Trang chủ

LỊCH SỬ CHÍNH TRỊ HIỆN ĐẠI HÀN QUỐC

Đăng ngày: 30-06-2015, 05:41 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Chung Il Jun, Nguyễn Thị Thắm, Đỗ Hùng Mạnh

Nhà xuất bản: Imagine books, 2013, 192 trang

Kí hiệu: Vv2609

“Châu Á và Hàn lưu: giáo trình Hàn Quốc học” là một bộ sách được xuất bản nhằm cung cấp những kiến thức sâu rộng về Hàn Quốc trên nhiều lĩnh vực khác nhau để mở rộng sự hiểu biết về Hàn Quốc, nâng cao hơn nữa sự quan tâm của bạn bè thế giới. Sống cùng trên một Châu lục với Hàn Quốc, người dân Châu Á không những thưởng thức văn hoá đại chúng Hàn Quốc, sử dụng các loại sản phẩm của Hàn Quốc mà còn ngày càng quan tâm nhiều hơn về các lĩnh vực đa dạng của Hàn Quốc như lịch sử, truyền thống, chiến tranh, phát triển kinh tế, dân chủ hoá… Thế nhưng, các nỗ lực nghiên cứu về Hàn Quốc thời gian qua vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực thế. Nếu như người Châu Á yêu thích văn hoá Hàn Quốc, sản phẩm Hàn Quốc cũng như thích gặp gỡ người Hàn Quốc nhưng vẫn chưa hiểu biết về Hàn Quốc thì có thể nói Hàn Quốc vẫn còn là một “Vương quốc ẩn dật”. Do đó, bộ sách này đã được chấp bút và xuất bản nhằm góp phần thúc đẩy sự quan tâm tìm hiểu về Hàn Quốc. Trong đó, cuốn sách “Lịch sử chính trị hiện đại Hàn Quốc” viết về những trải nghiệm lịch sử của Hàn Quốc được cho là rất cần thiết và hữu ích trong việc tìm hiểu về một Hàn Quốc đương đại. Những trải nghiệm lịch sử của Hàn Quốc giúp độc giả có thể hiểu được phần nào lý do tồn tại của đất nước Hàn Quốc ngày nay.

Tuy có đề cập đến nhiều chủ đề nhưng cuốn sách xuất bản lần này đã được sắp xếp và viết theo bố cục thời gian cổ đại, cận đại đến hiện đại, qua đó đáp ứng phần nào sự quan tâm về Hàn Quốc của người Châu Á. Nội dung cuốn sách gồm 10 chương như sau:

Chương mở đầu: Quan điểm nhìn nhận về lịch sử hiện đại Hàn Quốc. Trong đó đề cập đến chủ nghĩa truyền thống, chủ nghĩa xét lại và hậu chủ nghĩa xét lại; chính quyền, nhà nước, xã hội chính trị và xã hội dân sự Hàn Quốc.

Chương 1: Thời kỳ giải phóng và kiến quốc (1945-1948). Ở đây, tác giả đề cập đến tình hình chính trị quốc tế về giải phóng và chia cắt; tình hình chính trị trong nước với chính quyền quân sự và sự chia rẽ giữa các thế lực chính trị; quá trình thành lập nhà nước độc lập trên hai miền Triều Tiên với sự ra đời của chính quyền Lee Sung Man và chính quyền Kim Il Sung.

Chương 2: Thời kỳ đệ nhất cộng hoà: chính quyền Lee Sung Man (1948-1960). Chương này phân tích nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh Triều Tiên; cơ cấu và tính chất của chính quyền Lee Sung Man.

Chương 3: Thời kỳ đệ nhị cộng hoà: chính quyền Chang Myun (1960-1961). Tác giả đề cập đến cuộc bầu cử bất hợp pháp ngày 15 tháng 3 và cuộc Cách mạng tháng Tư; việc thành lập chính quyền Chang Myun; sự phát triển của phong trào xã hội và sự sụp đổ của chính quyền Chang Myun.

Chương 4: Thời kỳ đệ tam cộng hoà: chính quyền Park Chung Hee I (1961-1972). Trong đó trình bày diễn biến quá trình trao trả chính quyền sau đảo chính; bình thường hoá quan hệ Hàn – Nhật và tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam; quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá do nhà nước làm chủ đạo.

Chương 5: Thời kỳ đệ tứ cộng hoà: chính quyền Park Chung Hee II (1972-1979). Chương này tập trung phân tích cơ cấu và tính chất của thể chế Duy tân; thể chế Duy tân và Phong trào Dân chủ; biến cố ngày 26 tháng 10, cuộc biểu tình Buma và sự sụp đổ của thể chế Duy Tân.

Chương 6: Thời kỳ đệ ngũ cộng hoà: chính quyền Chun Doo Hwan (1980-1988). Tác giả đề cập đến việc thành lập chính quyền Chun Doo Hwan với cuộc đảo chính quân sự ngày 12 tháng 12, ngày 17 tháng 5 và phong trào dân chủ hoá Gwangju; kinh tế chính trị dưới thời kỳ chính quyền Chun Doo Hwan; Phong trào Dân chủ tháng 6 và Hiến pháp sửa đổi.

Chương 7: Thời kỳ đệ lục cộng hoà I: chính quyền Roh Tae Woo (1988-1993). Ở đây, tác giả trình bày về việc thành lập chính quyền Roh Tae Woo và giải quyết những tồn đọng của chính quyền Đệ lục cộng hoà; vấn đề hợp nhất ba đảng và sự đình trệ dân chủ hoá; kinh tế chính trị và Chính sách phương Bắc của chính quyền Roh Tae Woo.

Chương 8: Thời kỳ đệ lục cộng hoà II: chính quyền Kim Young Sam (1993-1998). Trong đó trình bày quá trình thành lập chính quyền Kim Young Sam, cải cách quân đội và chính trị; tình hình kinh tế chính trị dưới thời chính quyền Kim Young Sam; thất bại trong cải cách chính trị và cuộc khủng hoảng tiền tệ.

Chương 9: Thời kỳ đệ lục cộng hoà III: chính quyền Kim Dae Jung (1998-2003). Tác giả đề cập đến việc thành lập chính quyền Kim Dae Jung và cải cách kinh tế; cải cách chính trị và cải thiện quan hệ Nam Bắc Triều Tiên dưới thời chính quyền Kim Dae Jung; những hạn chế của chính quyền Kim Dae Jung.

Chương 10: Thời kỳ đệ lục cộng hoà IV: chính quyền tham gia của Roh Moo Hyun (2003-2008). Chương này tác giả trình bày về việc thành lập chính quyền Roh Moo Hyun; cải cách chính trị dưới thời chính quyền Roh Moo Hyun; quan hệ Nam Bắc Triều Tiên ấm lên và Hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Chương tổng kết: Những  vấn đề gây tranh cãi và triển vọng của nền chính trị hiện đại Hàn Quốc. Tác giả phân tích về vấn đề toàn cầu hoá và sự bế tắc của chính quyền dân chủ; nhìn nhận quan hệ Nam Bắc Triều Tiên và quan hệ đồng minh Hàn – Mỹ; tự do cá nhân và sự bùng nổ văn hoá.

Thông qua 192 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho  độc giả những trải nghiệm lịch sử của Hàn Quốc, giúp bạn đọc hiểu được tâm tư, tình cảm của người Hàn Quốc, cảm nhận được sự tương đồng giữa người Hàn Quốc và người Châu Á. Những tương đồng về kinh nghiệm lịch sử và sự hiểu biết lẫn nhau  sẽ giúp cho các quốc gia Châu Á tìm kiếm được giải pháp cùng tồn tại bên nhau trong thế giới ngày nay. Cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về lịch sử Hàn Quốc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận