Trang chủ

QUAN HỆ VIỆT NAM – NHẬT BẢN 40 NĂM NHÌN LẠI VÀ ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI

Đăng ngày: 19-06-2015, 05:21 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn, TS. Trần Quang Minh đồng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, 418 trang

Kí hiệu: Vv2531

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản, được sự tài trợ của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Trường Đại học Senshu – Nhật Bản đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: 40 năm nhìn lại và định hướng tương lai” tại Hà Nội trong hai ngày 3 và ngày 4 tháng 9 năm 2013. Đây là hội thảo quốc tế có quy mô lớn với sự tham dự của hơn 140 đại biểu. Hội thảo này cũng là một trong những sự kiện chính thức của “Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản” nhằm thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa hai nước (1973-2013).

Nội dung các báo cáo của những học giả tham dự hội thảo lần này đã được biên tập và xuất bản thành sách với 4 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề chung. Phần này trình bày 4 bài viết cụ thể là 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: đặc trưng nổi bật và các nhân tố tác động trong bối cảnh mới; Khả năng và những vấn đề trong hợp tác phòng vệ Việt Nam – Nhật Bản; Một số vấn đề đảm bảo xã hội ở Việt Nam hiện nay và khả năng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực đảm bảo xã hội; Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam: vài gợi ý cho giai đoạn tới.

Chương 2: Một số vấn đề kinh tế của Việt Nam, Nhật Bản và triển vọng hợp tác. Với 3 bài viết là Kinh tế Việt Nam sau 27 năm đổi mới: một số vấn đề đặt ra hiện nay và triển vọng; Biến chuyển của kinh tế Nhật Bản và hướng đối phó với khủng hoảng; Biến động dân số, nền sản xuất và thị trường Nhật Bản – nghiên cứu trường hợp tỉnh Shikoku.

Chương 3: An ninh khu vực và triển vọng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực chính trị, an ninh. Chương này tập hợp 5 bài viết gồm Suy nghĩ về hợp tác năng lượng Việt Nam – Nhật Bản; Cấu trúc hợp tác an ninh khu vực Đông Á hiện nay; Sự trỗi dậy của nền kinh tế mới nổi Trung Quốc và ảnh hưởng đối với Đông Nam Á; Điều chỉnh chiến lược nhằm đẩy mạnh quá trình trở thành “quốc gia bình thường” của Nhật Bản trong hai thập niên sau Chiến tranh Lạnh; Hội nhập khu vực ở Đông Nam Á có thể tạo nên khuôn khổ mới.

Chương 4: Một số vấn đề văn hoá, xã hội ở Việt Nam và Nhật Bản và triển vọng hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực văn hoá – xã hội. Đây là chủ đề được các học giả bàn luận khá nhiều với 9 bài viết cụ thể như Vốn xã hội và xã hội dân sự ở Việt Nam và Nhật Bản; “Xã hội vô cảm” và giai đoạn cuối đời trong thời đại ít trẻ em – già hoá dân số ở Nhật Bản; Người cao tuổi và vấn đề chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay; Vấn đề cư trú ở các đô thị địa phương Nhật Bản: nghiên cứu trường hợp khu dân cư sườn đồi Nagasaki – Nhật Bản năm 2030; Hợp tác và giao lưu văn hoá, giáo dục Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh mới; Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; Học viện Khổng tử của Trung Quốc ở Nhật Bản; Tác động của sự điều chỉnh chính sách của Nhật Bản đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực đến năm 2020; Triển vọng gia tăng lưu học sinh Việt Nam ở Nhật Bản.

Thông qua 418 trang với cách phân chia các bài viết theo từng chủ đề cụ thể, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính trị, văn hoá, xã hội trong quá khứ, hiện tại và định hướng trong tương lai. Trên cơ sở đó, cuốn sách là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các học giả, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách khi nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận