Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Tình hình kinh tế - chính trị của Đài Loan* năm 2023”

Đăng ngày: 26-09-2023, 17:16 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 25/9/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Tình hình kinh tế - chính trị của Đài Loan năm 2023” do các cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và Vùng lãnh thổ Đài Loan” trình bày. TS.Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành chủ trì tọa đàm, cùng sự tham dự của toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tọa đàm khoa học “Tình hình kinh tế - chính trị của Đài Loan* năm 2023”

Hình ảnh buổi tọa đàm

 

Đài Loan với sự phát triển ấn tượng của nền kinh tế, đã trở thành một nhân tố quan trọng trong cả khu vực và trên trường quốc tế. Tuy nhiên, năm 2023 đang đặt ra nhiều thách thức mới đáng chú ý mà Đài Loan phải đối diện. Tọa đàm “Tình hình kinh tế - chính trị của Đài Loan năm 2023” được tổ chức với mục tiêu cung cấp cái nhìn sâu rộng về những biến đổi quan trọng và thách thức mà Đài Loan đang phải đối mặt trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bờ eo biển, cũng như tình hình chính trị thế giới ngày càng phức tạp.

Tọa đàm được nghe báo cáo đầu tiên của TS. Trần Thị Duyên về “Tình hình kinh tế Đài Loan 8 tháng đầu năm 2023”. Báo cáo đã tổng quan về tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế Đài Loan và đưa ra một số dự báo triển vọng năm 2023. Tiếp theo, ThS. Phan Thị Diễm Huyền trình bày báo cáo về “Tình hình chính trị Đài Loan 8 tháng đầu năm 2023”. Báo cáo phân tích về bối cảnh khu vực và thế giới, tình hình chính trị Đài Loan năm 2023 và đưa ra một số nhận xét, đánh giá.

Tọa đàm khoa học “Tình hình kinh tế - chính trị của Đài Loan* năm 2023”

Hai báo cáo viên tại buổi tọa đàm

 

Sau khi nghe báo cáo, PGS.TS Phạm Hồng Thái đã đánh giá cao về nội dung. Hiện nay, chính sách của Trung Quốc với Đài Loan ngày càng “cứng rắn”. Trong hai năm qua, Trung Quốc thể hiện ý chí muốn thống nhất Đài Loan không chỉ trong “tuyên bố” mà còn bằng hành động thực tiễn như các cuộc tập trận trên biển. Điều này gây ra sự e ngại cho các đối tác kinh tế của Đài Loan. Quốc Dân Đảng và Dân Tiến Đảng là hai đảng đối lập lớn nhất ở Đài Loan. Câu hỏi đặt ra là liệu Dân Tiến Đảng có tiếp tục chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 2024.

PGS.TS. Phạm Quý Long chia sẻ, để bài cáo cáo về kinh tế được tốt hơn, diễn giả ngoài việc phân tích các đặc điểm, khuynh hướng của giai đoạn đó, nên tiến hành so sánh với các dấu mốc của cùng kỳ năm trước. Cần phân tích thêm các chỉ số kinh tế vĩ mô, làm rõ bức tranh kinh tế của Đài Loan. Đồng thời, báo cáo nên đề cập đến tình hình hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan.

Trả lời câu hỏi của các học giả, ThS. Phan Thị Diễm Huyền cho biết, hiện nay nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức của Dân Tiến Đảng vẫn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử ở Đài Loan. Thất bại của Dân Tiến Đảng trong cuộc bầu cử địa phương năm 2022 một phần do Đảng này đã đánh giá sai về cử tri khi tuyên bố muốn “thoát Trung độc Đài” trong khi Quốc Dân Đảng tập trung vào vấn đề an sinh xã hội, nhà ở cho người dân. Vì vậy sau khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức cũng có những phát ngôn mềm mỏng hơn về mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong chính sách tranh cử của mình. Tuy nhiên, cuộc bầu cử sẽ vẫn còn nhiều tình huống khó đoán định.

TS.Trần Hoàng Long cho rằng, những thông tin và phân tích từ các diễn giả và bình luận của các chuyên gia đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thách thức và triển vọng mà Đài Loan phải đối mặt trong thời điểm quan trọng này. Tình hình chính trị Đài Loan và mối quan hệ với Trung Quốc đang có những biến đổi quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2024 và căng thẳng giữa hai bờ leo thang. Những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ Đài Loan mà còn cả khu vực Đông Á và thế giới. Về kinh tế, chúng ta đã nhận thấy rằng Đài Loan cũng đang phải đối mặt với một loạt thách thức và cơ hội. Tọa đàm đã mở ra nhiều câu hỏi và cơ hội để tiếp tục nghiên cứu và thảo luận sâu hơn.

*Chú thích: “Đài Loan” trong bài là gọi tắt của “Vùng lãnh thổ Đài Loan”

 

Kiều Dung

0thảo luận