Trang chủ

KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC XÚC CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:15 | Danh mục: Ấn Phẩm

KINH NGHIỆM GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC XÚC CỦA NHẬT BẢN

 

Nguyễn Duy Dũng Chủ biên.

Tập thể tác giả: Nguyễn Duy Dũng, Trần Mạnh Cát, Trần Thị Nhung, Phạm Thị Xuân Mai, Phan Cao Nhật Anh, Hoàng Vọng Thanh.

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 2007, 235 trang.

Kí hiệu: Vv1563

Những năm 1990 được coi là “thập kỷ mất mát” khi mà nền kinh tế Nhật Bản rơi vào vòng xoáy của suy thoái kéo dài. Những khó khăn về kinh tế được coi là nguyên nhân chủa yếu tác động đến các lĩnh vực khác, đặc biệt Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội gay gắt trong bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp và khó lường trước. Vậy nội dung chủ yếu của những biến đổi xã hội đó là gì? Nhật Bản đối mặt với những vấn đề xã hội nóng bỏng và đã có những giải pháp chính sách nào? Thành công, hạn chế và những kinh nghiệm của họ trong giải quyết vấn đề này ra sao? Những vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản sẽ xảy ra trong thời gian tới như thế nào?… Đó là những câu hỏi lớn đặt ra cần được nghiên cứu phân tích một cách đầy đủ. Để đáp ứng phần nào nhu cầu của bạn đọc về vấn đề này, tập thể tác giả Viện nghiên cứu Đông Bắc Á cho ra đời cuốn “Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản”.

Cuốn sách có bố cục ba chương:

Chương I: Khái quát những biến đổi xã hội chủ yếu của Nhật Bản từ năm 1990 đến nay.

Trong chương này, tác giả phân tích những biến đổi chủ yếu của xã hội Nhật Bản trong những năm 1990 đến nay. Từ đó làm rõ những nội dung cơ bản của các vấn đề xã hội giai đoạn này. Đặc biệt, các vấn đề đó được xem xét trong mối quan hệ với sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá…không chỉ hiện tại mà còn so sánh với các giai đoạn trước. Trên cơ sở đó đưa ra những quy luật có tính phổ biến cũng như những nét đặc thù trong quá trình chuyển từ xã hội hậu công nghiệp sang xã hội thông tin với nền kinh tế thị trường ở mức độ cao như Nhật Bản hiện nay.

Chương II: Chính sách giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản.

Chương này tập trung phân tích các chính sách của Chính phủ Nhật Bản để giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc ở các nội dung chủ yếu là chính sách xã hội, chính sách dân số và việc làm, chính sách gia đình và phụ nữ, mở rộng, điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách đảm bảo xã hội.

Chương III: Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản và một số dự báo chủ yếu.

Chương này tập trung nêu bật những kinh nghiệm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc của xã hội Nhật Bản như coi trọng những tác động khách quan của bối cảnh quốc tế và trong nước, chính sách xã hội không thể tách rời điều kiện chung, nhất là kinh tế, vấn đề đầu tư tài chính và đào tạo nhân lực, tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và Nhật Bản trong lĩnh vực này…Đồng thời nêu lên một số dự báo chủ yếu về những vấn đề xã hội bức xúc của Nhật Bản trong thời gian tới trên một số nội dung như dân số, hệ thống đảm bảo xã hội, người già và giáo dục.

Với 235 trang, cách trình bày logic, dễ hiểu, cuốn sách là công trình khoa học phân tích những biến đổi chủ yếu và các vấn đề xã hội nóng bỏng mà Nhật Bản đã và đang đối mặt, chính sách của Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực này và triển vọng. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích. Nó cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay và trong thời gian tới.

Thực hiện Hà Thị Hậu

 

0thảo luận