Trang chủ

60 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM - MÔNG CỔ

Đăng ngày: 29-01-2015, 09:03 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, GS. TS. Batbold Enkhtuvshin

TS. Trần Quang Minh,  PGS. TS. Dorj Shurkhuu đồng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, 286 trang

Kí hiệu: Vv2602

Trải qua 60 năm từ khi Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước luôn được duy trì và phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tình hình khu vực Đông Bắc Á ngày càng có nhiều biến động, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ. Đến nay, hai nước Việt Nam và Mông Cổ đã ký kết nhiều hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Ủy ban liên Chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật được thành lập từ năm 1979, đã tổ chức được 15 kỳ họp và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Về lĩnh vực khoa học, hai cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam và Mông Cổ là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ (MAS) cũng đã ký kết Hiệp định hợp tác nghiên cứu và có các hoạt động thăm viếng, trao đổi học thuật, phối hợp nghiên cứu chung giữa hai bên. Hai viện nghiên cứu thuộc hai Viện Hàn lâm là Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á của VASS và Viện Nghiên cứu Quốc tế của MAS cũng ký kết văn bản hợp tác nhằm cụ thể hóa các nội dung đã thống nhất giữa hai bên.

Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng các công trình nghiên cứu khoa học về Mông Cổ tại Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, chưa có công trình nghiên cứu nào khái quát, đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ về quan hệ Việt Nam - Mông Cổ. Do đó, các nhà khoa học của VASS và MAS cùng hợp tác nghiên cứu và xuất bản cuốn sách “60 năm quan hệ Việt Nam - Mông Cổ” nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Những năm đầu thiết lập quan hệ ngoại giao (1954-1960). Ở đây các nhà khoa học đã đi sâu phân tích và làm rõ tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ. Trong đó, phân tích quan hệ chính trị; quan hệ kinh tế, thương mại; quan hệ văn hóa, giáo dục; quan hệ nhân đạo giữa hai nước. Đặc biệt trong phần này đã đưa ra hai bài viết của học giả Mông Cổ về đất nước Việt Nam, đó là “Đất nước Việt Nam trong trái tim tôi” và “Ký sự về sự kiện 55 năm về trước”.

Chương 2: Quan hệ Việt Nam - Mông Cổ trong thời kỳ chiến tranh Lạnh (1960-1989). Trong chương này, ngoài việc phân tích về quan hệ chính trị, quan hệ kinh tế, thương mại, quan hệ văn hóa, khoa học, giáo dục và quan hệ nhân đạo giữa hai nước, một số bài viết của học giả Mông Cổ như “Thành quả của những nỗ lực”, “Số phận của đời tôi là gắn bó với Việt Nam”, “Thời tuổi trẻ của tôi ở Việt Nam”, cũng như các bài viết của học giả Việt Nam như “Năm nhiệm kỳ công tác ở Mông Cổ của tôi”, “Lần đầu đến Mông Cổ” cũng được trình bày.

Chương 3: Quan hệ Việt Nam - Mông Cổ trong thời kỳ đổi mới (1990-2000). Cũng tương tự như hai chương trước, các tác giả tập trung phân tích quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và nhân đạo. Đồng thời dẫn chứng qua một số bài viết của các học giả Mông Cổ về đất nước Việt Nam.

Chương 4: Quan hệ Việt Nam - Mông Cổ hiện nay (2000-2014). Tương tự, các tác giả đi sâu phân tích quan hệ hai nước trên khía cạnh chính trị, kinh tế, thương mại, quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Mông Cổ, quan hệ văn hóa, giáo dục và nhân đạo cũng như trình bày một số bài viết của các học giả Mông Cổ và Việt Nam.

Chương 5: Triển vọng quan hệ Việt Nam - Mông Cổ. Trong chương này các tác giả nhấn mạnh đến một số đặc trưng nổi bật trong quan hệ giữa hai nước. Phân tích triển vọng quan hệ song phương thông qua một số tổ chức như Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam; Trung tâm Việt Nam học của Mông Cổ; Hội Thương mại, Hợp tác Mông Cổ - Việt Nam; Hội người Việt Nam tại Mông Cổ.

Với những nội dung trên, các tác giả đã khái quát, đánh giá, nhìn nhận một cách khá đầy đủ về quan hệ Việt Nam - Mông Cổ trên các lĩnh vực. Đây là nguồn tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Mông Cổ. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận