Trang chủ

HỢP TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – ĐÀI LOAN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ ĐÔNG Á

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:12 | Danh mục: Ấn Phẩm

HỢP TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – ĐÀI LOAN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP KINH TẾ ĐÔNG Á

Tác giả: Ngô Xuân Bình chủ biên

Nhà xuất bản Lao động xã hội, Hà Nội, 2007, 262tr.

Kí hiệu: Vv1557

Năm 2007, Quỹ Tài trợ Chang Chingkuo của Đài Loan và Viện Khoa học xã hội Việt Nam cùng với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức Hội thảo quốc tế mang tên “Hợp tác kinh tế Việt Nam – Đài Loan trong bối cảnh hội nhập kinh tế Đông Á”. Cuốn sách này được kết cầu thành 2 phần tiếng Anh và tiếng Việt, tập hợp 15 bài tham luận của các tác giả trong Hội thảo. Từ bài 1 đến 5 đề cập đến tình hình hiện tại và những đặc điểm của khu vực Đông Á, tập trung vào ASEAN+3, APEC. Lợi ích và những thách thức đối với hội nhập kinh tế trong khu vực. Đồng thời cũng thảo luận về các nhân tố bên trong và bên ngoài tác động đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan. Gồm những bài tham luận sau:

Hội nhập Đông Á và những tác động của nó tới quan hệ kinh tế Việt Nam – Đài Loan của tác giả Ngô Xuân Bình

Những nhân tố tác động đến quan hệ giữa Việt Nam và Đài Loan của tác giả Hồ Việt Hạnh

Vai trò của Trung Quốc trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Đài Loan của tác giả Phạm Thái Quốc

Quan hệ EU- ASEAN và những ảnh hưởng của nó tới quan hệ Việt Nam – Đài Loan của tác giả Nguyễn Quang Thuấn

Việt Nam – Đài Loan gia nhập WTO: những cơ hội, thách thức và triển vọng của quan hệ kinh tế Việt Nam – Đài Loan của tác giả Võ Hải Thanh

Từ tham luận thứ 6 đến 12, các tác giả tập trung phân tích sâu sắc những đặc điểm, thành quả và triển vọng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan. Điều này cho thấy, Đài Loan thường là đối tác số 1 có vốn đầu tư cao nhất và nằm trong số 10 thị trường lớn nhất ở Việt Nam. Quan hệ đầu tư thương mại với Đài Loan đã có đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Những tham luận này giải thích Đài Loan và Việt Nam có thể đạt được những thành tựu tuyệt vời như thế nào trong hợp tác kinh tế thông qua FDI và thương mại. Quan hệ thương mại giữa hai nước đã gia tăng nhanh chóng và mang lại hiệu quả tích cực cho cả hai bên, đặc biệt là Việt Nam. So với đầu tư và thương mại, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chưa đạt được kết quả như mong muốn, do vậy, chúng ta cần tìm ra giải pháp để nhanh chóng phát triển lĩnh vực quan trọng này.

Tham luận thứ 13 đến 15 tập trung phân tích một vài khía cạnh trong quan hệ kinh tế quốc tế của Đài Loan và đây cũng là một nhân tố quan trọng trong việc tạo ra môi trường mới cho quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Các bài tham luận gồm:

Vài nét về chính sách kinh tế đối ngoại của Đài Loan của tác giả Phạm Thị Xuân Mai

Quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan và tác động đối với quan hệ kinh tế Việt Nam – Đài Loan của tác giả Nguyễn Thanh Bình

Quan hệ đầu tư, thương mại Đài Loan – ASEAN của tác giả Trần Hoàng Long và Dương Văn Lợi

Như vậy có thể thấy, cuốn sách là một sản phẩm khoa học rất nghiêm túc, là thành quả tuyệt vời của các tác giả sau khi đã thảo luận kỹ lưỡng tại Hội thảo. Đây là tài liệu vô cùng bổ ích nhất là đối với các nhà nghiên cứu về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận