Trang chủ

HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ BẮC BỘ VIỆT NAM VỚI LUẬT LÀNG KANTO NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:13 | Danh mục: Ấn Phẩm

HƯƠNG ƯỚC LÀNG XÃ BẮC BỘ VIỆT NAM VỚI LUẬT LÀNG KANTO NHẬT BẢN

Tác giả: Vũ Duy Mền, Hoàng Minh Lợi

In tại Công ty in Lao động – xã hội, Hà Nội, 2001, 488 trang

Kí hiệu: Vv892

Nông dân, nông nghiệp, nông thôn là đề tài rất phong phú, đa dạng và lý thú, có sức thu hút mạnh mẽ các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Ngay từ khi mới thành lập, Viện sử học đã coi đây là một mảng đề tài quan trọng cần đi sâu tìm hiểu.  Năm 1977-1978, trên cơ sở kết quả hai cuộc hội thảo lớn về làng xã, Viện Sử học cho xuất bản hai tập Nông thôn Việt Nam trong lịch sử. Sau đó, cùng với không ít luận văn về đề tài nông dân, nông nghiệp, nông thôn chủ yếu được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện sử học tiếp tục cho xuất bản một số công trình khác. Đến nay, Viện cho xuất bản tác phẩm Hương ước làng xã Bắc Bộ Việt Nam với luật làng Kanto Nhật Bản của tác giả Vũ Duy Mền và Hoàng Minh Lợi. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần như sau:

Phần thứ nhất: Hương ước làng xã Bắc Bộ - Việt Nam. Trong phần này, các tác giả cho rằng, là sản phẩm văn hóa độc đáo của làng xã người Việt, hương ước có nguồn gốc từ tục dân xuất hiện do tác động khách quan và do nhu cầu tự thân của làng xã… Hương ước giống như bộ luật riêng của làng nhằm đảm bảo tính chất tự quản, tự trị có mức độ để duy trì trật tự và sự ổn định của làng xã trước mọi biến động xã hội. Gồm 4 chương:

Chương 1: Khái quát về nguồn tài liệu nghiên cứu hương ước – thuật ngữ và văn bản

Chương 2: Nguồn gốc và điều kiện xuất hiện hương ước trong làng xã

Chương 3: Nội dung chủ yếu của hương ước

Chương 4: Vai trò hương ước trong đời sống làng xã

Phần thứ hai: Nội dung chủ yếu của luật làng vùng Kanto – Nhật Bản. Ở đây, các tác giả giới thiệu nội dung của Luật làng vùng đồng bằng Kanto, Nhật Bản. Luật làng là những quy định về nhiều mặt thuộc đời sống làng xã mà mọi người dân phải tuân theo.Gồm 6 chương:

Chương 1: Họp làng và trách nhiệm đối với các loại tô thuế

Chương 2: Các công việc chi phí trong làng và sự hợp tác cộng đồng

Chương 3: Hệ thống trật tự nông nghiệp

Chương 4: An ninh trật tự và sự trừng phạt

Chương 5: Dân sự và kiện cáo – kiềm chế kinh tế và sự tiết kiệm

Chương 6: Lễ hội và đạo đức

Phần thứ ba: Những nét tương đồng và sự khác nhau giữa hương ước với luật làng. Trong đó các tác giả so sánh những nét tương đồng và sự khác nhau giữa Hương ước và Luật làng. Các tác giả cho rằng, tính chất tự quản, tự trị là sự tương đồng và là đặc trưng của Hương ước và Luật làng. Còn sự khác nhau căn bản giữa chúng là ở mức độ của tính chất pháp chế. Gồm 2 chương:

Chương 1: Những nét tương đồng của hương ước và luật làng

Chương 2: Sự khác nhau giữa hương ước và luật làng

Với những nội dung nêu trên, đây là một cuốn sách nghiên cứu tương đối hệ thống về Hương ước các làng xã Bắc Bộ, một vùng đất cổ xưa của Việt Nam có sự so sánh đồng đại với Luật làng ở Kanto Nhật Bản. Các nhận xét và quan điểm mà các tác giả nêu lên, dù còn có thể trao đổi, thảo luận, song là những đóng góp rất đáng trân trọng vào việc nghiên cứu về nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam và Nhật Bản. Cuốn sách là tài liệu vô cùng bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

 

0thảo luận