Trang chủ

Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế (Nichibunken) tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Đăng ngày: 13-03-2013, 20:40 | Danh mục: Hợp tác quốc tế

Ngày 15/01/2013, Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản quốc tế (tên tiếng Anh: International Research Center for Japanese Studies, tên tiếng Nhật: 国際日本文化研究センター, viết tắt là Nichibunken) đã tới thăm và làm việc, trao đổi tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Tham gia buổi trao đổi có đông đủ cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tại buổi trao đổi, Giáo sư Kuramoto Kazuhiro và Phó Giáo sư Liu Jianhui thay mặt đoàn công tác của Nichibunken đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức cũng như các lĩnh vực nghiên cứu chính của Trung tâm, đồng thời giới thiệu về Khóa đào tạo sau đại học của Nichibunken, Học viện nghiên cứu Tổng hợp (tên tiếng Anh: The Graduate University for Advanced Studies, tên tiếng Nhật: 総合研究大学院大学, viết tắt là Sokendai), các khoa, số lượng giáo sư cũng như kỳ thi tuyển sinh, số lượng nghiên cứu sinh được tuyển hàng năm….

Đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Quốc tế (Nichibunken) tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Nichibunken được thành lập ngày 21 tháng 5 năm 1987 với tư cách là một cơ quan thuộc Hội Liên hiệp các Viện Nghiên cứu Đại học, thuộc Bộ Giáo dục, với mục tiêu nghiên cứu tổng hợp có tính liên ngành và quốc tế về văn hóa Nhật Bản, tiến hành các hoạt động hợp tác, hỗ trợ trong công tác nghiên cứu về Nhật Bản của các học giả khắp thế giới. Từ tháng 4 năm 2004, Nichibunken trực thuộc Các Viện Nghiên cứu về Khoa học xã hội, thuộc Hội liên hiệp các Viện Nghiên cứu Đại học.

Nội dung hoạt động chính của Nichibunken:

1)    Xuất phát từ quan điểm mang tính tổng hợp, liên ngành và quốc tế, Nichibunken tổ chức các hoạt động hợp tác nghiên cứu của các học giả từ rất nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước, tiến hành các công trình nghiên cứu về văn hóa Nhật Bản.

2)    Sự hợp tác nghiên cứu được tổ chức linh hoạt dựa trên cơ sở nghiên cứu khu vực và nghiên cứu trọng tâm.

3)    Trên cơ sở công bố các thông tin nghiên cứu cho các cơ quan nghiên cứu và nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản khắp thế giới, tiến hành hợp tác nghiên cứu.

4)    Thành quả nghiên cứu sẽ được công bố rộng rãi trên khắp thế giới, qua rất nhiều hình thức như hội thảo, diễn thuyết, tạp chí khoa học, sách… bằng tiếng Nhật và tiếng Anh

5)    Thông qua quá trình đào tạo Tiến sĩ ở chuyên ngành nghiên cứu Nhật Bản quốc tế thuộc Khoa nghiên cứu khoa học văn hóa của Sokendai để bồi dưỡng đội ngũ các nhà nghiên cứu Nhật Bản thế hệ tiếp theo. Ngoài ra, hướng dẫn nghiên cứu bằng cách tiếp nhận nghiên cứu sinh, lưu học sinh trong và ngoài nước.

Trong các chuyên ngành của Sokendai, chuyên ngành Nghiên cứu Nhật Bản quốc tế của Sokendai được nhấn mạnh là chuyên ngành được giảng dạy trong môi trường nghiên cứu ưu việt bởi đội ngũ học giả nổi tiếng của Trung tâm, nghiên cứu giáo dục về Văn minh và Văn hóa Nhật Bản mang tính liên ngành và quốc tế, với mục tiêu xa hơn là bồi dưỡng được một lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu rộng khắp thế giới. Điều đặc biệt ở Sokendai là các Nghiên cứu sinh đều được hướng dẫn bởi tất cả các giáo sư của trường, các chuyên đề được đào tạo trong chương trình là “Lý luận cơ sở nghiên cứu Nhật Bản”, “Lý luận nghiên cứu liên ngành”, “Hướng dẫn Luận văn”, chủ yếu đào tạo về phương pháp luận và lý luận “Nghiên cứu Nhật Bản” từ lập trường quốc tế.

Kỳ thi nhập học được tổ chức qua hai vòng, sau vòng thứ nhất xét hồ sơ và nội dung luận văn ở bậc Cao học, những ứng cử viên lọt vào vòng hai sẽ được gọi tới phỏng vấn trực tiếp tại Nichibunken. Mức học phí của Sokendai cũng tương tự như các Viện nghiên cứu Đại học khác, ngoài ra những Nghiên cứu sinh xuất sắc sẽ có cơ hội nhận học bổng, ngoài học bổng của trường, còn có thể tìm nguồn học bổng hỗ trợ của Chính phủ Nhật.

Tại buổi giới thiệu, các Giáo sư của Nichibunken bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp nhận lưu học sinh của Việt Nam, đặc biệt từ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, thi vào Sokendai, trong các khóa học trước đây chưa từng có lưu học sinh người Việt Nam, nên nếu có, đây sẽ là một bước tiến trong công tác nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, góp phẩn tăng cường giao lưu hợp tác văn hóa Việt- Nhật.

Buổi giới thiệu và trao đổi thu hút được sự chú ý và quan tâm của đông đảo các nghiên cứu viên trẻ của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, nhiều câu hỏi về kỳ thi tuyển sinh, chế độ học phí, điều kiện học tập …được gửi tới đoàn Nichibunken, tạo không khí trao đổi học thuật sôi nổi, hứa hẹn bước tiến mới về sau.

Ngoài ra, đoàn Nichibunken và đại diện Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cũng bàn về việc hợp tác tổ chức Hội thảo quốc tế :”Nghiên cứu Nhật Bản - Kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt- Nhật” vào cuối năm 2013, nhằm tăng cường quan hệ giao lưu, thắt chặt tình hữu nghị và hợp tác từ nay về sau giữa hai quốc gia, cũng như giữa Nichibunken và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Thực hiện: Nguyễn Ngọc Phương Trang

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

0thảo luận