Trang chủ

NỀN HÀNH CHÍNH VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA NHẬT BẢN, VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:25 | Danh mục: Ấn Phẩm

NỀN HÀNH CHÍNH VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA NHẬT BẢN, VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC

 

Tác giả: Dương Phú Hiệp và Nguyễn Duy Dũng chủ biên

In tại xí nghiệp in Thủy Lợi, Hà Nội, 1996, 184 trang

Kí hiệu: Vv389

Hiện nay trên thế giới sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ tin học đã và đang tác động mạnh mẽ đến quy trình quản lý xã hội, nền kinh tế thị trường đang ngày càng mở rộng, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra nhanh chóng, những đòi hỏi mở rộng dân chủ ngày càng tăng lên. Tình hình đó đòi hỏi các nước phải tiến hành cải cách hành chính ở những mức độ khác nhau.

Trong những năm qua Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hành chính. Việc tìm hiểu nền hành chính và cải cách hành chính ở Nhật Bản và Trung Quốc là việc làm rất cần thiết cho sự nghiệp cải cách hành chính ở nước ta.

Hy vọng được đóng góp nhỏ bé vào sự nghiệp đổi mới nói chung và vào cải cách hành chính nói riêng, ngày 20 tháng 3 năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo khoa học theo chủ đề “nền hành chính và cải cách hành chính ở Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của một số viện thuộc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Học viện hành chính quốc gia và Văn phòng Chính phủ. Kết quả của Hội đã được tập hợp lại và trình bày trong cuốn sách “Nền hành chính và cải cách hành chính của Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc”.

Cuốn sách tập hợp 16 bài tham luận của các tác giả tham gia Hội thảo tập trung xoay quanh vấn về nền hành chính và cải cách hành chính ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Chẳng hạn như “So sánh nền hành chính của Nhật Bản và Việt Nam hiện nay” của tác giả Dương Phú Hiệp, “Vài nét về cơ cấu bộ máy hành chính Trung ương Nhật Bản” của tác giả Trần Quang Minh, “Cải cách nền hành chính nhà nước Việt Nam” của tác giả Đoàn Trọng Tuyến, “Cải cách hành chính ở Trung Quốc – nghiên cứu so sánh” của tác giả Nguyễn Huy Quý, “Kinh nghiệm về cải cách hành chính của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” của tác giả Nguyễn Thế Tăng….

Một trong những nội dung quan trọng của Hội thảo là tìm hiểu, đánh giá cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính Nhật Bản. Nhiều tham luận đã tập trung phân tích cơ cấu của Nội các Nhật Bản hiện nay. Bên cạnh đó, để cung cấp thông tin và kinh nghiệm của các nước về cải cách hành chính, một số báo cáo đã đi sâu vào phân tích thực trạng và nội dung cải cách hành chính ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách thông qua việc cung cấp các bài tham luận tại Hội thảo, đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về nền hành chính cũng như cải cách hành chính ở Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Đây là tài liệu khoa học quý báu và bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về nền hành chính và cải cách hành chính để rút ra được bài học và con đường cải cách hành chính đúng đắn cho nước mình.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận