Trang chủ

CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI

Đăng ngày: 20-04-2012, 12:44 | Danh mục: Ấn Phẩm

CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN TRONG THẬP NIÊN ĐẦU THẾ KỶ XXI

Tác giả: Phạm Quý Long chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2009, 230 trang

Khu vực Đông Bắc Á hiện nay đang ngày càng chứng tỏ là một khu vực nhạy cảm về chính trị và năng động về kinh tế. Đặc biệt, một số nền kinh tế trong khu vực có vai trò và ảnh hưởng rõ rệt đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Trong xu thế hoà dịu về chính trị, giảm thiểu đối đầu quân sự, gia tăng hội nhập và liên kết kinh tế giữa các quốc gia, kể cả nội vùng và ngoại vùng, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ắt cũng sẽ nằm trong vòng ảnh hưởng của xu thế đó, dù rằng mức độ ảnh hưởng có thể được người ta nhận biết trên nhiều mức độ khác nhau.

Những năm gần đây, cùng với những thay đổi nhanh chóng cả trên khía cạnh chính trị và kinh tế ở Bán đảo Triều Tiên nói riêng, ở khu vực Đông Bắc Á nói chung, bản thân Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng phải nhìn nhận lại về tính tất yếu khách quan của sự hội nhập quốc tế, của trào lưu chuyển đổi cơ chế thị trường và họ đã chủ động hơn trong việc thúc đẩy chương trình cải cách kinh tế của mình. Nhằm đưa ra thực trạng và phân tích những động thái gần đây của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, TS Phạm Quý Long đã cho ra đời cuốn sách “Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong thập niên đầu thế kỷ XXI”. Cuốn sách gồm 4 chương với nội dung sau:

Chương 1: Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong bối cảnh khu vực thập niên đầu thế kỷ XXI. Trong chương này, tác giả trình bày vài nét về nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và đặc điểm khu vực Đông Bắc Á thập niên đầu thế kỷ XXI.

Chương 2: Kinh tế. Trong đó, tác giả trình bày tổng quan về kinh tế của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Đánh giá lại sự phát triển kinh tế của nước này từ sau 1945 đến trước khủng hoảng 1990. Phân tích khủng hoảng kinh tế giữa những năm 1990 và tiến trình cải cách kinh tế, đồng thời đưa ra một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết.

Chương 3: Chính trị, an ninh và đối ngoại. Trong chương này, tác giả tập trung phân tích sự củng cố vị trí người lãnh đạo tối cao trong hệ thống chính trị; việc đảm bảo an ninh quốc gia bằng phát triển vũ khí hạt nhân; cuộc khủng hoảng hạt nhân và tiến trình giải quyết cũng như bước đột phá khai thông quan hệ với Mỹ của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Chương 4: Văn hoá - xã hội. Trong đó, tác giả trình bày thực trạng đời sống văn hoá tinh thần cũng như đời sống xã hội của người dân ở Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Với 230 trang, lối văn phong mạch lạc, khoa học, dễ hiểu, tác giả đã trình bày và phân tích khái quát về thực trạng của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong thập niên đầu thế kỷ XXI. Trên cơ sở đó, đưa ra những đánh giá cũng như đặt ra một số giả thiết khác nhau cho việc dự báo xu hướng vận động chủ yếu của nước này. Cuốn sách thực sự là tài liệu bổ ích cho bạn đọc, góp phần tích cực vào việc tìm hiểu Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - một đối tác truyền thống của Việt Nam.

 

Thực hiện Hà Thị Hậu

0thảo luận