Trang chủ

Tọa đàm khoa học “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây”

Đăng ngày: 25-09-2023, 10:10 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 22/9/2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi tọa đàm khoa học “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây” do các cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản trình bày. TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành chủ trì tọa đàm, cùng sự tham dự của toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tọa đàm khoa học “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây”

Hình ảnh buổi tọa đàm

 

Năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã không ngừng mở rộng trong 50 năm qua và đây cũng là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, tích cực, năng động nhất giữa hai nước. Hiện tại, Nhật Bản là đối tác kinh tế lớn hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Nhật Bản ở Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác, giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt được những dấu mốc quan trọng. Theo đó, số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giữ tốc độ tăng nhanh nhất trong số các quốc gia có du học sinh đang theo học tại quốc gia này. Tọa đàm nhằm nhìn lại những dấu mốc chính trên chặng đường 50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tìm hiểu những yếu tố thúc đẩy sinh viên Việt Nam đi du học cũng như thực trạng của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Tọa đàm khoa học “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây”

Hai báo cáo viên tại buổi tọa đàm

 

Tọa đàm đã được nghe TS.Đỗ Thị Ánh trình bày báo cáo “Nhìn lại chặng đường 50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản” và ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh trình bày báo cáo “Tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây”.

Trong phần thảo luận, TS. Trần Hoàng Long cho rằng, chủ đề của tọa đàm rất thiết thực, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Hiện nay số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản rất lớn. Tuy nhiên, vấn nạn trộm cắp của du học sinh tại Nhật Bản đang diễn ra rất nhức nhối. Điều này làm xấu đi hình ảnh người Việt trong mắt nhân dân Nhật Bản.

Tọa đàm khoa học “50 năm quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản những năm gần đây”

Các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm

 

PGS.TS Phạm Hồng Thái phát biểu, về thương mại, Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm G7 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, từ đó Nhật Bản không ngừng mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam. Trước đây, vấn đề đặt ra lớn nhất giữa hai nước là thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở đi, cán cân thương mại đã dần được cân bằng. Về đầu tư, mặc dù quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản rất phát triển, viện trợ ODA nhiều, nhưng tiềm năng hợp tác chưa xứng tầm với quan hệ kinh tế của hai nước. Về vấn đề du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, ấn tượng về người Việt Nam trong mắt nhân dân Nhật Bản rất xấu do số lượng các vụ trộm cắp ngày càng nhiều. Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp nhanh chóng để giải quyết vấn đề này.

TS.Ngô Hương Lan cho rằng bài phát biểu của TS. Đỗ Thị Ánh đã khái quát được trọng tâm mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong suốt 50 năm vừa qua. Còn bài phát biểu của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng có nhiều điểm đáng quan tâm. Chế độ thực tập sinh Nhật Bản được mở ra vào năm 1992 nhằm hỗ trợ cho các nước đang phát triển bằng cách chọn lọc người lao động từ những nước đang phát triển để đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn, chế độ này không hề theo đúng tiêu chí ban đầu Chính phủ Nhật Bản đề ra, mà trở thành hình thức tuyển dụng lao động giá rẻ. Phần lớn các du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản để học tiếng nên yêu cầu đầu vào thấp, hầu như chỉ cần tốt nghiệp THPT. Số lượng lớn các du học sinh đến từ các tỉnh nông thôn miền Bắc và miền Trung, mục tiêu của họ vừa học tiếng vừa đi làm thêm kiếm tiền. Tuy vấn nạn trộm cắp của du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản rất nhức nhối, nhưng đó chỉ là một số lượng nhỏ so với hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc cần cù, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản. Vì vậy, Việt Nam cũng nên có kiến nghị để truyền thông Nhật Bản không nên tập trung vào các vụ trộm cắp mà cũng cần đưa tin về lực lượng người Việt Nam đang làm việc chăm chỉ trong các nhà máy công xưởng của Nhật Bản.

Buổi tọa đàm đã làm rõ sự phát triển đáng kể của quan hệ kinh tế và giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 50 năm qua, cũng như nhấn mạnh những thách thức cần phải vượt qua để duy trì và củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Trong những năm tới, sự hợp tác giữa hai nước dự kiến sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa với nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ trong kinh tế và giáo dục mà còn trong chính trị-an ninh, văn hóa, khoa học-công nghệ… Buổi tọa đàm cũng đã làm nổi bật những thách thức cần giải quyết như vấn đề trộm cắp của du học sinh. Chính phủ và cộng đồng du học sinh cần hợp tác để tạo ra một môi trường học tập và làm việc tích cực, đồng thời cải thiện hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người dân Nhật Bản.

 

Kiều Dung

0thảo luận