Trang chủ

NỀN TÀI CHÍNH TRUNG QUỐC SAU HƠN 5 NĂM GIA NHẬP WTO

Đăng ngày: 28-09-2012, 12:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 6

Hơn 5 năm gia nhập WTO là giai đoạn kinh tế Trung Quốc  phát triển nhanh nhất trong lịch sử, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc   tăng trưởng ổn định tạo cơ hội đầu tư và thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp toàn cầu, tạo động lực lớn thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Trong đó thành tựu của ngành tài chính Trung Quốc là không nhỏ.

1. Thành tựu

- Tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong lịch sử

Năm 2002, GDP của Trung Quốc vượt qua ngưỡng 10.000 tỷ NDT, GDP bình quân đầu người năm 2003 hơn 1.000 USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2004 hơn 1.000 tỷ USD, thu thuế tài chính năm 2005 hơn 3.000 tỷ NDT, dự trữ ngoại tệ năm 2006 hơn 1.000  tỷ USD.  Từ năm 2001 - 2005, thu nhập bình quân đầu người từ 1.038 USD, tăng lên 1.700 USD. Năm 2005, Trung Quốc   trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), từ khi gia nhập WTO đến nay, bình quân đóng góp tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đối với tăng trưởng kinh tế thế giới là 13%, phát triển của Trung Quốc trở thành trụ cột quan trọng và lực lượng lôi kéo kinh tế toàn cầu phát triển. Đặc biệt là trong 4 năm gần đây tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Trung Quốc đều tăng trên 30%, từ 509,6 tỷ USD, tăng lên 1.422,12  tỷ USD, vượt lên đứng thứ 3 thế giới.

Năm 2005, GDP của Trung Quốc đạt 2.227,5 tỷ USD. Tính đến cuối tháng 9/2006 đã có 480/500 Công ty xuyên quốc gia mạnh nhất toàn cầu đầu tư vào Trung Quốc. Theo thống kê, trong 5 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc   khoảng 2.400 tỷ USD, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thu lợi nhuận từ Trung Quốc là 57,94  tỷ USD.

- Thị trường rộng mở, môi trường đầu tư thông thoáng

Năm 2003, Trung Quốc thực hiện tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) là 851 tỷ USD, tăng 31,7%, vượt lên hàng thứ 4 thế giới; năm 2004, sau 3 năm gia nhập WTO, tổng kim ngạch XNK vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ USD, đạt 1.154,7 tỷ USD, vượt lên đứng thứ 3 thế giới. Năm 2005 đạt 1.422,12 tỷ USD, giữ vững vị trí lớn thứ 3 toàn cầu. Kim ngạch XNK 10 tháng đầu năm 2006 đạt 1.424,95 tỷ USD, tăng 24,1%. Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu (XK), sau khi gia nhập WTO đến nay, XK sản phẩm công nghiệp chiếm trên 90%, nhất là kim ngạch XK sản phẩm kỹ thuật cao mới chiếm tỷ lệ trong sản phẩm công nghiệp ngày càng tăng. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, các nước thành viên WTO khu vực châu Mỹ và châu Âu đã xoá bỏ quota đối với hàng dệt may, thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc   tăng trưởng nhanh chóng sang các thị trường chủ yếu, nhất là thị trường Mỹ. Tính đến nay Trung Quốc đã 14 năm liên tục Trung Quốc  luôn giữ vị trí dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các nước đang phát triển.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Diễn đàn Bắc - Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Trung Quốc Long Vĩnh Đồ: sau khi gia nhập WTO, thông qua hiệp định giữa Chính phủ với Chính phủ, tạo môi trường bên ngoài thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh chóng. Trong đó, khơi thông quan hệ đối tác thương mại chiến lược với Mỹ là thành quả lớn nhất trong hơn 5 năm qua. Quan hệ thương mại Trung - Mỹ là nhân tố quan trọng nhất trong tổng thể quan hệ thương mại của Trung Quốc. Nhất là gần đây Trung - Mỹ đã xây dựng khung đối thoại chiến lược lâu dài, đưa quan hệ mậu dịch Trung - Mỹ vào khung quan hệ cơ chế ổn định, tránh được tình trạng Hạ viện Mỹ tiến hành điều tra xem xét giành Tối huệ quốc cho Trung Quốc vào tháng 6 hàng năm.

- Cơ cấu ngành nghề được điều chỉnh

Hơn 5 năm qua gia nhập WTO, có tác dụng thúc đẩy ngành nghề trong nước phát triển trên các lĩnh vực như mở rộng quy mô, giữ vững tốc độ phát triển tương đối nhanh và ổn định, nâng cao hiệu quả và tăng cường nguồn dự trữ lâu dài và bền vững.

Ngành kỹ thuật cao của thế giới, tiêu biểu là ngành kỹ thuật thông tin tiếp tục chuyển dịch vào Trung Quốc với quy mô lớn, 90/100 công ty mạnh nhất về kỹ thuật thông tin trên thế giới đã đầu tư vào Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm thông tin điện tử tăng nhanh. Ngành công nghiệp ôtô trong nước đẩy nhanh chuyển đổi chiến lược và điều chỉnh cơ cấu trong thế cạnh tranh, tổng sản lượng ôtô các loại năm 2006 ước đạt 6 triệu chiếc. Thông qua mở cửa dịch vụ thương mại, mở ra lĩnh vực mới và thị trường mới, thúc đẩy ngành dịch vụ trong nước phát triển.

Hình thành phương thức và hình thức tổ chức ngành lưu thông hiện đại như mạng lưới kinh doanh đa tầng và rộng khắp, thương mại điện tử phát triển nhanh, đa dạng hóa và hiện đại hóa ngành bán lẻ...

- Thể chế kinh tế thị trường từng bước được hoàn thiện

Sau khi gia nhập WTO, thông qua chuyển đổi quy tắc và thực hiện cam kết, Trung Quốc tập trung sửa đổi và ban hành mới hàng loạt văn bản pháp luật, pháp quy liên quan, phát huy tác dụng đối với cải cách thể chế kinh tế trong nước. Việc điều chỉnh quy mô lớn các văn bản quy phạm pháp luật và luật pháp của Trung Quốc có tác dụng thúc đẩy hoàn thiện hệ thống luật pháp kinh tế thị trường, chuyển đổi và nâng cao chức năng lập pháp và hành pháp của Nhà nước. 5 năm gia nhập WTO thành tựu phát triển của Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên, những thách thức đối với nền tài chính đang tồn tại là không nhỏ.

2. Những thách thức đối với nền tài chính của Trung Quốc

- Giảm thu trong lĩnh vực nông nghiệp

Thị trường nông sản Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa, mức thuế nhập khẩu nông sản phẩm năm 2005 giảm xuống còn 15,35%, đến năm 2008 tiếp tục giảm xuống còn 15,1%. Sau khi kết thúc thời kỳ quá độ, nới rộng quota nông sản ngày càng tăng, năm 2006 xoá bỏ quản lý hạn ngạch dầu thực vật. Ngành nông nghiệp Trung Quốc với quy mô kinh doanh nhỏ, trình độ tổ chức thấp.v.v. Trong bối cảnh thị trường các nước phát triển thực hiện trợ giá đối với nông nghiệp, lượng nhập khẩu nước ngoài tăng tương đối mạnh. Vì vậy, một số mặt hàng nông sản sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh của các sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ của nước ngoài. Nguy cơ giảm thu trong nước đối với ngành nông nghiệp sẽ ngày càng gia tăng nếu Trung Quốc không có đối sách thoả đáng.

- Tập trung hoá chưa cao, năng xuất thấp, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý

Luyện kim, hoá dầu và cơ khí của Trung Quốc là những ngành vẫn còn khoảng cách xa so với trình độ tiên tiến của thế giới. Tập trung hoá sản xuất chưa cao, năng xuất lao động thấp, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý... là nhân tố chủ yếu kìm hãm sự phát triển của các ngành này. Đối mặt với sự cạnh tranh của thị trường mở, các sản phẩm cao cấp nhập khẩu ngày càng nhiều, nếu điều chỉnh cơ cấu ngành nghề chậm, khả năng điều tiết khống chế yếu thì sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nước ngoài. Ngành xe hơi Trung Quốc tuy đã đạt những tiến bộ, nhưng vẫn còn một số vấn đề nổi cộm, chủ yếu là quy mô sản xuất của một số nhà máy chế tạo ôtô nguyên chiếc không kinh tế, khả năng khai thác kỹ thuật yếu. Từ ngày 01/01/2005, Trung Quốc bắt đầu thực hiện biện pháp quản lý quota và hạ thấp thuế nhập khẩu ôtô và linh kiện, cạnh tranh đối với các xí nghiệp ôtô trong nước ngày càng kịch liệt. Ngoài ra, do sự kích thích của việc bỏ hạn ngạch xuất khẩu của Mỹ và châu Âu đối với một số hàng hàng dệt may của Trung Quốc, cho nên đầu tư vào ngành dệt, may của Trung Quốc    gia tăng mạnh mẽ, năng lực sản xuất của ngành dệt, may trong nước ngày càng  mở rộng, xuất khẩu tăng trưởng nhanh. Do đó, phải chuẩn bị để đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch  của các nước phát triển đang có nguy cơ ngóc đầu dậy.

-  Năng lực ngành dịch vụ yếu kém

Về cơ chế kinh doanh, trình độ quản lý, tố chất con người trong ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của Trung Quốc    có khoảng cách tương đối lớn và sức cạnh tranh yếu kém so với các nước phát triển. Hiện nay, cạnh tranh chủ yếu và rõ ràng nhất giữa ngân hàng đầu tư nước ngoài và ngân hàng trong nước là nghiệp vụ thanh toán quốc tế, nhưng sau hơn 5 năm gia nhập WTO, tức vào ngày 11/12/2006 Trung Quốc    phải đối xử bình đẳng đối với các ngân hàng nước ngoài, cạnh tranh sẽ càng quyết liệt hơn. Do các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc nguồn vốn mỏng, tỷ trọng nợ xấu tương đối lớn, đẳng cấp tín dụng thấp hơn so với nhiều ngân hàng đầu tư nước ngoài, khả năng huy động vốn trong thị trường vốn quốc tế thấp sẽ khiến các ngân hàng này có thể rơi vào thế cạnh tranh bất lợi, nếu không có giải pháp khắc phục sớm.

- Áp lực mở cửa thị trường trong nước gia tăng

Trong cam kết gia nhập WTO, một mặt Trung Quốc đưa ra yêu cầu mở cửa thị trường với các thành viên khác; mặt khác, chính Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực mở cửa thị trường hơn nữa. Do đó, sau khi kết thúc thời kỳ quá độ WTO là lúc Trung Quốc phải đối mặt với những ảnh hưởng do việc thực hiện các cam kết và mở cửa thị trường hơn nữa. Vì vậy, Trung Quốc cần phải tính toán đầy đủ đến những đóng góp của các thành viên khi được tham gia thị trường để có sự bố trí đặc biệt trong việc sắp xếp thời gian và mức độ nhượng bộ.

- Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy

Để ngăn chặn sự phát triển kinh tế và mậu dịch đối ngoại của Trung Quốc, các thành viên WTO phát triển ngày càng lợi dụng các biện pháp, như chống bán phá giá, biện pháp bảo vệ đặc biệt, hạn chế hàng dệt may, giầy dép... qua đó tạo mối đe dọa đối với sản phẩm của Trung Quốc đi vào thị trường thế giới. Hơn 5 năm qua, đã có hàng trăm vụ kiện chống bán phá giá và bảo hộ mậu dịch trong nội bộ thành viên WTO. Trong đó, Mỹ, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Peru và các thành viên khác đã khởi động điều tra theo điều khoản “Bảo vệ đặc biệt” đối với nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc, nhất là đối với hàng xuất khẩu truyền thống như hàng dệt, may và giầy dép. Tính đến nay, với sự giao thiệp đa phương của Chính phủ, Hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp của Trung Quốc, các nước thành viên trên tạm thời không áp dụng biện pháp “Bảo vệ đặc biệt”, tuy nhiên sau khi kết thúc thời kỳ quá độ, nhiệm vụ ngăn chặn và ứng phó với các điều khoản của các ngành có liên quan bị lợi dụng vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và nặng nề.

3. Những đối sách về tài chính của Trung Quốc

- Trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong quá trình quan hệ kinh tế-thương mại toàn cầu hóa, các nước phát triển thường sử dụng biện pháp “rào cản kỹ thuật” để hạn chế nhập khẩu hàng hóa của các nước đang phát triển. Do đó, Trung Quốc cần phải tiếp tục căn cứ vào quy tắc của WTO, khai thác những quy tắc có lợi đối với Trung Quốc     và các nước đang phát triển, đấu tranh xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi quan thuế. Chuẩn bị tốt công tác quốc tế, một mặt cần lợi dụng các Điều khoản của WTO để bảo vệ bản thân, mặt khác cũng phải chuẩn bị tốt mọi mặt công tác theo tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch động thực vật, tính toán giá thành, chế độ kế toán tài vụ, thương hiệu hàng hóa, quy định pháp luật, tiền tệ, khoa học, kỹ thuật... căn cứ theo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Kết hợp chặt chẽ giữa xuất khẩu hàng hóa và kỹ thuật với xuất khẩu lao động, mở rộng thị trường quốc tế hơn nữa.

- Đối với mậu dịch đối ngoại

Tập trung đi sâu cải cách thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng và trình độ cải cách mở cửa. Quan tâm toàn diện giữa phát triển trong nước và mở cửa ra bên ngoài, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế. Không ngừng nâng cao trình độ mở cửa đối ngoại, nhanh chóng thay đổi phương thức tăng trưởng mậu dịch đối ngoại, đa dạng hoá phương thức mậu dịch và thị trường. Nâng cao chất lượng lợi dụng đầu tư nước ngoài, lấy nâng cao năng lực tự chủ đổi mới làm điểm xuất phát, tối ưu hoá cơ cấu đầu tư nước ngoài, thúc đẩy nâng cấp doanh nghiệp và đổi mới kỹ thuật công nghệ. Tiếp tục thực hiện chiến lược “hướng ngoại”, tăng cường hợp tác kỹ thuật kinh tế với nước ngoài, tăng cường năng lực kỹ thuật và khai thác phát triển thị trường của doanh nghiệp.

- Đối với lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng

Trong thời gian tới cần phải  đẩy nhanh cải cách ngân hàng thương mại quốc doanh theo hướng doanh nghiệp hoá, xóa bỏ mô hình nhà nước đầu tư 100% vốn cho ngân hàng quốc doanh, xử lý kịp thời và có hiệu quả đối với các khoản nợ xấu. Thực hiện công khai hoá, thiết lập chế độ tài vụ, thống kê, kiểm toán... theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thực hiện nới lỏng lãi suất và chế độ để thị trường quyết định tỷ giá tiền tệ. Mô hình quản lý tiền tệ chuyển từ chế độ phân ngành sang chế độ quản lý đa ngành, nâng cao hiệu quả tiền tệ, thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới sau khi kết thúc thời kỳ quá độ WTO. Xây dựng thị trường huy động vốn trực tiếp, nhất là nhanh chóng thiết lập thị trường cổ phiếu quy mô nhỏ giành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường pháp chế, quy phạm thị trường tiền tệ theo quy luật của kinh tế thị trường.

- Đối với ngành dịch vụ thông tin

Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, khống chế chặt chẽ hạn ngạch đầu tư và lĩnh vực đầu tư nước ngoài vào ngành thông tin, tăng cường khả năng tự bảo vệ của doanh nghiệp trong nước, từng bước thực hiện đổi thị trường lấy kỹ thuật, ngăn chặn hiện tượng chảy máu chất xám, thất thoát nhân tài...

- Đối với thu hút đầu tư nước ngoài

Trung Quốc đang ở vào thời kỳ giữa của công nghiệp hóa, đầu tư và tích lũy vốn là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Do đó, một mặt nỗ lực duy trì quy mô đầu tư nước ngoài, mặt khác tích cực hướng dẫn đầu tư nước ngoài và nỗ lực thực hiện 3 thay đổi lớn đối với nguồn vốn FDI: a) Từ thu hút vốn đơn thuần, chuyển sang chú trọng thu hút kỹ thuật tiên tiến, quản lý hiện đại hóa và thu hút nhân tài; b) Từ chú trọng thu hút công nghiệp gia công, chuyển sang thu hút công nghệ - kỹ thuật cao mới; c) Từ chỉ chú trọng lợi dụng thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp, chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài và liên doanh tập trung vào lĩnh vực dịch vụ thương mại. Đồng thời tranh thủ tiếp nhận chuyển dịch ngành nghề hiện đại, đẩy nhanh điều chỉnh cơ cấu và nâng cấp ngành nghề trong nước, nhanh chóng thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

- Bồi dưỡng nhân tài toàn diện

Nhân tài toàn diện là người tinh thông ngoại ngữ, mậu dịch quốc tế, tri thức tiền tệ quốc tế và luật pháp quốc tế. Trong công tác bồi dưỡng nhân tài, không chỉ bồi dưỡng trong nhà trường, mà tiến hành bồi dưỡng chuyên môn cho chủ quản doanh nghiệp cao cấp. Cạnh tranh quốc tế chính là cạnh tranh nhân tài, trong thời gian tới sẽ có nhiều công ty xuyên quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc. Với tiền lương cao và các điều kiện phúc lợi khác, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ thu hút nhân tài chuyên nghiệp do Trung Quốc đào tạo. Chảy máu chất xám, thất thoát nhân tài gây bất lợi cho Trung Quốc, do đó không chỉ đào tạo nhân tài, mà còn phải tìm cách giữ nhân tài. Trong điều kiện kinh tế thị trường, để giữ nhân tài, cần phải tạo môi trường và điều kiện công tác, đãi ngộ tiền lương và phúc lợi thích đáng, đặc biệt là phải “giữ nhân tài bằng tình cảm”. Mặt khác phải tạo điều kiện ưu đãi, như ưu đãi vay vốn và nhà ở, đãi ngộ tiền lương cao... tích cực thu hút lưu học sinh Trung Quốc học tập ở nước ngoài về nước phục vụ và lập nghiệp. Về công tác này, không những chỉ có Nhà nước, mà chính quyền các địa phương và doanh nghiệp cũng phải cùng chung sức thì mới đạt hiệu quả tốt.

- Chỉnh đốn, giữ vững kỷ cương thị trường

Xây dựng môi trường thị trường thống nhất, mở cửa và cạnh tranh công bằng, sau khi kết thúc thời kỳ quá độ cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chống chủ nghĩa bảo hộ địa phương và phong tỏa khu vực dưới mọi hình thức. Ban hành văn bản pháp quy cấm thực thi phong tỏa khu vực trong hoạt động kinh tế thị trường và quy phạm và chỉnh đốn trật tự kinh tế thị trường. Tiếp tục cải cách ngành độc quyền, thông qua phương thức cải tổ và sáp nhập, tiến hành cải cách một số ngành độc quyền truyền thống như dầu mỏ, điện lực, điện tín, đường sắt... xóa bỏ thế độc quyền, xây dựng cơ chế cạnh tranh và tăng cường thực lực của doanh nghiệp.

- Chọn khâu đột phá trong điều chỉnh cơ cấu kinh tế

+ Điều chỉnh cơ cấu ngành nghề. Căn cứ vào nhu cầu thị trường, tập trung điều chỉnh cơ cấu sản phẩm nông nghiệp, nhanh chóng phát triển chăn nuôi và thủy sản, nâng cao trình độ và hiệu quả chế biến nông sản phẩm. Đối với ngành công nghiệp, cần phải nhanh chóng cải tổ và cải tạo, phát triển ngành kỹ thuật cao lấy kỹ thuật thông tin làm mũi nhọn. Đối với ngành dịch vụ, trọng điểm là nhanh chóng phát triển ngành dịch vụ, mở rộng tổng lượng, tối ưu hóa kết cấu, mở rộng lĩnh vực và nâng cao trình độ ngành dịch vụ;

+ Đẩy nhanh điều chỉnh cơ cấu vùng. Tiếp tục đẩy nhanh thực hiện Chiến lược đại phát triển miền Tây, khuyến khích nước ngoài đầu tư vào một số ngành cơ sở và xây dựng kết cấu hạ tầng của khu vực miền Tây, như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, giao thông, năng lượng, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển du lịch...;

+ Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu sở hữu. Nhanh chóng phát triển doanh nghiệp tư doanh, doanh nghiệp hợp doanh với nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm cho kinh tế công hữu và kinh tế phi công hữu thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.

- Đổi mới mạnh mẽ chức năng quản lý của Chính phủ

Đẩy nhanh cải cách chế độ phê duyệt hành chính, giảm bớt cửa ải phê duyệt, nâng cao hiệu suất và tăng cường độ minh bạch trong phê duyệt. Tập trung bồi dưỡng tổ chức môi giới trung gian xã hội. Ngành dịch vụ môi giới hiện đại, như Hiệp hội ngành nghề, Thương hội, Hội Kế toán và Hội Luật sư... là những tổ chức tham dự quan trọng vào hoạt động kinh tế thị trường. Do đó, Chính phủ cần phải tiến hành thanh lý và chỉnh đốn toàn diện tổ chức môi giới trung gian, chuyển đổi tổ chức môi giới trung gian xã hội thành tổ chức xã hội độc lập và trung lập. Thúc đẩy xây dựng Chính phủ Điện tử, nâng cao độ minh bạch của chính sách, xúc tiến công khai sự vụ chính phủ, thúc đẩy xây dựng nền pháp trị, cải thiện quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân ./.

 

NGUYỄN NHÂM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sunand Sen (Đỗ Sáng lược thuật), Nền tài chính Trung Quốc sau khi gia nhập WTO, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Số 4, năm 2007 (cập nhật 28/5/2007).

2. Báo cáo Diễn đàn Kinh tế BacNgao, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Trường Đại học Kinh tế Thương mại Đối ngoại Trung Quốc, 11/2006.

3. Thời báo Tiền tệ Trung Quốc, 11/2006.

4. Nhật Vy, Sức ép lên Trung Quốc sau khi vào WTO ngày càng tăng, VietnamNet, Cập nhật 4/11/2006.

5. Nhật Vy, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cứu WTO, VietnamNet, Cập nhật 26/7/2006.

 

 

 

 

0thảo luận