Trang chủ

XÃ HỘI TRUNG QUỐC TRONG QUÁ TRÌNH TRỖI DẬY VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 16-10-2013, 16:58 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Hoàng Thế Anh chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2013, 351 trang

Kí hiệu: Vv 2510

 

Sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, kinh tế phát triển nhanh chóng đã làm cho sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc không ngừng tăng lên. Ở một chừng mực nào đó, Trung Quốc đã thực sự trỗi dậy và có tầm ảnh hưởng nhất định đến thế giới. Nhìn vào biểu hiện của sự trỗi dậy của Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng thấy được là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, tổng lượng kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tiềm lực quân sự ngày càng lớn mạnh, sức mạnh mềm không ngừng được tăng lên… Nhưng đằng sau sự trỗi dậy này mức độ phát triển xã hội như thế nào là một nhân tố quan trọng có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Việt Nam là nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa hiện nay, Việt Nam cũng gặp phải các vấn đề Trung Quốc đã và đang trải qua. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá về mức độ phát triển, cũng như những hạn chế trong lĩnh vực xã hội của Trung Quốc tại thời điểm hiện nay, từ đó so sánh đối chiếu với thực trạng phát triển xã hội của Việt Nam để dự báo, cảnh báo những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong những năm tới là việc làm cần thiết.

Xuất phát từ yêu cầu này, đặt sự phát triển xã hội của Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiếp cận nghiên cứu xã hội với nghĩa hẹp, là một nhánh trong tổng thể xã hội lớn của một quốc gia. Coi lĩnh vực xã hội là một trong những thành tố của xã hội lớn, tách rời với kinh tế, văn hóa, chính trị. Trong đó, những lĩnh vực chính trong phát triển xã hội là sự thay đổi kết cấu xã hội, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế… Trên cơ sở nghiên cứu đạt được, TS. Hoàng Thế Anh đã chủ biên cho ra đời cuốn sách “Xã hội Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”. Nội dung cuốn sách được thể hiện trong 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở phát triển xã hội Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI. Trong đó, các tác giả đi vào phân tích 4 cơ sở chính. Thứ nhất, phát triển kinh tế và cải cách theo hướng thị trường lôi kéo sự phát triển xã hội ở Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI gồm cơ cấu dân số và gia đình; thay đổi về cơ cấu tổ chức xã hội; thay đổi về cơ cấu việc làm, cơ cấu phân phối thu nhập và cơ cấu tiêu dùng; thay đổi về cơ cấu phân tầng xã hội; thay đổi về cơ cấu vùng miền; thay đổi về cơ cấu thành thị và nông thôn. Thứ hai, nhân tố chính trị, chính sách phát triển và quản lý xã hội nhằm giữ ổn định và phát triển xã hội của Trung Quốc. Thứ ba, chính sách dân tộc duy trì sự ổn định xã hội. Thứ tư, những vấn đề bất ổn trong xã hội Trung Quốc 10 năm đầu thế kỷ XXI.

Chương 2: Xu thế phát triển xã hội Trung Quốc giai đoạn 2011-2020. Nội dung chính của chương này là phân tích những nhân tố tác động đến xã hội Trung Quốc giai đoạn 2011-2020; dự báo về xu hướng phát triển xã hội Trung Quốc trong giai đoạn này; dự báo về lĩnh vực quản lý xã hội của Trung Quốc giai đoạn 2011-2020.

Chương 3: Dự báo một số vấn đề đặt ra đối với phát triển xã hội Việt Nam trong những năm tới đây. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích xu thế thay đổi kết cấu xã hội của Việt Nam trong những năm tới về cơ cấu dân số, cơ cấu gia đình; về cơ cấu việc làm, cơ cấu phân phối thu nhập và cơ cấu tiêu dùng; về cơ cấu phân tầng xã hội; về cơ cấu thành thị - nông thôn. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra những dự báo phát triển dân sinh ở Việt Nam trong những năm tới về cơ chế chính sách an sinh xã hội; đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách; nguồn quỹ đầu tư và sử dụng cho phát triển xã hội. Đồng thời phân tích những vấn đề đặt ra trong quản lý xã hội đối với Việt Nam cũng như vấn đề dân tộc đặt ra đối với nước ta trong những năm tới.

Trong nội dung cuốn sách, việc nghiên cứu, đánh giá về sự phát triển xã hội Trung Quốc còn được tiếp cận từ góc độ cải cách phát triển tạo nên sự thay đổi xã hội ở Trung Quốc, xã hội chịu ảnh hưởng của hội nhập quốc tế, thay đổi tư duy chính sách, cải cách chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, nội bộ dân tộc. Cuốn sách đã cung cấp những thông tin vô cùng hữu ích cho bạn đọc, nhất là đối với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề xã hội đang đặt ra trong quá trình hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế từ những kinh nghiệm của Trung Quốc hiện nay.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận