Trang chủ

PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH Ở NHẬT BẢN: NHỮNG KINH NGHIỆM VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 15-09-2015, 03:26 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Trần Quang Minh chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015, 235 trang

Kí hiệu: Vv2687

Biến đổi khí hậu đang đặt ra những vấn đề cấp bách đối với nhân loại trong việc hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Để có thể tăng trưởng và phát triển bền vững hay tăng trưởng xanh, như thuật ngữ đã và đang được sử dụng rộng rãi hiện nay, việc phát triển các nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, sức gió, sức nước, địa nhiệt, năng lượng sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) khác) đang được đặt ra như một yêu cầu cấp bách đối với các quốc gia trong những thập kỷ tới. Nhật Bản, một trong những nước ở khu vực Đông Bắc Á, đã có những kinh nghiệm và thành tựu đáng kể trong việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng sạch từ nhiều năm nay cũng như có các chiến lược quốc gia khai thác và sử dụng năng lượng sạch trong những thập kỷ tới. Việc nghiên cứu và đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện chính sách và thực trạng phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản, rút ra những bài học kinh nghiệm và từ kinh nghiệm của Nhật Bản đề xuất những gợi ý chính sách cho Việt Nam là một đề tài có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho ra mắt bạn đọc cuốn sách chuyên khảo “Phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản: Những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam”. Cuốn sách này là sản phẩm của đề tài cấp Bộ cùng tên được thực hiện trong năm 2014 đã được nghiệm thu đạt loại Khá.

Nội dung của cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan về năng lượng sạch. Chương này đưa ra khái niệm về năng lượng sạch theo các định nghĩa phổ biến nhất và theo cách nói thông thường, trình bày một số dạng năng lượng sạch chủ yếu: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều, năng lượng thủy điện, năng lượng sinh khối. Chương 1 cũng phân tích một số vấn đề đặt ra đối với phát triển năng lượng sạch.

Chương 2: Tiềm năng năng lượng sạch và sự cần thiết phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản. Trong chương này, các tác giả đề cập đến tiềm năng các dạng năng lượng sạch của Nhật Bản và nhu cầu đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản.

Chương 3: Chính sách và thực trạng phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản. Ở đây, các tác giả tập trung vào phân tích hai vấn đề chính. Một là mục tiêu và một số nội dung chủ yếu của chính sách phát triển năng sạch của Nhật Bản. Hai là thực trạng khai thác và sử dụng năng lượng sạch ở Nhật Bản.

Chương 4: Nhận định đánh giá về kinh nghiệm phát triển năng lượng phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam. Trong chương này, các tác giả trình bày nhận định đánh giá về thực trạng, chính sách, biện pháp, đầu tư cho năng lượng sạch và một số vấn đề tồn tại trong phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản, từ những kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Thông qua 235 trang với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho độc giả những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về năng lượng sạch và việc phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách dành cho Việt Nam. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về phát triển năng lượng sạch. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận