Trang chủ

HOẠT ĐỘNG KINH TẾ CỦA NGƯỜI HOA Ở HỘI AN THẾ KỶ XVI ĐẾN XIX

Đăng ngày: 30-09-2014, 03:08 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 7

Hội An là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam, nằm bên bờ bắc sông Thu Bồn, cách Đà Nẵng khoảng 30 km về phía đông nam. Từ cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, do nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, vùng cửa sông có mực nước ăn sâu vào đất liền khoảng 5 km, lại được dãy Cù Lao Chàm trên biển chắn sóng rất an toàn nên cảng thị Hội An rất thuận lợi cho tàu thuyền cập bến và trao đổi hàng hóa. Chính vì vậy, Hội An sớm được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong quan tâm và xây dựng trở thành một đô thị thương nghiệp, thu hút thương thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Trong đó, người Hoa là một trong những thương nhân chính, định cư khá sớm trên mảnh đất Hội An và điều tiết mọi hoạt động kinh tế nơi đây.

1. Quá trình định cư của người Hoa ở Hội An

Quá trình di cư của người Hoa đến Hội An là một quá trình diễn ra liên tục trong suốt nhiều thế kỷ. Đặc biệt là sau những phát kiến địa lý vào cuối thế kỷ 15, các nước Châu Âu hướng ra nước ngoài để tìm kiếm thị trường. Lúc này, Nhật Bản đã thống nhất đất nước và cho phép thương nhân Nhật vượt biển đi giao thương với các quốc gia trên thế giới, phần lớn họ đã tìm đến các cảng thị ở khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Siam (Thái Lan), Philippines, Đại Việt (Việt Nam),...

Còn ở Trung Quốc, lệnh “bế quan tỏa cảng” từ đầu triều đại nhà Minh, cũng được hủy bỏ (1567), tạo điều kiện cho thương nhân Trung Hoa ra nước ngoài buôn bán, đã làm cho hoạt động thương mại trên biển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trở nên sôi động. Lúc này ở Đàng Trong (vùng đất mới khai phá của Đại Việt ở phía Nam), các chúa Nguyễn cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích thương nhân ngoại quốc đến Đàng Trong buôn bán, nhằm phát triển kinh tế và củng cố quyền lực chính trị của mình. Những nhân tố này, cùng với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện cho Hội An sớm trở thành một thương cảng sầm uất, thu hút thương nhân trong nước và quốc tế đến buôn bán.

Để thu hút thương nhân ngoại quốc, chúa Nguyễn cho phép họ được chọn đất, cất nhà, xây dựng đình, chùa, hội quán, và kết quả là nhiều khu phố của thương nhân Trung Hoa và thương nhân Nhật Bản hình thành trên mảnh đất Hội An. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo phong tục, tập quán của mình. Năm 1618, giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đến Đàng Trong, ông viết khá rõ về Hội An thời bấy giờ: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”(1).

Giữa thế kỷ 17, ở Trung Quốc, người Mãn lật đổ nhà Minh, lập nên nhà Thanh, và bắt buộc nhân dân trong toàn quốc phải cạo tóc, thắt bím, ăn mặc như người Mãn. Đến năm 1661, Thanh triều lại ban bố lệnh “cấm hải”, “di huyện dời dân” nên dân chúng ở Sơn Đông, Hà Bắc, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông và các hải đảo phải di dời vào đất liền cách bờ biển từ 15 đến 20 km. Chính những biến động này, đã đưa các di thần triều Minh cùng với tầng lớp thương nhân, thợ thủ công, tù nhân, dân nghèo,... rời bỏ quê hương ra nước ngoài làm ăn sinh sống. Những đợt di cư này đưa họ đến các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Hội An. Được phép của chúa Nguyễn, họ định cư và hòa nhập vào đời sống của những người Hoa đến trước, hình thành nên những tổ chức làng xã của cộng đồng người Hoa ở Hội An.

Ngày 18/8/1695, thương nhân người Anh là Thomas Bowyear đến Hội An, ông đã phác thảo diện mạo phố xá Hội An: “nằm cách biển 3 dặm, có một đường phố chạy dọc theo bờ sông, hai bên có hai dãy nhà khoảng chừng 100 nóc, toàn là người Hoa ở”(2). Cùng năm, thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán cũng đến Hội An, ông miêu tả: “Thẳng bờ sông, một con đường dài 3, 4 dặm gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh)”(3).

Cộng đồng người Hoa ở Hội An lúc bấy giờ thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, phần lớn họ là những đình thần quan lại, tướng lĩnh, chính khách, địa chủ, thương gia, sĩ phu, thầy thuốc, thầy địa lý, thầy đồ, thương buôn, thợ thủ công,… Họ thường tập trung ở phố, mở các cửa hàng để kinh doanh buôn bán.

2. Hoạt động kinh tế của người Hoa ở Hội An thế kỷ 17 - 19

2.1. Về ngoại thương

Từ cuối thế kỷ 16, Hội An đã là một trong những thương cảng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các con đường giao thương quốc tế trên biển nổi danh lúc bấy giờ như “con đường tơ lụa”, “con đường hương liệu”, “con đường gốm sứ”... Thương thuyền từ Trung Hoa, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Siam, Campuchia,... đổ xô đến buôn bán. Hàng hóa từ khắp các miền nam, bắc, từ cao nguyên đến biển khơi, và từ nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia khác đều đổ về (hoặc trung chuyển qua) Hội An, biến nơi đây thành một “vựa hàng” khổng lồ của Đàng Trong và cả khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, các thương nhân Trung Hoa sinh sống ở Hội An hoặc ở chính quốc đều muốn khai thác nguồn lợi này. Cho nên, những hoạt động kinh tế của họ đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của cảng thị Hội An

Khoảng nửa đầu thế kỷ 17, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của chính phủ Nhật Bản nên người Nhật ở Hội An suy giảm dần, lúc này thương nhân Trung Hoa tận dụng sự sa sút của người Nhật nên tràn sang khu vực cư trú của người Nhật trước đây và dần dần làm chủ thị trường thương mại ở thương cảng Hội An. Thuyền buôn của họ không chỉ “tung hoành ngang dọc” trên khắp các vùng biển của Đại Việt mà còn vươn đến nhiều cảng thị ở khu vực Đông Nam Á. Ngày 18/8/1695, thương nhân người Anh là Thomas Bowyear đến Hội An, ông thấy: “Các thuyền mua (đem đến Đường Trong) từ Quảng-Đông: tiền đúc được lãi rất nhiều, cũng như hàng tơ lụa hoa các kiểu, lĩnh lụa, đồ gốm Trung Quốc, chè, kẽm, thủy ngân, nhân sâm, long não và các vị thuốc khác; từ Xiêm: lá trầu không, gỗ đỏ (dùng để nhuộm), sơn, xà cừ, ngà voi, thiếc, chì, gạo; từ Campuchia: thư hoàng (dùng làm thuốc vẽ), cánh kiến trắng, sa nhân, sáp, sơn, xà cừ, gỗ đỏ, nhựa thông, da trâu, da và gân hươu, ngà voi, sừng tê v.v…; từ Ba-ta-vi-a: bạc, bạch đàn, trầu không, vải cát bá đỏ và trắng, thuốc màu đỏ; từ Ma-ni: bạc, diêm sinh, gỗ đỏ, vỏ sò, thuốc hút, sáp, gân hươu. Còn “Đường Trong” bán ra: vàng, sắt, tơ và hàng dệt như lĩnh, lụa… kỳ nam, trầm hương, đường, đường phèn,… yến sào, hạt tiêu, bông…”(4).

Theo một số nhà nghiên cứu, từ năm 1647 - 1720, trong vòng 83 năm đã có 203 thuyền của thương nhân Trung Hoa khởi hành từ thương cảng Hội An đến Nhật, chiếm 30% tổng số thương thuyền của Hoa thương từ các nước ở khu vực Đông Nam Á đến Nhật: Đàng Ngoài 63 chiếc; Campuchia 106 chiếc; Siam 138 chiếc; Malacca 8 chiếc; Jakata 90 chiếc;…(5). Con số trên chỉ cho chúng ta thấy số thương thuyền của Trung Hoa từ Hội An đến Nhật trong một giai đoạn nhất định, nếu chúng ta có một thống kê chính xác và đầy đủ về tổng số thuyền buôn của Hoa thương từ Trung Quốc hàng năm đến Hội An, và từ Hội An về Trung Quốc; tàu Trung Quốc từ các nước ở khu vực Đông Nam Á đến Hội An và ngược lại; và cả những tàu thuyền của thương nhân Trung Hoa từ Hội An đến các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới hoặc ngang qua biển Đông đã ghé vào Hội An mua bán, tích trữ lương thảo, nước ngọt, thì con số đó chắc hẳn là rất lớn. Bên cạnh đó, lượng hàng họ đem đến và mang đi là bao nhiêu thì khó có thể thống kê được.

Đến thế kỷ 18, Hội An vẫn là nơi tập trung hàng hóa của cả khu vực và người Hoa vẫn là một trong những thương nhân chính, điều phối mọi hoạt động thương mại ở cảng thị Hội An. Theo lời một thương gia họ Trần, người Quảng Đông thì số lượng hàng hóa từ khắp nơi đổ về Hội An ngày càng phong phú: “Những thuyền từ vùng Sơn-Nam trở về (Sơn Nam tức vùng Nam-Định), người ta chỉ mua được một món hàng-hóa là củ-nâu mà thôi. Thuyền từ kinh-thành Thuận-Hóa về, cũng chỉ mua được một thứ hàng là vị hồ tiêu mà thôi. Còn thuyền từ miền Quảng-Nam về, thì trăm thứ hàng hóa, thứ gì cũng có. Các thuyền từ các phiên-bang trở về, cũng không có nhiều hàng-hóa bằng thuyền từ Quảng-Nam về. Đại-phàm những hóa-vật được sản xuất từ các phủ Thăng-hoa, Điện-bàn, Qui-nhân, Quảng-nghĩa, Bình-khang cùng dinh-sở Nha Trang, chỗ thì người ta chuyên chở hàng hóa bằng thuyền theo đường thủy, hay chở bằng ngựa theo đường bộ, đều đổ xô dồn về phố cổ Hội-An cả. Ở nơi đây, vì các khách buôn Trung Quốc đều tới mua hàng đưa về Tàu, nên buổi trước hàng hóa rất nhiều, dẫu có 100 chiếc thuyền lớn chuyên chở hàng hóa trong một lúc cũng không thể chở hết được”(6).

Để tăng lợi nhuận, người Hoa tiến hành mua tận gốc, bán tận ngọn. Bên cạnh các cơ sở đại lý buôn bán giao dịch tại phố, thương nhân Hoa kiều còn đặt trạm thu mua lâm hải sản tận các địa phương chuyên sản xuất, khai thác các mặt hàng mà họ cần như: trầm hương, sừng tê giác, ngà voi, xương hổ, gỗ; các hải sản có giá trị như ngọc trai, đồi mồi, ốc hương, yến sào, xà cừ, hải sâm, đường, tiêu, vàng, đá quí, hổ phách,… và cử bà con trong tộc đến trông nom, phụ trách. Hiện nay ở một số địa phương trong tỉnh Quảng Nam như Tam Kỳ, Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên,… vẫn còn dấu vết của các tộc họ Minh Hương, mà trước đây những nơi này từng là điểm thu mua hàng từ vùng cao chuyển xuống, từ hai miền Nam -Bắc để chuyển về cảng thị Hội An. Một số gia đình người Hoa ở tận Quảng Ngãi, Bình Định, Huế, vẫn còn lưu giữ gia phả cho rằng trước đây, ông bà của họ từng là một trong những người đại diện thu mua hàng cho các thương nhân người Hoa ở Hội An.

Do có những thuận lợi về ngôn ngữ, tài ngoại giao và khả năng làm kinh tế nên một số thương nhân người Hoa ở Hội An được chúa Nguyễn giao nhiều trọng trách như: quản lý Ty Tàu vụ ở cảng thị Hội An, làm quan Cai bộ tàu để kiểm soát tàu thuyền nhập cảng, xuất cảng, thu thuế, cân đo, định giá hàng hóa, làm phiên dịch,… Năm 1750, Robert Kirsop của công ty Đông Ấn Anh tới Hội An đã nhận xét: “Đại đa số công chức là con cháu của nạn dân Trung Quốc, chạy loạn qua đấy, từ hồi đại lục bị người Thanh chiếm cứ”(7). Cho đến thời Tây Sơn, người Hoa vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thương nghiệp, xây dựng lực lượng và hậu cần của quân đội. Trong bản kê khai dân đinh xã Minh Hương ở Hội An năm 1788 hiện còn lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An thì một số người Hoa đã từng nắm giữ các chức vụ chủ chốt dưới thời Tây Sơn như: Tây Sơn Công bộc Đô đốc lý chiến tàu Mỹ Thiện hầu Lý Mỹ; Thuộc Nội cai bộ Ty Tàu vụ Lộc Đình hầu Hứa Hiến Thụy; Thuộc Nội cai cơ Thuần Miên hầu Trương Thuần Đức; Thuộc Nội khâm sai cai đội Tri Lễ hầu Thái Tri Lễ; Thuộc Nội cai phủ tàu Tại Đức bá Trương Cảnh Tại.

Các Hoa thương còn được triều đình nhà Nguyễn ủy nhiệm mua một số mặt hàng quý như thuốc Bắc, kinh sách, đồ sứ, các loại giấy, vải vóc, thuốc nhuộm màu, đồ mỹ nghệ ở Trung Hoa, Nhật Bản, Siam, Indonesia, Philippines,… Trong các văn bản của xã Minh Hương vào đầu thế kỷ 19 cho biết, một số thương gia người Hoa ở Hội An đã được triều đình Huế cử ra kinh đô để nhận chức “phố hộ” phụ trách việc buôn bán. Sự kiện này cho thấy vai trò của thương gia Hoa kiều trong việc phát triển cảng thị Hội An và một số thị tứ khác ở Đàng Trong trong những thế kỷ trước.

2.2. Về dịch vụ

Cùng với ngoại thương, một số hoạt động kinh tế khác liên quan đến thương nghiệp như dịch vụ cho thuê cửa hàng, cho thuê nhà trọ, cho thuê đất, cho vay lấy lãi, đóng bao bì, dịch vụ giấy tờ, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí… của người Hoa cũng rất thịnh hành.

Những thương nhân người Hoa thường mua đất ở vùng ven Hội An như Cẩm Phô, Thanh Hà, sau đó cho người dân địa phương thuê để canh tác. Còn trong nội thị phố Hội, họ xây dựng nhiều ngôi nhà để làm khách sạn hoặc cho những người Hoa mới từ đại lục sang thuê làm kho chứa hàng hoặc mở cửa kinh doanh hàng buôn bán. Những ngôi nhà này chủ yếu là nhà một tầng, hai tầng, hoặc một tầng có gác, được bố trí không gian nội thất hợp lý cho việc ăn, ở, sinh hoạt, thờ tự, làm kho chứa hàng, mở cửa hàng. Giữa thế kỷ 18, Pière Poivre đến Hội An, ông thấy ở đây “có rất nhiều khách sạn cho thuê, bao nhiêu cái cũng được. Những nhà to nhất thường cho thuê 100 đồng bạc trong suốt mùa mua bán”.

Ngoài ra, người Hoa còn tham gia vào hoạt động kinh doanh mua bán bất động sản. Ghi chép trong các sổ điền địa của người Hoa vào cuối thế kỷ 18 cho biết, đất của xã Minh Hương vào thời gian này có khoảng 11 mẫu, 1 sào, 7 thước ruộng đất tư. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, con số này đã tăng lên 30 mẫu, 8 sào, 11 thước, 1 tấc, trong đó đa phần là đất tư điền, tư thổ. Như vậy, dưới tác động của quá trình đô thị hóa và cơ chế thị trường, một số thương gia giàu có đã chuyển nhượng, mua bán đất đai của các làng ven Hội An thành đất riêng của cá nhân mình. Nó càng chứng tỏ có một thị trường buôn bán bất động sản rất phát triển ở Hội An trong những thế kỷ trước.

Ngoài ra, các thương nhân Bồ Đào Nha khi đến Hội An buôn bán, họ không thành lập thương điếm, phần vì họ thiếu người, phần vì không thông hiểu ngôn ngữ của cư dân địa phương nên họ sử dụng đội ngũ Hoa thương vào công việc trung gian, môi giới, hoặc làm đại diện cho công ty để giao thương với người bản xứ. Bởi các Hoa thương vốn thông thạo ngôn ngữ và họ có vợ người Việt nên nắm rõ nhu cầu của thị trường cũng như nguồn hàng của Đàng Trong.

2.3. Về thủ công nghiệp

Bên cạnh đó, một bộ phận cư dân người Hoa còn sinh sống bằng các nghề thủ công như: thợ đóng tàu thuyền, thợ đúc đồng, thợ bạc, làm muối, chế biến thực phẩm, làm đồ gốm, làm nhà, chế tác nông cụ, thợ dệt lụa. Hàng năm, một số thợ thủ công người Hoa được chính quyền trung ương huy động vào việc đóng tàu chiến, làm doanh trại, sửa chữa cung điện, nấu nướng,…

Những người Hoa thông thạo nghề trồng dâu nuôi tằm thì xây dựng các cơ sở dệt lụa dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn. Họ tiếp nhận một số người Việt vào trong cơ sở sản xuất; và để trả ơn sự giúp đỡ của chính quyền sở tại, một số người Hoa đã truyền kỹ thuật sản xuất lụa trơn và lụa hoa lại cho người Việt, góp phần phát triển nghề dệt ở Quảng Nam. Năm 1688, nhà thám hiểm Anh là W. Dampier trên đường đến Đàng Ngoài, ông được nghe một vài tin tức về những người dân Trung Hoa chạy loạn đến Quảng Nam: “Bọn nạn dân Trung Quốc này là những kẻ từ đại-lục trốn ra hải ngoại vào dịp người Tartares (người Thanh) chinh phục Trung Quốc. Vì họ được người bản xứ hoan nghênh, vả lại trong bọn họ có nhiều thợ công nghệ nên họ vui lòng truyền dạy các môn công-nghệ có ích cho các tướng quân mà họ đã nhờ cậy đến”(8). Chính sự giúp đỡ tận tình của thợ thủ công Hoa kiều, làm cho nghề dệt ở một số địa phương như: Gò Nổi, Phong Thử, Thanh Quýt (Điện Bàn), Duy Xuyên, Đại Lộc,… trong tỉnh Quảng Nam phát triển. Bên cạnh những vải thô bền chắc, họ còn dệt nhiều loại vải sợi nhỏ mịn, các thứ the đoạn, lụa là hoa hòe, tinh xảo chẳng kém gì tơ lụa được sản xuất từ Trung Quốc. Chính nguồn tơ lụa được sản xuất ở Quảng Nam nên giá thành hạ hơn so với tơ lụa đem từ Trung Quốc đến, thuận tiện trong việc vận chuyển đến các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nên đã đem lại cho các thương nhân Trung Hoa nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Trong những thế kỷ trước, người Hoa ở Hội An còn xây dựng nhiều lò nấu đường dọc theo hai bên bờ sông. Năm 1633, những thương gia người Hoa đã chở bốn ghe đường với tải trọng 76.205 kg rời bến Hội An để đến Nhật Bản. Đến thế kỷ 18, người Hoa vẫn nhập về Trung Quốc hơn 150 lít đường trắng từ Hội An mỗi năm và thu lợi nhuận khoảng 400% từ mặt hàng này. Năm 1822, người Hoa chở từ Hội An khoảng 1.000 - 3.000 tấn đường đến Trung Hoa và khoảng 250 tấn được chở tới các căn cứ của người Châu Âu ở eo biển Malacca. Tuy nhiên, dưới thời Tây Sơn, do chiến tranh tàn phá kéo dài nhiều năm, nên việc sản xuất bị đình trệ, sản lượng đường làm ra chỉ hơn số tiêu thụ ở trong nước một ít. Nên thời gian này, việc mua bán đường đối với thương nhân Trung Hoa giảm sút nghiêm trọng(9).

2.4. Về nghề làm thuốc và chữa bệnh

Nghề làm thuốc và chữa bệnh của người Hoa ở Hội An cũng rất thịnh hành, họ mở nhiều hiệu buôn thuốc Bắc khá lớn và có những thầy thuốc giỏi. Cách bốc thuốc, chữa bệnh của họ khác so với người phương Tây nhưng đạt hiệu quả cao, trong khi một số bệnh các thầy thuốc Châu Âu không chữa khỏi thì họ khám và chữa hết một cách dễ dàng. Cristophoro Borri đã nhận xét: “Còn về thầy thuốc và cách chữa các bệnh nhân, tôi phải nói là có rất nhiều, người Bồ cũng như người bản xứ, và người ta thường thấy nhiều bệnh vô danh và các thầy thuốc châu Âu không chữa được thì đã được khám phá và được các lương y bản xứ chữa khỏi một cách dễ dàng. Không ít lần các thầy thuốc người Bồ đã chê một bệnh nhân, coi như xong rồi, thế nhưng bệnh nhân này sẽ được chữa lành một cách dễ dàng nếu gọi được một lương y bản xứ”(10).

Mỗi khi tàu buôn từ đại lục sang, họ thường mua lại sâm, nhung, tam thất… dùng để sử dụng hoặc bán lại cho thương nhân phương Tây và các khu vực lân cận. Họ thu mua các loại dược liệu quí của Đàng Trong như: quế, sa nhân, thảo quả, đậu khấu, gạc nai, mật gấu… để bán cho tàu buôn nước ngoài. Thuốc Bắc mua ở Thuận Hóa không có thì người ta tìm mua ở đây(11).

Người Hoa là một trong những bộ phận cư dân đến định cư và sinh sống ở Hội An từ rất sớm. Những hoạt động kinh tế của họ đã góp phần tích cực thúc đẩy nội thương và ngoại thương ở cảng thị Hội An phát triển, tạo cơ sở cho quá trình hình thành khu phố thương nghiệp Hội An. Đây là một trong những khu phố thương nghiệp đầu tiên của Việt Nam do người Hoa nắm độc quyền buôn bán./.

VÕ VĂN HOÀNG
(Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng)

(1) Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích) Thành phố Hồ Chí Minh1998, tr 92.

(2) Nguyễn Quốc Hùng, “Vài nét về di tích trong khu phố cổ Hội An”, Văn hóa Nghệ thuật 8 (1998), tr 42.

(3) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự (Huế: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu - Viện Đại học Huế, 1963), tr 154.

(4) Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi đầu thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX (Hà Nội: Sử học, 1961), tr 227.

(5) Trần Kinh Hòa, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, Việt Nam khảo cổ tập san, 1 (1960), tr 1-30, 101.

(6) Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Tập 2, (Lê Xuân Giáo dịch) (Sài Gòn: Ủy ban Dịch thuật - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, 1973), tr 72-73.

(7) Trần Kinh Hòa, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, Đại học, 5.

(8) Trần Kinh Hòa, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An”, Đại học, 5.

(9) Li Tana, Xứ Đàng Trong. Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Nguyễn Nghị dịch) (Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ, 1999), 121.

(10) Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch và chú thích) (Thành phố Hồ Chí Minh, 1998), 92.

(11) Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự (Huế: Ủy ban Phiên dịch Sử liệu - Viện Đại học Huế, 1963), 154.

0thảo luận