Trang chủ

NHẬT BẢN NĂM 2002: CUỘC CẢI CÁCH VẪN CÒN TIẾP TỤC

Đăng ngày: 20-04-2012, 13:24 | Danh mục: Ấn Phẩm

NHẬT BẢN NĂM 2002: CUỘC CẢI CÁCH VẪN CÒN TIẾP TỤC

 

Tác giả: Nguyễn Duy Dũng, Nguyễn Thanh Hiền chủ biên

Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2003, 200 trang

Kí hiệu: Vv1156

Khi bước vào năm 2001 nhiều người Nhật Bản cảm nhận rằng năm đầu tiên của thế kỷ mới mà họ rất hy vọng, sẽ có một sự khởi sắc bởi đất nước đã được trao vào tay vị Thủ tướng mới, song trên thực tế năm 2001 trôi qua vẫn là một năm “niềm vui ít hơn hơn nỗi buồn”. Rồi người Nhật lại tiếp tục hy vọng vào năm tiếp theo – năm 2002, khi tin rằng đây sẽ là năm chương trình cải cách tổng thể của Thủ tướng Koizumi được triển khai vào cuộc sống và sẽ gặt hái được thành công. Vậy bức tranh tổng thể về năm này có trở nên rực rỡ hơn như mong đợi hay không? Nhật Bản đã đạt được những thành công gì, trên lĩnh vực nào? Những bất cập và yếu kém gì vẫn còn tiếp tục tồn tại? Những rào cản nào được tháo dỡ? Những bức tường chắn nào vẫn chưa thể giải phóng? Liệu Nhật Bản đã tiến gần đến thời điểm đoạn tuyệt với khủng hoảng hay chưa?

Trước những câu hỏi đó, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã đi sâu nghiên cứu và cho ra đời cuốn “Nhật Bản năm 2002: cuộc cải cách vẫn còn tiếp tục”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương với nội dung như sau:

Chương I: Kinh tế Nhật Bản năm 2002. Trong chương này tác giả đề cập đến sự phục hồi kinh tế mỏng manh của Nhật Bản thể hiện qua các khía cạnh đó là sản xuất bấp bênh và không ổn định; hoạt động kinh doanh của các công ty tiếp tục khó khăn và không ổn định; tìm kiếm việc làm khó khăn và thất nghiệp tăng. Tài chính tiền tệ tiếp tục là lĩnh vực nóng bỏng và khó khăn với những biểu hiện như thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp và đồng yên không ổn định; nợ khó đòi và sự yếu kém của ngân hàng; vấn đề ngân sách. Kinh tế đối ngoại của Nhật Bản được đề cập đến như một điểm sáng trong năm 2002 với các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển (ODA), quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Các giải pháp của Chính phủ Nhật Bản như các giải pháp trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ, giảm thuế và tăng phát hành công trái, cải cách cơ cấu kinh tế và công ty.

Chương II: Chính trị Nhật Bản năm 2002. Ở đây, tác giả tập trung vào những vấn đề liên quan đến bộ máy nhà nước như Thủ tưởng, Nội các và Bộ Ngoại giao; những vấn đề liên quan đến chính đảng như các vụ bê bối gắn với Đảng Dân chủ Tự do và những rối ren trong Đảng Dân chủ; những vấn đề liên quan đến sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản.

Chương III: Quan hệ an ninh – đối ngoại của Nhật Bản năm 2002. Với những mối quan hệ chủ yếu như quan hệ Nhật Bản – Mỹ; quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc với những bước phát triển khả quan và những quan điểm bất đồng; quan hệ Nhật Bản – Nga với những bế tắc trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, sự thống nhất trong mục tiêu chống khủng bố và bảo đảm an ninh hòa bình thế giới; quan hệ Nhật Bản với Bán đảo Triều Tiên; quan hệ Nhật Bản – ASEAN tiếp tục tìm kiếm vai trò lớn hơn và vẫn còn nhiều trở ngại khó khắc phục.

Chương IV: Xã hội và văn hóa Nhật Bản năm 2002. Trong đó tác giả đề cập đến những vấn đề về dân số, gia đình và xã hội; những vấn đề về lao động và việc làm; vấn đề đảm bảo xã hội; và những vấn đề nổi bật của văn hóa Nhật Bản trong năm 2002.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách đã phần nào trả lời được những câu hỏi đặt ra ở trên khi tái tạo lại các sự kiện tiêu biểu của Nhật Bản trong năm 2002 trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại – an ninh và văn hóa – xã hội, đồng thời đưa ra những phân tích và đánh giá đối với các sự kiện đó nói riêng cũng như toàn bộ tình hình Nhật Bản nói chung. Cuốn sách là tài liệu thực sự bổ ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về đất nước hoa Anh Đào này.

Thực hiện: Hà Hậu

0thảo luận