Trang chủ

Chuyển đổi số báo chí – thách thức đối với các tạp chí khoa học Việt Nam

Đăng ngày: 29-03-2024, 20:54 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Chuyển đổi số hiện là yêu cầu quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí. Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 348/QĐ-TTg về “Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Chiến lược chuyển đổi số báo chí) với mục tiêu chung là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin truyền thông phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước, dẫn dắt và định hướng dư luận, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới và thuc đẩy ngành công nghiệp nội dung số.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong kỷ nguyên số. Đây là thách thức đối với rất nhiều cơ quan báo chí hiện nay, đặc biệt là với các tạp chí nghiên cứu khoa học. Theo Chiến lược chuyển đổi số báo chí, mục tiêu được đề ra đến năm 2030 là: (i) 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); (ii) 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; (iii) 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số; (iv) các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

Ngày 2/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có Quyết định số 951/QĐ-BTTTT về ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí, theo đó mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được các cơ quan báo chí khai báo và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đánh giá hàng năm theo 42 tiêu chí thuộc 5 trụ cột với tổng số điểm là 100 điểm: (1) Chiến lược: 18 điểm; (2) Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin: 24 điểm; (3) Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn: 20 điểm; (4) Độc giả, khán giả, thính giả: 23 điểm; và (5) Mức độ ứng dụng công nghệ số: 15 điểm. Trong hai đợt tháng 8 (trực tiếp) và tháng 10 (trực tuyến) năm 2023, Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí thuộc Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tập huấn hướng dẫn đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và cấp tài khoản cho 339 cơ quan báo chí hoàn thành đạt yêu cầu để kê khai thông tin đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số năm 2023. Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc năm 2023 được công bố cuối tháng 12/2023, trong số 273 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình (chiếm khoảng 31% tổng số cơ quan báo chí trên toàn quốc; chiếm hơn 85% thị phần người đọc, xem, nghe và chiếm hơn 90% thị phần quảng cáo trên báo đài cả nước) đã triển khai công tác đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí[1], có 3,66% đơn vị đạt mức xuất sắc (trong đó 50% thuộc khối báo chí trung ương) và 63% đạt mức yếu (dưới 50 điểm), tập trung nhiều ở khối tạp chí khoa học (45,35%) và khối báo chí ở trung ương (31,82%)[2]... Trong số các cơ quan báo chí được đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số ở mức tốt (70 đến 80 điểm), số cơ quan báo chí là tạp chí khoa học chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp (4,55%). Tỷ lệ cơ quan báo chí ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất tin bài còn ở mức thấp (ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động chỉ chiếm 12,82%; có ứng dụng hệ thống quản trị nội bộ CMS: 19,78%; có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung: 16,72%)[3]. Kết quả đánh giá ở mức thấp này có thể được giải thích do đây là năm đầu tiên các cơ quan báo chí thực hiện đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số và quan trọng là mức độ trưởng thành qua từng năm ở những năm tiếp theo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong điều kiện hạn chế về nguồn lực đầu tư kinh phí cho báo chí, chuyển đổi số báo chí đối với các cơ quan báo chí nói chung và với khối tạp chí khoa học nói riêng thực sự là quá trình chứa đựng nhiều thách thức.

Hiện nay, có khoảng hơn 400 tạp chí khoa học[4] của các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu… được Hội đồng Giáo sư nhà nước đưa vào danh mục tạp chí tính điểm công trình khoa học quy đổi. Các tạp chí này là diễn đàn của các nhà khoa học, được xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành, đăng tải các nội dung học thuật thuộc một lĩnh vực hàn lâm, khoa học. Đa số các tạp chí khoa học vẫn được xuất bản dưới hình thức truyền thống là tạp chí in. Phần lớn các tạp chí, trong đó có 31 tạp chí thuộc các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách hạn hẹp và ngày càng bị cắt giảm cộng với nguồn thu chính từ việc phát hành cũng trong tình trạng giảm ở nhiều tạp chí khiến các tạp chí gặp nhiều trở ngại trong việc đảm bảo vừa chi cho các hoạt động in ấn, nhuận bút, biên tập, vừa đầu tư cho việc đầu tư ứng dụng công nghệ số vào hoạt động báo chí. Sự quan tâm của các cơ quan chủ quản của các tạp chí khoa học đối với việc đầu tư cho chuyển đổi số hiện còn ở mức thấp. Theo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023, chỉ có 25,27% số cơ quan báo chí tham gia đánh giá được chủ quản bố trí kinh phí cho chuyển đổi số, trong đó tỉ lệ của khối tạp chí khoa học là 0%. Do tính chất hàn lâm và nghiêm cẩn của các tạp chí khoa học, việc đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động như quảng cáo, tổ chức sự kiện… có thể giúp tăng kinh phí hoạt động song lại không phù hợp với các tạp chí này. Bên cạnh đó, con người cũng là vấn đề quan trọng. Ngoài vấn đề chuyên môn, sự đáp ứng của nhân lực làm tạp chí đối với việc sử dụng công nghệ mới là một yếu tố cần quan tâm.

Ngày 28/2/2024, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có Quyết định số 103/QĐ-KHXH về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, theo đó mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là các tạp chí chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án thành lập tạp chí điện tử, các trang thông tin điện tử của tạp chí đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, trao đổi, phổ biến kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và đến năm 2030 tất cả các tạp chí đưa vào hoạt động tạp chí điện tử, các trang thông tin điện tử có giải pháp an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên. Cũng theo kế hoạch này, đến năm 2030, 100% tạp chí được chuyển thành dạng kỹ thuật số, sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ, trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 100% tạp chí áp dụng và vận hành tạp chí theo mô hình tòa soạn hội tụ/mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dụng theo các xu hướng báo chí số… Đạt được các mục tiêu này không phải là điều dễ dàng. Trong số các cơ quan báo chí kê khai thông tin đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số năm 2023[5], có 12 trong số 31 tạp chí thuộc các viện nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài Tạp chí Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh thuộc Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ đạt mức khá và nằm trong top 5 tạp chí dẫn đầu khối tạp chí khoa học tham gia đánh giá, các tạp chí còn lại mặc dù nằm trong số 87 tạp chí khoa học tiên phong thực hiện Quyết định số 981/QĐ-BTTTT ngày 2/6/2023 về ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí đều gặp khó khăn trong việc kê khai số liệu tính điểm đánh giá và đều đạt kết quả thấp.

Chuyển đổi số mang đến những thuận lợi và cơ hội cho các cơ quan báo chí trong việc thay đổi toàn diện các phương thức tổ chức, quản lý, vận hành, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung. Tuy nhiên, những thách thức do nó mang lại cũng không nhỏ trong bối cảnh sự hạn hẹp về ngân sách hoạt động cản trở việc đầu tư cho công nghệ, hạ tầng số. Chuyển đổi số báo chí cần có lộ trình, cần sự vào cuộc và đồng bộ của cả cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, trong đó, thay đổi tư duy và công nghệ làm báo theo xu hướng hiện đại, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ làm tạp chí cũng như hiệu quả hoạt động của tạp chí, đầu tư xây dựng tạp chí điện tử… là những yếu tố đóng vai trò quan trọng.

 

Vũ Mai

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Đắc Hiến, Lê Thị Hoa (Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia), “Chuyển đổi số đối với tạp chí khoa học và công nghệ ở Việt Nam”, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 1/2022, https://vietnamhoinhap.vn/vi/chuyen-doi-so-doi-voi-tap-chi-khoa-hoc-va-cong-nghe-o-viet-nam-45791.htm, truy cập ngày 24/3/2024.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2023), Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 2/6/2023 về ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
  3. Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí, Công bố kết quả đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023, https://pdt.gov.vn/xep-hang, truy cập ngày 2/4/2024.
  4. Trường Thanh, “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - cơ hội và thách thức”, Tạp chí Thông tin và Truyền thông ngày 10/01/2024, https://ictvietnam.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-62475.html, truy cập ngày 1/4/2024.
  5. Đỗ Phong, “63% cơ quan báo chí khảo sát có mức trưởng thành chuyển đổi số yếu”, https://vneconomy.vn/techconnect//63-co-quan-bao-chi-khao-sat-co-muc-truong-thanh-chuyen-doi-so-yeu.htmtruy cập ngày 2/4/2024.
  6. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Quyết định số 103/QĐ-KHXH ngày 28/2/2024 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.


[1] Khối địa phương 59 đơn vị, khối trung ương 67, khối đài 60 và khối tạp chí khoa học 87 đơn vị.

[2] Đỗ Phong, “63% cơ quan báo chí khảo sát có mức trưởng thành chuyển đổi số yếu”, ngày 22/12/2023, https://vneconomy.vn/techconnect//63-co-quan-bao-chi-khao-sat-co-muc-truong-thanh-chuyen-doi-so-yeu.htmtruy cập ngày 2/4/2024.

[3] Đỗ Phong, “63% cơ quan báo chí khảo sát có mức trưởng thành chuyển đổi số yếu”, Tlđd.

[4] Doãn Nhàn, “Hội đồng Giáo sư nhà nước yêu cầu các tạp chí khoa học kê khai, cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung”, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, https://giaoduc.net.vn/hdgsnn-yeu-cau-cac-tap-chi-khoa-hoc-ke-khai-cap-nhat-vao-co-so-du-lieu-chung-post240505.gd.

[5] Tại thời điểm khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chưa ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí.

 

0thảo luận