Trang chủ

QUẢN LÝ RỦI RO NỢ CÔNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 30-07-2015, 02:36 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: PGS. TS. Phạm Quý Long

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015, 258 trang

Kí hiệu: Vv2696

 

Rủi ro và quản lý rủi ro nợ công là một trong những vấn đề kinh tế quan trọng và rất phức tạp trong quản trị bảng cân đối tài chính quốc gia. Song, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản trị này, đối với hầu hết các chính phủ trên thế giới, luôn là bài toán khó trong quá trình hoạch định và thực hiện điều hành các công cụ chính sách quản lý kinh tế vĩ mô ở mỗi nền kinh tế, hướng đến sự cân bằng, ổn định và tăng trưởng. Từ khảo sát thực tế và đúc rút các bài học kinh nghiệm quốc tế đương đại cho thấy rằng quy mô hay mức độ nợ công ở Nhật Bản hiện nay là cao nhất so với các nền kinh tế của hệ thống kinh tế thế giới, chiếm tới gần 245% GDP của nước này. Song, bản thân Nhật Bản không quá vội vã hay lo ngại tới mức cấp bách đối với vấn đề nợ công của mình như thái độ hoảng loạn từ nhiều chính phủ khác ở Châu Âu, cụ thể là cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp thời gian qua. Điều này đặt ra câu hỏi là thực tế trong tiến trình phát triển kinh tế của Nhật Bản từ năm 1990 trở lại đây, thực trạng nợ công của Nhật Bản có tiềm ẩn những rủi ro gì cho các vấn đề kinh tế và xã hội Nhật Bản hay không? Và nếu có, Nhật Bản làm thế nào để quản lý được các rủi ro đó?

Đối với nền kinh tế Việt Nam, mặc dù hiện tại ở mức độ tổng quát, mức độ nợ công chưa đáng lo ngại nhưng vấn đề quản trị rủi ro từ nợ công mang đến cho các vấn đề kinh tế, xã hội, có lẽ Việt Nam chưa nhìn nhận và đánh giá đầy đủ. Việc tham chiếu nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là từ nghiên cứu vấn đề quản lý rủi ro nợ công ở Nhật Bản có thể đúc rút ra những bài học hữu ích mà Việt Nam cần tham khảo. Với ý nghĩa đó, PGS. TS. Phạm Quý Long đã chủ biên cuốn sách “Quản lý rủi ro nợ công ở Nhật Bản”. Nội dung cuốn sách có kết cấu 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến nợ công, rủi ro và quản lý nợ công. Trong chương này, tác giả trình bày khái niệm; phân loại; vai trò và bản chất kinh tế của nợ công; nguyên tắc quản lý nợ công. Đồng thời nêu rõ định nghĩa rủi ro nợ công; quản trị và xử lý sự lan tỏa rủi ro nợ công trong mục tiêu ổn định tài chính vĩ mô; và đo lường rủi ro nợ công.

Chương 2: Đặc điểm nợ công và quản lý rủi ro nợ công ở Nhật Bản. Ở đây, tác giả đã trình bày tổng quan tình hình nợ công của Nhật Bản; so sánh nợ công Nhật Bản với một số nước; Abenomics và tác động làm gia tăng nợ công ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, tác giả cũng trình bày tổng quan khung khổ pháp lý và nguyên tắc trong điều hành quản lý ngân sách, nợ công chính phủ và rủi ro nợ công ở Nhật Bản; thực tiễn hoạt động quản trị và đánh giá rủi ro nợ quốc gia ở Nhật Bản từ 1990 đến nay.

Chương 3: Kinh nghiệm Nhật Bản và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Trong phần này, tác giả đã đưa ra một số bài học nên tránh và bài học tham khảo từ nghiên cứu trường hợp Nhật Bản; quan điểm của chính phủ và thực trạng vấn đề quản trị rủi ro nợ công ở Việt Nam quan đánh giá từ một số nhà kinh tế; một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Như vậy, cuốn sách đã góp phần làm rõ hơn bản chất của rủi ro nợ công, thực trạng và cách thức quản lý rủi ro nợ công của Nhật Bản, đặc biệt trong giai đoạn từ những năm 1990 đến nay. Cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách cũng như các bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề quản lý rủi ro nợ công nói chung và quản lý rủi ro nợ công Nhật Bản nói riêng.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận