Hiện tượng ngày càng đông đảo phụ nữ Nhật Bản chọn lối sống độc thân, đã phần nào phản ánh những biến đổi của kinh tế và xã hội, cũng như văn hoá của đất nước này. Hiện tượng này không chỉ là của riêng Nhật Bản, mà nó đã diễn ra ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Có thể nói rằng, phụ nữ ngày nay lấy chồng và sinh con muộn hơn rất nhiều so với bất cứ thời điểm nào trong lịch sử. Theo số liệu trong Bản tường trình thế giới về sinh sản (World Fertility Report) của Liên Hiệp Quốc, tuổi lấy chồng trung bình của phụ nữ toàn thế giới hiện nay so với thập kỷ 70, của thế kỷ trước đã cao hơn 2 tuổi (từ 21,2 lên 23,2). Tại các quốc gia công nghiệp phát triển xu hướng này còn rõ hơn từ 22,0 lên 26,1 tuổi. Nếu năm 1960, trên 70% phụ nữ Mỹ 25 tuổi đã có chồng và có con, thì đến năm 2000 tỷ lệ này đã giảm xuống 25%. Sự thay đổi này ở Mỹ xuất hiện xấp xỉ sau một thế hệ, trong khi tại Châu Á và Đông Âu lại diễn ra mạnh mẽ hơn. Ở Nhật Bản, trong 10 năm trở lại đây thì tuổi kết hôn của phụ nữ đã tăng từ 25,3 lên 27,8 tuổi. Do kết hôn muộn nên số tuổi trung bình sinh con thứ nhất cũng tăng trên 28 tuổi. Nếu như trước đây dư luận xã hội Nhật Bản thường khuyến cáo rằng trên 30 tuổi là muộn so với tuổi sinh con, nhưng ngày nay số tuổi đó đã lên đến con số 42 tuổi.([1]) Tại Hungari, hiện có tới 30% phụ nữ sau tuổi 30 tự chọn cuộc sống độc thân so với 6% của thế hệ các bà mẹ của họ. Tại Hàn Quốc 40% phái đẹp tuổi 30 sống độc thân so với 14% của 20 năm trước. Nhật Bản đã trở thành thí dụ điển hình của trào lưu bùng nổ phụ nữ độc thân. So sánh giữa năm 1994 và 2004, con số phụ nữ đất nước mặt trời mọc thuộc lứa tuổi 25-29 chưa lấy chồng đã nhảy vọt từ 40% lên 54%, tương tự như vậy ở lứa tuổi 30-34 tăng từ 4% lên 27%, hiện nay số phụ nữ độc thân từ 40-44 tuổi là 8,6%, từ 45-49 tuổi là 6,3%([2]).
1. Những nguyên nhân khiến phụ nữ lựa chọn lối sống độc thân
Lối sống phụ nữ độc thân thoạt đầu xuất hiện tại Mỹ, từ những năm 1970, khi dấy lên phong trào các phụ nữ trẻ bắt đầu chinh phục tấm bằng đại học, suy nghĩ nghiêm túc về việc làm và gạt việc hôn nhân vào thời điểm muộn hơn. Đến giữa thập kỷ 90 trào lưu này lôi cuốn cả phái đẹp Đông Âu và Châu Á. Theo các kết quả của các nhà nghiên cứu kinh tế, xã hội trên toàn thế giới, thì những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ hiện đại chọn lối sống độc thân, đó là: đô thị hoá, vì sự nghiệp, vì sự đề cao tự do cá nhân, vì sức lôi cuốn của cuộc sống hiện đại.
1.1. Đô thị hóa
Có thể nói đô thị hóa đã gián tiếp góp phần vào xu hướng sống độc thân của phụ nữ không chỉ ở Nhật Bản, mà ở khắp hầu hết các nước trên thế giới. Trong quá khứ, người phụ nữ “quá lứa” hay chưa kết hôn thường sống với bố mẹ, làm việc nhà nông hoặc phụ giúp trông nom cửa hàng..... Khi về nhà chồng họ cũng sống cùng cha mẹ chồng, và làm các công việc tương tự. Trong khi đa số phụ nữ thời nay rời bỏ bản làng hoặc thị trấn quê hương, tìm đến các khu đô thị lớn. Bởi ở đó có công việc, có những khu nhà dành cho nữ độc thân, có sự tự do, có đàn ông và những thú vui dành cho họ. Từ giữa những năm 90, tại các quốc gia như Canada, Pháp, Hungari, Ailen, Bồ Đào Nha và Nga, người ta đều nhận ra rằng, phụ nữ thích nghi với cuộc sống đô thị nhanh hơn đàn ông.
Điều này cũng không là ngoại lệ đối với phụ nữ Nhật Bản. Nếu như trước kia, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động của nông thôn Nhật Bản. Nhưng kể từ quá trình công nghiệp hóa sau Minh Trị Duy Tân (1868), đã thu hút nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động trong các nhà máy. Ở nông thôn, các gia đình thường gồm nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, người phụ nữ thường nhận được sự hỗ trợ của những người xung quanh khi có con. Bởi vậy tỷ lệ phụ nữ kết hôn và sinh con vẫn tương đối cao. Nhưng ở các đô thị lớn, nhà cửa chật hẹp, sống cách xa người thân, bên cạnh đó người chồng không thể gánh vác việc nhà, giúp vợ chăm con. Khi xã hội ngày càng phát triển, nữ thanh niên ngày càng có nhiều cơ hội học hỏi và va chạm với lối sống phương Tây, thì con cái và gia đình “kiểu” Nhật Bản là gánh nặng của người phụ nữ.
1.2. Sự nghiệp
Phụ nữ thời hiện đại không chỉ muốn có việc làm, mà muốn có cả sự nghiệp. Điều đó có nghĩa họ cần có bằng cấp, có công việc một cách nghiêm túc. Bởi một thực tế, trong nền kinh tế toàn cầu mới, đối tượng sở hữu những công việc có thu nhập cao thường là những đối tượng có bằng cấp, chứng chỉ và học hàm học vị. Trên phạm vi toàn thế giới, chưa bao giờ tỷ lệ phụ nữ vào đại học đông như hiện nay. Có thể nói đông đảo phụ nữ trên phạm vi toàn cầu gác lại việc hôn nhân cho đến thời điểm giành được bằng cấp đại học và bắt đầu sự nghiệp công danh. Tại Anh, gần như cứ 3 phụ nữ tuổi 30 đã tốt nghiệp đại học, có một người chưa lấy chồng. Một số nhà khoa học tiên đoán rằng, 30% phụ nữ có học vị khoa học sẽ không bao giờ sinh con.
Ở Nhật Bản, kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai số lượng nữ thanh niên học lên cao sau khi tốt nghiệp phổ thông tăng lên hằng năm. Năm 1989, tỉ lệ nữ vào cao đẳng và đại học là 36,8% ( nam là 35,8%). Vào năm 1997, tỉ lệ này tăng lên đến 46,8% (nam là 34,5%) . Thêm vào đó, vào năm 1985, lần đầu tiên Nhật Bản đã thông qua “Đạo luật cơ hội làm việc bình đẳng nam nữ”. Đạo luật này được ví như một cánh cửa đã mở ra những cơ hội cho những phụ nữ tài năng và có tham vọng nghề nghiệp. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc, 6,6% phụ nữ giữ các vị trí quản lý tại các công ty và các cơ quan nhà nước của Nhật Bản vào năm 1958, tăng lên 10,1% ở năm 2005. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nhật Bản cũng cho thấy, đã có những công ty có số nhân viên nữ chiếm 40 ~50% tổng số nhân viên toàn công ty.
Trình độ học vấn cao cộng với cơ hội nghề nghiệp đã tạo nên sự độc lập về kinh tế, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với sự sự lựa chọn lối sống độc thân của phụ nữ cũng ngày càng tăng theo. Phụ nữ Nhật thời nay thường lấy cuộc sống của Công nương Masako, một trí thức được đào tạo tại Trường Đại học Harvard, Mỹ, phải từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để lấy thái tử Naruhito. Do sức ép của cuộc sống gia đình đã khiến Công nương bị trầm cảm mấy năm trời, như một bài học cho việc lựa chọn cuộc sống của mình.
1.3. Tự do cá nhân
Quan niệm trong quá khứ cho rằng phụ nữ độc thân là những phụ nữ cô đơn đã không còn phù hợp. Quyết định lấy chồng muộn hơn, trình độ học vấn cao hơn, tham gia tích cực thị trường lao động, dùng một số tiền kiếm được chi cho mục đích giải trí cá nhân đã sinh ra lối sống mới. Lối sống mới đồng nghĩa với những khả năng sử dụng thời gian và tiêu thụ mới, thường gắn với nhóm bạn thân, những quán cà phê và nhà hàng thời thượng, các siêu thị, phòng tập thể hình và... các cuộc săn lùng... đàn ông. Hơn nữa, gần đây phụ nữ Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng nhiều của lối sống phương Tây, họ đã có những suy nghĩ thoáng hơn “ích kỷ” hơn so với thế hệ mẹ, bà họ trước đây.
Rất nhiều phụ nữ Nhật Bản trả lời một cách thẳng thắn rằng: “Sẽ kết hôn nếu gặp được một người đàn ông lý tưởng, còn nếu không sẽ sống độc thân”. Gia đình và những giấc mơ về con cái không còn là mục đích sống của phụ nữ Nhật Bản. Ngày nay, chúng ta có thể gặp rất nhiều phụ nữ độc thân thành đạt, trên 30 tuổi tại các quán cà phê, quán karaoke của Nhật vào những buổi cuối ngày, hoặc cuối tuần. Họ cùng bạn bè nói chuyện, và tận hưởng những thú vui mà trước đây chỉ có nam giới mới quyền được hưởng. Rất nhiều các loại hình dịch vụ được mở ra để phục vụ cho các quý bà, quý cô thành đạt và độc thân ở Nhật, từ các nhà hàng, đến những hộp đêm mà người phục vụ hoàn toàn là nam. Bóng bẩy hơn người ta còn dùng những từ chỉ những nghề nghiệp thuần túy của phụ nữ, như “geisha nam”, để chỉ những loại hình giải trí chuyên phục vụ cho phụ nữ độc thân. Ngoài ra vào các dịp nghỉ lễ hoặc nghỉ hè, họ có thể đi du lịch nước ngoài, để tận hưởng những phong cảnh đẹp trên thế giới để mua sắm….
1.4. Văn hoá
Ngoài ba nguyên nhân mang tính “toàn cầu” trên, phụ nữ Nhật Bản thường đưa ra 3 vấn đề được xem như trở ngại lớn đối với vấn đề hôn nhân và gia đình của phụ nữ thời nay, đó là: gánh nặng về công việc gia đình và con cái, những vấn đề tài chính, và sự thiếu hỗ trợ của người chồng và của xã hội.... Có thể nói rằng đây là những vấn đề mang tính đặc thù văn hóa của Nhật Bản.
- Văn hoá truyền thống: Nhật Bản cũng giống như hầu hết các nước Á Đông khác, mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Điều này thể hiện rõ nét trong lịch sử Nhật Bản. Người phụ nữ truyền thống Nhật Bản chịu ảnh hưởng của “chế độ gia đình”. Dưới thời phong kiến, phụ nữ không được đi học, không được học chữ Hán ( Phụ nữ quí tộc cũng chỉ được học chữ Hiragana ), không được tham gia các công việc xã hội, họ tiếp thu ý thức hệ mang tính ích kỷ từ ông bà, cha mẹ, từ người bạn đời của họ. Họ luôn biết vâng lời, làm hài lòng đàn ông, và phải hiểu rằng quyền lực thuộc về đàn ông. Họ phụ thuộc vào chồng cả về vật chất cũng như tinh thần. Theo truyền thống, đàn ông Nhật Bản được giáo dục để luôn tin rằng họ là lao động chính, ra ngoài xã hội kiếm tiền lo cho gia đình, người phụ nữ ở nhà lo việc nội trợ gia đình và nuôi dạy con cái. Bản thân phụ nữ không được phép sống như những cá nhân, không đòi hỏi cho bản thân mình, trong khi lại phải chịu những trách nhiệm về tương lai của con cái và sự lớn mạnh của gia đình và dòng tộc. Các ông chồng ngoài công việc thường tới các quán bar uống rượu cả đêm với bạn bè, hầu như không có mặt ở nhà, không chia sẻ việc nhà và tình cảm với vợ. Theo kết quả của một cuộc điều tra do công ty Bảo Hiểm nhân thọ Meji Yasuda tiến hành với 1.200 người đã kết hôn vào tháng 11/2007, cho thấy 54% các cặp vợ chồng nói chuyện với nhau chưa đến 30 phút/1 ngày, 1/3 trong số này không còn có tình cảm với nhau. Theo kết quả của một cuộc khảo sát về lối sống năm 2001, thì đàn ông Nhật Bản sau khi kết hôn chỉ dành 30 phút/1ngày cho việc nhà hoặc con cái. Đây là kết quả của của quan niệm truyền thống, cho rằng đàn ông không phải bận tâm đến chuyện bếp núc, dọn dẹp, hay con cái. Cũng theo điều tra của công ty này thì ngày càng có nhiều phụ nữ nghĩ đến chuyện ly hôn, sống một mình đến cuối đời([3]) .
Thêm vào đó, trong hệ thống giáo dục ở Nhật Bản, vai trò của gia đình, đặc biệt là người mẹ rất quan trọng đối với trẻ em. Thông thường, phụ nữ Nhật Bản có xu hướng trở thành các bà nội trợ chuyên nghiệp sau khi lập gia đình, trong đó dạy dỗ và chăm sóc con cái là một trong những nhiệm vụ chính. Điều này đòi hỏi người mẹ phải có trình độ học vấn cao để có thể giúp con họ có thể vượt qua được chương trình giáo dục nổi tiếng là khắc nghiệt của Nhật Bản. Nhưng đối với một xã hội luôn đề cao “chủ nghĩa học vấn” (学歴主義), thì tương lai của một cá nhân được quyết định bởi nơi đào tạo từ khi còn ở bậc tiểu học, đến hết đại học. Chính vì đề cao “chủ nghĩa học vấn”, mà đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt trong không chỉ các em học sinh, mà cả ở các bậc cha mẹ. Để vào được một trường tốt, thì ngoài giờ học chính thức ở trường, các em còn phải đến các trường juku (trường học thêm) vào lúc 5h chiều, mỗi buổi học kéo dài 2 tiếng, không nghỉ. Đây không chỉ là một việc cực nhọc đối với các em mà đối cả với các bậc phụ huynh. Bởi học phí của các trường juku cũng tương đối cao. Ở các trường “bình dân” thì học phí với học sinh lớp 6 vào khoảng 35.000 – 50.000 yen/tháng, mỗi ngày học 4 tiếng, mỗi tuần học 4 ngày. Học sinh cấp 2 phải trả mức học phí khoảng 30.000 yen/tháng, mỗi ngày học 3 tiếng, mỗi tuần học 3 ngày. Có những trường học phí cao hơn, tới 800.000 yen/năm đối với học sinh lớp 6. Đây cũng chỉ là mức học phí của một trường bậc trung, tuy nhiên khoản tiền cũng không phải là nhỏ[4]. Thêm vào đó, nước Nhật lại đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng kéo dài từ những năm đầu của thập niên 1990, nhiều người đàn ông không đủ tự tin về khả năng lo kinh tế cho gia đình.
Như vậy, khi bước vào cuộc sống hôn nhân, có con, thì phụ nữ Nhật Bản tuy không phải là người ra ngoài xã hội lo kinh tế cho gia đình, nhưng lại là người đầu tiên phải đối mặt với những chi tiêu hàng ngày và chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc học hành của con cái.
- Văn hoá trong kinh doanh: Các chuyên gia về các vấn đề phụ nữ cho rằng, định kiến đối với phụ nữ chỉ là một phần trong những nguyên nhân khiến phụ nữ Nhật Bản ngày nay chọn lối sống độc thân. Một nguyên nhân còn lớn hơn nữa mà thường được coi là nguyên nhân chính đó là văn hoá doanh nghiệp nổi tiếng là khắt khe trên toàn thế giới của đất nước này.
Theo truyền thống, các công ty chỉ thuê nam giới làm các công việc quản lý, còn phụ nữ thường chỉ thuê những công việc phục vụ, mang tính ngắn hạn, chủ yếu là thư ký và phục vụ trà, những người này được gọi là phụ nữ văn phòng hay O.L’s. Bất kể người phụ nữ có bằng cấp gì họ đều phải đối mặt với những thành kiến kéo dài, bị đối xử như đối xử với trẻ em. Trong các công ty Nhật Bản bao giờ cũng tồn tại cách suy nghĩ, không nên giao cho phụ nữ những công việc và vị trí quan trọng trong công ty vì họ sẽ nghỉ việc sau khi kết hôn và sinh con.Tuy có năng lực, và cố gắng rất nhiều nhưng mức lương của phụ nữ bao giờ cũng bị thấp hơn đồng nghiệp nam giới từ 10% - 20%.
Đặc biệt là việc các công ty Nhật Bản luôn đòi hỏi nhân viên của họ phải làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya, 14-15 tiếng/1 ngày. Người Nhật vẫn thường nói đùa rằng, các ông bố người Nhật chỉ gặp con ít ỏi vào những dịp cuối tuần, bởi về đến nhà thì con cái đã ngủ say, và rời nhà khi các con chưa thức dậy. Bản thân người Nhật cũng cho rằng, sức ép của công việc, khiến bản thân người đàn ông cũng không có đủ thời gian dành cho gia đình. Sự cạnh tranh trong các công ty Nhật đối với nam giới vốn đã rất khốc liệt, với nữ giới còn khốc liệt hơn. Tờ New York Times đã dẫn lời kể của cô Masumi Honda, 33 tuổi: “Khi tôi báo với Giám đốc rằng tôi có bầu xin nghỉ để đi khám thai. Khi tôi quay lại văn phòng, Giám đốc để lại mảnh giấy nói tôi không cần phải tiếp tục làm việc nữa”. Một phụ nữ khác thì kể rằng: “Sau một lần nghỉ 3 ngày để chăm sóc con ốm, thì từ lần đó trở đi tôi không được tham gia các dự án mới. Các đồng nghiệp nhìn tôi bằng con mắt thiếu tin cậy”([5])...Phụ nữ Nhật trở lại làm việc sau khi sinh con gặp không ít khó khăn. Nhiều người phải chật vật trong việc tìm một cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh để họ có thể yên tâm gửi con ở đó cả ngày. Và họ luôn phát hiện ra rằng mặc dù có việc làm, nhưng hầu như mọi việc không còn được như trước và họ hầu như mất hết mọi cơ hội thăng tiến. Các thống kê của chính phủ Nhật Bản cho thấy, thường là phụ nữ Nhật Bản phải bỏ việc khi bắt đầu sinh con. Và như vậy, không còn con đường nào khác phụ nữ Nhật Bản chỉ có thể lựa chọn sự nghiệp hoặc gia đình, mà khó có thể duy trì cả hai.
2. Những hệ quả của lối sống độc thân
Có thể nói rằng lối sống độc thân là sự phản kháng lại của phụ nữ đối với sự phân biệt nam nữ ở Nhật Bản.Tuy nhiên, theo như nhiều nhà nghiên cứu lối sống độc thân đã mang lại những hệ quả tiêu cực cho toàn xã hội.
2.1. Về văn hoá.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì lối sống độc thân đã làm biến đổi sâu sắc những giá trị văn hoá truyền thống của Nhật Bản.
Trong suốt gần một thế kỷ, ở Nhật Bản luôn lưu hành cụm từ: “良妻賢母- ryosai kembo - Những người vợ đảm đang và những bà mẹ thông minh”. Như một khẩu hiệu đề cao, và mang tính ấn định vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Cụm từ này bắt nguồn từ chính sách phổ cập giáo dục năm 1873. Chính sách này đã tạo điều kiện cho nhiều bé gái được đến trường, ít nhất là hết bậc tiểu học. Nhưng gắn với khẩu hiệu trên phụ nữ Nhật Bản thường học hết đại học, hoặc chỉ cần học hết 2 năm đại học đại cương để lấy kiến thức nuôi dạy con cái. Điều quan trọng hơn cả đối với họ là học các lớp nấu ăn, cắm hoa, nữ công gia chánh.., học những kiến thức để chuẩn bị kết hôn và sinh con. Chính vì vậy, hơn một thế kỷ qua phụ nữ Nhật Bản đã có những đóng góp rất lớn cho sự bền vững của gia đình - nền tảng xã hội Nhật Bản. Nhưng nhiều phụ nữ thời nay lại hoàn toàn thờ ơ với các lớp học này. Tuy đã trên 30 tuổi, thông minh, giỏi giang và là những nhân viên, những công chức mẫn cán nhưng nhiều phụ nữ vẫn chưa có một chút kiến thức gì cho cuộc sống gia đình và làm mẹ.
Bản thân họ xác định cho mình cuộc sống độc thân, nên ngay khi còn trẻ đã không cần phải giữ gìn, không coi trọng giá trị gia đình, giá trị tình cảm, đạo đức và cả sự nghiêm túc để dẫn đến hôn nhân như thế hệ các bà, các mẹ của họ trước đây. Đề cao cuộc sống hưởng thụ, đề cao mục đích giải trí và nặng về vật chất đã phá vỡ lối sống của phụ nữ truyền thống. Trong những năm gần đây, giới trẻ nữ Nhật Bản xuất hiện phong trào sống “enjo kosai” có nghĩa là quan hệ tương hỗ, quan hệ đôi bên cùng có lợi. Cụm từ này xuất hiện để chỉ những cô gái trẻ, có học thức (thường là sinh viên), con nhà giàu, sẵn sàng làm người tình của những người đàn ông luống tuổi, thành đạt, đã có gia đình, để đổi lấy những món quà đắt tiền, những khoản tiền hậu hĩnh, và nguy hại hơn cả là bởi ánh mắt thán phục của bạn bè.
Bên cạnh đó, rất nhiều ngành nghề mới, nhiều dịch vụ giải trí nhằm đáp ứng cho lối sống của phụ nữ độc thân. Nhiều người Nhật cao tuổi quen với lối sống truyền thống cho rằng, lối sống của phụ nữ hiện đại làm đảo lộn trật tự vốn có của một gia đình truyền thống.
2.2. Về kinh tế, xã hội
Hiện tượng sống độc thân đã gián tiếp điều chỉnh các lĩnh vực chính trị, các quy định về tài chính, luật công ty, luật lao động, những thông lệ, và rất nhiều lĩnh vực khác, nó đã làm biến đổi những động lực đang định hướng phát triển xã hội, kinh tế và chính trị Nhật Bản. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, thì tất cả những điểm mạnh trong văn hoá kinh doanh khiến cả thế giới phải trầm trồ như: nền giáo dục tuyệt vời, những công chức mẫn cán, hết lòng với công ty...., những điểm đã góp phần tạo nên sự “thần kỳ” trong nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đã không còn thích hợp. Với lối sống độc thân, lười kết hôn và lười sinh con đã dẫn đế tỷ lệ sinh đang giảm mạnh. Nếu làm phép tính từ cuộc bùng nổ trẻ em sau những năm 50, cộng với tuổi thọ trung bình đang kéo dài thêm từng năm thì chắc chắn rằng trong vòng ít nhất 15-20 năm tới là dân số Nhật Bản sẽ liên tục giảm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội cho biết: sự thu hẹp đó sẽ diễn ra chậm, nhưng với lượng ít hơn trẻ em sẵn sàng để gia nhập lực lượng lao động và những người về hưu lại nhiều dần lên thì lượng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15-64 tuổi) sẽ giảm khoảng 0,7% một năm.
Nếu suy ra từ xu hướng hiện nay cho những năm sau năm 2020, thì con số thu được sẽ đáng giật mình. Một dự đoán của Bộ Y tế đưa ra rằng dân số Nhật Bản sẽ giảm từ 128 triệu dân vào thời điểm này xuống còn 100 triệu người vào năm 2050, 90 triệu dân vào năm 2055. Nhiều nhà dự đoán còn cho rằng con số này còn xuống thấp hơn nữa, như Peter Morgan, nhà kinh tế cấp cao ở Tokyo, Ngân hàng HSBC, cho rằng nếu dự đoán cẩn thận thì dân số sẽ giảm xuống tới 86 triệu người vào năm 2050. Tuy nhiên, theo như Morgan biết, vấn đề này không phải là điều mặc định như vậy sau hơn 15-20 năm nữa. Pháp, Mỹ và một số nước gần đây đã công bố rằng tỷ lệ sinh sản đang giảm xuống của họ đã tăng trở lại. Và điều này hy vọng cũng có thể xảy ra tương tự ở Nhật nếu như chính phủ nước này có những biện pháp thích hợp.
Vấn đề là ở chỗ chính sách làm tăng lực lượng lao động và phục hồi lại mức độ tăng dân số có thể mâu thuẫn với chính sách khác. Với lực lượng lao động đang co lại và già đi, các công ty và chính phủ đều đang cố gắng hơn nữa để đưa nhiều phụ nữ hơn vào lực lượng lao động và sử dụng họ ở những vị trí đòi hỏi kỹ năng và tinh thần trách nhiệm. Nhưng những nỗ lực này mà càng đạt được thành công, thì ngày càng ít phụ nữ kết hôn và trẻ em được sinh ra. Nếu chính phủ cố gắng khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh nhiều hơn, thì ngược lại sẽ có ít phụ nữ ở độ tuổi 20-30 tham gia vào lực lượng lao động.
Để đạt được cả hai mục tiêu trên có lẽ sẽ phải chi nhiều tiền đóng góp của công chúng cũng như của các đoàn thể đầu tư vào thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ em, những thứ mà hiện được cho là Nhật Bản đang rất thiếu. Theo truyền thống, thường trẻ em được ông bà trông coi, nhưng ngày nay và trong tương lai các ông bà muốn dành thời gian nghỉ hưu của mình đúng với ý nghĩa của nó là nghỉ ngơi và đi du lịch thế giới. Bên cạnh đó những người phụ nữ trẻ thì không thích vướng bận với những đứa trẻ ở nhà. Do đó, đầu tư vào việc chăm sóc trẻ em chính là biện pháp nên làm.
Thành phố Osaka có tỷ lệ sinh thấp thứ hai của Nhật Bản (sau thủ đô Tôkyô). Năm 2005, tỷ lệ sinh của thành phố là 1,15 ca đẻ/1phụ nữ, thấp hơn mức trung bình là 1,26 của các quốc gia. Chính quyền thành phố này trong những năm gần đây đã có một số nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng này, như mở thêm nhiều cơ sở trông nom, chăm sóc trẻ sơ sinh cho các bà mẹ đi làm, và thường đóng cửa muộn hơn các công ty. Các trường tiểu học cũng xây dựng nhiều chương trình giúp các bà mẹ có thể yên tâm làm việc muộn hơn. Bên cạnh đó cũng có những dịch vụ trông trẻ theo giờ giúp các bà mẹ ở nhà có những khoảng thời gian dành cho bản thân, giảm bớt áp lực của việc sinh đẻ, và nuôi dạy con cái. Những nỗ lực này lại đòi hỏi phải có những khoản tài chính công cộng tương đối lớn. Về một mặt nào đó, thì thật khó khăn để giải quyết những khoản chi tiêu này khi mà thâm hụt ngân sách lên tới mức 6,4% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và tổng nợ công cộng là 170% GDP, như trong năm 2004-2005 vừa qua của Nhật Bản. Đó là lý do giải thích tại sao mà chính phủ Nhật Bản phải dùng các biện pháp cắt giảm, cụ thể là cắt giảm chi tiêu quốc gia, trong khi các chương trình xây dựng công cộng và cho vay trợ cấp, vẫn đang tiếp tục tăng. Chi tiêu công cộng cần có các khoản chi riêng cho chăm sóc trẻ em, cho các quỹ lương hưu và chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, đã có rất nhiều các trung tâm, các tổ chức được lập ra để giúp người đàn ông trao đổi kinh nghiệm, học cách cư xử với vợ, học cách thu xếp thời gian dành cho gia đình …. Người đàn ông thay đổi, dẫn đến gia đình thay đổi, sẽ thay đổi toàn xã hội và đặc biệt hơn là thay đổi suy nghĩ của phụ nữ Nhật về hôn nhân và gia đình.
*
* *
Có thể nói rằng lối sống độc thân của phụ nữ Nhật Bản hiện nay là xu hướng mang tính toàn cầu, là tất yếu của xã hội hiện đại và của một nền văn hóa mang tính đặc thù Nhật Bản. Trước đây, phụ nữ Nhật kết hôn vì lý do truyền thống, vì nghĩa vụ và nhu cầu tài chính. Còn hiện nay, khi có việc làm đã trở thành một trong các “nữ quyền”, thì ngày một nhiều người không lấy chồng nữa mà tự lo cho cuộc sống của mình. Một số đàn ông Nhật, kể cả các nhà lãnh đạo chính trị, đã công khai chỉ trích phụ nữ độc thân, những người không chịu đảm nhiệm vai trò truyền thống trong gia đình. Cựu thủ tướng Yoshiro Mori cho rằng những phụ nữ không sinh nở không nên nhận lương hưu. "Trợ cấp là để chăm sóc và thưởng cho những phụ nữ có nhiều con", ông Mori phát biểu, "Thật kỳ lạ khi nói chúng ta phải chi tiền thuế để chăm sóc những phụ nữ không sinh con đến một lần, những người sống cuộc sống ích kỷ và ca ngợi tự do". Sự tự do cá nhân tưởng chừng như đơn giản ấy lại có những ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và sự phát triển của toàn xã hội. Điều này đã khiến chính phủ Nhật Bản cũng như toàn xã hội phải nhìn nhận vai trò của người phụ nữ, tìm ra những đối sách khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con, nhằm lấy lại sự cân bằng trong gia đình và xã hội.
HẠ THỊ LAN PHI
(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 |
Thụy Miên, “Chuyện giải trí của phụ nữ Nhật Bản.”, Ngày 23/3/2008. Báo điện tử: Thanhnien online.com.vn. |
2 |
Vũ Hoàng, “Tại sao phụ nữ Nhật Bản “ngại” lấy chồng?”, Báo Đời sống và pháp luật. Ngày 21/6/2006. |
3 |
Minh Thương, Nhật Bản trường tư “át” trường công, Báo VietnamNet.com. Ngày 17/10/2005. |
4 |
http://www.jpss.go.jp. (trang Web của Viện Nghiên cứu Quốc gia về các vấn đề dân số và bảo hiểm xã hội, Nhật Bản. |
5 |
http://www.yahoo.com.jp/qua/question. “なぜ日本では戦後「男女平等」という現実上難しいことを推進しようとしてきたので...”.30/4/2007. |