, https://www.whitehouse.gov/ presidential-actions/presidents-executive-order-hong-kong-normalization/.
  14. Yicai Global (2020), “Tencent Says US Provided Less Than 2% of Revenue Before Trump’s WeChat Ban”, https://www.yicai global.com/news/tencent-us-revenue-is-less-than-2-of-its-total-it-says.
  15. 新华网(2020),习近平在第73届世界卫生大会视频会议开幕式上的致辞(全文)(Mạng Tân Hoa (2020), Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại lễ khai mạc hội nghị truyền hình Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 (toàn văn)), http://www.xinhuanet.com/2020-05/18/c_ 1126001593.htm.


Chinese Diplomacy in 2020: Challenges and Obstacles

Tran Thi Hai Yen

The Covid-19 has become one of the most important causes directly affecting Chinese diplomacy in 2020. The approaches of its foreign policy have also changed in this year in order to protect China's “big country image”. However, its relations with major countries have not been well developed, creating difficulties for Chinese diplomacy. In an important year of the Chinese national revival - 2021, can China improve its international image? The paper analyzes the main features of Chinese diplomacy in 2020 and gives its trends in 2021.

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Ministry of Foreign Affairs (2020), “Serving the Country and Contributing to the World: China's Diplomacy in a Time of Unprecedented Global Changes and a Once-in-a-Century Pandemic”,https://www.fmprc.gov.cn/mfa_ eng/zxxx_ 662805/t1839532.shtml.

[3] Ian Young (2020), “China unleashed ‘wolf warrior’ diplomacy on Canada. It may have backfired”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/ news/china/diplomacy/article/3106359/china-unleashed-some-wolf-warrior-diplomacy-canada-it-may-have.

[4] Bloomberg (2020), Why China’s Diplomats Snarl at ‘Wolf Warrior’ Label, https://www.bloomberg.com/ news/articles/2020-12-09/why-china-s-diplomats-snarl-at-wolf-warrior-label-quicktake.

[5]新华网(2020),习近平在第73届世界卫生大会视频会议开幕式上的致辞(全文)(Mạng Tân Hoa (2020), Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại lễ khai mạc hội nghị truyền hình Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 (toàn văn)),http://www.xinhuanet.com/2020-05/18/c_ 1126001593.htm.

[6] Noriyuki Takada (2020), “China's lead in coronavirus vaccines raises concern as well as hope”, Nikkei Asian Review,https://asia.nikkei.com/Spotlight/Coronavirus/ China-s-lead-in-coronavirus-vaccines-raises-concern-as-well-as-hope.

[7] Reuters (2020), “Trump extends U.S. telecom supply chain order aimed at Huawei, ZTE”,https://www. reuters.com/article/us-usa-trade-china-trump/trump-extends-order-on-u-s-telecom-supply-chain-security-until-2021-idUSKBN22P2KG.

[8] Yicai Global (2020), “Tencent Says US Provided Less Than 2% of Revenue Before Trump’s WeChat Ban”, https://www.yicaiglobal.com/news/tencent-us-revenue-is-less-than-2-of-its-total-it-says.

[9] Raymond Zhong (2020), “China Announces New Retaliation Against U.S. News Outlets”, New York Times, https://www.nytimes.com/2020/07/01/business/media/china-journalists-crackdown.html.

[10] Mercy A.Kuo (2020), “rump and the TAIPEI Act”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2020/04/trump-and-the-taipei-act/.

[11] Nikki Sun, CK Tan (2020), “China approves Hong Kong national security law in face of US warning”, Nikkei Asian Review, https://asia.nikkei.com/Politics/China-People-s-Congress/China-approves-Hong-Kong-national-security-law-in-face-of-US-warning.

[12] The Telegraph (2020), Mike Pompeo slams China's 'Orwellian' censorship moves in Hong Kong, https://www.telegraph.co.uk/news/2020/07/07/mike-pompeo-slams-chinas-orwellian-censorship-moves-hong-kong/.

[13] The White House (2020), “The President’s Executive Order on Hong Kong Normalization”,https://www.w hitehouse.gov/presidential-actions/presidents-executive-order-hong-kong-normalization/.

[14] Patrick Wintour (2020), “European tour tests Chinese foreign minister's pulling power”, The Guardian, https://www.theguardian.com/world/2020/sep/02/european-tour-tests-chinese-foreign-ministers-pulling-power.

[15] Giorgio Leali (2020), “EU to limit export of ‘sensitive’ tech in response to Hong Kong security law”, Politico, https://www.politico.com/news/2020/07/28/eu-to-limit-export-of-sensitive-tech-in-response-to-hong-kong-security-law-384978.

[16] The New York Time (2020), “U.K. Suspends Extradition Treaty With Hong Kong Over Security Law”,https://www.nytimes.com/2020/07/20/world/asia/extradition-treaty-hong-kong.html.

[17] Juan Zhang, Shannon Tiezzi (2020), “Harry Harding on the Rapidly Changing US-China Relationship”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2020/10/harry-harding-on-the-rapidly-changing-us-china-relationship/

0thảo luận