Trang chủ

CHẾ ĐỘ RUỘNG ĐẤT THỜI PHONG KIẾN Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 28-09-2012, 12:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 6

1. Khái quát về chế độ ruộng đất thời kỳ tiền phong kiến

Cuối thế kỷ IV, nhà nước đầu tiên ở Nhật Bản ra đời với tên gọi Yamato để rồi đến thế kỷ V thống nhất toàn Nhật Bản. Cũng như nhiều quốc gia Châu Á khác, nhà nước Yamato lúc bấy giờ đã coi nông nghiệp là nền tảng của kinh tế quốc gia nên chế độ ruộng đất luôn là vấn đề quan trọng nhất. Theo đó, đất đai luôn được triều đình Thiên hoàng chú trọng trong quá trình củng cố, xây dựng và phát triển nhà nước trung ương tập quyền. Điển hình cho quá trình đó là cuộc cải cách Taika do Thiên hoàng Kotoku (hiệu là Taika) khởi xướng năm 646. Cuộc cải cách này nêu rõ xóa bỏ quyền tư hữu về ruộng đất và nông nô, quyền cha truyền con nối về sở hữu ruộng đất và nông dân gắn với ruộng đất. Như vậy, ruộng đất nói chung đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước do Thiên hoàng đứng đầu. Trên cơ sở đó, nhà nước chia ruộng đất, chủ yếu là ruộng lúa nước cho những người làm ruộng theo số nhân khẩu mỗi hộ. Đây còn được coi là chế độ “Ban điền” (Kubunden) mà theo đó tất cả những người dân từ 6 tuổi trở lên đều được chia ruộng đất. Cụ thể, nam giới mỗi người được 2 tan (1 tan = 840m2), nữ giới mỗi người được chia bằng 2/3 nam giới. Ruộng đất được giao trong 5 năm, đến năm thứ 6 sẽ xem xét lại. Trong khi đó, đất nhà cửa và đất vườn được công nhận sở hữu tư nhân và như vậy được phép truyền lại cho con cháu. Những người được phân cấp ruộng đất không được phép rời khỏi mảnh đất được chia và phải đóng thuế cho nhà nước với ba loại thuế chính là: thuế đất (Sho) nộp bằng thóc lúa, thuế sức lao động nộp bằng sức lao động (Yoeki) hoặc bằng sản phẩm (Yo), thuế sản phẩm (Cho) nộp bằng các sản phẩm ngoài thóc lúa.

Cả ba loại thuế chính này áp dụng với tất cả nam giới trưởng thành còn nữ giới, trẻ em người ngoài 65 tuổi không phải đóng thuế lao động và thuế sản phẩm. Ngoài ra còn miễn thuế một phần hoặc toàn bộ cho những người trong gia đình hoàng tộc, người có hàm từ bát phẩm trở lên, thầy thuốc, thợ mộc, thợ rèn, binh lính, phu trạm, phu khuân vác. Giới quý tộc địa phương được ban cấp ruộng đất và nông dân căn cứ vào tước vị, chức vụ, công lao với triều đình. Phần ruộng đất ban cho quý tộc theo tước vị thấp nhất cũng gấp 40 lần phần ruộng của nông dân.

Từ năm 710 đến năm 794, kinh đô của Nhật Bản chuyển tới Nara nên giai đoạn lịch sử này còn gọi là thời kỳ Nara. Thời kỳ này thực hiện hệ thống cải cách ruộng đất và chế độ thuế khóa mới nhằm thúc đẩy quá trình tư hữu đất đai là chế độ cho thuê ruộng đất. Sự phân phối ruộng đất dựa vào giới tính, tuổi tác của các thành viên gia đình nông dân kể cả việc phân biệt giữa những người tự do với nô lệ và tá điền làm công. Chế độ thuê đất canh tác cứ sau 5 năm lại xem xét một lần. Đất được phân chia cho gia đình có thể ở cùng một nơi hoặc rải rác nhiều nơi khác nhau. Trên thực tế, ruộng đất thời kỳ này bị chia sẻ và nằm trong tay các gia đình dòng họ quý tộc và quan chức triều đình. Việc cho thuê đất không thể áp dụng đối với những đại điền chủ có quyền thế kể cả với những nông nô phục vụ cho gia đình họ, cho nên hầu như luật về chế độ cho thuê ruộng đất chỉ áp dụng được đối với tiểu nông. Năm 711, một sắc lệnh quy định từ nay những đất vô chủ có thể cày cấy được thì chỉ có quan chức địa phương mới có quyền thay mặt nhà nước để phân phối. Năm 713 cũng có sắc lệnh tương tự nhằm vào cơ sở tôn giáo vì đã chiếm dụng rất nhiều ruộng đất.

Những mâu thuẫn và bất ổn định trong luật đất đai khiến chính quyền Nara phải khuyến khích đất khai hoang đồng thời ban hành đạo luật mới cho phép chủ nhân vùng đất mới được miễn thuế một thế hệ, thậm chí hai, ba thế hệ hoặc nếu sản xuất được nhiều còn miễn thuế suốt đời, đất được quyền sở hữu vĩnh viễn. Đúng ra, việc khai khẩn đất đai cùng kỹ thuật canh tác là những lợi thế nhưng những đạo luật đất đai không phù hợp cùng với sự quản lý yếu kém, tham nhũng của nhiều quan chức cai trị dẫn đến mâu thuẫn gay gắt về quyền sở hữu đất đai.

Năm 794, Chính quyền Trung ương lại một lần nữa rời đô tới Heian (Kyoto ngày nay) mở ra thời kỳ mới gọi là thời kỳ Heian (794 – 1192). Mặc dù chính quyền đã có nhiều thúc bách song hình thức phân phối ruộng đất đến từng nhà để cho thuê vào thế kỷ thứ VIII vẫn không áp dụng được. Nguyên nhân có nhiều nhưng một trong số đó là thời hạn cho thuê đất lại rất thất thường nên dù không ai tuyên bố bãi bỏ chế độ thuê đất nhưng trên thực tế người ta không theo từ lâu rồi. Từ khoảng năm 912, chính quyền không còn quan tâm nhiều đến phân phối đất đai mà chỉ đề cấp đến thuế má và việc cho thuê đất bỏ hoang. Chế độ “Ban điền” được xem là chấm dứt và đến thế kỷ X thì ruộng đất thuộc quyền sở hữu tư nhân đã hoàn toàn lấn át ruộng đất do nhà nước ban cấp.

Sự phát triển của chế độ ruộng đất tư hữu còn bao hàm ý nghĩa và quá trình chuyển quyền lực từ chính quyền trung ương vào tay các chủ đất ở các địa phương. Đây cũng là quá trình hình thành các trang viên (Shoen) rộng lớn ở khắp đất nước. Các trang viên này được miến thuế, chính quyền địa phương không được xâm phạm và cùng với điều đó là lực lượng vũ trang riêng của họ. Cùng với thời gian, các trang viên lớn mạnh dần với tư cách không chỉ là đơn vị kinh tế tự cấp tự túc mà còn là khu vực hành chính độc lập khiến nhà nước không dễ bề kiểm soát được. Thật vậy, tới thế kỷ XII, các chủ trang viên ở Nhật Bản đã tập hợp xung quanh các dòng họ Samurai có thế lực nhằm phát triển và nâng cao vị thế của mình. Điều đó dẫn tới sự xung đột vũ trang không thể tránh khỏi  giữa các dòng họ lớn mà tiêu biểu nhất là giữa họ Minamoto và họ Taira trong thế kỷ XII đồng thời mở ra một thời kỳ tiếp theo trong lịch sử Nhật Bản.

2. Thời kỳ Kamakura (1992 – 1333)

Trước khi giành thắng lợi (năm 1185), người đứng đầu dòng họ Minamoto là Yoritomo (1147 – 1199) đã lập ra chính quyền riêng tại Kamakura (năm 1184) ở miền Đông Nhật Bản đối lập với triều đình Thiên Hoàng ở Kyoto. Sở dĩ lịch sử thay vì lấy năm 1185 bắt đầu thời kỳ Kamakura mà từ năm 1192 bởi đây là mốc đánh dấu sự ra đời chính quyền quân sự của tầng lớp Samurai ở Nhật Bản gọi là Mạc Phủ (Bakufu). Theo đó, năm 1192, Yoritomo được Thiên hoàng phong cho chức hiệu Tướng quân (Shogun) đứng đầu chính quyền Mạc Phủ và cùng tồn tại với chính quyền Thiên Hoàng (chỉ làm vì) đến tận năm 1868.

Thời kỳ này, trong các Shoen gắn với mỗi mảnh đất có rất nhiều thứ quyền khác nhau được gọi là Shiki. Shiki liên quan tới “thân phận”, vị trí, vai trò của các giai tầng cư ngụ trong đó theo thứ tự cao thấp từ trên xuống dưới. Cao nhất là chủ lãnh địa hay Shoen với vị trí như vậy sẽ bảo đảm cho sự bất khả xâm phạm từ bên ngoài hay chống lại thuế má. Ngược lại, quyền của người làm ruộng, nhìn chung không cò gì hơn là quyền được sống trên mảnh đất đó để canh tác và tiêu thụ phần còn lại của hoa lợi sau khi đã thỏa mãn các quyền cao hơn. Trường hợp phổ biến là người trong hoàng tộc hay quý tộc ở nơi xa không thể tự mình trông nom được phải giao phó cho người khác cai quản. Như vậy, quyền của người này phụ thuộc vào chức trách, nhiệm vụ mà điều này lại bị chi phối bởi những điều kiện như quy mô, vị trí của đất đai, tính chất được miễn trừ, quyền lợi của người giao….

Mặt khác, với chế độ ruộng đất hiện hành ở giai đoạn này, người ta có thể quản lý một Shoen nhỏ rồi giao nộp một phần sản phẩm cho người sở hữu đất đai đó như đã thỏa thuận. Hoặc, đó là người nhận trông nom một số đất đai hay bảo vệ đất đai đó chống lại những người lính canh láng giềng để nhận được từ người sở hữu một số tiền thù lao cố định, phần trăm của thu hoạch….Tại một số địa phương, người lĩnh canh đem ủy thác Shoen cho một quan chức địa phương nào đó là tốt nhất bởi vị này sẽ trông nom Shoen lấy thù lao, làm sổ sách và nộp tiền cho chủ đất vắng mặt.

Như vậy, trong một Shoen có nhiều loại ruộng đất.

- Đất dành riêng cho chủ đất thường là gia đình hoàng thất, đại quý tộc.

- Đất dành cho cơ sở tôn giáo.

- Đất thừa kế với người chủ tự canh tác.

- Đất cấp cho chủ đất dành cho việc bảo vệ, loại này thường được chủ Shoen cho nông dân cày cấy rồi nộp thuế cho chủ.

- Các loại đất khác không phải đất trồng lúa như ao hồ, đồi, rừng cây vv…

Có thể thấy quyền sở hữu và quyền sử dụng đất không những nhiều mà còn đa dạng. Chủ Shoen và ngay cả người quản lý thường có quyền thừa kế, thế nhưng quyền lợi và bổn phận đối với ruộng đất còn có thể chia cho các con cái của một người sở hữu (toàn phần hoặc một phần) thậm chí cho cả con gái.

Từ sự đa dạng của các quyền lợi được mất đó, đồng thời để củng cố địa vị của mình, Yoritomo đã buộc triều đình phải đồng ý cho ông bổ nhiệm các chức quản lý quân sự và quản lý đất đai ở các tỉnh. Người đứng đầu quản lý chung cả hai chức vụ này là Tướng quân Yoritomo còn các vị trí quản lý đất đai thường là người ở Kamakura đã lập được nhiều chiến công cùng sự ưu ái của Tướng quân. Người nắm chức vụ quản lý đất đai có quyền hạn ở tất cả các khu vực họ quản lý dù là đất công hay đất tư. Đây là bước tiến mới vì như thế có nghĩa không còn đất đai nào được miễn thuế nữa. Tuy nhiên trên thực tế không phải vùng đất công hay tư nào cũng có người dân quản lý như chức danh đặt ra ví như những Shoen của Thiên hoàng, giới quý tộc triều đình liên quan tới chế độ ruộng đất còn có những điều luật cụ thể quy định thể thức bán và chuyển nhượng đất đai.

Cùng với việc mở rộng diện tích đất khai hoang thì số người có quyền sở hữu cũng tăng lên. Hơn nữa, họ hầu hết là nông dân có vũ trang ở các địa phương mà chính quyền ở kinh đô không kiểm soát nổi. Những chủ đất này thời gian đầu tự canh tác sau có thể thuê nhân công mở rộng đất đai và ngày càng phát triển thành cộng đồng lớn có sức mạnh vũ trang. Đất đai canh tác là tài sản chủ yếu của các cộng đồng này song giới quân nhân không được hưởng quyền sở hữu hoàn toàn mà chỉ có quyền sử dụng dưới sự kiểm soát của các chủ đất và chính quyền địa phương.

Nhìn chung, các quan chức quản lý đất đai chịu trách nhiệm quản lý đất đai của các Shoen trong cả một tỉnh. Tuy nhiên, dưới sự bảo hộ của chính quyền Mạc Phủ, tầng lớp võ sĩ ngày càng lấn dần ruộng đất của quý tộc rồi hình thành tầng lớp phong kiến mới có thế lực ngày càng mạnh.

Bước sang thế kỷ XIII, quyền lực chính quyền rơi vào tay các nhiếp chính dòng họ Hojo. Những lãnh chúa phong kiến lớn (Daimyo) là những người có quyền sở hữu ruộng đất lớn trong cả nước cùng với quyền lực ngày càng tăng lên. Những năm 1222 và 1223, có các cuộc điều tra cơ bản ở tất cả các tỉnh với mục đích nắm lại diện tích đất đai canh tác, tên tuổi chủ đất, tên tuổi các quan chức quản lý đất đai. Qua đó, chính quyền Mạc Phủ muốn tăng cường hiệu lực trong các chính sách ruộng đất và quyền sở hữu đất đai trên phạm vi cả nước. Năm 1232, chính quyền cho công bố Luật Joei với 51 điều trong đó có 2 điều nói về quyền sở hữu ruộng đất, trang viên, vấn đề thừa kế và việc liên quan. Quyền sở hữu ruộng đất có giá trị trong 20 năm dù không ở chức vụ cũ. Nếu là ruộng đất tịch thu được thì cũng được sở hữu thời gian như vậy tức là đến năm cuối cùng sẽ được xem xét lại. Điều này là một bảo đảm pháp lý cho người sở hữu khác với thời kỳ Yoritomo khi mà quyền sở hữu không được pháp luật bảo vệ chặt chẽ. Thật vậy, tuy bị đánh thuế nặng nhưng ít ra người nông dân cũng biết được rằng mình được bảo vệ chống lại sự sách nhiễu không nằm trong luật pháp. Hơn nữa, nông dân còn được quyền bán tài sản và chuyển cư nếu họ thấy cần thiết. Không chỉ vậy, chính quyền Kamakura còn chú ý đến vấn đề thi hành chế độ ruộng đất ở các địa phương với các chính sách đã được quyết định ở trung ương. Các quan chức quản lý đất đai được các thanh tra giám sát chặt chẽ và bất kỳ sai phạm nào bị phát hiện cũng nhận sự trừng phạt nghiêm khắc. Qua đó, các quyền hạn về thủy lợi và sản lượng thu hoạch đã có những cố gắng trung thực để điều chỉnh chế độ đánh thuế theo các mức khác nhau. Như vậy, chính sách bảo vệ nông dân chống lại sự áp bức của tư nhân là quyết định sáng suốt của chính quyền đương thời.

Cuối thế kỷ XIII, vị trí của chính quyền Kamakura lung lay hơn bao giờ hết. Địa vị kinh tế của tầng lớp võ sĩ ngày càng giảm sút khiến cho nhiều người bị phá sản phải bán ruộng đất cho người khác. Năm 1297, chính quyền Mạc Phủ ban hành sắc lệnh cấm võ sĩ bán ruộng đất và thủ tiêu tất cả các giao kèo mua bán ruộng đất. Thế nhưng, điều đó không ngăn chặn được sự phát triển thế lực của các đại lãnh chúa khi họ chiếm lĩnh nhiều vùng đất ở các tỉnh thành lãnh địa riêng nhằm chống lại chính quyền của dòng họ Hojo. Nhân tình hình ấy, Thiên Hoàng Go – Daigo được sự ủng hộ của các tầng lớp tham gia chống lại Mạc Phủ, để rồi năm 1333, thành phố Kamakura, chỗ dựa cuối cùng của dòng họ Hojo bị đánh chiếm. Quyền lực của dòng họ này chấm dứt cũng đồng thời kết thúc thời kỳ Mạc Phủ Kamakura.

3. Thời kỳ Muromachi (1334 – 1573)

Sau khi trở lại kinh đô, Thiên hoàng Go – Daigo lập tức củng cố địa vị và khôi phục lại vương quyền đã bị chính quyền Mạc Phủ áp chế. Về chế độ ruộng đất, mục tiêu cải cách của chính quyền là xóa bỏ của bộ máy bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và chế độ thuế khóa của chính quyền Mạc Phủ. Thế nhưng, các cố vấn đại diện của chính quyền lại chủ trương quay về chế độ cai trị tiền phong kiến theo luật Taiho (năm 702) tức vùng nông thôn được cai trị bởi các viên tổng trấn các tỉnh và các quan lại cấp huyện cùng các đạo luật liên quan. Rõ ràng, đây là một sai lầm về tư tưởng bởi họ nhầm lẫn giữa phục cổ và cải cách.

Trên thực tế, chương trình cải cách ruộng đất của chính quyền mới vẫn không có ý đồ xóa bỏ các điền trang. Chính sách này cũng được một số chủ đất lớn chấp nhận nhưng tầng lớp tiểu địa chủ và nông dân tỏ ra không hài lòng. Làn sóng bất bình dâng cao và nhân thời cơ ấy, Ashikaga Takauji, một viên tướng của triều đình Kyoto đã đánh chiếm kinh đô (năm 1336) lập ngôi Thiên hoàng làm vì, lịch sử gọi là “Bắc Triều”. Trong khi đó, Thiên hoàng Go – Daigo chạy xuống phía Nam Kyoto lập triều đình mới, lịch sử gọi là “Nam Triều”. Năm 1378, dưới thời Yoshimitsu, đại bản doanh của Mạc Phủ đặt tại đường phố Muromachi ở kinh đô nên còn gọi là Mạc Phủ Maromachi. Sau thời kỳ “ Nam Bắc Triều” (1333 – 1392), dòng họ Ashikaga thống trị đất nước, Thiên hoàng chỉ làm vì mà thôi.

Đầu thế kỷ XV, những viên chỉ huy quân sự lợi dụng vị trí để chiếm đọat thêm đất đai làm của riêng, để rồi trở thành tầng lớp chủ đất mới có quyền hành lớn đối với các trang viên. Bên cạnh đó, chế độ thừa kế đất đai chia đều cho các con trai đã tạo nên tầng lớp điền chủ mới ở nông thôn. Họ không còn phụ thuộc nhiều vào chủ đất lớn như trước mà có xu hướng độc lập, đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp thế kỷ XIV và XV. Giai cấp nông dân cũng có quyền sở hữu ruộng đất, ít nhất là những tá điền được quyền sở hữu một khoảnh ruộng đất trong một trang viên.

Sắc lệnh tháng 10 năm 1441, có điều khoản quy định là người nào đã cày cấy trên mảnh đất trong 20 năm sẽ được quyền sở hữu mảnh đất đó, có nghĩa xác định lại quyền sở hữu đất.

Đầu thế kỷ XV, mầm mống của các cuộc nội chiến bắt đầu xuất hiện nhưng phải đến giữa thế kỷ này ngọn lửa chiến tranh mới thực sự bùng lên với loạn chiến Onin (1467 – 1477) mở đầu cho hơn một thế kỷ có chiến tranh mà lịch sử Nhật Bản gọi là thời Chiến quốc (Sengoku Jidai). Sau loạn chiến Onin, nông dân hầu như mất ruộng đất mà vẫn phải chịu mọi thứ thuế của chính quyền Mạc Phủ. Trong bối cảnh ấy đã dần hình thành một tầng lớp thống trị mới là những quân nhân có nguồn gốc bình dân. Họ trở nên giàu có nhanh chóng bằng cách tước đoạt những trang viên trong vùng, thậm chí của các tổ chức tôn giáo và quý tộc khác nữa.

Cuối thế kỷ XV, nông dân trở thành lực lượng đi lính quân dịch và quá trình này phát triển đã góp phần tạo nên sự thay đổi quan trọng trong đời sống nông thôn. Đó là sự xuất hiện của những pháo đài kiên cố của các nhà quý tộc mới ở nông thôn, họ bắt thuộc hạ sống gần pháo đài còn đất đai của thuộc hạ sẽ do người khác quản lý. Kết quả là cơ cấu xã hội nông thôn có sự phân biệt rõ giữa tầng lớp tộc trưởng hoặc hào phú với giai cấp nông dân.

Dù phải trải qua hơn 100 năm thời Chiến quốc, cuối cùng thì nhu cầu hòa bình và thống nhất đất nước nhằm khôi phục và xây dựng một chính quyền vững mạnh đã được Oda Nobunaga (1534 – 1582) hoàn thành vào năm 1573, mở ra thời kỳ phục hồi và phát triển của chế độ phong kiến Nhật Bản đương nhiên bao hàm cả chế độ ruộng đất.

4. Thời kỳ Azuchi – Momoyama (1573 – 1600)

Quá trình thống nhất đất nước do Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi (1536 – 1598) thực hiện dẫn tới sự ra đời của chính quyền Shokuho (tên gọi tắt ghép từ tên họ của Nobunaga và Hideyoshi). Chính quyền Shokuho muốn định ra chế độ thuế khóa, tô tức thỏa đáng trên cơ sở phải biết được quy mô và sản lượng đất canh tác trong lãnh địa của họ. Nhằm mục đích đó, một cuộc tổng điều tra ruộng đất đã được thực thi trên toàn lãnh thổ Nhật Bản bắt đầu từ năm 1582 dưới thời Hideyoshi. Đến năm 1598 với kết quả là các tỉnh đều được tổng kiểm tra. Việc xếp loại đất theo thứ tự: Loại tốt nhất sản lượng 1,5Koku (1koku = 180kg), loại hai sản lượng là 1,3koku, loại ba là 1,1 Koku. Ruộng nước và ruộng khô được xếp loại như nhau theo sản lượng, có chăng sự khác nhau là ở các địa phương mà thôi.

Mục đích chính của cuộc tổng điều tra là mong muốn đưa đến cho người cày cấy thực sự có quyền sở hữu ruộng đất mà họ đang canh tác và họ phải đóng thuế sản lượng. Qua đó, nhằm thiết lập một chế độ sở hữu ruộng đất cùng chế độ thuế sản lượng thống nhất trong cả nước và là chế độ có hiệu lực. Tuy nhiên, việc tổng điều tra ruộng đất không đạt được kết quả như mong muốn bởi không ít nơi chống lại công việc này hoặc báo cáo gian dối, không nộp bản khai vv….

Khách quan mà nói, tuy chế độ sở hữu đất đai mới có những quy định nghiêm khắc nhưng cũng đưa đến cho dân cày nhiều thuận lợi. Thứ nhất, họ chỉ có một người chủ nên tuy không phải là người hoàn toàn sở hữu nhưng là chủ sở dụng đất đai. Thứ hai, họ không bị liên tục phiền nhiễu như trước kia và biết rõ mình sẽ phải nộp bao nhiêu thứ. Thuế phải nộp có tỷ lệ tương ứng với tổng sản lượng thu hoạch được. Theo chỉ dụ năm 1586 thì “khoảng 2/3 dành cho Thiên hoàng và một phần cho dân”, những năm được mùa thì “bốn phần dành cho Thiên hoàng còn sáu phấn dành cho dân”. Thứ ba, ngoài thuế suất chính, không còn khoản phụ nào khác nên nếu thực hiện được như vậy, đời sống người dân không gặp nhiều khó khăn.

Sau cuộc tổng điều tra ruộng đất của chính quyền đã xác lập chế độ ruộng đất mà trong đó người nông dân không có đặc quyền nào khác là sự bảo đảm về ruộng đất. Ngoài ra, họ phải tuân thủ theo luật pháp của nhà nước chứ không phải của địa phương như một số thời kỳ trước đó. Chế độ ruộng đất như vậy đã trói buộc nông dân với mảnh đất của họ đồng thời cũng là cơ sở để điều động nhân lực thực hiện lao động công ích. Các sắc lệnh chỉ rõ, nông dân không được bỏ ruộng đất đi làm thuê, chủ đất không được che chở cho những kẻ đi lang thang hoặc những người không canh tác. Thậm chí, dân cố cư tự bỏ ruộng đất đi làm thuê hoặc đi buôn thì cả làng sẽ bị trừng phạt.

Như vậy, chính sách hà khắc của chính quyền là nhằm tách nông dân ra khỏi các giai tầng khác. Qua đó cũng xóa bỏ những biểu hiện của chế độ trang viên vì xác định lại vị trí của nông dân thời kỳ này là người sở hữu ruộng đất và nộp thuế. Chính sách như vậy không nhằm tịch thu ruộng đất của chủ đất lớn mà chỉ muốn phân biệt rõ phần đất của chủ được hưởng, phần đất nào người canh tác được tiến hành và tự đóng thuế.

Ngoài mặt tích cực thì hạn chế của chính sách tổng điều tra ruộng đất là tầng lớp quân nhân cảm thấy bị mất mát nhiều thậm chí có người mất hết đất đai phải đi lang thang, làm thuê cho chủ đất khác. Bên cạnh đó, tầng lớp nông dân làm ăn phát đạt cũng bất bình vì ruộng đất của họ bị thu hẹp và chịu thuế má khá nặng nề…Chế độ ruộng đất với các chính sách không chỉ nhằm tách nông dân khỏi người lính mà còn nắm được tình hình từng cá nhân và buộc họ gắn với ruộng đất. Trong quá trình đó, tầng lớp tá điền được quyền độc lập vì họ không bị đuổi ra khỏi mảnh đất đứng tên của mình. Thế nhưng trên thực tế, sự tự do của họ cũng chỉ có tên danh nghĩa vì mảnh đất họ được chia thường nhỏ bé cày cấy cũng không đủ sống. Điều đó buộc nhiều tá điền phải làm thuê cho những chủ đất có nhiều ruộng kể cả việc con cái họ đi làm thuê cho các nhà giàu. Những địa chủ lớn thường là những gia đình dòng dõi quý tộc nông thôn song số lượng không nhiều nên ruộng đất chủ yếu nằm trong tay các đất loại nhỏ và trung bình là hiện tượng phổ biến thời kỳ này.

Sau khi Hideyoshi mất, con trai của Hideyoshi được Tokugawa Ieyasu là người có thế lực nhất phò tá song thực chất chính quyền nằm trong tay ông. Năm 1600, Ieyasu tự xưng là Tướng quân, lập chính quyền Mạc Phủ Edo (Tokyo ngày nay) mở ra thời kỳ hòa bình ở Nhật Bản trên 200 năm.

5. Thời kỳ Edo (1600 – 1868)

Dưới thời Ieyasu có thể nói chính quyền phong kiến tập trung về cơ bản đã được hoàn thiện khi mà kiểm soát được toàn bộ đất đai trong cả nước. Chính quyền Mạc Phủ xây dựng cơ sở chế độ phong kiến bằng cách dựa vào các lãnh chúa khi cho họ có quyền rất lớn ở lãnh địa như: tổ chức hành chính, tư pháp và quân đội riêng song các lãnh chúa đều phải phục tùng Tướng quân. Ngoài nghĩa vụ với chính quyền, còn lại các lãnh chúa được tự do trong lãnh địa của mình miễn là không đụng chạm tới lợi ích của chính quyền Mạc Phủ, không vi phạm luật pháp nhà nước phong kiến. Dân chúng trong lãnh địa phải chịu sự quản lý trực tiếp của lãnh chúa tức là tuân theo luật lệ và phải đóng thuế họ đặt ra. Những người nhận bổng lộc bằng đất đai từ các lãnh chúa thường là tầng lớp trên hay giới quân nhân và họ cũng có quyền riêng tức là kiểm soát những nông dân trên mảnh đất đất đó. Đương nhiên, đất ấy vẫn thuộc lãnh chúa nhưng người được cấp đất này được hưởng các thứ thuế hoặc lao dịch của nông dân sống trên mảnh đất đó. Các lãnh chúa thường định mức thuế và thu thuế trên một mảnh đất rồi cấp đất cho người được cấp. Tỷ lệ đất canh tác dành cho các giai tầng trong các lãnh địa là không giống nhau. Người được cấp đất trong lãnh địa của lãnh chúa được tự do cai quản đất đai theo ý của họ như quyết định từng loại công nào và định ra mức thuế cho nông dân, quyền thưởng phạt, các loại lao dịch…Tuy nhiên, trên thực tế là có không ít người được cấp đất tự cày cấy phần đất của mình chứ không phát canh thu tô.

Đất đai của chính quyền Mạc Phủ do các quan chức gọi là Gundai hoặc Daikan cai quản. Gundai cai quản những vùng đất khoảng 10.000Koku trở lên còn Daikan cai quản vùng đất đất từ 8000 – 10.000Koku. Những người được bổ nhiệm các chức này thường là người am hiểu sâu sắc tình hình địa phương và không nhất thiết phải thuộc tầng lớp quân nhân. Nhiều làng hình thành do nông dân đến khai hoang vùng đất mới được khuyến khích từ chính sách khai hoang của chính quyền và các lãnh chúa. Chính quyền phong kiến ở làng giải quyết mọi việc và quản lý cả ruộng đất. Tên chủ ruộng đất được ghi trong sổ điều tra và chỉ những chủ sử dụng ruộng đất mới có quyền được cấp đất và nước cùng với tham gia các cuộc họp làng. Như vậy, chế độ ruộng đất ở thế kỷ XVII đã góp phần dẫn đến sự phân hóa giai cấp rõ ràng ở các làng xã dù khác nhau ở từng nơi. Năm 1643, việc cầm cố, thế chấp đất canh tác bị cấm nhằm ngăn nông dân nhượng lại quyền sử dụng đất đai rồi di cư ra tỉnh, qua đó ngăn cả việc hình thành chủ sử dụng đất mới. Một đạo luật năm 1673 cấm việc chia nhỏ ruộng đất vì như thế đất đai trở nên manh mún sẽ gây rối loạn trong quản lý. Về lý thuyết thì các cuộc điều tra ruộng đất cứ 10 năm lại được tiến hành một lần nhưng trên thực tế việc này không làm đến nơi đến chốn. Nhiều diện tích đất trồng trọt mới được khai hoang nhưng thoát khỏi sự kiểm tra của các quan chức nhất là khi họ tham nhũng, nhận hối lộ, chểnh mảng công việc.

Đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XVIII, chính quyền gặp khủng hoảng về tài chính nên có chủ trương mở rộng diện tích canh tác. Một sắc lệnh khuyến khích các chủ điền trang tìm mọi cách khai khẩn các vùng đất mới để trồng trọt và chỉ thu 1/10 số thuế nông nghiệp đối với đất vỡ hoang để kích thích sản xuất. Thế kỷ XVIII, quan hệ giữa tá điền và chủ đất không còn như mối quan hệ trong gia đình nữa mà tá điền trở thành người thuê đất của địa chủ để cày cấy. Hiện trạng phổ biến ở các làng là một số ít người giàu nắm ruộng đất còn lại số đông là nông dân nghèo.

Hơn nữa, sự nô dịch bất công, đối địch giàu nghèo tất dẫn tới những cuộc nổi dậy chống lãnh chúa và quan chức tham nhũng, đồng thời bộc lộ những sai lầm trong hệ thống quản lý ruộng đất của chính quyền Mạc phủ. Đó là chính sách bảo thủ của chính quyền và lãnh chúa địa phương chỉ biết tìm cách bóc lột nông dân bằng chế độ thuế má nặng nề trong khi không mở ra khả năng cho người ta phát huy hết sức mạnh về vấn đề sử dụng đất. Kết hợp nhiều nguyên nhân đã buộc người nông dân tìm cách thoát khỏi tình trạng tồi tệ ở nông thôn bằng biện pháp đổ xô về thành thị để kiếm sống.

Cho đến cuối năm 1843 thì biện pháp cưỡng bức được đưa ra áp dụng để buộc người ta phải quay về nơi xuất phát. Nhiều vùng đất rộng lớn bị nông dân bỏ hoang vì đất không sản xuất đủ sản lượng thu hoạch để thỏa mãn cho việc thu thuế. Cảnh nghèo khổ đã buộc nông dân phải bán ruộng đất hoặc cầm cố cho chủ nợ từ đó nảy sinh một lớp người có ruộng mà không canh tác và lớp người canh tác ruộng không phải của mình. Điều đó gây ra xung đột quyền lợi giữa người nông dân sử dụng đất với người chủ đất (khác với lãnh chúa phong kiến) và đó là một trong những nguyên nhân gây ra tranh chấp về sử dụng đất kéo dài tới tận thế kỷ XIX. Từ vấn đề này cùng với bệnh dịch và nạn đói đã dẫn tới hiện trạng trong nửa sau chế độ Tokugawa thường xuyên có những cuộc nổi dậy về ruộng đất. Tới thập kỷ cuối cùng của chính quyền Mạc Phủ có rất nhiều cuộc nổi dậy mạnh mẽ của nông dân chống lại địa chủ. Chẳng hạn, năm 1859 một cuộc nổi dậy ở Shinshu, nông dân từ nhiều làng mạc gương cao khẩu hiệu đòi thi hành luật ruộng đất. Song, nhìn chung những cuộc nổi dậy như vậy thường bị tan rã nhanh chóng vì không có tổ chức chặt chẽ và không được duy trì liên tục. Tuy nhiên, thời gian này thế lực của chính quyền Mạc Phủ đã rất suy yếu đến mức cho đến tháng 7/1866 lực lượng của Tướng quân bị đánh bại ở khắp nơi. Tháng 8/1866, Tướng quân hầu như mất hết thực quyền để rồi cuối năm 1867 một chính quyền lâm thời được thành lập mà không có thành viên nào thuộc dòng họ Tokugawa. Từ năm 1868, Nhật Bản hoàn toàn thuộc quyền cai trị của Thiên Hoàng, qua đó chấm dứt thể chế xã hội phong kiến cùng với chế độ ruộng đất gắn liền với nó qua nhiều thế kỷ tồn tại.

6. Kết lun

Những chuyển biến về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của Nhật Bản trước năm 1184, nhất là từ sau cải cách Taika (năm 646) đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử là sự xác lập hệ thống chính quyền nhà nước trong đó có chế độ ruộng đất đã định hình bước đầu. Tiếp đến thời Nara và Heian, chế độ ruộng đất không chỉ là một trong những cơ sở nền tảng của xã hội mà còn nâng lên một bước mới với sự phát triển của ruộng đất tư hữu dẫn tới sự ra đời của các trang viên. Đây được xem là những trang viên tiền phong kiến với nhiều đặc điểm mà khi bước vào giai đoạn tiếp sau các trang viên này hội tụ đầy đủ các đặc trưng cần thiết của một trang viên phong kiến. Hơn thế nữa, trang viên là một phần không thể thiếu được trong chế độ ruộng đất thời phong kiến qua các thời kỳ hình thành, tồn tại phát triển và diệt vong của nó. Sự ra đời của chính quyền quân sự của tầng lớp Samurai gọi là Mạc Phủ cũng đồng thời cho thấy chế độ ruộng đất thực chất gắn liền với quyền lực chủ yếu trong tay của các Tướng quân hơn là của triều đình Thiên hoàng. Theo đó, một chuyển biến mới ở thời kỳ Kamakura so với thời kỳ trước, sở hữu ruộng đất không còn là độc quyền của quý tộc mà đã chuyển dần sang thế lực mới là tầng lớp võ sĩ hay nói chung là giới quân nhân. Những lãnh chúa phong kiến lớn (Daimyo) xuất thân từ tầng lớp võ sĩ ngày càng củng cố thế lực cùng với quyền sở hữu ruộng đất lớn khiến cho vị trí của tầng lớp quan lại của triều đình ngày một suy yếu. Trong khi đó, nông dân trở thành người sở hữu một phần đất cố định ở các trang viên và phải nộp thuế (bằng sản phẩm thu hoạch) cho chủ đất. Chế độ ruộng đất ngày càng được khẳng định rõ hơn với sự ra đời của các bộ luật song chỉ với mục đích là bảo vệ quyền sở hữu của chính quyền Mạc Phủ, quan lại phong kiến quân sự nhất là đặc quyền ưu đãi của một vài dòng họ lớn như dòng họ Hojo chẳng hạn.

Từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI là giai đoạn đầy biến động vì nội chiến triền miên song quyền lực vẫn cơ bản thuộc về Tướng quân với sự cai trị đất nước là Mạc Phủ của dòng họ Ashikaga. Quyền sở hữu lớn về đất đai chủ yếu vẫn thuộc về tầng lớp quân nhân song đã bước đầu có sự phân chia trước quá trình phát triển của tầng lớp địa chủ mới có nguồn gốc bình dân. Đây là tầng lớp được hưởng lợi hay đúng hơn là lợi dụng cơ hội qua các cuộc nội chiến để chiếm giữ đất đai trở thành lãnh chúa mới ở các địa phương. Như vậy, sự chiếm cứ đất đai trở thành lãnh địa rộng ở các địa phương dường như làm vô hiệu hóa các chính sách và chế độ ruộng đất của chính quyền Mạc Phủ. Luật pháp liên quan tới vấn đề ruộng đất gần như được xem là “việc riêng” của các lãnh chúa phong kiến và tất cả do họ quyết định miễn sao có lợi cho riêng mình. Sự phá sản của chế độ ruộng đất thời kỳ Muromachi gắn liền với quá trình suy yếu của chính quyền Mạc Phủ Ashikaga, điều đó không những làm cho các giai tầng, nhất là nông dân khốn khổ mà còn gây trở ngại lớn cho sự phát triển xã hội. Cuối cùng thì nhu cầu kết thúc nội chiến, cát cứ khôi phục lại chính quyền thống nhất và vững mạnh đã được thống nhất ở các giai tầng xã hội. Sự ra đời của chính quyền Shokuho thời kỳ Azuchi – Momoyama đã đáp ứng điều đó như một tất yếu của lịch sử. Chính quyền và chế độ phong kiến dần được củng cố thể hiện qua các biện pháp liên quan đến vấn đề ruộng đất đã được thực thi trên toàn quốc như tổng điều tra ruộng đất mà Hideyoshi tiến hành. Tuy còn có những hạn chế nhưng dù sao chế độ ruộng đất thời kỳ này đã khắc phục tình trạng phân tán, cát cứ của các lãnh địa. Điều đó có nghĩa, chế độ ruộng đất không còn bị chi phối mạnh mẽ của các lãnh chúa địa phương và đã vận hành theo chính sách, phương hướng của chính quyền đề ra.

Đây chính là cơ sở, nền tảng của chế độ ruộng đất dưới thời chính quyền Mạc Phủ Tokugawa lĩnh hội và vận dụng trong giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến ở Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo, chế độ ruộng đất được vận hành theo xu hướng tập trung quyền lợi trong tay các lãnh chúa dưới sự chi phối trực tiếp của chính quyền Mạc Phủ mà Tướng quân như một lãnh chúa lớn nhất. Cùng với thời gian, chế độ ruộng đất thời kỳ Edo ngày càng bộc lộ những hạn chế dẫn đến khủng hoảng là không tránh khỏi bởi điều đó gắn liền với quá trình suy tàn của chế độ phong kiến Nhật Bản. Đó là kết quả tất yếu của quá trình phát triển xã hội đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Nhật Bản: Thời Cận đại (1868 – 1945).

Khi đề cập tới chế độ ruộng đất thời phong kiến, không thể không nói tới giai cấp nông dân vì đây là nhân tố quan trọng bậc nhất ở bất cứ thời kỳ nào. Sở dĩ như vậy là bởi quá trình hình thành, tồn tại, phát triển rồi diệt vong của chế độ ruộng đất phong kiến cũng đồng thời là sự biến đổi không ngừng của giai cấp nông dân. Chế độ ruộng đất thời phong kiến không nhằm phục vụ cho giai cấp nông dân mà cho giai cấp thống trị đương thời cho nên nghịch lý được tạo ra ở chỗ, người gắn liền với ruộng đất là nông dân lại cùng cực nhất. Bởi vậy, lịch sử chế độ ruộng đất thời phong kiến ở Nhật Bản cũng đồng thời là lịch sử đấu tranh, phản kháng của giai cấp nông dân đối với giai cấp thống trị, giành lại ruộng đất về giai cấp mình. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, mong ước chính đáng của giai cấp nông dân không thể trở thành hiện thực mà trái lại điều đó ngày càng dời xa họ ngay chính trên mảnh đất đang mưu sinh tồn tại. Chỉ có điểm khác biệt duy nhất là khi chế độ phòng kiến khủng hoảng trầm trọng rồi diệt vong cùng với chế độ ruộng đất mà nó sinh ra thì nông dân lại là một trong những lực lượng chủ yếu lật đổ chế độ ấy để rồi tiếp tục trở thành giai cấp không thể thiếu được trong các thời kỳ tiếp theo của lịch sử Nhật Bản.

 

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Edwin O.Reichauer, Nht Bn quá kh và hin ti, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.

2. G. Sansom, Lch s Nht Bn, tập I, II, III, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, 1995.

3. Japan: Profile of a nation, Kodansha International, Tokyo – New York – London, 360P.

4. Japan a country study, Ed. By F.M Bunge, Washington: Foreign Area Studied, 1983.

5. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lch s Nht Bn, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1995.

6. Richard Bowring và Peter Kornicki, Bách khoa thư Nht bn, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, 1995.

7. Vĩnh Sính, Nhật Bản Cận đại, NxbVăn hóa tùng thư, 1990.

 

0thảo luận