Trang chủ

LỊCH SỬ TÔN GIÁO NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:18 | Danh mục: Ấn Phẩm

LỊCH SỬ TÔN GIÁO NHẬT BẢN

Tác giả: Sueki Fumihiko

Dịch giả: TS. Phạm Thu Giang, Hiệu đính: TS. Phạm Hồng Thái

Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2011, 315tr.

Kí hiệu: Vv1988

Việt Nam và Nhật Bản được coi là hai nước cùng thuộc cùng Đông Á, cùng nằm trong vùng văn hóa Hán, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Trung Hoa. Về tôn giáo, cả Việt Nam và Nhật Bản đều tiếp thu Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo… chủ yếu từ cái nôi là văn minh Trung Hoa. Vì vậy người ta thường dễ dãi cho rằng, giữa hai nền văn hóa này có nhiều nét tương đồng và có thể lấy văn hóa của nước mình để làm quy chuẩn khi nhìn nhận văn hóa nước kia. Điều này xảy ra cả ở Việt Nam và Nhật Bản, khi mà sự giao lưu văn hóa đa phần mới diễn ra ở bề nổi và vẫn còn ít những công trình nghiên cứu thực sự về xã hội, lịch sử, văn hóa được giới thiệu.

Cuốn sách này được dịch từ trước tác của nhà nghiên cứu Sueki Fumihiko, có thể nói là chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng tôn giáo hiện nay. Trong cuốn sách, tác giả đã khắc phục được nhược điểm chỉ chuyên sâu về một mảng nào đó của giới nghiên cứu Nhật Bản, “Lịch sử tôn giáo Nhật Bản hiện nay” của Giáo sự Sueki Fumihiko không chỉ uyên thâm về tư tưởng của giới Phật giáo Nhật Bản suốt từ thời cổ đại đến hiện đại, mà còn nghiên cứu sâu sắc cả về các nhà tư tưởng Thần đạo, Đạo giáo, Nho giáo, Quốc học, Cổ học… Hơn nữa, ông còn thường xuyên trao đổi học thuật với các chuyên gia quốc tế, nên đã có được cách nhìn tổng thể, khách quan, vượt lên trên tư duy đặc hữu thường thấy của các nhà nghiên cứu ở một đảo quốc ưu hướng nội. Điều này đã được thể hiện trong những đánh giá táo bạo của ông về vai trò của từng tôn giáo ứng với từng thời kỳ. Những đánh giá này đã vượt qua những “kiến giải khoa học quyền uy” vốn có, đưa ra những cách nhìn nhận mới trên cơ sở lập luận chặt chẽ và tạo cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu trẻ.

Cuốn sách gồm 4 phần với những nội dung như sau:

Phần I: Các vị thần và sự thâm nhập của Phật giáo (thời cổ đại). Gồm 3 chương:

Chương 1: Thế giới các vị thần

Chương 2: Thần và Phật

Chương 3: Sự phát triển của các hình thức tín ngưỡng phức hợp

Phần II: Sự triển khai lý luận về về Thần Phật (thời trung thế). Gồm 3 chương:

Chương 4: Thế giới Phật giáo Kamakura

Chương 5: Thần Phật và đời sống tinh thần thời Trung thế

Chương 6: Cuộc tìm kiếm nguyên lý

Phần III: Thế tục và tôn giáo (thời cận thế). Gồm 3 chương:

Chương 7: Thiên chúa giáo và sự sùng bái đấng cầm quyền

Chương 8: Tôn giáo trong xu hướng thế tục hóa

Chương 9: Thần đạo và chủ nghĩa dân tộc

Phần IV: Cận đại hóa và tôn giáo (thời cận đại). Gồm 3 chương:

Chương 10: Thần đạo quốc gia và các tôn giáo

Chương 11:Tôn giáo và xã hội

Chương 12:Tôn giáo Nhật Bản hiện nay

Có thể nói, tinh túy của cuốn sách nằm ở chương cuối cùng, bởi ở đó thể hiện được những đúc kết cũng như những thử nghiệm mới trong tư tưởng của một học giả uyên thâm. Sự chưa hoàn thiện của chương này cũng đồng thời là sự gợi mở cho tư duy của độc giả.

Cuốn sách chính là món quà quý, là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về đât nước Nhật Bản và đặc biệt là nghiên cứu về tôn giáo Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận