Trang chủ

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA NHẬT BẢN THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

Đăng ngày: 20-04-2012, 12:55 | Danh mục: Ấn Phẩm

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA NHẬT BẢN THỜI KỲ SAU CHIẾN TRANH LẠNH

 

Tác giả: Ngô Xuân Bình chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, 430 trang

Có thể nói Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo ra một diện mạo mới cho các quan hệ quốc tế, ở đó tồn tại nhiều xu hướng mang tính đa dạng, phụ thuộc lẫn nhau, bổ sung cho nhau và thậm chí đối lập và loại trừ nhau. Đặc biệt là các xu hướng đó được thể hiện rõ nét trong các quan hệ song phương và đa phương; trong các quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh quốc tế. Tuy nhiên cơ sở của những xu hướng này không phải là tình hình căng thẳng nảy sinh từ sự đối đầu của hai hệ thống như thời kỳ trước những năm 90; nói cách khác chính sự chuyển dịch của thế giới “hai cực” đối lập sang một thế giới đa cực mang tính chất cạnh tranh và hợp tác đã tạo ra một môi trường quốc tế mới ẩn chứa nhiều những cơ hội và không ít những thách thức.

Nhật Bản là một trong số không nhiều các quốc gia thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của họ nhằm thích nghi với sự biến đổi của tình hình quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Để đáp ứng một phần nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu các đặc điểm và những xu hướng chủ yếu trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, cũng như chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia đã cho xuất bản cuốn “Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh”. Nội dung của cuốn sách gồm 7 chương như sau:

Chương I: Cơ sở của sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản sau Chiến tranh Lạnh. Trong đó tác giả tập trung phân tích những nhân tố bên ngoài như toàn cầu hóa, khu vực hóa, quyền lực kinh tế dường như trở nên quan trọng hơn quyền lực quân sự, quan điểm “cộng đồng Thái Bình Dương mới” của Mỹ và các yếu tố trong nước như tình hình kinh tế, già hóa dân số, tình hình chính trị không ổn định.

Chương II: Những đặc điểm chủ yếu trong điều chỉnh chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Ở đây, tác giả đi sâu vào các khía cạnh như Đa phương hóa chính sách đối ngoại và giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ; Tăng cường hợp tác an ninh với Hoa Kỳ trong bối cảnh mới; Vấn đề an ninh khu vực Đông Á và điều chỉnh chính sách của Nhật Bản; Thách thức từ Trung Quốc và đối sách của Nhật Bản; Điều chỉnh các quan hệ với Nga; Thách thức từ Bán đảo Triều Tiên và chính sách của Nhật Bản; Thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN; “Toàn cầu hóa” tài trợ (ODA) và ưu tiên cho Châu Á; Gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản trong các thể chế và tổ chức hợp tác đa phương.

Chương III: Quan hệ Mỹ - Nhật. Trong đó tác giả đề cập đến quan hệ ngoại giao, quan hệ an ninh và quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Chương IV: Quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc. Trong chương này tác giả đưa ra những phân tích từ khía cạnh an ninh và quan hệ kinh tế trong quan hệ Nhật – Trung thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh đó, tác giả trình bày khái quát chung về quan hệ Nhật – Trung hướng tới thế kỷ XXI. Những nhạy cảm bất ổn định và các yếu tốc tạo sự ổn định trong quan hệ Nhật - Trung thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và cùng bước sang thế kỷ XXI.

Chương V: Quan hệ Nhật Bản – ASEAN và NIEs Châu Á. Tác giả trình bày khái quát về chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với các nước ASEAN và NIEs Châu Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh. Những khó khăn thách thức của sự phát triển quan hệ Nhật Bản – ASEAN và NIEs Châu Á.

Chương VI: Quan hệ Nhật Bản – EU. Trong đó tác giả đề cập đến quan hệ Nhật Bản – EU trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và chính sách của Nhật Bản với EU thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh.

Chương VII: Quan hệ Nhật Bản – Nga. Tác giả nêu lên lịch sử quan hệ Nhật – Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũng như quan hệ Nhật Bản – Nga sau Chiến tranh Lạnh trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh – quân sự và kinh tế - thương mại.

Thông qua 430 trang, văn phong trình bày logic và dễ hiểu, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những thông tin khá toàn diện và sâu sắc giúp bạn đọc tìm hiểu và nghiên cứu các đặc điểm và những xu hướng chủ yếu trong quá trình điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh cũng như quan hệ của Nhật với một số nước và khu vực chủ yếu. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận